Thursday, January 7, 2021

 MỘT CHỮ MAI 

Trong bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du “ Vọng Thiên Thai Tự “ 


望天台寺 


天台山在帝城東,

隔一條江似不通。

古寺秋埋黃葉裏,

先朝僧老白雲中。

可憐白髮供驅驛,

不與青山相始終。

記得年前曾一到,

景興猶掛舊時鐘。


阮攸


Phiên âm:


 VỌNG THIÊN THAI TỰ


Thiên Thai sơn(1) tại đế thành đông

Cách nhất điều giang tự bất thông

Cổ tự thu mai hoàng diệp lý

Tiên triều tăng lão bạch vân trung

Khả liên bạch phát cung khu dịch

Bất dữ thanh sơn tương thủy chung

Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo

Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.


----------- 

(1) Núi Thiên Thai ở phía Đông thành Huế.

------------


VỌNG THIÊN THAI TỰ

Thơ Nguyễn Du trong cuốn Nam trung tạp ngâm


Lời giới thiệu 

“Bài thơ đầy tính hoài cổ của Nguyễn Du đối với triều đình nhà Hậu Lê. Sinh ra trong thời Cảnh Hưng gần cuối thời Lê mạt, Trịnh Nguyễn phân tranh. Tinh thần trung quân với nhà Lê của Nguyễn Du còn mạnh nên Nguyễn Du đã không chịu hợp tác với Tây Sơn dù  nghĩa quân Tây Sơn khi tiến quân ra Bắc lần thứ nhất với danh nghĩa Phò Lê, diệt Trịnh. Đã vậy khi nhà Lê vong, Tây Sơn sụp đổ Nguyễn Ánh thắng thế, Nguyễn Du, khi ấy đã 36 tuổi, chịu ra làm quan dưới triều Gia Long, ông vẫn nhớ đến những gì mà triều Lê đã để lại, cho dù trước đó ngai vàng của nhà Lê mạt chỉ là hư danh trước quyền chúa Trịnh”

U hoài thay tâm sự của Nguyễn Du 

Bất tri tâm bách dư niên hậu 

Thiên hạ hà nhân ....


Dịch nghĩa


VỌNG THIÊN THAI TỰ 


Núi Thiên Thai nằm phía cuối thành đông

Cách một nhánh sông nhỏ, tưởng chừng chẳng có lối sang

Ngôi chùa cổ (ở đó) bị mùa thu vùi trong đám lá vàng

Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng

Thương thay (cho mình) tóc đã bạc mà còn phải làm lụng vất vả

Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung

Nhớ năm trước (ta) đã từng đến đấy

Còn trông thấy chiếc chuông cổ đúc từ thời Cảnh Hưng(1740-1786)


 NHỚ CHÙA THIÊN THAI  


Núi Thiên Thai ở đế thành Đông (1) 

Cách nhánh sông chừng chẳng lối thông

Chùa cổ chôn vùi trong đám lá 

Sư già đi giữa áng mây bông

Thương thân tóc bạc còn gian khổ

Chẳng giữ lòng trung với núi sông

Lại nhớ năm xưa ta đã đến

Thăm chùa còn thấy Cảnh Hưng chuông (2) 


Mai Ngọc Cường 


(1) Chùa Thiên Thai trên núi Thiên Thai phía đông kinh thành Huế 

(2) Chuông cổ đúc từ đời Cảnh Hưng Lê Hiển Tông (1740-1786) 


Chữ Mai thường làm ta nghĩ đến một loài hoa đẹp nở vào mùa Xuân, hoa Mai hay Mai hoa. “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” ( Một đời chỉ cúi đầu bái lạy  trước hoa mai) - Cao Bá Quát. Mà ít ai nghĩ đến một nghĩa khác của chữ Mai.

Có lẽ một chữ “mai” trong bài thơ trên đã là cả một tranh luận về “mai” 


Thời đại Nguyễn Du chỉ cách nay hơn 3 thế kỷ nhưng thơ văn của cụ đã “tam sao thất bổn” từ bản Nôm truyện Kiều đến thơ chữ Hán. 

