Sunday, February 21, 2021

TỐNG BIỆT HAI MƯƠI

 TỐNG BIỆT HAI MƯƠI 

Tôi mượn nhan đề tuyển tập văn thơ của ông anh tôi- huynh trưởng Hà Thúc Sinh - tựa cho bài này, để mạo muội tống tiễn năm 2020. Năm của Covid Vũ Hán. 

Image.jpeg

Một năm vui ít buồn nhiều của con người. Một năm cứ như câu thơ của anh Hà Thúc Sinh đã viết trong bài thơ “Cuối Năm Ở Cali” (1999)

“Tháng cùng năm tận như khơi

Mối sầu riêng ở, mối vui biếng về” (HTS)

Anh HTS  tống biệt (thế kỉ) hai mươi bằng 50 truyện 1 kịch 10 bài thơ trong một tuyển tập văn thơ kịch nghệ dày dặn để đời, thiệt đáng nể. Còn tôi, tôi chỉ muốn tống tiễn năm ôn hoàng dịch vật dịch lộn Covid 2020 này chỉ bằng một bài Covid hành (hay là bài Hành tống tiễn năm Covid Virus “Vũ Hán “) cho vui mà thôi : 

⚜️


Tống biệt 20 Hai mươi 

(Hay là Bài Hành Tống Tiễn Covid)


Image_1.jpeg


Lượn khói cuối cùng thở hắt hơi Tàn năm tận tháng đã đến nơi

Lên bài hành điếu mùa cô víd

Tống tiễn năm hai mươi hai mươi

Một năm kỳ lạ chưa từng có  

Xảy ra trong thế giới loài người 

Từ tháng 12 năm (20)mười chín 

Kéo dài tháng cuối năm hai mươi 

Mười hai tháng đủ gây dịch bệnh 

Khởi đầu nơi đất nước “con trời” (1)

Kể từ Vũ Hán gây mầm bệnh

Bởi đám tạp nham ăn thịt dơi

Ăn tuốt những con gì ngọ ngoạy 

“Cái sảy nảy cái ung” ! thế thôi 

Nếu bọn Cộng Tầu đừng bưng bít 

Thì Vi rút độc bị chặn rồi

Có đâu khuếch tán toàn thế giới 

Y tế toàn cầu (WHO) lại tiếp hơi  

Bó tay ... thế giới không kịp trở

Nguyên năm đại dịch cứ sinh sôi

Cô vít bay lan trong không khí 

Rồi gây họa lớn khắp nơi nơi 

Nhật, Anh, Ý, Đức....rồi đến Mỹ 

Thảy đều “giãy chết “ ... đúng như lời

Phen này đại quốc gia tư bổn 

Bối rối tang ma... thiệt đáng đời

Cho hết cái tài đòi thương chiến 

Ai thua ? Ai được? Biết ai lời 

Khi Trung Nam Hải mưu đại sự 

Thì Đỗ Nam Trung cứ Tuýt (Tweet) ngồi

Pu cười bí hiểm như Tào Tháo (2)

Thì ai là Lưu Bị Trùm đời (3)

Cuối cùng cũng bị cô vịt rượt 

Anh hùng tài tận thế trời ơi! 

Khi thế giới chìm trong đại dịch

Trung Cẩu coi mòi lại thảnh thơi 

Bán khẩu trang cho người các nước 

Bịt mồm bịt miệng ngồi nhà chơi 

Để chú Ba một mình một chợ 

Tọa hưởng kỳ thành mà đâm hơi

Độc bá quần hùng làm nước lớn 

Làm Nhạc Bất Quần què mà cả cười 

Cài cấy sinh tử phù vi rút

Cho người các nước chết mươi mười 

Cô víd Cô vi Cô mẹ rượt 

Mi là vi rút hại con người 

Lại thêm biến thể nơi Anh quốc 

Cuối năm tính sổ vẫn chưa nguôi

Vắc xin đã có nhưng chưa tới 

Bao kẻ chờ hoài cũng buông xuôi 

Ngậm ngùi thôi cũng đành phận vậy 

Biết làm sao được với mệnh Trời

Mười hai tháng đủ năm Covid 

Sẽ nhớ mãi 2020

Một năm thay đổi toàn thế giới 

Bác bao biến chuyển chẳng nên lời 

Thiên tai dịch bệnh từ Cô Víd 

Xích lại gần nhau người với người

Có dịp bên nhau cùng cầu nguyện 

Lắng đọng tâm tư hiểu ý Trời

Thấm thoát đã qua mười hai tháng

Viết vài câu tống tiễn hai mươi

Cuối năm ta rót vài chén rượu 

Tống tiễn mi đi ! Cô vít ơi !

