Thursday, November 10, 2022

HOÀI NIỆM MIỀN NAM

 Sáng dậy sớm lục soạn lại tủ sách, tình cờ một tập sách mỏng, nhỏ và cũ kỹ rơi ra. Nhặt lên đọc mới biết đó là tập Bài hát Công dân Lớp sáu của Vũ Thanh Tuyền do Trung Tâm Học Liệu . Bộ Giáo Dục (VNCH) ấn hành lần thứ nhất 10.000 cuốn vào năm 1973 với giá bìa $35 (tiền VNCH). 

Sách in typo, 36 trang kể luôn bìa, gồm 30 bài hát giáo dục Công dân cho lớp 6, đã đem vào Chương trình Phát thanh học đường do  Trung Tâm Học Liệu . Bộ Giáo Dục (VNCH) niên khóa 71-72 và 72-73. 


Tôi cũng không nhớ là có tập bài hát giáo dục này và nó đã nằm trong tủ sách của tôi bao năm nay, nhưng rõ ràng tuổi đời của nó đã 50 năm. 

Nửa thế kỷ đã trôi qua trên nhưng trang giấy vàng ố dấu vết của thời gian. 

Những bài học Công dân lồng trong những dòng nhạc kẻ với nhịp 2/4 dễ hát với những lời cũng dễ thuộc, như bài ca dao để học sinh học thuộc lòng thời xa đó. Như trong Bài 1 Không phùng phí vật phẩm : 

“Thức ăn thức uống hằng ngày. 

Áo quần cùng với dép giày nhỏ to.

Bút sách cha mẹ sắm cho. 

Em đừng hoang phí phải lo giữ gìn” 


Hay, Bài 13 : Nguồn gốc tổ tiên. 

“Ta tự hào là con Rồng cháu Tiên. Dòng Lạc Hồng bốn ngàn năm văn hiến. 

Ngày mồng 10 tháng 3 nhớ chớ quên. 

Người khắp chốn cùng nhớ ơn tổ tiên. ”


Những bài hát đơn giản như những bài ca sinh hoạt thanh thiếu niên Hướng Đạo đầy tính cách giáo dục này, sao tôi chưa có lần nào được nghe qua nhỉ?! 

Những năm mà tập sách này được lưu hành trong học đường miền Nam là những năm tôi sắp trở thành cậu giáo trẻ dạy Trung học. 


Nếu không có 30/4/75 thì cuộc đời cậu giáo đã không đi vào ngã rẽ tối tăm cũng giống như tập sách hay này giấu mình trong bụi mờ trong ngăn tủ thời gian. 

Cho đến hôm nay 

May mà còn có cơ duyên tìm lại được. 

Xin chụp lại từng trang sách cũ, đưa lên đây. Mong rằng có ai tâm huyết nhìn thấy và hy vọng các bài ca giáo dục công dân tốt đẹp này có cơ may trở lại cuộc sống để giúp ích phần nào cho các thế hệ trẻ Việt tương lai.  

Mong lắm thay. 


mnc

5/11


NHỮNG QUYỂN SÁCH CŨ

 


Những quyển sách cũ đã nằm phủ bụi rất lâu trong tủ sách nhà tôi, từ khi e-book và audio book ra đời. Chúng chỉ còn là kỷ niệm không rời của một thời yêu sách, mê sách … bây giờ chữ nghĩa được sờ tận tay như những trang sách giấy chỉ lộ diện trong những lúc rảnh rỗi lau chùi bụi bặm và nhìn ngắm đôi phút trước khi sắp lên kệ như cũ. Thiệt là cảm hoài cho sách vở thời @ 

Nhớ bài học thuộc lòng từng ê a thời tiểu học 

Đọc sách phải quý sách 

Sách vở giữ cho sạch 

Tờ giấy bao công phu

Chúng ta đừng làm rách 

Lớn thêm tý nữa mê đọc sách, nghiến ngấu bao nhiêu pho trong tủ sách nhỏ của gia đình, đến các hằng hà sa số sách còn thơm mùi mực nhà in từ các hiệu sách lớn, bé trong thị xã đìu hiu đến choáng ngợp với bao nhiêu là chữ nghĩa nơi nhà Khai Trí, Lê Phan … nơi đô thành Sài Gòn. Thiệt là trăm hoa đua nở trên thị trường chữ nghĩa của miền Nam một thời. Tôi đã từng mê mẩn mùi mực thơm của những trang sách in từ Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc … đến Ngày Nay, Đại Nam, Trí Đăng, An Tiêm, Lá Bối … của miền Nam một thời chữ nghĩa. Nhất là sách cảo thơm của nhà Lá Bối; chữ to, giấy rơm thơm không xén, đọc đến đâu, rọc đến đấy…sướng từ đầu óc đến ngón tay. 

Ôi! Thời oanh liệt đó còn đâu khi bên thắng cuộc tranh đoạt quyền hành làm cuộc phần thư khói lửa tàn khốc phủ lên nền học thuật văn chương văn hóa miền Nam. Và thay đổi bằng những thứ mà họ đem thế vào đó những thứ chữ nghĩa của họ?! 

 Những năm trần ai khoai củ, sau khi ra khỏi trại tù binh, tôi trở về nhà mẹ cuốc cày ”lao động vinh quang” mắt la mày lét muốn làm cái cột điện đổi đời. Hiệu sách Nhân Dân được mọc lên sát bên nhà tôi, kề Cửa hàng Ăn Uống và Quầy Mậu Dịch và Cửa hàng Chất Đốt cũng gần đâu đó. Đôi khi có chút rảnh tôi cũng ghé vào Hiệu sách Nhân Dân đọc cho biết và tiện mua Lê Nin toàn tập in giấy láng, bìa cứng, giá rẻ cho vợ … gói xôi !

Còn những quyển sách văn học in trên giấy hẩm xấu, chữ nhỏ xíu đọc muốn tăng độ cận và đầu ngón tay chai như cuốc đất. Nhưng cũng ráng mua mấy quyển mà đọc chơi cho khỏi nhớ sách.

Những Xervantex, Đôn Kihôtê, Saclo Brônti, Jên Erơ, Vichto Huy gô … Alếch Xănđơ Krôn … ôi! con bà nó ! đọc lên thật hại não. Vậy mà cũng ráng đọc, ráng mua. Một số đọc xong đem vào cầu thế giấy Kiss Me thêm đau trĩ . 

Vài quyển khác khi rời quê hương cách đây hơn 30 năm tôi mang theo vì cứ nghĩ là sẽ không có sách tiếng Việt đề đọc , thôi có còn hơn không.

Nhưng cũng từ đó đến nay tôi đã không bao giờ để mắt đến loại chữ phiên âm này nữa. Cho đến tình cờ…

Hôm nay thanh lọc lại tủ sách cũ. Tôi phải làm gì với mớ giấy bổi này đây ? 


mnc 


Ghi chú theo hình: 


H 1 : Sách vở cũng tang thương 

Hai bộ mặt của những quyền sách cũ : bên trái là sách dịch cũ trước 75 của miền Nam và bên kia là sách dịch (tả)của miền Bắc bán trong các hiệu sách Nhân dân với các tên tác giả phiên âm “chẳng ra sao cả” đọc xong phải ngẫm nghĩ mãi mới hiểu ! Hmmmmmm cũng chưa hiểu!? 


H2 : Sách vở cũng tang thương 

Bên trái là sách dịch sau “đổi mới” như cũ theo miền Nam bên phải. 

Hỡi ôi! “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”

Đi bao nhiêu năm lại về chốn cũ 

Thôi cũng mừng cho sách!