Sunday, June 12, 2022

MƯỜI HAI THÁNG SÁU

  

“C’est le coeur qui parle et qui soupire

Lorsque la main écrit, c’est le coeur qui se fond.” 

                                     A. Musset




Mười hai Tháng Sáu ! Nhớ thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976), một nhà thơ lớn của miền Nam đã viết hai bài tuyệt bút về ngày 12 tháng 6. 


Mười hai tháng Sáu, là ngày nàng thơ Tố Vân hay Kiều Thu, Vân Muội là Tố là Mây ....người yêu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương...” lên xe cưới về quê chồng, cách mấy đò ngang cách mấy sông”. Lòng thi sĩ “cuồng điên vì nhớ “ Thi sĩ đau đớn, thi sĩ mê ngất, thi sĩ thù hận ...nhìn “ trăng của nhà ai ... “, thi sĩ mượn rượu “phá thành sầu” 

Sầu tình, hận tình ngút ngàn lửa khói và thi sĩ khóc lóc thành hai bài tuyệt thi được thi sĩ viết cách nhau 31 năm (ta đợi em từ ba mươi năm). 

Bài đầu là “Mười Hai Tháng Sáu” viết ngày 12/6/1941. Bài sau là bài “ Tố Của Hoàng Ơi” viết ngày 12/6/1972 và giữa hai mốc thời gian đó là “Bài Ca Hoài Tố” viết năm 1942 .  

Hôm nay 12/6  lại hai bài thơ về Mười Hai Tháng Sáu của Vũ Hoàng Chương để nhớ Ông và mối tình thủy chung đau đớn của nhà thơ ....



MƯỜI HAI THÁNG SÁU 


Trăng của nhà ai trăng một phương

Nơi đây rượu đắng mơ đêm trường

Ờ, đêm tháng sáu mười hai nhỉ

Tố của Hoàng ơi! hỡi nhớ thương!


Là thế, là thôi, là thế đó

Mười năm thôi nhé mộng tan tành

Mười năm trăng cũ ai nguyền ước!

Tố của Hoàng ơi! Tố của anh


Tháng sáu mười hai - từ đấy nhé

Chung đôi - từ đấy nhé lìa đôi

Em xa lạ quá đâu còn phải

Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi


Men khói đêm nay sầu dựng mộ

Bia đề tháng sáu ngày mười hai

Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc

Tố của Hoàng, nay Tố của ai?


Tay gõ vào bia mười ngón rập

Mười năm theo máu hận trào rơi

Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp

Khúc Cổ bồn ca gõ hát chơi


Kiều Thu hề Tố em ơi!

Ta dương lửa đốt tơi bời Mái Tây

Hàm Ca nhịp gõ khói bay

Hồ xừ xang xế bàn tay điên cuồng


Kiều Thu hề trọn kiếp thương

Sầu cao ngùn ngụt mây đường tơ khô

Xừ xang xế xự xang hồ

Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên


Kiều Thu hề Tố hỡi em!

Nghiêng chân rốn bể mà nghe lửa bùng

Xế hồ xang khói mờ rung

Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn

Vũ Hoàng Chương

(12.6.1941)




TỐ CỦA HOÀNG ƠI 


Năm mười hai tháng ai không biết

Đã tháng nào không tháng sáu chưa

Tháng có ba mươi ngày để giết

Ngày mười hai vẫn sống như xưa.


Lịch treo trước ngực kêu thành tiếng

Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa

Rả rích từ hôm con én liệng

Vào lồng son, tủi áng mây đưa.


Thời gian từng giọt buông theo máu

Lại trở về, không gọi cũng thưa.

Còn đó mười hai, còn tháng sáu

Ba mươi năm lẻ vẫn chưa vừa!


Còn khóc trong tim này bất tuyệt

Dường như rối loạn cả đường tơ.

Trăng nhà ai vẫn là trăng khuyết

Đứng sững từ đêm ấy đến giờ !


Ngày mai ngày mốt anh nằm xuống

Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp thơ

Đập nát ra cho trời đất uống

Thì em sẽ rụng khỏi đêm mờ.


Phút giây trăng một phương tròn lại

Rồi từ hoà tan rượu đắng mơ

Cùng nhịp tim trôi vào tận cõi

Không ngày, không tháng, không bơ vơ.