Ta tống tiễn mi về cố quốc 

Về nơi từ đó mi sinh sôi

Như tiễn Kinh Kha qua sông Dịch 

Thích Tần Thủy Hoàng thuở xa xôi 

Mi hãy một đi không trở lại 

Trả lại nhân gian buổi bình thời 

Không bình cũng phải bình cho được 

Để con người hướng đến tương lai

Đón năm mới hai mươi hăm mốt 

Một năm thôi ủ dột u hoài 

Năm mới đến và ngày tháng mới 

Con người vượt thắng thiên,  nhân tai

Mừng năm mới với bao nhiêu tin tưởng

Đường ta đi...đường vẫn còn dài 


Lời tống tiễn cuối, chào Covid 

Một lần này .,.

một lần cuối người ơi 

Rồi Covid sẽ chỉ là cổ tích

Cho ngày sau kể lại mà chơi 


mnc

Ngày cuối năm 2020

CON TRÂU XANH

CHUYỆN TÀO LAO TRONG VÀI NGÀY BÃO TUYẾT 

Tôi biết và đọc truyện Trần Tiêu từ khi học bậc Tiểu Học trong bài tập đọc Chăn Trâu trích nguyên đoạn mở đầu của tiểu thuyết Con Trâu của ông. 

Bài tập đọc ấy đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in: “ Nghé ơ ơ ơ ơ nghé.... Thằng Tửu ngồi trên mình trâu gọi nghé....Con trâu mẹ kêu theo vài tiếng “nghé ọ”... và chân vẫn thản nhiên đều đều bước trên con đường đất gồ ghề.” Tôi nhớ thằng Tửu chăn trâu này cũng như nhớ cậu bé quê lần đầu đến trường trong Tôi Đi Học  của Thanh Tịnh “ Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc ....” từ những bài tập đọc, học thuộc lòng ...một thuở ấu thời, đã phải đọc đi đọc lại đã in sâu vào tâm trí tôi tự hồi nào không biết. Chính những ký ức không phai này đã giúp tôi vượt qua bài thi Vấn Đáp với thầy Lê Hữu Mục để bước vào ngưỡng cửa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn cách đây nửa thế kỷ. 


Trần Tiêu (cũng như Thanh Tịnh và nhiều tác giả Tự Lực Văn Đoàn) đã đến với tôi và các cậu các cô bé học trò ngày xưa, bằng những bài Tập Đọc, Tập Làm Văn thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường Miền Nam như thế đó. Sau này tôi mới biết Trần Tiêu chính là em ruột của Khái Hưng Trần Khánh Giư, một nhà văn nổi tiếng nhất là về truyện ngắn. Khái Hưng bị cộng sản thủ tiêu năm 1947 và Trần Tiêu chết năm 1954. Cuộc đời  hai anh em ông tuy ngắn nhưng đã để lại cho hậu thế những áng văn trác tuyệt.

Tôi nhớ Con Trâu của Trần Tiêu trong những ngày Tết Tân Sửu tha phương giá lạnh năm nay, khi trận bão tuyết đổ xuống Houston và toàn miền Đông Bắc và Tây Nam Hoa Kỳ. Không có điện và sóng Wifi nên chỉ ngồi nhớ và viết cho qua thì giờ. Cơn lạnh khủng khiếp trên một đất nước tiên tiến như Hoa Kỳ  vào lúc bất ngờ như thế này thật là khó tưởng tượng nổi. Lạnh chết người là có đấy, cứ như những trận lạnh mà mẹ tôi kể ngoài quê Nam Định ngoài Bắc những năm 30, 40 xưa. Lạnh làm cá chết nổi trắng ao hồ và trâu bò rụng tai. Đã từng nghe mẹ kể nhưng tận bây giờ mới thấy trâu bò rụng tai vì lạnh là có thật ...

