Thursday, June 29, 2023

TIẾT ĐOAN NGỌ NHỚ THIỀU CHỬU TÔN SƯ

 TIẾT ĐOAN NGỌ NHỚ THIỀU CHỬU TÔN SƯ 


Hôm nay mùng 5 tháng 5 Âm lịch, cứ như quê nhà là Tết Đoan Ngọ chỉ cúng tổ tiên bằng bánh tro, bánh chay, trái cây và cơm rượu nếp. Ăn vào để “giết sâu bọ” hihihi ! … Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan là mở đầu, Ngọ là giờ Ngọ, thời khắc giữa trưa). Cũng còn gọi là Đoan Dương (Dương là mặt trời, là khí dương lúc ban trưa)  Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan Ngọ liên quan đến Khuất Nguyên đại phu cuối thời Chiến quốc bên Tàu khoảng vài trăm năm trước Công nguyên. Ông là người nước Sở, học rộng, nhiều tài kinh bang tế thế, nhưng bị vua Sở ghét bỏ vì nghe lời nịnh thần gièm pha, phế truất, đày ông đến miền Giang Nam. Ông buồn rầu thế thái nhân tình nên mới viết ra thiên Ly Tao, một thể Sở từ, để bày tỏ nỗi lòng trung quân ái quốc của mình. Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên sau đó ôm một phiến đá nhảy xuống sông Mịch La tự trầm đúng ngày 5 tháng 5 Âm lịch. 

Người đời sau cho Khuất Nguyên là trung thần nên thờ cúng ông bằng đồ nguội để nhớ đến cái chết lạnh của ông. 

Chuyện sống đục không bằng chết trong này … tôi có đọc trong Cổ Học Tinh Hoa rằng: 

“Khuất Nguyên làm quan đại phu cho đời Hoài Vương nước Sở, bị kẻ sàm báng mà phải bãi chức. Mặt mũi tiều tuỵ, hình dong khô héo, Khuất Nguyên vừa đi, vừa hát trên bờ đầm.

Có ông lão đánh cá trông thấy, hỏi rằng:

- Ông có phải là Tam Lư Đại Phu( tức Khuất Nguyên) không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?

Khuất Nguyên nói: “Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh; bởi vậy nên ta phải bị bãi chức”.

Ông lão đánh cá nói: “Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tuỳ thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải phóng khí?”.

Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe: Mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ”.

Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay bơi chèo đi, rồi hát rằng:

“Sông Tương nước chảy trong veo.

Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.

Sông Tương nước đục phù sa

Thì ta lội xuống để mà rửa chân”.

Hát xong, đi thẳng không nói gì.” ( Khuất Nguyên) 

Khuất Nguyên đã không nghe ông lão đánh cá rửa chân thôi, ông ôm cả tảng đá rửa nguyên người dưới dòng Mịch La, thế  nên mới có tích ăn lạnh ngày Đoan Ngọ.


Chuyện dài dòng về Khuất Nguyên đại phu bên Tàu nhân Tiết Đoan Ngọ làm tôi lại nhớ đến cụ Thiều Chửu của nước ta. 

Tôi vẫn nhận cụ Thiều Chửu là Thầy,  là Tôn sư tuy ngày cụ mất, tôi chỉ là một đứa bé được vài tuổi mà thôi. 

Cả tuổi thơ bên Bố của tôi (ngày ấy tôi còn gọi bằng Cậu rồi bằng Thầy) là những ngày dài nghiêm khắc và đạo lý thánh hiền, là Tam Tự Kinh là nhân chi sơ ( sờ tí mẹ) tính bản thiện ( miệng muốn ăn) hihihi ấu bất học, lão hà vi !?( nhỏ không học lớn làm đại uý) 😜Những câu những chữ Hán Việt rắc rối (?! ) mà Bố tôi vẫn rót vào đầu thằng bé 8 - 9 tuổi hàng ngày thành nhập tâm.

Lớn lên khi vào Đại học tôi chọn Văn Khoa, Triết học theo sở thích, lại học ban Văn chương Việt Hán Đại Học Sư Phạm Saigon , qua các bài Hán Văn nhập môn của quý thầy Trần Trọng San , Giản Chi, Phan Hồng Lạc ( Hán văn, văn chương Việt Hán), cô Khưu Sĩ Huệ ( Hán văn bạch thoại)…

Quý thầy cô của tôi nay đểu quá vãng nhưng hình ảnh và chữ của quý thầy dạy vẫn còn mãi trong tôi. 

