Saturday, August 27, 2022

TƯỞNG TIẾC NGUYỄN MẠNH TRINH

 Mùa Vu Lan năm nay,  vừa qua đây mấy ngày, tình cờ tôi được đọc một bài hồi ức về mẹ thật xúc động của Nguyễn Mạnh Trinh. 



Ông viết: 

“…  năm 1972. Lúc đó, tôi ở Pleiku và quá giang chiếc trực thăng ghé về thăm nhà ở lại một đêm rồi sáng trở lại đơn vị trong cùng một chuyến bay. Khi về nhà, lúc ấy buổi xẫm tối, tôi vội vàng lấy xe để đi chơi thì bất ngờ có một hình ảnh làm tôi khựng lại. Hình ảnh của mẹ tôi ngồi trước bàn thờ Phật với tiếng kinh trầm và mùi hương ngát. Tôi biết mẹ tôi đang cầu nguyện cho đứa con ở xa. Lúc ấy, chiến tranh đang khốc liệt với nhiều chết chóc. Ở xóm tôi, đã có nhiều chiếc xe GMC chở về quan tài phủ cờ của những người lính tử trận là những đứa bạn thuở ấu thời của tôi. Và tự nhiên tôi dắt xe vào nhà, …”

“Góc hiên đôi mắt cuộn tròn

Dong tay nắng cũng hoàng hôn bóng trời, 

Mẹ ngồi chải tóc sợi rời

Đậu  vai áo một nụ cười thêu hoa

Mây rơi rụng xuống mái nhà

Màu lá biếc cũng nhạt nhòa cành vui

Cổng gió cửa đóng ngùi ngùi

Nghe sóng cuộn giữa ghềnh trôi óc thầm

Mẹ ngồi bóng xế trăm năm

Tay lần chuỗi, tiếng kinh trầm trầm bay

Khói sương ở đỉnh núi tây

Nên xa xăm lắm tháng ngày mênh mông

Đi về xuôi ngược bến sông

Chiều như đang rụng xuống lòng phố quên

Mẹ ngồi như tạc nỗi niềm

Tóc phơ phất gọi tịnh yên trong hồn

Kinh đen con nước xuống ròng

Trơ gốc cọc để trống không mặt lầy

Đi về tôi vẫn loay hoay

Chợt nghe lạnh ngọn heo may cuối trời

Mẹ ngồi một thuở ấu thời.”

Từ hình ảnh mẹ ngồi cầu nguyện cho con được bình an nơi chiến trường xa. Nguyễn Mạnh Trinh đã đổi ý không đi chơi nữa và viết bài thơ về Mẹ như trên. 

Ông kể tiếp: 

“Tôi nhớ lại lúc ấy trời mờ mờ tối. Tuy vội vàng vì có hẹn với cô bạn gái, nhưng có điều gì giữ tôi lại. Không phải là tiếng kinh hay mùi nhang khói, cũng không phải là đôi mắt Phật Bà hiền từ trên bàn thờ. Mà, bởi vì cái vóc dáng của mẹ ngồi, trong không gian, thời gian vô cùng tĩnh lặng cầu nguyện cho mình. Thế mà, bỏ đi thì không đành lòng. Tối hôm ấy, tôi trằn trọc trong chỗ nằm của mình, với cảm giác bâng khuâng khó tả. …

Tôi nghĩ mình không phải là một đứa con ngoan ngoãn. Tôi có tuổi nhỏ ngỗ nghịch và ở trong xóm là đứa đầu têu cho những chuyện nghịch phá. Lớn lên, lại không cố gắng học đại học như anh tôi hoặc đứa em tôi mà lại đi lính. Trong khi mẹ tôi thì chủ trương dù nghèo thế nào chăng nữa các con bà cũng phải học cho đến khi không còn cố gắng được nữa dù bà là một người ít học. Năm Mậu Thân cha tôi mất, rồi nhà bị cháy, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng xây dựng lại với một nỗ lực vô biên.” 

Bài hồi ức về mẹ của ông dài lắm, tôi chỉ tóm ý chính như sau: Tháng Tư 75 đến, mẹ ông và gia đình lớn của ông may mắn vượt thoát cùng đoàn người di tản rồi định cư nơi quê hương mới.

Riêng ông bị kẹt lại, đi tù. 