Mười hai tháng sáu cung hồ xế

Một mối tình si một mối thù

Giây phút cũng tan thành biển lệ

Trả cho cát bụi nhé Kiều Thu !


Vũ Hoàng Chương

(12/6/1972)



Một giai thoại văn chương : Vũ Hoàng Chương (1916-1976) và nữ sĩ Ngân Giang (1916-2002) , bạn thơ tri kỷ của ông. Hai thi nhân đã nổi danh từ thời Tiền Chiến. 

Năm 1954 chia đôi đất nước, VH Chương và gia đình vào Nam, Ngân Giang bị kẹt lại Hà Nội. Giao tòng gián đoạn vì thời cuộc nhưng VHC vẫn nhớ và cố tìm tức bạn thơ sau bức màn tre trong vô vọng. 

Năm 1976 nhà thơ bị đi tù và được thả về chờ chết, người em trai của VHC từ Bắc vào thăm anh, cho biết tin nữ sĩ Ngân Giang nơi miền Bắc, mấy mươi năm bị trù dập, sống khổ sống tuyệt vọng đến cùng cực, “chết không được đành phải sống” và không thể sáng tác gì nữa. Tuy rất nghèo nhưng VHC vẫn cố tìm mua 10 mét gấm nhờ em trai gửi biếu cố nhân Bà Ngân Giang nhận được tin và quà của cố nhân thì rất mừng và cảm động, nữ sĩ viết lên tâm trạng khi đó: “Ý anh ấy gởi cho tôi mười mét gấm là để tôi may áo. Mà lại là gấm mầu nâu nữa. Tôi hiểu như là Vũ quân muốn khuyên tôi hãy dẹp bỏ lòng trần, trở về với Phật. Tôi không thể làm theo ý anh được. Bởi lẽ gạo ăn hàng ngày còn thiếu, sao có thể mặc áo gấm! Con cái còn trông cậy cả nơi mình, làm sao mà rảnh rang miền tục lụy! Thế là tôi đành phải bán mười mét gấm đó, mua được 5 yến gạo, và còn đủ tiền may một bộ quần áo thường. Nói ra điều này, tôi thấy tủi cho mình, và cũng tội cho vong linh của Vũ quân lắm!”


Cuối năm 1976, khi tin thi sĩ Vũ Hoàng Chương tạ thế đưa về đến Hà Nội, nữ sĩ Ngân Giang càng thêm xúc động, sau bao nhiêu gác bút, buồn nhớ cố nhân bà viết bài thơ tha thiết khóc bạn thơ tri kỷ đã không còn nữa, trong bài có nhắc lại “12 tháng Sáu lạnh màu tang”


“Ớ Vũ Hoàng ơi! Ớ Vũ Hoàng!

12 tháng 6 lạnh màu tang.

Mây không lãng đãng theo chân ngựa 

Say để bâng khuâng ngã giữa đường.

Một áng bạch vân dài nẻo nhớ, 

Bài ca dị hỏa khóc người thương. 

Mà dòng Dịch thủy trôi trôi mãi 

Rẽ lối hoa lê trắng dặm trường. “ 

Ngân Giang nữ sĩ

Saturday, June 11, 2022

VÀI BÀI THƠ DỊCH

 

NGUYỄN DU 

望天台寺 

天台山在帝城東,

隔一條江似不通。

古寺秋埋黃葉裏,

先朝僧老白雲中。

可憐白髮供驅驛,

不與青山相始終。

記得年前曾一到,

景興猶掛舊時鐘。


Phiên âm:


 VỌNG THIÊN THAI TỰ

Thiên Thai sơn(1) tại đế thành đông

Cách nhất điều giang tự bất thông

Cổ tự thu mai hoàng diệp lý

Tiên triều tăng lão bạch vân trung

Khả liên bạch phát cung khu dịch

Bất dữ thanh sơn tương thủy chung

Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo

Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.

 Nguyễn Du 

----------- 

(1) Núi Thiên Thai ở phía Đông thành Huế.