Và khi học quý ân sư thì cụ Thiều Chửu với quyển Hán - Việt Tự Điển hơn 800 trang, của cụ biên soạn luôn bên cạnh bàn học của tôi. Nên gọi cụ một bậc Thầy gián tiếp cũng không ngoa. Chữ nào không biết, không rõ nghĩa là hỏi Thầy và Thầy sẵn sàng giải đáp cho tôi nếu tôi chịu giở sách của thầy tra vấn. 



Quyển Hán Việt Tự Điển của cụ Thiều Chửu này in lần thứ hai năm 1974 ở miền Nam dày 800 trang giấy mà tôi còn giữ được để tra dùng đến sút chỉ, long gáy, mất bìa …nhưng số trang còn nguyên. Mấy lần toan đóng lại cho ra dáng sách quý nhưng lười, vẫn cứ để vậy cho tiện dụng từng tập nhỏ dễ tra cứu. Tôi cũng có mua thêm vài Tự Điển của các tác giả khác nhưng vẫn quen cách tra cứu của Thiều Chửu mà thôi.


Trên 800 trang sách không có một dòng nào nói về tiểu sử của người biên soạn. Chỉ có MẤY LỜI NÓI ĐẦU của Soạn giả, khiêm cung cho biết việc quan trọng và khó khăn khi soạn tự điền trong 2 trang giấy in nơi đầu sách, không đề ngày tháng và sau khi ghi niệm danh Phật hiệu cụ chỉ ký gọn là THIỀU-CHỬU CẨN CHÍ .


Cụ Thiều Chửu là ai? 


Theo các ân sư khi dạy bảo các môn sinh chúng tôi cách dùng Hán Việt Tự Điển cũng chỉ dạy cách tra cứu và cho biết nghĩa tên của soạn giả Thiều Chửu vì Thiều Chửu là một tiếng Hán Việt hơi lạ. Cũng theo Tự điển của cụ thì Thiều là cây lau, Chửu là cái chổi ( có lẽ chữ Chổi tiếng Việt cũng từ chữ Chửu này mà ra) 

Vậy Thiểu Chửu là cái chổi lau, như cái phất trần để lau bụi phủi bụi.

Sinh thời, cụ Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) lấy bút hiệu Thiều Chửu rất khiêm tốn tự ví mình như cái chổi lau bé mọn nhưng có ích cho đời sạch bụi bặm. 



“ Tên tuổi của cụ đã trở thành bất hủ với bộ Tự điển Hán - Việt Thiều Chửu. Những người Việt học Hán văn không thể không cúi đầu tri ân công trình văn hóa bất hủ mà Cụ đã để lại cho đời. Ngoài bộ Tự điển Hán – Việt Thiều Chửu, Cụ còn để lại rất nhiều tác phẩm cũng như dịch phẩm cùng nhiều bài tiểu luận nhưng rất tiếc, từ trước đến giờ chúng ta biết rất ít về các tác phẩm, dịch phẩm cũng như những bài tiểu luận của Cụ. Chúng ta biết rất ít về các công trình văn hóa ấy, lại càng không biết về cuộc đời, về hạnh nguyện lợi tha của Cụ vì sau cái chết mà chính Cụ gọi là Thiên cổ kỳ oan (nỗi oan kỳ lạ muôn đời) ấy, không ai dám nhắc đến tên tuổi của Cụ, các công trình văn hóa của Cụ không được phổ biến. Phải đợi đến năm 2002, khi các cháu trong dòng họ Nguyễn Đông Tác cùng những người học trò năm xưa của Cụ kết hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Tia sáng Bộ Khoa học- Công nghệ - Môi trường tổ chức Lễ Tưởng niệm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cụ tại Văn Miếu Quốc tử giám, chúng ta mới biết được các công trình văn hóa của Cụ, biết rõ cuộc đời đầy thăng trầm, đắng cay của Cụ” ( Trí Siêu - Lê Mạnh Thát) 



Tại sao lại có “thiên cổ kỳ oan” và việc phai tự tìm cái chết mới khi có 52 tuổi đời của cụ Thiều Chửu, và tại sao cả 100 năm dài, chính quyền cộng sản đã làm gì để “ không ai dám nhắc đến tên tuổi của Cụ, các công trình văn hóa của Cụ không được phổ biến.” 


Ấy là ngài Trí Siêu Lê Mạnh Thát chỉ nói đến bóng tối của đất nước ở miền Bắc và sau 75 ở cả 2 miền thôi. Chứ 20 năm Việt Nam Cộng Hoà thì tên tuổi và tác phẩm của cụ Thiều Chửu vẫn được tôn trọng và phổ biến ở Miền Nam nhé. 


