Wednesday, March 31, 2021

NGHĨ VỀ NHỮNG NGƯỜI THẦY

Tôi vào Đại học Sư phạm Saigon ngày 18. Lúc đó, tuổi thành niên là 21. Tôi không đủ tuổi để nói chuyện với chính phủ(!) nên Ba tôi phải ký giấy cam kết hoàn lại toàn bộ số tiền học bổng mà chính phủ sẽ cấp cho tôi, sinh viên Sư phạm trong suốt học trình 4 năm nếu tôi bỏ nhiệm sở trước khi hết hợp đồng 10 năm. Lúc đó ký là ký thôi. Ba tôi và tôi không thắc mắc tại sao lại có chuyện cam kết này.

Sau này tôi mới vỡ lẽ ra là vì tình trạng chiến tranh, có thể chúng tôi rơi vào những nhiệm sở thuộc vùng “xôi đậu“ bất ổn nên tờ giấy cam kết đó là sợi dây buộc chặt chúng tôi để khỏi... đào nhiệm!

Tôi vào Sư Phạm vì vâng lời Ba tôi. Ba muốn tôi có việc làm chắc chắn sau khi ra trường chứ ông không muốn tôi phải vác bằng cấp long đong đi xin việc, hơn nữa, theo Ba tôi, dạy học là một nghề hiền lành, thích hợp với tôi, một con bé nhút nhát, chậm chạp!

Tôi không mấy hứng thú nhưng không dám cãi lời Ba và cũng vì ham áo mũ ra trường, coi rất bảnh( khiếp ! chưa vào học mà đã tính chuyện tốt nghiệp!) và số tiền học bổng ba ngàn mỗi tháng nên “cũng liều... nhắm mắt đưa chân , mà xem con tạo xoay vần đến đâu “

Năm tôi vào trường thì thầy Trần văn Tấn, Tiến sĩ toán, tốt nghiệp ở Pháp là Giáo sư khoa trưởng. 

Ở Sư Phạm, tôi gần như không biết đại giảng đường là gì, chỉ trừ hai kỳ thi bán niên thì chúng tôi mới tập trung vào đại giảng đường (nhỏ xíu!) để thi cùng với sinh viên của các ban khác gồm Sử Địa , Anh văn, Pháp văn. Còn xuân thu nhị kỳ chúng tôi chỉ quanh quẩn trong lớp học của bốn mươi sinh viên .


Những ngày đầu ở Sư Phạm , tôi không vui vì ít ra một năm Văn Khoa cũng đã cho tôi cảm giác tự do, thoải mái mà tôi chưa bao giờ được hưởng. Ở Văn Khoa, muốn đi học thì đi, không thì thôi, chỉ cần mua sách( cours) về học, tới kỳ thi thì lại là kiếp con tằm... nhả tơ. Nhưng Sư Phạm thì không, chúng tôi là những “ công chức” tương lai nên mỗi ngày phải đi học hai buổi sáng chiều, tám tiếng! Cứ mỗi hai giờ thì văn phòng sinh viên vụ lại đưa sổ điểm danh lên để sinh viên ký tên. Chúng tôi vẫn nói đùa là chữ ký của mình là chữ ký bằng vàng vì trường căn cứ vào đó mà phát học bổng! 


Trường chúng tôi gồm hai dãy lầu cũ, ngăn cách bằng một sân cờ với hai thảm cỏ nhỏ. Tôi nghe nói, niên khoá đầu tiên của chúng tôi ở Sư phạm Saigon, trường chỉ có 900 sinh viên cho cả hai khối :nhân văn( khoa học xã hội gồm Việt Hán, Anh văn, Pháp văn và Sử Địa) và khoa học ( khoa học tự nhiên: Toán, Lý Hoá và Vạn vật). “ Hàng xóm” của chúng tôi là Trung học Petrus Ký, mặt tiền ở ngay đường Cộng Hoà, đối diện Tổng nha Cảnh Sát Quốc gia, kế đó là Đại học Khoa học. Tôi yêu Đại học Sư phạm vì khung cảnh êm ả, không như ngày Văn khoa , sinh viên quá đông!


Ở Sư phạm, tôi có cảm tưởng đang học trung học khi thầy gọi đọc bài, chúng tôi cũng phải đem tập lên bàn thầy, đứng vòng tay đọc bài!

