Thursday, October 31, 2024

SINH PHẦN

 

Sinh phần 

Bùi Bích Hà 

Năm tôi lên bảy, Cách Mạng Mùa Thu bùng nổ, Việt Minh cướp chính quyền, đem cờ đỏ sao vàng vào thành phố Huế lúc bấy giờ chưa dứt khoát với Pháp, đang lúng túng với Nhật, có cả bọn lính Tàu phù chân quấn xà cạp bẩn thỉu nghênh ngang đó đây.

Bằng cách nào, trẻ con như tôi ngày ấy không biết, chỉ qua một đêm súng nổ đì đụp, sáng hôm sau thành phố sạch bóng ngoại bang, chỉ còn Việt Minh mặc bất cứ quần áo gì họ có, cánh tay đeo băng đỏ, cầm loa đọc lệnh của chính phủ mới do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Họ chiếm ngụ những ngôi nhà to, rộng của dân làm trụ sở sinh hoạt, trong đó, có phân nửa mặt tiền ngôi nhà số 72 Gia Hội của bố tôi. Chỉ trong vài ngày, để tránh sinh hoạt ồn ào của đám cán bộ Việt Minh, bố tôi vội vã thu dọn đưa cả nhà về khu đất một mẫu tây phần lớn còn bỏ hoang ở Ao Hồ, ngay bên cạnh phủ ông Hoàng Mười, một phía là cái hồ sen bát ngát hương hoa, một phía là cánh đồng trống trải mình tít tắp về mạn Bao Vinh.

Chúng tôi ở tạm trong phần kiến trúc chỉ mới hoàn thành sơ sài gồm ba phòng ngủ bên cánh phải, hai phòng ngủ lớn bên cánh trái có nhà vệ sinh và phòng tắm theo tiêu chuẩn Tây phương, ở giữa là tiền sảnh gồm phòng khách phía trước, phòng ăn phía sau thông xuống nhà ngang thật dài nối vào bếp, chỗ xay giã gạo và lẫm lúa chứa thóc thu hoạch từ đồn điền ở Quảng Bình đưa về.

Bố tôi chuẩn bị sẵn nơi này để nghỉ hưu nên đã đặt tên cho nó là Trúc Hoa Viên, khắc trên tấm bảng đồng nhỏ song chưa kịp gắn ở trụ cổng vào như dự tính. Trong cơ hội bất đắc dĩ này, nó càng không cần được phô ra nếu không là gỡ xuống để chui vào hũ đồng bên cạnh hũ vàng, hũ gạo cứu quốc của “cụ Hồ.”

Tuy còn bé nhưng trí nhớ của tôi còn ghi đậm nét mẹ già tôi vừa khóc, vừa dấm dúi gói ghém vòng, xuyến, hoa tai, nhẫn, dây chuyền, mọi thứ trang sức lỉnh kỉnh bằng vàng thật, thân hành đem ra trụ sở Việt Minh giao nộp.

Ngày ấy, bác sĩ Tây chữa một cơn đau túi mật của bố tôi bằng á phiện nên sau đó, bố tôi nghiện. Nhà có bàn đèn rất đẹp để bố tôi thỉnh thoảng chiêu đãi khách quý, có cả bồi tiêm mặc áo the hầu các cụ đi mây về gió, bàn chuyện thi ca hay quốc sự tùy lúc và tùy hứng.

Bố tôi hút toàn thuốc phiện mua chính thức của nhà đoan, cơ quan độc quyền kiểm soát thuốc và rượu của chính phủ bảo hộ. Thuốc phiện của đoan đựng trong những cái hộp bằng đồng sáng choang, nhiều cỡ lớn nhỏ, tròn và dẹt, trên mặt có in chữ nổi.

Mỗi khi lấy thuốc từ hộp ra, cho vào cóng sứ xong, người bồi tiêm bao giờ cũng dùng một cái mùi-xoa nhỏ, lau trong ngoài hộp thật sạch rồi mới ném hộp vào thùng chứa, trước kia để chờ trao đổi với nhà đoan, thời Việt Minh để đóng góp tuần lễ đồng cứu quốc cho chính quyền cách mạng.

Phần mẹ tôi thì lo hũ gạo cứu quốc. Nói là mỗi nhà mỗi bữa thổi nấu bớt ra một nắm gạo nuôi quân nhưng chẳng nhà nào chỉ bớt một nắm mà bớt hẳn gạo trong lu, khạp để coi sao cho được mắt cán bộ hàng ngày mang bị lớn, bị bé đi thu góp.

