Tuesday, May 10, 2022

H Ồ T R Ư Ờ N G

 Về một lỗi typo trong  HỒ TRƯỜNG



ba mươi tháng tư bên chiếu rượu

buồn vui ôn lại đoạn chiến thương 

bằng hữu đã cho tôi nghe lại 

bạn ta ngâm ngợi khúc Hồ Trường 

một khúc trầm hùng mà bi tráng 

nghe rồi nghe lại vẫn cùng sầu 

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ !

Hồ Trường ! Ta biết rót về đâu ! 


Bài Hồ Trường - Nguyễn Bá Trác mà tôi nghe đi nghe lại, ngâm nga, đọc thơ trong lẫy lừng hào khí, đã biết bao nhiêu lần; đâu phải bây giờ mới thấm, đâu phải bây giờ mới cảm ! 

Cui, bạn nối quần “tà lỏn” của tôi vừa nhắc lại khúc Hồ Trường trong buổi chia tay tiễn bạn ta vào trường Võ Bị Đà Lạt năm xưa đó, khi bọn chúng tôi đang độ tuổi hai mươi, lúc tóc còn xanh, mộng tràn biên giới. Tiễn “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” ngày ấy, quyết “xếp bút nghiên theo việc đao cung” …bốc lên “ chí những toan lấp bể dời non, làm nên đấng anh hùng đâu đấy cả…” thì những chàng Lệnh Hồ thiếu hiệp thời đại sinh bất phùng thời… đã cùng nâng chén vung bầu, ngâm ngợi  Hồ Trường đầy phong vị hào sảng, trầm hùng, u uất mà bi tráng… thì thật là đúng cảnh đúng người. 

“Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.” 

Phải không bạn cui ! 

Nhiều năm về sau, trong nhiều hoàn cảnh bi thương trầm uất trong vòng kẽm gai chiến tranh, tù đày… lạc lõng trong dòng đời vô định, trên quê hương tàn cuộc đao binh… rồi phiêu dạt nơi xứ người …khúc Hồ Trường đó luôn hiện diện trong tâm khảm những “tráng sĩ” miền Nam thất thế.  Nhất là bên những cuộc rượu túy luý càn khôn bằng hữu một thời áo trận giày saut. Từ khi tóc còn xanh đến phơ phơ đầu bạc. Cảm khái làm sao! 

Hãy đọc lại khúc Hồ Trường bi tráng nhé ! Bạn ta ơi! 


Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,

Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương.

Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một màu sương.

Học chẳng thành, công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?

Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn.

Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.

Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.

Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.

Nào ai tỉnh, nào ai say.

Chí ta ta biết lòng ta ta hay.

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.” 

( Hồ Trường, Nguyễn Bá Trác) 


Bạn ta bảo Hồ Trường ngay từ bản in đầu tiên trên Nam Phong tạp chí, số 41, năm 1920 đã có vài lỗi chính tả so với các bản về sau như 

- “sé gan” thay vì “xé gan”

- “ngọn bắc phong vì vụt” thay vì “ngọn bắc phong vi vút”

- “Nam nhi sự ngiệp…” thay vì “Nam nhi sự nghiệp…” 

Đó là thời nền ấn loát còn in typo, dùng bản đúc chữ chì nên sai sót là chuyện đương nhiên.

Sau bản in đầu tiên, có thêm 4 bản khác được lưu hành, có khác nhau vài chỗ, nhưng bạn ta cho biết, có một lỗi chính tả quan trọng vì cho đến nay vẫn chưa được hiệu đính ?! 

Ngâm ngợi, đọc đi rồi đọc lại … chữ sai ấy ở đoạn nào nhỉ ? 


Từ khi cụ Nguyễn Bá Trác đưa lên Nam Phong tạp chí năm 1920, khúc ca Hồ Trường đã hơn trăm tuổi. Biết bao nhiêu thế hệ, nhất là hào sĩ nam giới, đã yêu thích, lưu truyền tự bấy lâu nay … thì lỗi chính tả nào nữa đây mà không ai để ý. Hay là có để ý nhưng vẫn đọc theo thói quen cố hữu. 


Bạn ta chỉ ra rằng trong câu 

“Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn.” đấy thôi 

 Nào hãy cầm bầu rượu nâng chén cảm khái ngâm lại mấy câu 

“Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?”

Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn

Ừ nhỉ! Bao nhiêu thì nhân mặc khách vẫn ngâm Hồ Trường với hai chữ “cuồng lạn” bao lâu nay theo bản in đầu tiên trên Nam Phong tạp chí năm 1940 và Phạm Thế Ngũ in lại trong “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên” năm 1965 và nhiều bản trên mạng về sau này đều theo bản in đầu tiên với hai chữ “cuồng lạn” hay “cuồng loạn”! Có gì hồ nghi về điều này nhỉ? 


Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn”


“Cuồng lạn” vẫn được đọc như thế xưa nay, nhưng xét lại trong tiếng Việt “cuồng lạn” là nghĩa gì ?! Tra từ điển Việt Hán Nôm thì hoàn toàn không có chữ “cuồng lạn”

Nhưng trong các bản in Hồ Trường thì có đấy?!  “cuồng lạn” đã không rõ nghĩa nên  bản chép là “cuồng loạn” cho chữ có nghĩa. Đôi khi bản in ra lại có thêm gạch nối “cuồng-lạn” -  “cuồng-loạn”, hơi vô lý, vì gạch nối (-) xưa phần đa chỉ dùng cho danh từ.

Đọc lại toàn bài, cụ Nguyễn Bá Trác dùng toàn vần bằng ở cuối mỗi câu trong ca khúc chỉ có “cuồng lạn” hay “cuồng loạn” là vần trắc. 

Bạn bảo thế có nên hồ nghi vần trắc của chữ này sai “lỗi typo”, lỗi của nhà in ngay bản đầu tiên. Cụ Nguyễn Bá Trác đã dịch thoát khúc ca Hồ Trường từ Nam Phương Ca Khúc tiếng Hán. Bản này có 12 câu và Nguyễn Bá Trác chép lại và tự dịch thoát sang tiếng Việt, không có nhan đề và về sau là khúc ca Hồ Trường, cũng có 12 câu, như ta đã biết 

Vậy câu “ “Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn.” là câu số 7 do cụ Nguyễn Bá Trác dịch từ câu số 7 trong Nam Phương Ca Khúc mà cụ đã chép lại. 

Câu ấy như sau:

“Dư trường trịch hướng đông minh thuỷ, đông minh chi thuỷ vạn đội khởi cuồng lan. “

(予觴擲向東溟水,東溟之水萬隊起狂瀾)

Nghĩa Nôm là: 

Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng. 

Có lẽ cụ Nguyễn đã chuyển sang Việt ngữ ra câu này 

 “Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan”

Nhưng vì thợ xếp chữ in typo thời sơ khai đó, đã bất cẩn thêm dấu nặng (.) dưới chữ lan nên thành “cuồng lạn”, như đã nói, chữ “lạn” đi với chữ “cuồng” thì vô lý. 

Trước đó, trong bài hát nói Kẻ Sĩ cụ Nguyễn Công Trứ cũng có câu 

“Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên” 迴狂瀾而障百川. (Ngăn sóng dữ để bảo vệ các dòng sông). Chữ “cuồng lan” 狂瀾 tiếng Hán có nghĩa là “sóng dữ” và chữ “lan”  ( với bộ thủy 氵)  chỉ có 1 cách đọc là “lan” không có thể đọc là “lạn”. Thế nên trong nguyên bản chữ Hán câu số 7 từ Nam Phương ca khúc đến khúc Hồ Trường cũng nên đọc là “cuồng lan” cho đúng 

“Dư trường trịch hướng đông minh thuỷ, đông minh chi thuỷ vạn đội khởi cuồng lan. “

(予觴擲向東溟水,東溟之水萬隊起狂瀾)

Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan.

 

Lại xét về vần thì “cuồng lan” vần với “chứa chan” ở câu dưới mới gọi là hiệp vận. Kế tiếp là “cát dương” vần với “như điên như cuồng”  

“Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?

Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan.

Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.

Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.

Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.”


Rồi, các câu đầu và cuối, đọc lại mà xem; hiệp vận toàn bài Hồ Trường  là vần bằng.

“Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,

Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương.

Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một màu sương.

Học chẳng thành công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.”

…”Nào ai tỉnh, nào ai say.

Chí ta ta biết lòng ta ta hay.

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.” 


Vậy thời, cớ sao có vần trắc “cuồng lạn” ở câu số 7 bài Hồ Trường?

Thêm nữa “cuồng lan” (sóng dữ) là danh từ, còn “cuồng lạn hay cuồng loạn” ( lộn xộn rối loạn một cách điên dại) lại là tính từ. Cứ thế mà xét ý “nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn (loạn), ( rối loạn lung tung ) hay sinh “cuồng lan” ( sóng dữ) chữ nào đúng hơn đây ta ?! 


Ôi! Cảm khái khúc Hồ Trường! 

Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?

Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lan. (sóng dữ) 

Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan.

Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.

Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.

Nào ai tỉnh, nào ai say ? “ 


Thôi cứ còn gặp nhau các hào sĩ cứ 

Uống với nhau một bữa rượu 

Để tưởng niệm tháng tư 

Rượu cũng đắng lên môi người thất thổ

Chưa mềm môi 


Đất khách 

Vẫn mây sầu tám hướng 

Vẫn mù che khuất nẻo quê xưa. 


Hồ Trường khúc ấy còn ai rót 

Bốn phương tám hướng 

Lạc lối về 


mnc 

30/4 ——> 1/5 

2022

No comments:

Post a Comment