Các thầy cô phụ trách giảng dạy chúng tôi cũng tương đối trẻ. Giáo sư lớn tuổi nhất của chúng tôi năm ấy là thầy Trương văn Chình. Thầy Chình dạy môn Văn phạm. Điều làm tôi nhớ thầy mãi không phải là những bài giảng của thầy mà là vẻ... đẹp trai, ô không, vẻ đẹp lão của thầy!

Nguyễn tấn Diệu Tâm, bạn thân của tôi và tôi cứ nhìn thầy xuýt xoa  “Chu cha, thầy ơi! Thầy ăn chi mà thầy đẹp dễ sợ rứa? Chừ thầy già rồi mà còn đẹp cỡ ni, khi trẻ chắc có lắm cô chết vì thầy! “. Và dĩ nhiên đó chỉ là những lời tán dương vẻ đẹp “khuynh thành “của thầy mà hai đứa tôi chỉ dám nhỏ to sau lưng thầy!

Mà phải công nhận, thầy tôi đẹp thật!

Buổi học đầu tiên thầy kể cho chúng tôi nghe sơ về gia thế của thầy. Trước kia, thầy là Tổng giám đốc Bưu điện Saigon và thẩy có một người con trai đang đi học ở Úc, ngành kỹ sư đóng hộp. Sau này, bọn tôi thấy thầy có vẻ để ý ưu ái Thu Vân, bạn đồng môn của chúng tôi nên cả lũ hùa nhau chọc Thu Vân” Thầy chấm mày làm ... con dâu rồi đó! Mai mốt thầy sẽ... đóng hộp mày, gửi qua Úc! “ vả chúng tôi lăn ra cười mặc cho Thu Vân lúng túng, muốn khóc! 

Nhưng rồi thế cuộc đổi thay nên Thu Vân không bị “đóng hộp “ đi Úc mà hiện nay bạn đã là tiến sĩ, phó giáo sư đại học sư phạm thành hồ!


Rồi chúng tôi có thầy Phan Hồng Lạc là giáo sư môn Hán văn. Thầy trẻ, hiền và cười với sinh viên hoài!

Ngoài ra, thầy còn là giáo sư hướng dẫn thực tập của chúng tôi trong bán niên đầu.Thầy ân cần dặn dò chúng tôi từng chút một. Với các nữ sinh viên, thầy nhắc chúng tôi đánh phấn hồng để che nét mặt xanh tái, bối rối khi lên bục giảng!

Thầy dịu dàng phân tích những ưu, khuyết điểm của chúng tôi trong giờ thực tập và không bao giờ thầy nỡ xuống tay với sinh viên! Thầy ơi! Bao nhiêu năm qua, không còn được gặp thầy nhưng bao giờ nghĩ đến các thầy cô, thì thầy vẫn là một trong những hình ảnh rất đáng quý, đối với em, thưa thầy!

Thầy biết không, ngày đó, sinh viên Việt Hán một chúng em đã ưu ái tặng thầy biệt danh:”Hoà thị chi bích”, theo đề bài Hán văn đầu tiên thầy dậy chúng em: Viên ngọc của người họ Hoà.


Nói đến thầy Phan Hồng Lạc là phải nhắc tới thầy Lê Hữu Mục. Thầy Mục giảng dạy môn chữ Nôm. Thầy mập,giọng thầy ồm ồm, mới thoạt nhìn, tôi rất sợ! Nhưng thật ra, thầy Mục dễ thương lắm. Thầy tận tâm giảng dạy. Môn chữ Nôm là môn học mới mẻ và khá khó nuốt(!) vì để học được chữ Nôm thì chúng tôi phải biết chữ Hán đã, do chữ Nôm được cấu thành từ chữ Hán... 

Thầy Mục có lẽ cũng hiểu chúng tôi đa số chỉ mới học Hán văn năm Dự bị Văn chương Việt Nam ( ở Văn khoa) nên vốn liếng chữ Hán cũng rất còm cõi do đó thầy dạy chậm, giải thích tường tận, nhờ vậy chúng tôi cũng đỡ vất vả. Nhớ có lần thầy bảo cả lớp viết tên thầy bằng chữ Hán, tất cả chúng tôi đều viết chữ Mục là con mắt! Lê hữu Mục là... ông Lê có mắt! Thầy đã lắc đầu, mắng chúng tôi “ Dốt! Dốt! Mục của thầy là hoà thuận chứ không phải là con mắt!”