------------


VỌNG THIÊN THAI TỰ

Thơ Nguyễn Du trong cuốn Nam trung tạp ngâm


Lời giới thiệu 

“Bài thơ đầy tính hoài cổ của Nguyễn Du đối với triều đình nhà Hậu Lê. Sinh ra trong thời Cảnh Hưng gần cuối thời Lê mạt, Trịnh Nguyễn phân tranh. Tinh thần trung quân với nhà Lê của Nguyễn Du còn mạnh nên Nguyễn Du đã không chịu hợp tác với Tây Sơn dù  nghĩa quân Tây Sơn khi tiến quân ra Bắc lần thứ nhất với danh nghĩa Phò Lê, diệt Trịnh. Đã vậy khi nhà Lê vong, Tây Sơn sụp đổ Nguyễn Ánh thắng thế, Nguyễn Du, khi ấy đã 36 tuổi, chịu ra làm quan dưới triều Gia Long, ông vẫn nhớ đến những gì mà triều Lê đã để lại, cho dù trước đó ngai vàng của nhà Lê mạt chỉ là hư danh trước quyền chúa Trịnh”

U hoài thay tâm sự của Nguyễn Du 

Bất tri tâm bách dư niên hậu 

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như “ 



Dịch nghĩa


VỌNG THIÊN THAI TỰ 


Núi Thiên Thai nằm phía cuối thành đông

Cách một nhánh sông nhỏ, tưởng chừng chẳng có lối sang

Ngôi chùa cổ (ở đó) bị mùa thu vùi trong đám lá vàng

Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng

Thương thay (cho mình) tóc đã bạc mà còn phải làm lụng vất vả

Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung

Nhớ năm trước (ta) đã từng đến đấy

Còn trông thấy chiếc chuông cổ đúc từ thời Cảnh Hưng(1740-1786)



 NHỚ CHÙA THIÊN THAI  


Núi Thiên Thai ở đế thành Đông (1) 

Cách nhánh sông chừng chẳng lối thông

Chùa cổ chôn vùi trong đám lá 

Lão tăng ẩn hiện giữa mây bông

Thương thân tóc bạc còn gian khổ

Chẳng giữ lòng trung với núi sông

Lại nhớ năm xưa ta đã đến

Thăm chùa còn thấy Cảnh Hưng chuông (2) 


Mai Ngọc Cường 


(1) chùa Thiên Thai trên núi Thiên Thai phía đông kinh thành Huế 

(2) Chuông cổ đúc từ đời Cảnh Hưng Lê Hiển Tông (1740-1786) 


  








 

La Phù giang thuỷ các độc toạ


Thuỷ các các hạ, giang thuỷ thâm,

Thuỷ các các thượng, nhân trầm ngâm.

Du du vân ảnh biến thần tịch,

Cổn cổn lãng hoa phù cổ câm (kim).

Trần thế bách niên khai nhãn mộng,

Hồng sơn thiên2 lý ỷ lan tâm.

Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ,

Bạch phát sổ hành thuỳ ngã khâm.

  Nguyễn Du



Dịch nghĩa

Ngồi một mình trên thuỷ các sông La Phù


Dưới thuỷ lâu , nước sông sâu, 

Trên thuỷ lâu, người ngồi trầm ngâm.

Bóng mây lững thững sớm chiều biến đổi,

Lớp sóng cuồn cuộn kéo cả cổ kim đi.

Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở,

Tựa lan can, lòng nhớ núi Hồng nơi ngàn dặm.

Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,

Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo



Dịch thơ 


Ngồi một mình trên Thuỷ các sông La Phù 


Dưới lầu Thuỷ các nước sông sâu

Người vẫn trầm ngâm trên thủy lâu 

Sớm tối bóng mây  trôi biến đổi 

Cổ kim theo sóng cuốn về đâu 

Trăm năm thế sự như cơn mộng

Nghìn dặm Hồng sơn gợi ý sầu 

Đối bóng một mình buồn chẳng nói

Phất phơ sợi tóc trắng trên bâu. 


maingocuong 






NGUYỄN TRÃI 


題程處士雲窩


佳客相逢日抱琴
故山歸去興何深
香浮瓦鼎風生樹
月照苔磯竹滿林
洗盡塵襟花外茗
喚回午夢枕邊禽
日長隱几忘言處
人與白雲誰有心


 Đề Trình xử sĩ vân oa đồ

Giai khách tương phùng nhật bão cầm,

Cố sơn quy khứ hứng hà thâm.

Hương phù ngoã đỉnh phong sinh thụ,

Nguyệt chiếu đài cơ trúc mãn lâm.