Con trâu đi vào văn học Việt Nam bằng những bước chân cục mịch, chắc nụi lần đầu tiên trong tác phẩm của Trần Tiêu năm 1942 như thế, nhưng tiếc thay ngày nay người ta không dạy cho trẻ theo lối xưa ấy nữa. 

Họ lại từng dạy là những loài vật hiền lành như trâu chỉ biết chọi nhau và thậm chí biết đánh nhau với “giặc Mĩ” cho bọn trẻ nít ngây thơ tưởng bở mà chơi mang trâu đi chọi với “súng Mĩ”!

Con trâu từ nghìn năm xưa đã từng theo ông lão Sào Phủ lên ngọn đầu suối uống nước để tránh khỏi uống nhằm nước rửa tai của ông bạn Hứa Do. 

Chớ bộ tai ông Hứa Do dơ đến vậy sao?! 

Tích xưa kể rằng; ông Hứa Do được vua Nghiêu gọi vào để nhường ngôi, nghe vậy ông Hứa cười hề hề mà tạ về rồi ra suối rửa tai, gặp ngay ông bạn là Sào Phủ đang dắt trâu ra suối uống nước. Ông Sào bèn hỏi bạn: Sao rửa tai làm vậy ? Ông Hứa thiệt tình kể đầu đuôi. Sào Phủ cắc cớ hỏi lại: Ông làm cái giống gì mà để vua biết mặt chúa biết tên đến nỗi phải đi rửa vì không muốn nghe những lời trái tai làm vậy ? 

Rồi dẫn trâu lên đầu nguồn cho trâu uống để khỏi phải dùng nước rửa tai dơ của Hứa Do.

Nên nhớ thời vua Nghiêu bên Tàu là thời lâu lắc, lâu xa, lâu lắm từ những năm 2337 - 2258 Trước Công nguyên lận. Đến năm 1910, nhà khoa học K.Kenlo nghiên cứu mới biết trâu là loài vật thuộc giống gia súc có sừng đầu tiên được thuần dưỡng, tức cũng có lịch sử xa xưa cỡ “thời Nghiêu Thuấn” đấy cơ. 

Vậy té ra con trâu cũng “già” chỉ thua con “ma mút” sao?! 

Chữ Tàu cũng “nghèo” hơn chữ ta. 

Ta có các tên, các chữ riêng để gọi bọn trâu, bò, nghé, ngọ ....này nọ nhưng “bọn” Tàu (ít chữ) chỉ có mỗi từ “ngưu” để chỉ chung đám trâu, bò ...mà thôi nên Tàu phải chế thêm chữ để nhân dân dùng; gọi Trâu là “thủy ngưu”, thanh ngưu là trâu và “hoàng ngưu” là bò để phân biệt đâu là trâu đâu là bò. 

Mới đây Việt Nam ta có chữ “bò vàng” có lẽ xuất xứ từ chữ “hoàng ngưu” của anh bạn vàng khè hàng xóm tốt bụng này chăng ?!

Thanh ngưu là con Trâu Xanh. Người dị đoan bảo con trâu xanh là điềm lành và bò vàng mang điềm dữ ? Điều này có lẽ ứng trên đường phố hay ngõ ngách nước ta hiện nay. 

Trâu xanh thì đã theo cụ Lão tử đi về núi Tây và biến mất từ khuya. Cụ Lão này trước khi đi vào hư vô có chép để lại bộ Đạo Đức Kinh hơn nghìn chữ vàng ngọc toàn là đồ cổ, đồ quý cho đời sau. Nhưng tiếc thật bọn đời sau kể cả Tàu lẫn ta hiếm người chịu đọc nên xã hội càng ngày càng vô đạo đức. 

Những thông tin “vô đạo đức” này đầy dẫy trên trang “xe cán chó” của các báo có lai sần và chi bộ đảng trong nước đấy. Thật đáng buồn! 

Ông nhạc sĩ đa tài lắm tật Phạm Duy từng có nhiều bài nhạc để đời có nhắc đến con trâu mà là trâu xanh đây . Nghe lại từ  Em Bé Quê :”Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ ...Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao....Trâu hỡi trâu ơi đi cầy, trâu ơi đi cấy nhé.

Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia, là của những dân quê...”( Em bé quê -PD) đến Nương Chiều: “Chiều ơi ! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai. Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều. 