Ngày ấy tôi nhớ không có cảnh đổi tiền quy mô như sau này qua biến cố 30 Tháng Tư, 1975, mà mẹ tôi mang tiền Đông Dương đi chợ để nhận thối lại toàn bằng tiền “cụ Hồ” không biết ở đâu ra? Bố tôi căn dặn mẹ tôi mua bán thật dè xẻn để cố giữ lại tiền Đông Dương bởi vì tiền “cụ Hồ” chỉ là giấy lộn, mai kia đi chợ phải “chở tiền bằng xe bò” đấy.

May quá, cờ đỏ sao vàng chỉ chấp chới ít lâu rồi thành phố lại đì đoàng tiếng súng. Bố tôi quyết định cùng gia đình tản cư về làng Phù Lương, cách Huế chừng 20 cây số, để vợ chồng ông quản gia thân tín và mẹ tôi ở lại trông coi nhà cửa.

Mỗi tuần một lần, mẹ tôi đi đường sông suốt đêm về làng, đem gạo trắng và rau quả tươi từ vườn nhà về quê cho mấy bố con tôi và cả gia đình mấy đứa cháu ngoại hờ. Sẩm tối hôm sau, mẹ tôi lại quang gánh xuống đò, ngược sông về Huế. Tôi khóc, đòi theo nhưng mẹ tôi ôm tôi và dỗ dành: “Em ngoan, vâng lời, chị sẽ mang thật nhiều na và thanh trà cho em. Đi theo chị nguy hiểm lắm, đạn rơi lõm bõm bên mạn thuyền, Thầy không cho đâu!” Thậm chí tôi không được theo mẹ ra tới bến sông vì mẹ tôi bảo lượt về một mình, tôi sẽ đi lạc, sẽ bị mẹ mìn bắt cóc phải đi ăn xin, làm tôi sợ và buông vạt áo mẹ.

Thời gian tản cư không lâu, đâu chừng hơn một tháng do tôi tính nhẩm những lần khóc lóc khi mẹ tôi thúng mủng không ra sông đáp thuyền về Đò Cồn. Chúng tôi hồi cư giữa một thành phố hoang tàn, xơ xác, người ăn xin đông hơn kẻ chợ và chính quyền rối beng lãnh đạo. Để tránh tình trạng con cái thất học, bố tôi ghi tên cho tôi đi học trường Tàu. Tôi cắt tóc bum bê, mặc sơ mi tay phồng vải trắng và váy màu xanh dương, có cả cái giỏ mây vuông vức đựng cuốn Tam Tự Kinh, trông hệt như đám Tàu nhi đồng lau hau xung quanh nhưng không nói được tiếng Hoa nên không có bạn.

Khác biệt duy nhất với tôi lúc đó là sự có mặt thường xuyên ở nhà của bố tôi, không biết từ lúc nào mà trong ký ức tôi, tóc bố bạc phơ, râu ba chòm cũng nhuộm màu sương tuyết. Có lẽ do bản chất hoạt động, bây giờ ngồi không, lại thêm thợ thuyền cũ vẫn đến thăm bố tôi, than thở không tìm được việc làm nên bố tôi động lòng.

Bố vừa muốn giúp họ, vừa muốn hoàn chỉnh ngôi nhà theo ý muốn, bèn cho họ cơi gian nhà ngang thành lầu, đứng từ bao lơn, sẽ ngắm được cảnh quan bốn phía xung quanh, hưởng được gió mát thoảng đưa mùi hương sen từ phía phủ ông Hoàng Mười và mùi lúa chín ở cánh đồng phía kia…

Khi kiến trúc mới thêm vào ngôi nhà, cho nó một diện mạo tươi tắn hơn xong rồi, bố tôi lo tiếp hậu sự cho ông bằng cách tự mình vẽ họa đồ và trông nom việc xây cất phần mộ rộng 64 thước vuông trong khuôn viên ngôi chùa Ái Hữu Đồng Châu Bắc Việt do bố tôi sáng lập gần đàn Nam Giao.

Bố tôi mua gỗ hồng tâm từ rừng Bạch Mã, thuê thợ đóng sẵn áo quan và để nó ở một nơi kín đáo trong nhà. Bây giờ nghĩ lại chuyện cũ, tôi nghiệm ra tất cả những việc bố tôi làm lúc cuối đời, ngoài ý nghĩa để ông được yên lòng, còn khiến chúng tôi quen mắt với sự phân ly sẽ đến, cũng bình thường như mọi toan tính khác trong đời.

Bố tôi sinh thời hay làm thơ nhưng ông không làm thơ ngâm ngợi sự phù du của kiếp người. Ông để lại những dòng di cảo sống động, là những mảnh tinh cầu vỡ ra, long lanh, rực rỡ, đẹp cho đến giây phút cuối cùng tan vào hư vô.