Tẩy tận trần khâm hoa ngoại mính,

Hoán hồi ngọ mộng chẩm biên cầm.

Nhật trường ẩn kỷ vong ngôn xứ,

Nhân dữ bạch vân thuỳ hữu tâm.

 Nguyễn Trãi 


Dịch nghĩa

Khách quý gặp nhau ôm đàn gảy suốt ngày

Trở về núi cũ hứng thú biết bao!

Hương bốc lên ở đỉnh sành, gió rung cây

Trăng chiếu xuống ghềnh rêu, trúc đầy rừng

Muốn tẩy sạch lòng trần có đọt trà ngoài chỗ hoa viên

Để gọi tỉnh giấc mộng ban trưa, có tiếng chim bên gối

Suốt ngày tựa ghế quên cả nói

Thử hỏi giữa người và mây trắng kia ai là có tâm tình? 


Đề tranh Am mây của Trình xử sĩ 

 Khách quý gặp nhau hợp tấu đàn 

Trở về núi cũ thật bình an 

Gió rung cây khói trầm hương tỏa 

Trăng chiếu ghềnh rêu trúc bạt ngàn 

Tẩy sạch lòng trần  trà mạn uyển  

Giấc trưa tỉnh mộng tiếng chim tan

Suốt ngày tựa ghế quên trò chuyện 

Mây trắng cùng ngươi ! Lọ đắc nhàn


 maingocuong

  

ĐƯA BẠN THĂM CHÙA

 Tặng Dzoãn Vân, Minh Hải, Xuyến, Như Mai, Hồng  Nhung & Hiếu  



 Duyên may đưa bạn thăm chùa

Vẫn mong là được bốn mùa an cư

Đến đây lòng hết hồ như

Dầu đi hay ở cũng từ tâm ta

Trần gian cõi tạm là nhà

Từ thân tứ đại ta bà chúng sinh

Đến đây mình lại gặp mình

Tâm thanh tịnh giữa u minh cuộc đời

Sen vàng một đóa thảnh thơi

Ngẫm từ bằng hữu khắp nơi tìm về

Bóng chùa ấp ủ hồn quê

Bụi tre khóm trúc bốn bề xanh um

Vườn thiền ý Phật vừa ươm

Như là đi giữa đường thơm hương từ

Để lòng ta hết hồ như

Đã đi là đến chỉ ư chí thành

Mà đời thì rất mong manh

Tâm viên ý mã chạy quanh mệt nhoài

Đóng khuôn trong tấm hình hài

Đã nghe trăm tiếng bi ai vọng về

Từ thân tứ đại mải mê

Từ thân tứ đại trở về huyền không

Nơi này bóng Phật mênh mông

Đứng trong bóng Phật thấy lòng bình an

Nhuần hương vị đạo là nhàn

Ấm tình bằng hữu thế gian này là

 


Đi hay về tự lòng ta

Đêm dài rồi sẽ đi qua tiếp ngày

Người rồi sẽ tỉnh giấc say

Ngày rồi sẽ rạng loay hoay làm gì

Giữ lòng rất đỗi từ bi

Ấm lòng bằng hữu là ghi nhớ lời

Một trăm chữ nhẫn chữ thời

Mây lành một đóa gấm phơi giữa trời

Thôi đừng xao xuyến bồi hồi

Bên kia biển sáng một trời xanh xanh

Hồng nhung một đóa trên cành

Cũng như mai quá mong manh cuối mùa

Đến đây cùng vãn cảnh chùa

Tình bằng có một chốn về bình an

 

Linh Sơn Tự

10 tháng Sáu 2017

Friday, June 10, 2022

CUỐI ĐƯỜNG của Hà Thúc Sinh

 



Ông anh Hà Thúc Sinh mới gửi cho thằng em quyển Cuối Đường còn thơm mùi mực nhà in. Một tuyển tập gồm 27 truyện ngắn, 7 tạp ghi và dăm bài thơ còn sót lại, ông anh hướng đạo và văn nghệ của tôi đã bảo đây tác phẩm cuối cùng của anh được in ra. Tôi cười cười nói đùa với anh - Sao lại gọi là cuối cùng được nhỉ !? Anh chỉ mới Cuối Đường thôi chứ chưa Hết Đường đâu mà  đã ngôn như vậy! 
 Ừ! Cái mẫu bìa Cuối Đường của anh cũng hay và ý nghĩa lắm đây! Cuối đường mà vẫn còn nhìn thấy phố thấy nhà, còn thấy lá cờ sao vạch phất phới trong tầm mắt thì vẫn còn may ! Anh ạ! chứ cứ bước đi không thấy phố thấy nhà. Cuối đường “chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” ! Ấy mới là khốn nạn! 

