XUÂN THA HƯƠNG
Lành lạnh đã nghe trời sắp tết
Tờ lịch bìa chẳng có ngày âm
Mười chín giêng Tây là hăm tám
Bụi mai đỏ đã nở ngoài sân
Ừ nhỉ , thế là gần đến Tết
Đất trời cũng đã chuyển vào Xuân
Tha hương ngày tháng trôi như gió
Tàn năm lòng cũng thấy bâng khuâng
Năm hết, năm hết, năm sắp hết
Mình ta gầy bếp lửa sau vườn
Đưa bụi mai vào chưng ngày Tết
Nhủ lòng thêm một Tết tha hương.
…
Tôi đã tự chọn kiếp sống tha hương trong một thời gian dài nhất của đời mình. Hơn ba mươi mùa Xuân biệt xứ mỗi khi năm tàn Tết đến lòng vẫn không sao tránh khỏi ngậm ngùi nỗi tư hương thương nhớ quê nhà với những
“Ngày xưa xuân thắm quê tôi
Bao nhánh hoa đời đẹp tươi …”
Ngồi một mình bên lửa ấm nghe lại giai điệu êm dịu lả lướt trong lời nhạc của Phạm Đình Chương, bài Xuân Tha Hương, viết năm 1957, đã làm tôi xuyến xao ray rứt nỗi u hoài trong tâm tưởng một ngày cuối năm:
“… 🎶 Và xuân thay áo mấy mùa đợi chờ
Mắt huyên lệ rưng rưng, sầu héo đến bao giờ
🎶
Chiều nay lê bước phiêu ᴅu
Thầm nhớ xuân về làng cũ
Tình quê chan chứa trong lòng
Chua xót thay sầu tư hương
🎶
Đường đi xa lắc lê thê
Thèm khát khao ngày về quê
Để sống vui quê mẹ lúc xuân về…🎶
(Xuân Tha Hương. Phạm Đình Chương)
Một trong hai bài hát nổi tiếng về Xuân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Nếu bài Ly Rượu Mừng tươi vui rộn rã cho nhiều người cùng hát thì Xuân Tha Hương êm dịu ray rứt đầy hoài niệm hình như chỉ dành riêng cho người nghe hay hát một mình với nỗi sầu tư hương trong một buổi chiều 28 tháng Chạp như hôm nay
Lại nhớ Nguyễn Bính với hai bài thơ dài Xuân Tha Hương và Xuân Vẫn Tha Hương viết gửi chị Trúc.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chao ơi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não nùng
…
Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió;
Xuân này em chị vẫn tha hương,
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
Son sắt say hoài rượu bốn phương.
Chị Trúc của Nguyễn Bính là quê hương đấy thôi
…
Xuân về mai nở một góc vườn
Ngậm ngùi mấy sợi khói buồn vương
Có kẻ ngồi rung đùi ngồi chuếnh choáng
Xuân tha hương Xuân vẫn tha hương
mnc
28 tháng Chạp Nhâm Dần