Rồi vượt biên, đoàn tụ với mẹ. 

Rồi mẹ khuyên đi học lại để có một cái nghề. 

Ông kể : 

 “Mỗi buổi sáng sớm mẹ tôi dậy sớm sửa soạn bữa ăn sáng cho tôi và mấy đứa cháu cũng như bới cơm mang đến trường. Trên bàn ăn là một dãy năm cạp lồng cơm để thứ tự và món ăn thay đổi ngon lành. Kết quả là bây giờ, mấy chú cháu, cậu cháu đều tốt nghiệp hậu đại học và đều có công ăn việc làm tốt. Và, như thế mẹ tôi hài lòng lắm.” 

Nhờ mẹ hết lòng vì con cháu, ông ra trường có việc làm rồi lập gia đình. Rồi thời gian trôi đi vòng sinh lão bệnh tử đưa mẹ ông xa rời nhân gian. 

Vu Lan vừa qua ông đến chùa được một cô bé cài lên áo một bông Hồng trắng …

Ông nhớ đến mẹ và viết “hồi ức về mẹ” thật cảm động mà tôi cũng mới vừa đọc xong dạo tháng qua. 

Tôi quý tài thơ, tài văn và nhân cách ông Nguyễn Mạnh Trinh. Một phần vì ông từng là người lính như tôi. … từng trải đời trai thời chiến nơi rừng núi Pleiku. 

Thế mà …. tin ông vừa “giã từ vũ khí” đột ngột lìa đời đã làm tôi hụt hẫng. Có thể mau đến thế sao…

Như ông đã viết trong hồi ức về mẹ …

“Có một lúc nào như khi trong trại cải tạo nghe bài “Lòng mẹ“ tưởng không bao giờ gặp lại khi mẹ tôi đã di tản vào những ngày tháng tư năm 1975. Hay như bây giờ nghe bài “Bông hồng cài áo“ để thấy trong dạ thổn thức. Lúc ở nghĩa trang, nhìn những con chim sáo đen mổ những hạt cơm cúng, tự nhiên tưởng tượng đến những ngã đường nào mù mịt trong cõi âm phần. Ra đi hay trở về, hiện tại không xác định được. Nhưng chỉ mường tượng một điều cuộc sống sẽ còn dài chẳng phải ngày một ngày hai mà chấm dứt…”

Ông đã về bên Mẹ nơi cõi vô cùng. 

Tin mới cho hay:

 Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh đã qua đời lúc 4 giờ sáng thứ Ba, ngày 24 tháng 8, 2021 tại tư gia. Hưởng thọ 73 tuổi. 

Tưởng tiếc Nguyễn Mạnh Trinh


 

   mnc 

 Một ngày cuối tháng 8/2021

Monday, August 22, 2022

N H ỮNG C Á N H C Ò

 



Sân vắng, cò diệc đậu 

Thềm hoang, cỏ hoa nhàu.

Ngày tháng cứ trôi người vẫn cũ 

Một hồn cổ tích chẳng thay màu 


Cơn mưa ban sáng mang lại chút tươi mát cho cỏ cây ngày tháng hạn. 

Vài cánh cò sớm bay về đậu trên khung sân vắng. 

Những cánh cò thung thăng bay lượn trên khung trời tự do 

Thoải mái đậu trên đất lành 


Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất 

Thương cái cò lặn lội bờ sông

Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng

Ngoài nghìn dặm, một trời, một nước.

Nguyễn Công Trứ 





Bỗng dưng lại nhớ đến những cánh cò tần tảo, chung thủy gánh gạo nuôi chồng trong tù năm xưa. 

Những cánh cò được đền đáp bằng tình yêu và bình  an trên đất nước tự do 

Pearland, 

Sunday 14/8

C Ả M T R Ă N G

   mai ngọc cường 

 


 “Cử đầu vọng minh nguyệt

  Đê đầu tư cố hương”

                       (Lý Bạch)

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương) 



Bạn gửi ta vầng trăng 

Nơi phương bạn trăng sáng 

Phương ta trời u ám 

Một trời mây xám mầu 

Tìm chẳng thấy trăng đâu

Suốt đêm nằm thao thức

Cử đầu rồi đê đầu 

Trăng cũng là ẩn ức 

Thức cùng ta đêm nay 

Cúi đầu trên trang sách

Một vầng trăng Lý Bạch 

Sáng rực cả thiên thu

mnc 


Không đâu nhiều trăng hơn trong thơ Lý Bạch. Trăng bàng bạc, trăng ngời ngợi  trong thơ của lãng mạn trích tiên. Lung linh trăng sáng suốt thế giới thi ca Lý Thái Bạch. Trăng từ kinh thành sáng đến tận thiên san. Say sưa cùng trăng, thức cùng trăng, ngủ cùng trăng và chết cùng trăng … chỉ có Lý Bạch thời thịnh Đường. 