Chiều ơi ! Áo chàm về quảy lúa trên vai, In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều ...”(Nương chiều - PD)

Và con trâu xanh trong “Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa, Vì thương yêu anh nên ngày trở về, Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ ...( Ngày trở về - PD )

Nhắc đến con trâu xanh lại nhớ đến Hồ Thanh Ngưu ( con trâu xanh họ Hồ) tức Điệp Cốc Y Tiên – Hồ Thanh Ngưu, một nhân vật võ lâm y giới trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung đại hiệp đã làm chúng ta mê say một thời. Ông Y Tiên võ hiệp này thuộc phe Minh Giáo, sống trong Hồ Điệp Cốc, một thung lũng đầy hoa thơm bướm đẹp, suốt đời say mê nghiên cứu về y thuật chuyên hóa giải kịch độc trong thiên hạ Nhờ vậy Trương Vô Kỵ thiếu hiệp khi bị trúng Huyền Minh thần chưởng âm hàn chướng khí trong tạng phủ tim mạch tưởng chết may được kỳ duyên gặp  Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu cứu chữa giúp Vô Kỵ kéo dài cuộc sống cho đến khi có cơ may luyện được Cửu dương thần công để tự chữa lành nội thương, cũng như đẩy được Huyền Minh âm hàn thần chưởng ra khỏi kinh mạch. Về sau Trương Vô Kỵ đại hiệp trở thành Giáo chủ Minh Giáo kết tóc se tơ và kẻ lông mày cho Triệu Minh quận chúa nương nương...khi gác kiếm qui ẩn từ giã võ lâm....

Điệp Cốc Y Tiên-Hồ Thanh Ngưu của Kim Dung đại hiệp thiệt đáng kính trọng khác xa Đạo Văn Sư Phó-Hồ Hoàng Ngưu của võ lâm xứ ta. 

Nhân được (bị) mấy ngày bị trúng “Âm hàn chưởng” của nàng bão tuyết Uzie độc đáo vừa qua, phải bế môn nơi Hàn cốc luyện thương nguyên tuần không biết làm chi nên viết lách lăng nhăng. Nay mới có cơ may nhờ có “sóng” nên tại hạ bèn đưa ra cho “võ lâm giang hồ” phây búc thưởng lãm 

mai ngọc cường 

Tháng 2/2021

Hữu Tâm thành 

Mùa  Bão Tuyết

Friday, February 19, 2021

MỘT BÀI THƠ NỬA NẠC NỬA MỠ

 “Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai” 

Sớm nay ngồi bâng quơ nhìn ra ngoài song cửa, chợt thấy cây đào đã nở hoa trước sân nhà. 

Ừ nhỉ! “Đào hoa y cựu tiếu đông phong!“ Trời sắp Tết nhưng lòng mình chưa Tết, thì hoa đào đã nhắc chừng kẻo lại quên. 

Mỗi năm cứ đến Xuân đến Tết. 

Lòng lại bâng khuâng nỗi nhớ nhà. 

Quê người tháng tận rồi năm hết. 

Ngồi trong nhà mà dạ nhớ quê xa ... 

Cây đào trước ngõ hoa lại nở, 

Đào xứ Huê Kỳ cũng báo Xuân. 

Xuân khứ Xuân lai Xuân bất tận. 

Để lại lòng ta chút bâng khuâng. 

( thơ Mai Cao Nguyên) 

Nhìn hoa lại chợt nhớ câu thơ “ nửa nạc nửa mỡ” tương truyền của vua Tự Đức, ông hoàng sính thơ của triều Nguyễn: 

“Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai” 

(Ngoài trời hoa đào đã nở lấm tấm) 

Dân làm thơ đã hay huống gì là vua!

Ai mà dám cả gan chê hay “bình lựng” thơ của vua nhỉ, nhất là vua Việt Nam - một “cường quốc thơ ca” như lãnh đạo nào đó đã “ngôn” một cách huênh hoang, tự hào và trí tuệ - 

Câu thơ “dã ngoại ... “ trên chỉ có cái lạ là có hai chữ Nôm “lấm tấm” quê mùa nằm lẫn trong 5 chữ Hán “cao quý” vào cái thời Hán tự còn độc tôn trong cung đình và khoa cử Việt Nam. 