Hình ảnh ông trong trí nhớ tôi là những sớm mai mùa Hè ở Huế chan chứa nắng, ông mặc áo dài trắng, râu tóc trắng, cầm ba toong đi những bước dài ra cổng, ngồi vào chiếc xe xích lô sẽ đưa ông đi về nhiều lần giữa hai bờ tử sinh, nhiều năm trước khi mọi người tiễn đưa ông lần cuối trên xe tang, một ngày mùa Đông cả bầu trời nhỏ lệ tiếc thương…

Bây giờ, thế kỷ mới, người ta nói nhiều về cận tử nghiệp, là cách chuẩn bị hành trang cho mọi người trong chuyến đi cuối ra khỏi địa cầu. Càng gọn nhẹ, càng thảnh thơi, càng dễ bay bổng. Càng nuối tiếc, trì kéo, càng đắm đuối, khó rút chân ra.

Hôm qua, nhà thơ Trần Mộng Tú có bài thơ “Hunting House,” mô tả cảnh chị một mình đi tìm mua căn nhà cho nơi cư ngụ mới, thật hay:

…Người bán hàng giới thiệu
chiếc bản đồ của Thành Phố Âm, 

những con đường ngang dọc

này thảm cỏ xanh
hồ n
ước long lanh
vườn hoa đang nở
h
ình ảnh ngôi nhà một phòng
được mang ra
những chiếc nhà bằng gỗ
từ gỗ sồi im lặng
gỗ thông th
ơm hương
gỗ bạch đàn thơ mộng
đến gỗ Mahogany sang trọng
những bức tường bọc lụa
sẵn sàng đón một người vào
những ngôi nhà
làm bằng ván mỏng đơn sơ
m
ình nằm trong đó như chơi trò đi trốn
sẵn sàng ôm choàng lấy lửa
ngọn lửa sẽ reo to
bắt được nhau rồi
cả hai cùng cháy
thành tro
Ng
ười bán hàng lại mang ra
Những chiếc b
ình
bằng đá hoa cương
bằng gỗ trầm hương
dát bạc
mạ vàng
hay chỉ đơn sơ như chiếc bình hoa bằng sứ
để người đem lên núi
ng
ười mang vào rừng
người đưa ra biển
Chiếc b
ình nào rồi cũng thả tàn tro
Ô kìa lại bán cả hoa
chọn mua tr
ước khi dọn vào nhà mới
sắc đỏ hay vàng
bâng khuâng nhớ về dĩ v
ãng
cố nhớ lại ngày x
ưa
bó hoa đầu ai tặng
loài hoa g
ì mà mãi không tàn
Chọn hoa nào cho h
ương không tan? Cúi xuống nhìn thân thể
mảnh hình hài nh
ư có như không
Tôi đi đâu
về đâu
đi đuổi bắt một căn nhà
cho nơi cư ngụ cuối
Có ai muốn đi cùng tôi không
mau lên trời sắp tối.
(TMT, Tháng Bảy, 2018, ngày đi mua sinh phần)

Chao ôi! Qua biết bao mất mát, đau thương đến độ, giữa muôn trùng châu lệ thánh thót tiếng ngọc rơi, nhà thơ bỗng thấy cuộc đời chẳng khác gì trò chơi trốn tìm, thương yêu lúc mất lúc còn mà đâu đó, mãi mãi. Dù chẳng còn, cũng không là mất. Người ra đi ở bất cứ tuổi nào cũng trở lại thanh xuân trong đôi mắt khép lại bình an, thảnh thơi trong áo quan chờ lửa để hóa thân. Trong cõi vô thủy vô chung, kết thúc cũng là nơi bắt đầu.

Đi mua một ngôi nhà hay ngôi sinh phần chỉ khác nhau ở ý nghĩa ước lệ trong ngôn ngữ loài người nhưng cả hai cùng là những nốt nhạc vui trong bản hòa âm nhiều giai điệu của đời người, gió có thể làm thoảng bay nhưng không bao giờ dứt tiếng.


Bùi Bích Hà sinh năm 1938 tại Gia Hội, thành phố Huế. 
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế ban Pháp văn. 
Dạy Pháp văn tại Ðà Nẵng rồi Sài Gòn. Vượt biên 1984. 
Ðịnh cư tại Laguna Hill, quận Cam, Cali USA từ 1986.
Xuất hiện trên báo Người Việt từ 1987. Qua đời năm 2021.
Tác phẩm đã xuất bản:
Buổi Sáng Một Mình (tập truyện, Người Việt 1989) 
Bạn Gái To Nhỏ (hỏi đáp tâm lý, Người Việt 1991)