Mãi về sau có thêm Hàn Mặc Tử đau đớn cùng trăng đến độ phải rao bán vầng trăng và….chết đau thương bên trăng. 


Bạn gửi ta vầng trăng 

Trăng phương này cũng lạ

Trời đã vào cuối hạ 

Trôi một dòng ngân hà

Trăng vẫn sáng bao la

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng 

Cúi đầu nhớ quê xa


 

mnc 

rằm tháng bảy

S Ợ I N G Ắ N S Ợ I D À I

 

Trần Mộng Tú phóng tác 



– Anh đi cắt tóc đi, tóc anh coi bộ mất trật tự rồi.

Anh chỉ mỉm cười, lắc lắc cái đầu mình nói:

– Anh thấy cũng đẹp đấy chứ, anh nghĩ không cần cắt đâu.


Hai người bắt đầu tranh cãi về kiểu tóc mới của anh. Anna cho rằng, đàn ông con trai thì nên cắt tóc ngắn, tóc dài để cho phụ nữ. Hai bên không ai chịu nhường ai. Cuối cùng Anna nói:

– Anh muốn để tóc dài tùy anh, tôi đi kiếm người bồ khác, tôi không thích đàn ông để tóc dài. Tôi cho anh hai tuần suy nghĩ, tùy anh quyết định.


Joe ngẩn người ra vì quyết định của bạn gái. Ô hay, tóc dài hay tóc ngắn thì sao, miễn anh vẫn là một “người tình tử tế” vẫn yêu cô, anh đâu có thay đổi tính tình gì, dù tóc anh dài hay ngắn.


Nhưng Anna không chịu, cô không muốn bạn bè cô nhìn anh với ánh mắt có chút ngạc nhiên.


Mỗi lần gặp nhau, tóc Joe lại dài hơn một chút và tình cảm của hai người hình như “ngắn lại” một chút. Cuối cùng khi tóc Joe qua khỏi mang tai thì họ chia tay. Joe không chịu cắt tóc và Anna cũng nhất định không chấp nhận có một anh bộ tóc dài.

Chia tay cả hai cùng buồn vì từ hơn hai năm trước yêu nhau, cả hai người đều được bạn bè coi như một “cặp đôi hoàn hảo” vì tính tình họ rất hòa hợp, chiều thuận nhau gần như trên nhiều khía cạnh đời sống. Một đám cưới đã đôi lần được cả hai cùng phác họa ra.

Joe rất buồn, nhưng anh đã nhất định để tóc dài lúc này. Hơn bao giờ hết anh yêu mái tóc của mình và mong nó càng dài càng đẹp.


Anna chia tay với bạn trai, nhưng cô vẫn âm thầm theo dõi mái tóc vô tổ chức trên cái đầu người đàn ông mình yêu. Thỉnh thoảng cô lại nói một mình: Không lẽ anh ta lại yêu cái kiểu tóc thời thượng này hơn cả tình yêu của mình? Điều này khiến cô tự ái, không thèm để ý nữa. Cô đi tìm một người bạn trai có mái tóc thật ngắn như tóc của mấy người trong quân đội. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn rồi chia tay. Cô khám phá ra là không thể chỉ yêu qua mái tóc được, còn phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác, và những điều kiện khác thì không ai hợp và đủ tiêu chuẩn với cô bằng Joe.

Cô không gặp anh nhưng vẫn theo dõi anh, và cô thấy mái tóc của anh sau hơn một năm nó đã dài quá vai anh rồi. Anh cột nó lại bằng một sợi thun và vẫn đi làm. Cũng may là công việc của anh chỉ làm trong văn phòng, anh không phải đi giao dịch với bên ngoài nên đầu tóc của anh không có gì trở ngại cho giao tế cả.