Vua khoe (hơi nổ 1 tí) với đám quan lại trong buổi triều là đêm qua vua được thần nhân báo mộng cho 2 câu thơ (nửa nạc nửa mỡ) độc đáo vô cùng: 

“Viên trung oanh chuyển KHỀ KHÀ ngữ

Dã ngoại đào hoa LẤM TẤM khai” 

Hai câu thơ “thần” ấy là thơ thất ngôn với 5 chữ Hán và 2 chữ Nôm trong mỗi câu. Một kiểu thơ “cách tân”(cỡ “1-2-3” hiện nay) trong cung đình thời ấy, nếu dịch ra Việt ngữ thì là 

Trong vườn tiếng chim oanh “khề khà” 

Ngoài sân hoa đào nở “lấm tấm” 

Thơ của vua làm cả triều thần tấm tắc khen lấy khen để. Bỗng có một anh tiểu quan dám cả gan đứng lên thưa rằng hay thật là hay nhưng hai câu thơ ấy thần đã nghe qua cách nay khá lâu trong quyển nào đó mà tức thì thần chưa nhớ ra ...

Ậy ậy! Gã quan nhỏ nào đó uống mật gấu hay sao mà ngôn khinh xuất đến thế dám chê vua “thuổng” thơ thiên hạ vậy cà. Té ra ảnh là Cao Bá Quát “ Thần Siêu Thánh Quát” đây mà. 

Đương sướng, vua bỗng tự dưng cụt hứng ngang, tuy giận lắm, nhưng cố nén lòng bảo Cao Bá Quát :  nếu ngươi đã nói vậy thì thử đọc hết bài thơ cho ta nghe xem sao. Ý vua là nếu Cao  ấm a ấm ớ sẽ bị trị tội khi quân cho hết “thánh” ngôn. 

Rồi sao nhỉ !? Cao Chu Thần nhà ta giả ngộ moi trí nhớ vài giây rồi đằng hắng đọc một mạch nguyên bài thơ thất ngôn bát cú bằng Hán văn nhưng câu nào cũng có hai chữ Nôm “na mách qué” (in hoa) trong bài thơ như ri : 

Bảo mã tây phong HUYẾCH HOÁC lai

HUYÊNH HOANG nhân sự thác đề hồi

Viên trung oanh chuyển KHỀ KHÀ ngữ

Dã ngoại đào hoa LẤM TẤM khai

Xuân nhật bất văn sương LỘP BỘP

Thu thiên chỉ kiến vũ BÀI NHÀI

KHÙ KHỜ thi tứ đa nhân thức

KHỆNH KHẠNG tương lai vấn tú tài

Dịch nghĩa:

Ngựa báu theo gió tây HUYẾCH HOÁC lại

Người HUYÊNH HOANG tự theo quay về

Trong vườn tiếng oanh hót nghe KHỀ KHÀ 

Ngoài đồng hoa đào nở LẤM TẤM 

Ngày xuân chẳng nghe sương rơi LỘP BỘP

Trời thu chỉ thấy mưa BÀI NHÀI

Câu thơ KHÙ KHỜ đã nhiều người biêt

Còn KHỆNH KHẠNG đem hỏi tú tài.

Dịch thơ:

Ngựa hay HUẾCH HOÁC theo gió Tây

Có kẻ HUÊNH HOANG tự đến đây 

Oanh hót KHỀ KHÀ trong lá biếc

Đào bung LẤM TẤM giữa đồng cây 

Sương gieo LỘP BỘP  ngày Xuân ấy 

Mưa trút BÀI NHÀI sợi thu bay 

Thơ quá KHÙ KHỜ ai cũng biết 

KHỆNH KHẠNG  đem ra hỏi Tú này

(cao hậu bối tui dịch đại )

Vua và triều thần nghe qua rất phục nhưng Tự Đức cũng thần biết là mắc lỡm Huấn Cao nhưng phục tài nên bỏ qua chuyện thơ xạo này. 

Thần Siêu Thánh Quát ngày xưa là vậy đó... nhưng các bậc vương đế hay thơ trong lịch sử như Lê Thánh Tôn, Tự Đức xưa cũng chưa dám huênh hoang tự hào là CƯỜNG QUỐC THƠ như thời nay, tuy nước ta có một nhà thơ lợn là nhà Thơ BÃ CHÓ  ưu việt, có 102 trong lịch sử thơ ca thời cận hiện đại sống mãi trong sự nghiệp nước nhà.