Ông anh Hà Thúc Sinh của tôi cũng là dân ông Tạ ngày trước đã lên hàng 8 mắt mờ, chân yếu, tay run… đã tính chuyện gác bút nhiều năm nay. Những truyện ngắn trong tập Cuối Đường vừa in ra đây, phần lớn anh viết trong những năm 19, 20 gần đây tại Houston trong mùa Đại Dịch Vũ Hán. Ông đã có một thời gian dài Vấn Đáp Với Cô Đơn, như trong bài thơ đầu tập Cuối Đường. Ông đã có Ngàn Lời Thơ đã viết trước đây nhưng vẫn còn sót lại dăm bài, mà đây là một :

“ Giá một ngày thôi ta được sống  

   Bạn thầm giọng hỏi trối gì không 

   Thì ta sẽ bảo xa xa lắm 

    Lắng gió vi vu giữa cánh đồng” 

Ông vẫn còn thở, vẫn còn sống đấy mà đã nghĩ đến lúc nằm “Lắng gió vi vu giữa cánh đồng” để cảm nhận “Đất mờ như ẩm ướt đôi mi. Vừa khi choàng dậy ai đâu bạn. Tứ phía sầu lên không liếp che.” Ông Hà Thúc Sinh thiệt là Trang Tử đời nay vậy. 

Đầu năm ngoái ghé thăm anh, nhân ngày Xuân uống cùng anh Ly Rượu Đầu Năm 

“ Ghé uống cùng anh vài ly rượu 

Ngồi lại bên nhau dưới ánh tà 

Ngày đầu năm mới, người vẫn cũ 

Nâng chén nhìn nhau mà cười khà 

Rằng cũng dây “dưa cà mắm muối” (1)

Mặn nhạt văn chương chuyện đã là 

Rượu óng ánh lên màu hổ phách 

Cạn chén quăng ly mắt đã loà (3)

Huynh đệ một thời chinh chiến cũ

Gươm đàn nửa gánh chuyện sơn hà 

Anh cứ như là ông Đồ Chiểu 

“Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”(2)


Mai Ngoc Cuong


Chú thích : 

(1) tên một truyện ngắn của Hà Thúc Sinh

(2) một câu thơ trứ danh của cụ Nguyễn Đình Chiểu 


Ngày đầu năm ghé thăm anh Hà Thúc Sinh. Tác giả Đại Học Máu, Sinh Ca....và Tống Biệt Hai Mươi, mà mnc đã có dịp nhắc đến trong stt cuối năm qua. 

Hai anh em nhấm nháp chút rượu vang gọi là mừng năm mới trong không khí lành lạnh và êm vắng của buổi chiều đầu năm. 

Anh đáo tuổi 79 và vừa bình phục sau cơn đột quỵ nhưng thần kinh thị giác bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên chỉ loanh quanh trong nhà lại không đọc được email. 

Là người viết văn, làm thơ và viết nhạc nhưng khá lâu bị bưng mắt, bó tay trong bốn bức tường trắng như anh kể cũng buồn. 

Hai anh em, một ông anh già và một ông em cũng già già ngồi đối ẩm đầu năm hăm mốt, đọc cho anh nghe bài hành Tống biệt năm Hai mươi Covid (vì anh đã không đọc được chữ nữa rồi) và những tin tức anh chị em đã gửi trên email gần đây cho anh hay. 


(3)Cũng nên kể lại, vì mắt không còn  thấy rõ nên lúc cạn ly chia tay anh đã quờ quạng gạt tay để cái cốc rơi xuống sàn nhà vỡ tan. Thương thật! 


