Thursday, March 11, 2021

QUYỂN SÁCH CHÉP TAY

Trần Duy Phiên 


1.

Một ngày làm cỏ mệt bở hơi tai, tôi vừa vác cuốc về tới nhà, thằng bé hàng xóm đang ôm vở chờ ở hiên.

- Có việc gì không cháu? -Tôi hỏi, lao cuốc vào bụi chuối sát hè.

Thằng bé ngập ngừng, theo tôi vào nhà.

- Cháu có điều không hiểu muốn chú chỉ giúp cho - Nó nói, ngồi xuống chiếc ghế con, mở vở đặt lên giữa hai bắp đùi - Câu này, chú à.... - Ngón tay lấm mực tè ra trên mặt giấy, nó ngẩng mặt nhìn tôi.

- Thì đọc to lên đi! - Đang thay áo bên trong liếp cửa, tôi giục, mình mẩy đang lúc rít rát mồ hôi.

- “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” - Nó lại ngẩng mặt chờ tôi.

Tôi không thèm nhìn theo ngón tay nó nữa. Ba mươi năm trước, tôi đã thuộc nằm lòng. “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, hai câu thơ Đoạn Trường Tân Thanh hiện lên trong trí tôi rõ như hai người đẹp.

- Thúy Kiều, Thúy Vân đó mà! - Tôi cười, bước ra khỏi liếp cửa buồng kéo ghế ngồi bên thằng bé.

- Cháu cũng biết như thế - Nó lại ngước nhìn tôi, ngập ngần - Nhưng thưa chú... Nhưng mà... cái chữ “mai” này này!

Hiểu rõ yêu cầu của thằng bé, tôi giải thích:

- “Mai” ở đây là giống cây có hoa trắng hoặc vàng, ra bông vào độ cuối đông đầu xuân. Thơ biểu tượng, tác giả muốn ví von thân dáng mảnh khảnh của người đẹp như vóc mai khẳng khiu.

Thằng bé khẽ gật đầu, thỏa mãn, vui vẻ ra về. 

 

2.

Thằng bé ra về, tôi bắt đầu buồn bực...

Cũng như mọi người, lớn lên tôi đã cố học lấy một nghề mình yêu thích. Không tính tháng ngày lê la ở mẫu giáo và một vài năm thi cử lận đận, năm năm tiểu học, sáu năm trung học, bốn năm đại học, tôi ra trường làm nghề dạy học.

Đứng lớp, cầm phấn, kiếm sống bằng hơi sức chưa tới mươi năm, tôi đành thôi ngang... Tờ đơn thấm đẫm nước mắt xin nghỉ việc tôi gởi tận tay cha nó. Ngày ấy anh Hoàng vừa ở núi xuống, còn khỏe mạnh, giữ chức hiệu trưởng. Anh quản lý nhà trường như một chính ủy cầm quyền tư lệnh. Anh dồn dập rót vào đầu chúng tôi và buộc chúng tôi giội lên đầu học trò những tràng kế hoạch, phương án, biện pháp, triển khai, tiến công, quán triệt, khẩn trương, theo dõi, bám sát, truy diệt...

Về lớp, chúng tôi không thấy kẻ thù đâu cả, không biết trấn áp ai, thanh toán cái gì! Nhưng vì pháp lệnh, vì nghị quyết, vì chỉ thị... buộc giáo viên và cả học trò phải có thành tích báo cáo. Trước mắt, giáo viên chúng tôi sẽ được vào biên chế, được tiền thưởng cuối năm, may ra còn được xếp loại tiên tiến, hoặc xa hơn, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Giáo viên theo dõi, truy bức nhau, học sinh rình rập bới móc nhau, nghĩa là, từ thầy đến trò bằng cách nào đó phải nhanh chóng tạo ra kẻ thù và biến hắn thành nạn nhân rồi lên mặt góp ý xây dựng. Nhưng góp đâu chẳng thấy chỉ thấy tan, xây đâu chẳng thấy chỉ thấy đổ! Căng quá, bứt. Lương tri là loại đèn không cần năng lượng nào cả. Áo cơm cần nhưng không đủ mặn để muối mặt. Kiến thức cần nhưng không phải chỉ dùng ở nhà trường. Giáo viên lai rai bỏ nghề. Học sinh lả tả bỏ học.

Riêng tôi, ra đi không phải chỉ vì ngần ấy. Cũng như người thợ - coi trọng đồ nghề, giáo viên chúng tôi quý sách. Anh Hoàng truyền một lệnh từ trên xuống tịch thu sách báo đồi trụy. Bí thư chi đoàn cho người tới tận nhà tôi mang giúp hơn một ngàn quyển sách đến trường. Tôi rưng rưng xin anh Hoàng cho giữ lại một số thiết thân, cam đoan đây là những sách báo nghiêm túc dùng để tra cứu. Anh dửng dưng nhìn tôi với ánh mắt lạnh, ngấm ngầm răn đe. Uất ức đến đau tức lồng ngực, nhưng tôi câm lặng đứng nhìn. Hội trường biến thành nơi quy tập, sách báo ném vào tới tấp, un cao như một ngọn đồi. Đã mấy lần vuốt mặt, nước mắt vẫn dẫy tràn, sợ người ta phát hiện, tôi cúi mặt ra hiên, rồi lẳng lặng ra về.