Ngoài ra, thầy Mục còn là một vĩ cầm thủ tài hoa! Thầy rất nghệ sĩ! Thỉnh thoảng thầy hát cho trò nghe và thầy cũng bảo chúng tôi hát cho thầy bạn cùng nghe. Thầy Mục của con! Thầy Mục của những ngày chữ Nôm và tiếng hát sinh viên!


Bên cạnh các thầy Phan Hồng Lạc, Lê hữu Mục là hai giáo sư Phạm văn Diêu và Phạm văn Đang. Hai thầy cùng họ, cùng chữ lót tưởng như anh em ruột nhưng thật ra không phải, thầy Diêu người trung, thầy Đang người bắc. Cả hai thầy chia nhau dạy chúng tôi phần Văn học Lý Trần. Thầy Diêu còn dạy thêm phần văn học dân gian. Thầy Diêu viết văn hay lắm, văn của thầy là một bài thơ!

Thầy Đang còn trẻ !Tôi đoán thầy chỉ ngoài ba mươi một chút thôi! Thầy vui tính và tôi là sinh viên được thầy ưu ái vì tính tôi ... lẩm cẩm, thích tìm đọc những điển cố Trung hoa nên tôi đã trả lời được khi thầy hỏi “tại sao gọi là chín suối? Tại sao Cao Bá Quát lại có hiệu là Chu Thần ?”...

Thầy Đang dễ chịu bao nhiêu thì thầy Diêu lại khó tính bấy nhiêu. Thầy hay rầy chúng tôi vì những “ lỗi” không do chúng tôi cố ý gây ra, thầy mới đến ngưỡng cửa lớp mà nếu chúng tôi chưa thấy, không kịp đứng lên chào là bị thầy “ dũa” te tua! Thầy Diêu cũng” biết mình biết ta” lắm(!) nên có lần thầy cay đắng bảo chúng tôi “ Ngày các anh chị ra trường, đừng mời tôi dự tiệc! Tôi biết các anh chị không ưa tôi nhưng đã phải chịu đựng tôi trong bấy nhiêu năm học, bây giờ, còn những giờ phút cuối, tôi phải tránh mặt đi để cho các anh chị thoải mái! “Nhìn vẻ mặt buồn bã của thầy khi nói, tôi bỗng thấy xót xa nhưng tận thâm tâm, tôi vẫn tự hỏi “ sao thầy không thể thân ái với chúng tôi như các thầy cô khác? Tại sao thầy phải khắt khe với chúng tôi để thầy buồn và chúng tôi cũng không vui?”


Thầy Diêu buồn thì thầy Nguyễn sĩ Tế lại vui, rất vui! Những giờ Văn học Phương Tây với thầy tràn ngập tiếng cười! Thầy đã được chúng tôi tặng biệt danh” ông cố vấn dung nhan “ và biệt danh này chỉ luân lưu trong phạm vi sinh viên chúng tôi. Số là,khi thầy dạy tác phẩm “ Trưởng giả học làm sang”( Les bourgeois gentilles hommes) của Molière, thầy giảng những bà nhà giàu mới nổi, thích làm sang và để tỏ ra ta đây thuộc hàng danh giá, tách biệt khỏi giới bình dân thì họ cũng đổi cách ăn nói, chẳng hạn cái gương soi mặt ( le miroir) thì họ lại gọi là cái cố vấn dung nhan (le conseil de la beauté!) và thế là từ đó thầy có tên...! Ngoài ra, tôi còn nhớ hễ mỗi khi thầy đang giảng mà bỗng cúi xuống là sinh viên cũng lo lật đật ...cúi theo... để ghi cours cho kịp vì thẩy nói nhanh lắm! 

Chúng tôi học với thầy Tế hai giờ cuối, ngày thứ hai và lúc nào cũng vậy, tôi ra về với một nụ cười!