Lung tung lang tang trong “cường quốc thơ” đôi ngày cận Tết

4/2/21 

cao hậu bối

Bài hành NHỚ MÙA XUÂN XƯA

Bài hành cuối năm ta 

(Gửi Hoan Tran Ngoc)


Chiều cuối năm nhớ bạn phương xa 

Mây khói đùn lên nỗi nhớ nhà 

Nhớ lại một thời chinh chiến cũ

Ngày Xuân đồn vắng tiếng chim ca 

Quanh kẽm gai giăng, rừng xanh lá 

Ngày lại ngày, năm tháng dần qua 

Núi cao lũng thấp mù sương lạnh

Đi kích đêm nằm gác tuyến xa

Hố cá nhân chôn đời trai trẻ

Chong súng đêm ghìm những bóng ma

Ngày lên quanh quất rừng và núi 

Xuân về cây cỏ vẫn ra hoa 

Đạn bom dẫu xé toang trời đất 

Dẫu xé lòng người cuộc can qua 

Cỏ cây Xuân lại lên mầm sống 

Bám trên đất khổ ... cứ như là 

Chưa hề có tang thương ly biệt 

Và lòng người vẫn luôn thiết tha

Dù sống cận kề bên cái chết 

Cứ nuôi hy vọng ... cứ thế mà 

Để sống từng ngày cùng chia lửa

Đời trai chinh chiến giữ sơn hà 

Và bạn ... bạn đã làm ta nhớ 

Những chiều cuối năm nơi chốn xa 

Nhớ ngày Xuân lạnh trên đồn vắng 

Nơi từng in dấu chân chúng ta 

Thôi viết đôi dòng thơ gửi bạn 

Và gửi về thêm nỗi nhớ nhà 

Gửi nhớ thương về rừng núi cũ 

Mùa Xuân thao thức tiếng oanh ca 

“ Nếu mai không nở anh đâu biết 

Xuân về hay chưa ...” nơi đồn xa 

Chia hơi thuốc ấm đêm trừ tịch 

“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Chiều cuối năm nhớ về phố núi

Lạnh giá cao nguyên nhớ nhớ là ... 


        Mai Cao Nguyên

        (30 tháng Chạp cuối năm ta)  


Đọc lại “ Ngày Xuân Uống Rượu” Thơ Nguyễn Đức Lập


ĐỌC LẠI “CHÉN RƯỢU MỪNG XUÂN”  NHỚ ANH NGUYỄN ĐỨC LẬP 


    Sáng mùng Ba, vẫn dậy sớm theo thói quen cố hữu, đọc lại (và họa nguyên vận) bài thơ của anh Nguyễn Đức Lập (1945-2016), nhà văn, trưởng Hướng đạo với tên rừng Sóc Vui Vẻ của chúng tôi. 

   Đó là bài thơ duy nhất của anh mà tôi còn lưu giữ trong hơn 20 tác phẩm văn xuôi của anh.

   Anh Lập chỉ viết văn khi từ khi tỵ nạn tại Palawaan những năm đầu thập niên 80 và bài Chén rượu mừng Xuân của anh in trong Những Đêm Không Ngủ, tập thơ duy nhất của anh viết trong “Khung rào tỵ nạn..” những năm ấy tại những trại tạm cư ở Phi Luật Tân, nơi  ba năm Nguyễn Đức Lập chôn chân nơi đó, như quãng đời một tráng sĩ bị bó tay trong vòng rào hẹp mà nung nấu tâm can hào khí muốn cứu vãn quê hương đang trong gông cùm giặc nước.

Bài thơ Nguyễn Đức Lập phảng phất phong thái những bài Hành của Thâm Tâm, Nguyễn Bính ... đọc lại vẫn cảm thấy đầy hào khí bi tráng và thê lương như tấc lòng anh nung nấu “muốn làm một cái gì” cho đất nước quê hương nhưng vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện đó cho đến cuối đời. 


Bài thơ duy nhất của anh Nguyễn Đức Lập mà tôi được biết, vẫn còn lưu giữ trong Notebook  như một kỷ niệm với anh, tình cờ lại hiện ra trong những ngày Xuân tái đêm qua khi ngồi uống chén rượu đầu năm những người bạn, người em hướng đạo của anh Lập ... chúng tôi đã đọc lại mà nhớ anh - Anh Sóc Vui Vẻ Nguyễn Đức Lập - cũng gần đến ngày giỗ của anh, anh mất vào cuối tháng Hai năm nhuần 2016. 