Tuần sau, hội trường trống rỗng, sách báo đã được dọn sạch, chẳng sót một tấm bìa. Một nhân viên văn phòng cho tôi hay đa phần đã được chuyển ra chợ bán ký để người ta gói hàng. Một người khác còn cho hay, ngại lan tỏa nọc độc văn hóa đồi trụy, trước khi đem bán ông Hoàng đã cho thanh lọc thông qua nhãn mác sách và nhà xuất bản rồi đưa đi đốt ngay sau hầm cầu nhà trường. Trong số sách của mình, tôi tiếc thương bộ Larousse, bộ Bách khoa Số học, Sử ký Tư Mã Thiên, bộ tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Léon Tolstoi, Anh em nhà Karamazov của Dostoievsky, toàn tập Đường Thi, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, bộ sưu tầm tranh thời Phục Hưng... và nhất là tập Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du do thầy tôi chép tay bằng chữ Nôm cho tôi - món quà dành riêng cho đứa học trò cưng của mình.

 

3.

Sáng hôm sau thằng bé đến nhà tôi khi trời còn mù sương.

- Chú ơi! - Nó gọi lớn ngay từ ngoài ngõ.

- Gì đấy nữa? - Tôi bước ra hiên, cố dằn giọng cho bớt xẵng.

- Cháu mới đọc tờ báo này... - Nó bước vào, hai tay căng ra trước mặt tôi một trang báo. Đang cho nước vào bình, tôi xoay người cúi xuống. Thằng bé tỏ vẻ lo lắng -Tác giả bài viết này không giải thích như chú.

Nước đổ tràn lan, mắt tôi vẫn không rời những dòng chữ nhỏ như kiến. Tác giả bài này tự đắc phát hiện “mai” trong câu thơ này không phải là loại hoa cảnh, “mai” ở đây là một giống tre. Cơ sở đưa ra để phủ bác cách hiểu cũ là trích hai câu trong bài ca dao lính thú đời xưa.

- “Miếng ăn măng trúc măng mai, những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng” - Thằng bé đọc lớn đoạn văn rồi nhìn tôi chờ đợi.

Trúc, mai, giang, nứa... đều là họ nhà tre. Tôi sinh ra ở Huế, lớn lên, đi vào thì có nhưng đi ra thì chưa. Cây mai tre tôi nào biết mô tê gốc ngọn, nhưng tổ tiên đã đưa vào ca dao kia mà! Cái gì mình không biết không phải nó không có. Ngày ở Huế, tôi chỉ biết tre trúc, tre hóp, tre mày, tre giáo, tre lồ ô, tre ngà, tre mỡ, tre gai, tre vàng... Lên Kontum, tôi biết thêm tre le.

- Cháu đã hỏi mẹ chưa?

- Rồi ạ, nhưng mẹ cháu không biết. Mẹ cháu dạy môn sử. Mẹ bảo cháu qua nhờ chú chỉ cho.

- Thế thầy giáo phụ trách bộ môn?

Nó đứng im lặng, hết gãi tai thì vò đầu. Bóng nắng vào sân. Công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn - bài học nghề mới của tôi. Nghĩ đến rẫy sắn đám khoai, cỏ dại đang theo mưa tranh đất, tôi nói:

- Cháu hỏi thầy giáo ngay đi! Phần chú, chưa biết phải giải thích thế nào cho ổn. Để khi thư thả, chú suy nghĩ, tra cứu lại.

Thằng bé ra về. Tôi hộc tốc vác cuốc qua ngõ, vừa đi vừa nhớ quyển sách của thầy tôi cho.

 

4.

Tôi đang ăn, thằng bé lại đến, đi thẳng vào nhà.

- Thầy giáo mắng cháu là thứ vớ vẩn, giáo khoa là pháp lệnh tại sao không chịu tin theo, không chịu tiếp thu, mà cứ nhong nhong bên ngoài, cuối năm thi rớt sẽ trắng mắt ra.