Cô Nguyễn thị Xuân Lan là nữ giáo sư duy nhất của chúng tôi, Việt Hán một - Pháp văn trong bán niên đầu. Tên sao người vậy! Cô người Huế, cô là biểu tượng dịu dàng, khả ái của núi Ngự sông Hương! Ngày đầu tiên cô đã cho chúng tôi được chọn bài học, cả lũ đã nhao nhao xin cô cho học tình thư lãng mạn, và bức thư tình đầu tiên cô dạy là tình thư của Napoléon gửi cho Joséphine. Tôi còn nhớ có lần cô dạy chữ dépeupler, nghĩa là làm cho bớt người, giãn dân...và cô giảng chữ này trong một câu thơ của Lamartine: “Un seul Etre vous manque et tout est  dépeuple. (tạm dịch: vắng một người cả trời đất đều hoang vu!) Hay quá là hay!


Thầy Lê thanh Hoàng Dân và thầy Trần Công Thiện phụ trách môn Tâm lý giáo dục. Buồn ngủ ơi là buồn ngủ! Thầy Lê thanh Hoàng Dân cũng được chúng tôi nghịch ngợm “phong tặng” là “ông... tâm bệnh”(!) vì bài giảng của thầy lúc nào cũng là tâm bệnh, nghe một hồi tôi cũng muốn bị ... tâm bệnh luôn!


 Thầy Giản Chi Nguyễn hữu Văn dạy môn Triết Đông. Thầy hiền ơi là hiền và thầy cho chúng tôi cảm tưởng như đang được nghe  thầy kể chuyện đời xưa. Thầy là một trong những vị thầy khả kính của chúng tôi!

 

Thầy Lê Ngọc Trụ là vị giáo sư cuối cùng trong danh sách các giáo sư giảng dạy của bán niên một. Thầy phụ trách môn Ngữ âm mà bây giờ thì tôi không còn nhớ gì cả! Chỉ nhớ thầy cũng như thầy Giản Chi, rất hiền!

 Bán niên hai, cô Khưu Sĩ Huệ thay thế thầy Phan Hồng Lạc dạy chúng tôi môn Hán văn. Cô là biểu tượng Lương sư Hưng quốc! Cô không bao giờ đi trễ và cũng không bỏ buổi dạy nào. Cô thương học trò nhưng cô rất nghiêm. 

 Hai giờ đầu,chiều thứ hai là giờ Hán văn. Buổi sáng, chúng tôi đã ngất ngư với bốn giờ Văn học Lý- Trần và Văn học dân gian! Đến chiều là bắt đầu uể oải, hơn nữa trời Saigon nóng nực khiến mắt chúng tôi cứ muốn nhíp lại...nhưng buồn ngủ cách mấy cũng phải ráng trợn mắt mà nuốt cho xong cái mớ chữ Hán hỗn độn! 

 Một lần, giờ Hán văn của cô Khưu sĩ Huệ, lớp tôi có đến khoảng ba, bốn bạn đi trễ! Cô giận lắm nhưng cô chỉ ôn tồn nói: “Các anh chị phải biết, các anh chị ở trường này để được đào tạo thành thầy cô. Các anh chị nghĩ thế nào nếu mai này, tới giờ dạy,các anh chị  đã ở trên bục giảng mà cứ năm phút một đứa học trò đi vào, năm phút sau lại đứa kế tiếp...?” Tất cả chúng tôi cúi gằm mặt xuống, im lặng! Từ đó về sau, giờ thầy cô nào còn dám đi trễ chứ giờ cô Khưu sĩ Huệ thì đố...! Chưa tới giờ đã đủ mặt ...bá quan văn võ!

 Cô Khưu sĩ Huệ không giảng dạy theo lối thường như các thầy cô khác. Cô tập cho chúng tôi tinh thần tự tìm tòi, học hỏi. Có lần cô cho đề bài “Tuần sau chúng ta sẽ học động từ “vi” Các anh chị về tự học và mỗi người ít nhất làm cho tôi bốn câu có chữ “vi”( chữ vi là động từ là, như động từ to be trong tiếng Anh hay être của tiếng Pháp).

 ◦ Thứ hai sau đó, cô kêu bốn đứa đầu tiên lên bảng và tôi “ hân hạnh” nằm trong bảng “ phong thần “ của cô! 

 Tấm bảng lớn của lớp được chia làm bốn. Trần Phú Lai, mà chúng tôi vẫn nghịch ngợm đọc lái tên là Phái Lu, tôi và hai bạn nữa mà tôi quên mất là ai.