Mời quý bạn đọc nhân dịp đầu Xuân.


Chén rượu mừng Xuân


Chén rượu xoàng đây ta mời ngươi

Cháy gan cháy ruột ngửa nghiêng cười

Người đời xanh mắt thời tao loạn

Tìm kiếm chi cho chán mớ đời?


Hiền sĩ ngày xưa ngồi góc núi 

Pha trà nước suối, ngâm thơ chơi 

Hay say giữa chợ lan man khóc 

Sụ nghiệp không đầy bát rượu vơi. 


Hoành kiếm nhơn nhơn nhìn thế cuộc 

Giận thân râu tóc chẳng phùng thời 

Đập bàn hát loạn dăm ba khúc 

Hào khí bay lên vút tận trời.


Ngươi có thấy không, hào kiệt trước 

Nuốt trời, mửa đất há nhường ai?

Cát lầm chẳng để sờn mơ ước 

Cũng đã bao phen sóng dập vùi. 

Thiên hạ khó dung người chí lớn 

Dặm trường ngựa thét muốn mòn hơi 

Mỉa mai cho những cơn thành bại 

Cuồn cuộn sông dài nước chảy xuôi.


Cũng có người xưa, người Đỗ Mục 

Buồn thương nhân sự, tiếc hoa rơi 

Hay như gã Tín Lăng Quân đó

Mộng lớn tàn bên gái tuyệt vời

Họ Khuất trầm mình sông Mịch Thủy

Góp cho nhân thế tiếng than ôi 

Tử Tư đầu bạc băng qua ải 

Để lại thiên thu tiếng thở dài.


Chén rượu xoàng đây, ta mời ngươi 

Khung rào tỵ nạn có chi vui 

Chim hồng xếp cánh khinh trời hẹp 

Nhìn lại thân ta, xót chuyện người.

Nguyễn Đức Lập

(Những Đêm Không Ngủ)


Dậy sớm đọc lại thơ anh và nảy ý họa nguyên vận bài thơ của anh Nguyễn Đức Lập như một nên tâm hương nhân ngày giỗ Anh cuối tháng này: 


Ngày Xuân đọc lại thơ anh Nguyễn Đức Lập 


Tha phương lữ thứ, ta với ngươi

Bầm gan, tím ruột bậm môi cười 

Xuân đến không mời nhau chén rượu 

Mà làm chi để hết nửa đời 


Quán xá cũng không .... mùa dịch bệnh!

Góc vườn ngồi đốt lửa mà chơi

Ngày Xuân đất khách buồn không nói 

Rượu rót chén đầy lại chén vơi


Cứ gượng mà vui như Lã Vọng 

Buông câu thẳng lưỡi để chờ thời 

Mòn hơi ... mà lão lai tài tận

Ngửa cổ mà tu .... ấy mệnh trời! 


Ngươi cũng như ta nhà quanh xóm 

Mấy chục năm dài chẳng bằng ai 

Nhưng có cái chẳng ai bằng được 

Ăn hòn nói cục chẳng giấu vùi 

Xó núi vẫn thường ra cắm trại 

Ven rừng đốt lửa khói lên hơi 

Buồn tha hương cũng dần phai nhạt 

Nước mắt lần hồi cũng chảy xuôi 


Cứ ngỡ sẽ quên buồn xưa ấy

Ai ngờ chiều chậm cuối năm rơi 

Nâng chén mừng Xuân, Xuân viễn xứ 

Cố hương, cánh hạc vút xa vời 


Xuân này con lại không về được 

Quê nhà xa ngái ! Mẹ quê ôi! 

Phương này Xuân tái mùa Xuân lại 

Phương ấy còn ai tiếng thở dài 


Tha phương viễn xứ ta với ngươi 

Xuân về hoang lạnh giọt buồn vui

Ly rượu đầu năm nghe mằn mặn

Đọc lại thơ xưa lại nhớ người 


Cao Ngọc Cường 

Mùng Ba Tết Tân Sửu  


(Gửi Nguyen Cao Binh)