Còn Joe, anh để tóc dài và anh biết là người yêu của anh rời xa anh vì cái đầu tóc này, nhưng anh không chiều theo nàng được.


Trên đời anh có một người phụ nữ khác anh còn yêu hơn cả mối tình của mình.


Sau hơn hai năm, tóc xuống ngang lưng, Joe biết là đến lúc cắt được rồi. Anh nghĩ đến Anna và muốn cô đi với anh tới nơi cắt tóc. Anh cầm điện thoại lên:

– Alô, Anna, anh đây, em có muốn đi cùng anh đến nơi cắt tóc không?

Một phút im lặng ở đầu dây bên kia. Anh kiên nhẫn chờ. Cuối cùng tiếng Anna cất lên, nhỏ nhưng rất rõ:

– Em đến ngay.

Anna biết là Joe yêu mình nhiều lắm, cuối cùng thì anh cũng phải theo ý mình. Cô ra xe phóng ngay tới nhà Joe.

Joe đã ra xe chờ sẵn trước cửa nhà mình. Anh đón cô sang xe mình và đưa cô tới một nơi chuyên môn làm tóc giả.

Joe đã phải trả một số tiền khá đắt để thuê họ lấy tóc mình làm mái tóc mới cho một phụ nữ.

Anna đứng im nhìn người ta cắt tóc Joe, và nghe Joe nói chậm rãi:

“Mẹ anh bị ung thư não và “hóa trị” đã làm bà rụng đến sợi tóc cuối cùng. Anh là một trong sáu người con của bà, và anh luôn luôn cứ nghĩ trong đầu là Mẹ yêu mình nhất. Mái tóc này Mẹ cho anh từ thuở mới sanh thì bây giờ anh phải chia sẻ lại cho bà.”


Anna không nói được lời nào, nước mắt cô ràn rụa.


Joe cũng biết là Anna rất yêu anh, cô sẽ yêu anh hơn nữa, khi cô biết anh để tóc dài cho Mẹ anh, cô chắc sẽ không còn so đo “sợi ngắn, sợi dài” nữa.

Trần Mộng Tú 

Phóng tác theo bản tin của today.com:




Man Shaves Head to Make Wig For Mom with Brain Tumor.

Friday, August 5, 2022

T H Á N G B Ả Y M Ư A N G Â U

 

   (Hình: Tranh Ngưu Lang Chức Nữ đời nhà Nguyễn 1897 do Giám thủ thư lại Lê Đức Trạch thực hiện)

                                                                  ⚜️⚜️⚜️

Mấy tháng hè, trời không mưa. Nóng tăng dần lên 3 con số. Hầm hập, hanh hao cháy cỏ cháy cây, cháy cả lòng người. Vẫn không một giọt mưa. Đã qua 4 ngày đầu tuần tháng 8. Xế chiều trời vẫn còn nắng, vẫn còn sáng, vẫn còn nóng… nhưng mây từ đông nam  kéo tới tiết trời dịu hẳn đi. Và mưa. Ôi! Đã có những giọt nước từ trời rơi trên vuông cỏ cháy sau vườn. 

Mấy tháng hè, trời không mưa. Nóng tăng dần lên 3 con số. Hầm hập, hanh hao cháy cỏ cháy cây, cháy cả lòng người. Vẫn không một giọt mưa. Đã qua 4 ngày đầu tuần tháng 8. Xế chiều trời vẫn còn nắng, vẫn còn sáng, vẫn còn nóng… nhưng mây từ đông nam  kéo tới tiết trời dịu hẳn đi. Và mưa. Ôi! Đã có những giọt nước từ trời rơi trên vuông cỏ cháy sau vườn chiều nay. 



“Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu

Búp non trên cành cành lá biếc

Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu

Tròn xoe chiếc ô trên đầu …

Từng giọt mưa ngâu rớt bên thềm…🎶”


Những giọt reo vui rơi rơi trong chiều như ca khúc Mưa Ngâu của Thanh Tùng bật lên trong đầu tôi! Ừ! Mưa thật và mưa ngâu thật rồi. Những giọt mưa đầu tiên rơi xuống vườn tôi chiều nay đúng ngày thất tịch, ngày 7 tháng 7 âm lịch mỗi năm là ngày Ngưu lang-Chức nữ gặp nhau sau một năm dài xa cách như trong truyền thuyết 

Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,

Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền. 