Bài” Vọng Thiên Thai Tự”, hai câu Thực 3 và 4, có bản viết 

“Cổ tự mai (梅) hoa hoàng diệp lý. 

  Tiên triều tăng lão bạch vân trung” 

(Hoa mai ở ngôi chùa cổ, trong đám lá vàng

Vị sư già triều trước, giữa cõi mây trắng )


Có bản viết: 

“Cổ tự thu mai (埋) hoàng diệp lý. 

  Tiên triều tăng lão bạch vân trung” 


(Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng

Vị sư già của triều vua trước đi giữa áng mây trắng)


Lý luận cho rằng, “thu mai ” hợp lý hơn “mai hoa”, vì khi hướng trông (vọng)  lên chùa Thiên Thai Tự , cụ Nguyễn Du trông thấy chùa như đang bị vùi dưới màu lá vàng mùa thu, một hình ảnh thật đẹp mắt. Và trong khoảng xa như thế chắc chắn không thể thấy được những đóa hoa mai trong đám lá vàng nếu không zoom cận cảnh 


Đó là hiểu  nghĩa theo chữ Hán trong câu thơ . Còn nếu ngắt theo nhịp câu thơ thì lại hiểu ý thơ theo nhiều cách khác nhau: 


Nếu ngắt nhịp vào chữ thứ tư ( mai hoa / tăng lão) là danh từ 

Cổ-tự mai-hoa,/ hoàng diệp lý,

Tiên-triều tăng-lão, /bạch vân trung

Thì câu thơ sẽ được hiểu là : 

(Hoa mai ở ngôi chùa cổ, trong đám lá vàng,

Vị sư già triều trước, giữa cõi mây trắng )


Nhưng nếu ngắt câu là ở sau tiếng thứ ba (mai/ lão) sẽ là động từ chứ không phải danh từ.

Cổ-tự-mai / hoa hoàng diệp lý

Tiên-triều-tăng / lão bạch vân trung


Câu thơ sẽ được hiểu là : 

Cây mai ở ngôi chùa cổ /nở hoa trong đám lá vàng,

Vị sư triều đại trước/ già đi giữa cõi mây trắng 


Vậy ra hoa mai không phải là cây hoa mai, mà cây mai nở hoa. 

Tăng lão không phải là ông già đi tu mà là vị sư đang già đi 


Thay đổi một chỗ ngắt câu, đổi danh từ thành động từ, cả bài thơ bỗng chuyển dịch ! Không gian biến thành thời gian. Tĩnh hóa thành động. Như phù vân như hoa kia sớm nở tối tàn, như lá xanh kia đổi màu theo năm tháng mà thấm thía nỗi biển dâu của triều đại của kiếp người. 


Trong bài dịch này dùng bản “thu mai” nên ngắt câu lại nằm sau chữ thứ hai,bài thơ thay đổi hoàn toàn Chữ “mai” trong câu này không phải là hoa mai(梅 ) nhưng là động từ “chôn”, “vùi” như mai (埋 )t “mai một”trong các câu thành ngữ”mai danh ẩn tích”, “mai ngọc trầm châu” . Còn “thu” chính là mùa thu. Như vậy, hai câu thực của bài mang ý nghĩa:


Cổ tự / thu mai hoàng diệp lý

Tiên triều / tăng lão bạch vân trung


(Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng

Triều trước vị sư già đi giữa vầng mây trắng)


Nhớ GS Lê Hữu Mục, Phạm Văn Đang, và Trần Trọng San. 

Các thầy của chúng tôi không còn nữa nhưng chữ của các thầy vẫn còn đây. 


Lại nhớ khi học ban Việt Hán tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn chúng tôi phải học rất kỹ môn Hán Nôm tuy chủ yếu là sẽ dạy Việt Ngữ chứ đâu có phải dạy tiếng Hán hay tiếng Nôm. Thầy đã dạy thì trò phải học. Học lâu cũng nhập tâm. Mãi về sao mới hiểu ra. Không học thì không hiểu, không hiểu thì không thể truyền đạt đúng Và không  truyền cái sai cho học trò đây chăng, bởi “ văn chương tự cổ vô bằng cớ” 


Một buổi sáng thứ tư quá rảnh 

6 tháng 1 2021