Tôi vẫn tiếp tục ăn. Nó kéo ghế ngồi bên cạnh, tỉ tê kể lại. Theo thầy giáo, “mai” ở đây là cây mơ, có nơi gọi là môi, quả nhỏ như táo Tàu, thường dùng làm kẹo - kẹo “ô mai” vừa ngọt vừa mặn vừa chua các em hay ngậm đấy! Thầy giáo cũng không vừa, dẫn chứng ca dao: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao, mai xinh mai đứng chỗ nào cũng xinh”. Thầy còn lập luận, nếu Nguyễn Du dùng từ “mai” là mai tre, sao không viết “Tre cốt cách...” hoặc “Trúc cốt cách...” sẽ phổ cập và tạo biểu tượng gần gũi hơn. Nguyễn Du là một nhà thơ chứ đâu phải nhà sinh vật học chuyên sưu tầm giống cây quý hiếm. Vậy “mai” ở đây nhất định không phải mai tre.

- Cháu về học bài đi! - Cuối bữa, tôi nói - Cháu quá biết cả ngày hôm nay chú bám rẫy, không có thì giờ tra cứu mà cũng chẳng biết bàn bạc với ai!

Thằng bé về, tôi khoác áo đi ngay... Tôi chợt nhớ anh Phùng là một tay văn học lịch lãm, đáng bậc đàn anh của tôi. Sách không có, phải hỏi người, biết làm sao!

Đã tới lúc nghỉ ngơi nhưng anh Phùng vẫn vui vẻ đón tôi, sai con pha trà, rút ngăn kéo lấy ra mấy điếu thuốc thơm. Anh cũng khó khăn như tôi, thường hút thuốc rê. Có dịp, ai cho năm ba điếu anh dành lại, gặp bạn tâm đắc mới toài ra. Mồi thuốc xong, tôi vào đề ngay:

- Anh hiểu thế nào về từ “mai’ trong “mai cốt cách...”?

- “Mai” là một giống tre -Sau một lúc tập trung, anh thận trọng nói.

Tôi tạm đứng về phía đối lập - gom cả ý mình với lập luận của thầy giáo, phản bác anh tới tấp. Anh Phùng im lặng, xoắn xe từng sợi tóc bạc giữa mấy ngón tay khô khốc. Đã quen phong thái trầm tư của anh mỗi khi gặp chuyện khó khăn, tôi nhâm nhi trà và thả hồn theo khói thuốc. Tới lúc bình trà cạn, anh nói:

- Các cụ ta ngày xưa không đề cao cây mai cảnh bằng cây mai tre. Họ nhà tre là biểu tượng của quân tử. Tiết trực tâm hư - Anh khẽ cười - Nếu con chim sẻ đậu trên cành mai cảnh, chắc hẳn quan trạng Mạc Đĩnh Chi không việc gì mà phẫn nộ, và quan khâm sứ của ta khó mà có đủ chứng lý để hàng phục danh sĩ Trung Hoa - Anh lại cười - Từ Huế trở vào người ta quí cây mai cảnh, trở ra, người ta chỉ trọng đào. Đừng quên Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở Tiên Điền, Hà Tĩnh - một vùng đất phía bắc của tổ quốc.

- Nhưng biết đâu? - Tôi liền nhẹ nhàng đặt nghi vấn - biết đâu Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh khi đã theo Gia Long vào Huế làm quan?

Anh Phùng cau mặt ngồi im. Trời trở lạnh, tôi ra về. Đây là lần đầu tiên tôi cầu cứu mà chẳng nhận được từ anh Phùng một trợ giúp nào. Đêm nay chắc cả hai chúng tôi đều mất ngủ. Lao lực như nông dân, lao tâm như học giả, là thế sống thua thiệt nhất của những ai đang là trí thức xã hội chủ nghĩa. Biết thế, nhưng tôi đã lỡ mang nghiệp vào thân.

  

5.

Thằng bé để yên cho tôi dăm ba hôm rồi quay lại.

- Chú đã tìm giúp cháu được chưa? - Nó hỏi, tôi lắc đầu - Vậy bây giờ làm sao hở chú?

- Có một cách... - Tôi chợt im, xoay mặt hướng khác. Thằng bé dịch chuyển theo, mắt môi hong hóng nhìn lên - Nhưng... -Tôi vừa cất cao giọng, lại uất nghẹn tắc tị ngay.

- Nhưng là nhưng thế nào? Chú nói đi!

- Chú có một quyển sách -Tôi lập chập ngồi vào bàn - Chính xác, chú có một quyển Đoạn Trường Tân Thanh chép tay bằng chữ Nôm - thứ chữ mà Nguyễn Du dùng để viết nên tác phẩm ấy. Chỉ việc mở ra, cúi xuống... Nếu “mai” là mai tre, trên đầu phải có bộ trúc. Nếu “mai” là mai cảnh, ở bên phải là bộ mộc...

- Vậy chú còn chờ gì nữa? - Nó háo hức ngắt lời.

- Nhưng cha cháu đã tịch thu và đã đốt lâu rồi!

Thằng bé ấm ức cúi mặt. Tôi ngồi lặng thinh.

 Trần Duy Phiên 

 (Kontum. 1989)

No comments:

Post a Comment