Trên Bách khoa toàn thư Wiki cho biết “ 

“Thiều Chửu (1902–1954), tên thật Nguyễn Hữu Kha, là nhà văn hóa, dịch giả và cư sĩ Việt Nam, tác giả Hán Việt tự điển và nhiều bộ sách về Phật giáo nổi tiếng khác. Năm 1945, ông được Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. (!) “

“Trong Cải cách ruộng đất, ông bị đội cải cách ruộng đất ở xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên quy là địa chủ và xỉa xói mắng nhiếc nhiều giờ, vu cho đủ các tội ác, dùng những lời nói khinh bỉ hà khắc. Bị vu cáo, cộng với sự thương cảm cho nhiều nông dân bị hàm oan trong Cải cách ruộng đất mà cảm thấy mình bất lực, ông đã tự trầm vào ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ (ngày 15 tháng 7 năm 1954) tại sông Cầu (chỗ đập Thác Huống, thuộc xóm Đồng Tâm, xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.)“


Hỡi ôi ! Cụ Thiều Chửu bị án oan khốc đến nỗi phải tự trầm nơi dòng Sông Cầu Miền Bắc Việt Nam hơn nửa thế kỷ gần đây cũng chẳng gì Khuất Nguyên thất chí phải ôm tảng đá gieo mình xuống dòng Mịch La bên Tàu thời Chiến Quốc xa xưa. 

Chỉ khác là Khuất Nguyên thời phong kiến bên Tàu, không bị công khai sỉ nhục tàn tệ, chưa bị đấu tố long trời lở đất, không bị hàm oan , bị vu cho đủ loại tội ác, xỉa xói mắng nhiếc phỉ nhổ vào mặt…như cụ Thiều Chửu trong thời Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà ở miền Bắc năm 1954, cũng y như vụ án bà Nguyễn Thị Năm- Cát Hanh Long (1906 – 1953) một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Bà nguyên là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. Trong cuộc Cải cách ruộng đất, bà bị cộng sản đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn tháng 7 năm năm 1953 ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội.


Ông Khuất Nguyên mới chỉ bị Sở vương thất sủng, biếm nhẽ về Giang Nam mà đã thất chí sầu khổ đến phát điên rồi tự trầm thì có nhằm nhò gì so với nỗi oan khuất kinh thiên động địa ghê gớm chịu không thấu, đến nỗi phải tìm cái chết nơi dòng sông Cầu như cụ Thiều Chửu, tôn sư của chúng tôi trong  những đợt cải cách ruộng đất tàn ác vô nhân đạo  tại miền Bắc Việt Nam.

Mà ai đã chỉ đạo cuộc “cải cách ruộng đất” oan khốc 1954 đó và cả “cải cách  tư sản “ cào bằng ở miền Nam sau này vậy? Bao nhiêu nhân mạng chết oan khuất tủi nhục, bao nhiêu gia đình tán gia bại sản phải vào tù trên chính mảnh đất cơ ngơi mồ hôi nước mắt và cả máu của  dân lành. Bọn thủ ác ấy vẫn nhơn nhơn không hề có một lời xin lỗi các nạn nhân của chúng và tiếp tục thi hành những thủ đoạn cướp ngày, tiếp tục bán đất làm giàu, cướp đất chiếm đất xây cơ ngơi biệt phủ lăng tẩm nguy nga cho chính chúng và dòng họ chúng; bọn cường hào địa chủ mới trên trên những mảnh đất cướp được từ “cải cách ruộng đất cải cách tư sản” năm nào khắp miền đất nước hiện nay mà không ai trị được bọn chúng. 

Nhìn lại đi! Mới ngày nào chúng quy cho người lành lên Phú Trí Địa Hào đào tận gốc, trốc tận rễ. Chúng nó phóng tay tàn hại nhân dân, truy giết người hiền … rồi bây giờ chúng nó toàn là Phú gia Trí thức Địa chủ Hào sĩ ăn trên ngồi trốc! Ô hô ! Ai tai ! 



Hôm nay, nhân tiết Đoan Ngọ nhớ cái chết của Khuất Nguyên Đại phu tôi lại tưởng nhớ đến Thiều Chửu Tôn Sư, cái chết oan khốc lạnh lùng dưới dòng nước sâu như món bánh tro nhạt, miếng cơm rượu chua chua trong miệng trẻ  ngày Đoan Dương 5/5 năm xưa.


Thưa Thầy ! Từ khi con biết được Thiên cổ kỳ oan và cái án “Mạc Tu Hữu” dẫn đến cái chết của Thầy khi thầy mới đi nửa chặng  cuộc đời, thì, mỗi lần giở sách của thầy, lòng con lại quặn đau thương thầy vô hạn. 

Thưa Thiều Chửu Tôn sư ! 


mnc 

Đoan Ngọ 2023

No comments:

Post a Comment