Cứ thế...thăm nhau khi có dịp 

Trầm ngâm ly rượu với chén trà 

Nên chứ ... có thể ... nên có thể

Ngồi lại bên nhau lúc tuổi già 


Anh Sóc Hà Thúc Sinh nhé ! “ 



Đấy là chút kỷ niệm lan man vừa qua với ông anh Hà Thúc Sinh mà tôi đã ghi lại 

Sáng nay cầm trên tay tuyển tập Cuối ĐƯờng lại nhớ anh. Mời đọc lại Truyện ngắn Chị Ngát của Hà Thúc Sinh. “Chị Ngát làm tôi nhớ đến cả miền Bắc mà tôi đã xa nó từ năm 1952.” 

Chị ơi rụng bông hoa gạo, mà nghe gió quê vi vút gọi …

Trân trọng 

mnc 

10 tháng Sáu 

⚜️⚜️⚜️



CHỊ NGÁT 

Hà Thúc Sinh


Sau này nghĩ đến chị Ngát làm tôi nhớ đến cả miền Bắc mà tôi đã xa nó từ năm 1952. Cái tên của chị quả hăm mốt năm ở miền Nam tôi rất ít hoặc không hề nghe, nó như một cái tên đặc trưng của gái miền Bắc.


Khi tản cư qua Điền Hộ mùa hè năm ấy, tôi mới tám chín tuổi. Dọc đường, nhiều khi gia đình còn phải thuê người gánh hai anh em tôi mỗi đứa mỗi đầu. Những dòng sông, con đê, những thửa ruộng nứt nẻ, những đứa trẻ cỡ tôi vỏn vẹn với cái quần đùi, chăn trâu trên những cánh đồng cỏ cháy, những mẹ già mặc váy đụp lúp xúp quang gánh đi bên đường, những chiếc xe đò chạy bằng lò than chết máy dọc đường đang được đám lơ tài quay cho máy tái nổ, những ngôi nhà vách rơm trộn bùn, những thánh đường lỗ chỗ dấu đạn…


Điền Hộ cuối thời chống Pháp, sang thời Việt Minh kiểm soát trong mắt tôi là như thế. Những sản phẩm từ mạn ngược, xứ Thanh của tôi, từ những chum vại Lò Chum cho đến nước mắm Kẻ Bạng Ba Làng, qua cửa Thần Phù, đem vào đây để phân phối đi xuống phương Nam gần như vắng bóng.


Hơn một tuần, gia đình tôi tá túc nhà bác Tam ở Điền Hộ nóng như lửa đổ, nhưng với tôi đó lại là tuần lễ êm mát trong suốt cuộc đời.


Tôi gặp chị Ngát của tôi.


***


Chị Ngát là con gái lớn của bác Tam. Chị mười lăm tuổi và Lài, em chị, mười ba tuổi. Tôi chẳng có tí kỷ niệm nào với chị Lài. Chỉ có với chị Ngát.


Cứ chiều đến, nơi góc hè gần vườn chuối nhìn ra cái sân gạch Bát Tràng thường phơi lúa, có một chiếc võng luôn giăng sẵn. Từ chiếc võng này, chiều chiều tôi hay nằm nhìn những dãy vại đầy dưa cà tương mắm của nhà bác Tam. Những con ong bầu vo ve trên giàn bầu bí. Những cánh bướm vàng lượn lờ trên những dãy dâm bụt. Tôi cũng thấy những bầy cá cơm dật dờ trên con mương ngay cạnh.


Đây về Thanh không xa nhưng sao quê tôi đã sớm khốn khổ như thế. Rình mò, bắt bớ, đấu tố, giết chóc…, đến nỗi chúng tôi phải bỏ xứ mà đi. Trốn hỏa ngục, trong khối óc ấu thơ của tôi, tôi thấy như vừa được nghỉ chân trong một bóng mát thiên đàng.


Gia đình nhà bác Tam dù gì cũng quạnh quẽ lắm. Nếu tôi nhớ không nhầm, bác gái bị bệnh kinh niên, thường chiếm một phòng trong căn nhà năm gian và cửa đóng kín suốt ngày. Bác trai đi làm hay gì đó, sáng đi chiều về.  Và từ hôm tá túc ở đây, bố tôi luôn đi theo bác cả ngày, cũng sáng đi chiều về. Bác giao nhà cho mẹ con chúng tôi ở. Và hai chị ở nhà với chúng tôi, không thấy đi học nữa.