Nhà thơ Trần Tế Xương lấy hai câu ca dao tháng bảy mưa ngâu để viết thành bài thơ 


Vợ Chồng Ngâu 

“Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu,

Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.

Một là duyên, hai thời là nợ,

Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?

Vụng về cũng thể cung nga,

Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng.

Hay là sợ muộn chồng chăng tá?

Hơi đâu mà kén cá chọn canh!

Lấy ai, ai lấy cũng đành,

Rể trời đâu cả đến anh áo buồm.”


Vợ chồng Ngâu là Ngưu Lang, Chức Nữ trong câu chuyện cổ tích Trung Hoa liên quan đến bầy quạ bắc cầu Ô Thước cho đôi tình nhân bất hạnh gặp trong đêm thất tịch tháng Bảy mưa ngâu. Câu chuyện cổ theo dòng văn hoá lan qua nước ta từ thời xa xưa nên Việt Nam ta cũng có cổ tích Chàng Ngưu Ả Chức 

  

   “Nọ thì ả Chức chàng Ngâu

  Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông

                           ( Chinh Phụ Ngâm )

Chàng Ngưu hay Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê Chức Nữ, một tiên nữ phụ trách việc dệt vải trên Thiên Đình, nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.


Quân tại Tương giang đầu 

Ngã tại Tương giang vĩ 

Tương tư bất tương kiến 

Đồng ẩm Tương giang thủy 


Chàng ở đầu sông Tương 

Thiếp ở cuối sông Tương 

Nhớ nhau mà không gặp 

Cùng uống nước sông Tương 


Đôi tình nhân xa cách nhau bên hai đầu sông Tương trong thơ Lương Ý Nương có khác gì Chàng Ngưu Ả Chức và dòng Ngân Hà ngăn đôi bờ thương nhớ 

Chuyện kể về sau Ngọc Hoàng thương tình nên gia ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm Thất tịch - ngày 7 tháng 7 âm lịch trên nhịp cầu Ô Thước do bầy quạ liên thành bắc nhịp trên sông Ngân. Và chỉ một đêm. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. 

Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.

Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu 🎶  …(Nhớ ơi ! Ngưu Lang và Chức Nữ)

Giọt mưa ngâu hay là nước mắt ai nhớ nhau

Chuyện tình yêu như là những cơn mưa trong đời đầy nắng gió

Để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu 🎶

         “Nhớ ai như vợ chồng Ngâu

   Một năm mới gặp mặt nhau một lần"

Cơn mưa ngâu thoáng qua trong chiều thất tịch chưa đủ thấm lớp đất hạn nhưng lòng tôi như cây cỏ chợt vui. 

Lại lần thẩn nghĩ nếu tháng Bảy không mưa vào đêm Thất tịch thì sao nhỉ ?! 

Nắng mưa là việc của trời. Trời mà không làm mưa đúng hôm nay là trời còn giận vợ chồng Ngâu. Dù suốt năm nóng lòng chờ đợi ngày này để gặp lại nhau cho thỏa thương nhớ, chúng nó vẫn phải chịu cách xa. Chỉ biết nhìn nhau mà lòng đau. Nếu trời không mưa đêm nay thì đôi lứa yêu nhau ấy vẫn phải chịu cảnh đôi đứa đôi nơi. Không mưa, không có Ô Thước bắc cầu thời

Vợ chồng Ngâu vẫn không thể gặp được nhau nên không có nước mắt đoàn tụ, nước mắt chia ly thành mưa rơi xuống trần gian trong đêm thất tịch . Đêm thất tịch không mưa thành đêm thất tình !? Thế là buồn.

Nhưng trời đã mưa chiều nay 

Trời cho tháng bảy mưa ngâu 

Để cho ả Chức chàng Ngưu xum vầy 

Vui thay ! 

Không biết đôi tình nhân bất hạnh trong cổ tích ấy có vui có buồn trong cơn mưa chiều nay không nhưng có lẽ đám cây cỏ trong vườn tôi cũng tươi mát thêm một tí chờ qua cơn nắng hạn. 

mnc 

Thất Tịch 


4/8/2022