 Chúng tôi hí hoáy viết. Sau đó, cô bảo chúng tôi đọc lớn bài làm của mình cho cả lớp nghe. Câu của “Phái Lu” là: Ngã vi bần sĩ!(nghĩa là: tôi là học trò nghèo!), cô nhăn mặt! Đến phiên tôi: “ Vi nhân, mạc vô tử!”( là người ai mà chẳng chết!), cô lắc đầu! Và hai bạn sau tôi cũng những câu hắc ám, bi quan tương tự. Cô chán nản! Cô hỏi “ Phái Lu”: anh tên gì?

 - Thưa cô, em tên Trần Phú Lai.

- Anh viết tên anh ra coi( dĩ nhiên là viết tên chữ Hán), xong cô bảo “Phái Lu” dịch tên hắn ra, xong cô la:

 - Cha mẹ anh đặt cho anh cái tên hay như vậy nghĩa là ông bà muốn sự giàu có đến cho anh hà cớ gì anh lại nói “ tôi là học trò nghèo?!” Xong đời “Phái Lu”!

 Đến phiên tôi, sau khi tôi đọc và dịch xong phần bài làm của mình, cô nghiêng đầu nhìn tôi và hỏi:

 - Chị mấy tuổi?

 - Thưa cô, con 18!

 - Chị còn quá trẻ! Sống chưa được bao nhiêu sao đã lo chuyện chết! 

 Tôi đứng yên! Tàn đời!

 Hai người bạn sau cũng đồng cảnh ngộ như Phái Lu và tôi!

 Sau đó, cô bảo tất cả chúng tôi viết tên mình và nạp cho cô.

 Tuần kế, cả lớp đều “!thoát nạn”! Chỉ trừ Tuyết Lệ! Cô hỏi Tuyết Lệ:

 - Chữ Lệ nghĩa là gì?

 - Thưa cô, nước mắt!

 - Chị nghĩ sao mà lại viết như vậy? Bộ khi sinh chị ra, ba má chị buồn lắm à?

 Chị có biết nghĩa khác của chữ lệ không?

Tuyết Lệ ấp úng:

 - Thưa cô, không!

 - Lệ có nghĩa là đẹp đẽ như diễm lệ, tráng lệ...

 Và cứ thế, cuộc đời sinh viên của chúng tôi khi chìm khi nổi cho đến một ngày...

 Ngày 30.04.1975!

 - Thưa các thầy cô!

 - Con, học trò của các thầy cô đã bao nhiêu năm rồi! Ngày 30.04.1975, nước mất và nhà tan. Thầy cô và chúng con tan tác,theo mệnh nước nổi trôi. 

 Mệnh nước trầm luân 

 Mệnh người phiêu bạt!

 Ngày vào Sư phạm, con mang ước vọng cũng như quý thầy cô, đem kiến thức đã được truyền thụ để hướng dẫn các thế hệ đàn em, làm cho các em hiểu, yêu mến tiếng Việt, văn chương Việt, tự hào về dân tộc mình. Nhưng thầy cô ơi! Con đã không làm được điều quý thầy cô đã kỳ vọng ở chúng con! Con rất buồn! Nhưng biết làm sao hơn được!

 Giờ này, sau bao cuộc bể dâu, quý thầy cô và chúng con chắc cũng khó lòng mong một ngày trở về, đoàn tụ dưới mái trường Sư phạm thân yêu. Quý thầy cô, nếu còn thì cũng đã quá trọng tuổi và nhiều thầy cô đã trở về với cát bụi! Những Lương sư đã không thấy được ngày Hưng Quốc! Đau lòng xiết bao!

 Giờ đây, con cũng như các bạn bè chỉ xin kính chúc các thầy cô còn hiện diện với chúng con hai chữ an khang và với quý thầy cô đã đi vào cõi thiên thu, con nguyện xin Thượng Đế  đưa các thầy cô của chúng con về miền Vĩnh phúc. 

 Và chúng con xin chân thành cảm tạ công ơn giáo dục của quý thầy cô cho chúng con được như hôm nay. Có thể, chúng con không thành công nhưng ít ra, các thầy cô có thể mỉm cười khi biết chúng con, lớp hậu sinh của quý thầy cô đã thành nhân và câu châm ngôn “Lương sư Hưng quốc “, với riêng con, vẫn là điều tâm niệm mãi mãi!


 Kính và thương !

 Con,

 Vũ hoàng Hoa 

 

No comments:

Post a Comment