Một hôm tôi nói:


“Em nhớ trường!”.


Chị Ngát nhìn tôi:


“Chị cũng thế”.


“Sao chị ở nhà?”.


“Vậy ở phía nhà em trường có mở không?”.


Ừ, tôi sực nhớ máy bay đánh hoài, suốt ngày nhảy “tăng-xê”, và anh em chúng tôi sau cùng ở nhà hết. 


Tôi lắc đầu:


“Không”.


“Đây cũng thế”. Chị nói.


Và trên chiếc võng này, chiều chiều chị Ngát ngồi với tôi và đút cơm cho tôi ăn, cứ coi như tôi mới lên ba không bằng. Và khẽ hát cho tôi nghe nữa chứ.


***


Một hôm tôi hỏi:


“Chị Ngát ơi, nhà em ở đây luôn hả?”.


Chị nhìn tôi, muốn nói gì đó, rồi lại thôi.


Tôi lặp lại:


“Tụi em ở đây luôn hả?”.


Lúc ấy chị mới nói:


“Chị nghe bố em với bố chị nói, gia đình em sẽ đi Phát Diệm rồi ra Hà Nội, nay mai”.


“Phát Diệm và Hà Nội xa không chị?”.


“Chị không biết”.


Một lát tôi nói:


“Em nhớ nhà”.


Chị nhìn lũ ong bướm:


“Lũ ong bướm cũng vậy”.


“Nó cũng có nhà hả chị?”.


“Thì giàn bầu bí và bụi dâm bụt. Nhà chúng đấy. Em không thấy chúng quẩn quanh ở đó suốt ngày?”.


Rồi chúng tôi chia nhau chiếc võng mà nằm. Tôi ép sát vào chị và cảm nhận được da thịt chị mát như miếng thạch. Có lúc xoay trở, tay tôi tì trên ngực chị, và bộ ngực con gái ấy làm tôi bồi hồi mãi về sau.


Bất giác tôi hỏi khẽ:


“Chị Ngát ơi, mai em lớn, em cưới chị được không?”.


Chị ngồi lên, xóc lại tóc, cười hiền hòa:


“Khi em lớn, còn gặp, nhắc chị câu ấy nhé!”.


Chiều, cơm no, lại đong đưa trên võng, tôi trúng gió và ói đầy cả người chị.


Tôi ở cái tuổi chưa biết như thế là điều kỳ cục!


***


Năm 1970, tôi từ trại Thái Hòa sang thăm ông ngoại tôi hoài bên trại Nghĩa Hòa. Miền Nam hiền lành trù phú, thay đổi chúng tôi nhanh chóng. Và chúng tôi cũng tự cảm thấy mình “được” đồng hóa thật mau.


Lúc ấy tôi đã là một sĩ quan quân đội. Và tôi gặp lại chị Ngát, vốn là một hàng xóm sát sạt của ông ngoại tôi.


Chúng tôi đứng chuyện trò lúc trời sang xuân. Mùa xuân ở miền Nam cũng ấm lắm. Cả vùng Ông Tạ lúc này đã thay đổi và chẳng còn nhiều dấu vết của một vùng toàn đầm lầy, nghĩa trang, rừng cao su với nhiều chứng tích của đồn Kỳ Hòa xưa kia.


Cũng dưới một vòm hoa giấy nhiều màu và bụi dâm bụt hoa nở đỏ au gọi mời rất nhiều ong bướm, chị Ngát hỏi tôi:


“Em còn nhớ những bụi dâm bụt nhà chị không?”.


Tôi gật đầu.


“Cuộc đời như cái lòng chảo em nhỉ. Chạy đâu rồi tất cả cũng tụ vào giữa”.


Chị tiếp. Rồi chị kể tôi nghe những đường đi nước bước của gia đình chị nối tiếp gia đình tôi chỉ đâu chừng một tháng. Cũng ra Phát Diệm nhưng di cư ngả khác vào Nam, chứ không ra Hà Nội, rồi Hải Phòng, và đi tàu Mỹ vào Nam như gia đình chúng tôi.


Chị nói chị đã có gia đình và hai con trai. Anh là một trung tá thuộc binh chủng Nhảy Dù, nhưng trong một sô nhảy anh bị gãy xương sống.


Tôi đọc được nét đau đớn phớt qua sắc mặt chị.


“Giờ anh ở đâu? Em gặp anh ấy được không”.


Chị khẽ lắc đầu. Mãi mới nói:


“Mất rồi. Quân y nói là… tự tử!”.


“Tự tử?”.


“Thì người ta nói vậy. Tự tử trong quân y viện”.


“Nhưng tại sao?”.


Chị Ngát thở dài. Mãi mới nói khẽ:


“Gãy cột sống, anh ấy trở thành… bất lực!”.


Càng gần tới 1975 công tác càng nhiều. Thậm chí tôi cũng ít về nhà thăm cả bố tôi, nói gì chị Ngát.


Hình bóng đẫy đã của một phụ nữ tuổi bốn mươi nhạt dần trong tôi.


***


Một mùa Noel, tôi dẫn ba đứa cháu nội sang khu shopping center gần nhà, tính vào tiệm Toys ‘R’ Us mua đồ chơi cho các cháu.


Thời khí ở Houston, Texas cũng khá kỳ cục. Lúc ấm thì như mặt trời mọc ngay sau gáy, lúc lạnh thì cũng lạnh ra trò. Lúc ấy đang lạnh. Tôi mặc hai ba áo ấm mà vẫn thấy run trong bụng. Tôi bảo thằng cháu lớn:


“Ông đã dặn mặc áo lạnh vào, sao cứ phong phanh thế kia?”.


Nó bảo nó không thấy lạnh. Tôi chỉ biết lắc đầu. Con nít xứ này nó vậy. Chỉ khi trời đổ tuyết và đường đóng đá thì may ra nó nhớ tới áo len.


Tôi thả các cháu vào với đám con nít đang lùng tìm những món đồ chơi ưa thích trong tiệm. Trông chúng nó như một vườn hoa nhiều màu đang dạt dào trong gió. Tôi loay hoay kiếm cái ghế ngồi trong gian bán sách. Một bà đang xem sách gần đó chợt quay hỏi tôi:


“Ông người Việt hả ông?”.


Tôi nhìn bà ta để định tuổi. Và tôi quyết định gọi bà bằng cụ.


“Vâng, tôi cũng nghĩ cụ là người mình”.


Bà cụ ngẫm nghĩ một chút, rồi nói:


“Tôi xin lỗi đã gọi ông bằng… ông. Ở Việt Nam thì chúng ta đều là cụ hết rồi. Tôi đã tám mươi mà các cô đứng quầy ở các chợ Việt Nam chưa bao giờ thấy có cô nào gọi tôi bằng cụ như ông. Đứa thì bác, đứa thì dì, đứa thì cô. Đám trẻ Việt Nam ở Mỹ hình như bị mất ý niệm về tuổi tác”.


“Vâng, có lẽ đúng thế cụ ạ”.


“Thế Việt Nam ông ở đâu?”.


“Sài Gòn, ở Ông Tạ thưa cụ. Thế cụ ở đâu, sao tôi nom cụ quen quen”.


“Tôi cũng ở Ông Tạ đây. Hình như ông là ông…”.


“Phải chị Ngát đó không?”.


***


Cũng như tôi, chị Ngát dẫn đám cháu nội đi mua đồ chơi. Nhưng giờ chúng tôi tạm quên các cháu sang bên. Hai người hai ghế trong một gian bán sách trẻ em của tiệm Toys ‘R’ Us, chúng tôi trải cuộc đời trên dưới tám mươi năm của nhau ra sàn nhà, ngắm nhìn và nhắc cho nhau nghe những đoạn êm đềm cũng như khúc khuỷu, những đoạn tràn đầy tiếng cười và những đoạn ngập đầy nước mắt.


Sau cùng chị nói:


“Như thế chúng ta lại cũng ở cùng khu đấy. Chú cứ qua chị chơi và chị cũng sẽ qua chú chơi thường. Cho đám trẻ chúng quen biết nhau. Nhưng chắc chắn một điều…”.


Tôi nhìn vào nụ cười móm mém của chị, hỏi:


“Gì hả chị?”.


“Chị không phải đút cơm cho chú nữa. Và họa kiếp sau mới nghe lại câu chú hỏi ngày xưa: Chị Ngát ơi, mai em lớn, em cưới chị được không?”…


Houston 29-11-2019