Tuesday, May 31, 2022

HOÀI NIỆM TUỔI THƠ - chuyện "cáp đôi"


 CHUYỆN "CÁP ĐÔI"

   Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi

Người ta có cặp, riêng tôi một mình

mnc 



Bỗng dưng lại nhớ chuyện "cáp đôi"

Ngây thơ bọn trẻ ở xóm tôi

Hết trò chơi lại bày chuyện "cáp"

Xưa như trái đất đã lâu rồi


Bởi chúng vẫn thường chơi với nhau 

Tỷ như con Bích với thằng Cầu

Hay con Liên với thằng Minh chuột

Ngây thơ bọn chúng biết gì đâu 


Vẫn thản nhiên chơi bên hàng xóm 

Chẳng ngờ mình sắp bị lêu lêu 

Lớn nhỏ chạy quanh như đám rước

Nối đuôi theo gót đứa đầu têu


Miệng la chói lói "Liên-Minh chuột"

Rồi cứ "Bích-Cầu" với " Bích-Câu"

Cái con bị "cáp" ngồi tức khóc

Thằng bạn chạy theo chửi lầu bầu 


Ngày ấy tôi chơi với nhỏ Trang

Nhà nó nhà tôi cũng người làng

Nó vẫn rủ tôi chơi "đánh đũa"

Cùng vài đứa nữa "bán đồ hàng"


Những ngày mưa bão ngồi bó cẳng 

Chơi cùng con gái cũng điệu đàng 

Tôi thấy tôi giờ hiền quá cỡ

Vì Trang muốn tôi chơi với Trang


Nhưng rồi cũng cái đám "trời ơi"

Vắng tôi chúng nó đã đánh hơi 

Và chúng lại bày mưu phá bĩnh

Là "cáp đôi" Trang vào với tôi 


Cứ thấy bọn tôi chúng la làng 

Nào là Cường-Tráng với Cường-Trang

Chúng có ngờ đâu tôi "có võ"

Rượt theo chơi một ngón "sang ngang" 


Vào ngay ống quyển thằng "đầu đảng"

Thế là bọn chúng phải tan hàng 

( Nhưng sao tôi khoái nghe chúng "cáp"

"Cường-Trang; Cường-Tráng với Cường-Trang" )


Chuyện "cáp đôi" ngày xưa thơ ấu 

Chẳng bao giờ được mộng thành đôi

Chiến tranh... thời cuộc ...chia ly ấy

Là ký ức đời ! kỷ niệm thôi 


Chuyện xưa ngày cũ biết tìm đâu

Bao nhiêu con nước đã qua cầu 

Làm sao tìm lại dòng sông cũ 

Soi lại bóng nhau lúc bạc đầu


Cao Ngọc Cường 

24/9/2017


HOÀI NIỆM TUỔI THƠ


   Ngoảnh lại một thời tuổi thơ qua 


Lòng vẫn nhớ hoài một thuở xưa

Khi còn là chú bé húi "cua"

Ngày hai buổi đến trường vui học 

Đi về còn đánh một giấc trưa 


Trốn mẹ trèo lên tàng trứng cá 

Dăm tên như lũ khỉ trên cây 

Bẻ trái chín giành ăn chí choé

Dường như quên mất cái roi mây


Xóm nhà đối diện với Nhà Thương 

Có trưa léng phéng chạy qua đường

Chun rào "khám phá" khu bệnh viện 

Có chi mà kín cổng cao tường  


Đường ngang ngõ dọc đi dễ lạc 

Một màu trắng toát đến là buồn 

Có lần vào lộn khu nhà xác

Sợ ma mấy đứa chạy hết hồn 


Lắm bữa mẹ canh kỹ quá đi

Nằm ngồi cũng chán biết làm gì 

Lẻn xuống sau hè coi trẻ gái

Chơi đánh giải gianh oản tù tì


Trò chơi con gái quá sức buồn 

Thế mà chúng rủ ... cũng chơi luôn 

Ngồi xuống là thua đôi ba bận

Quen rồi tay đánh đũa khá suôn


Chơi với dân "kẹp tóc" cũng hay

Quẩn sang hàng xóm chỉ quanh đây 

Thằng con của mẹ sao ngoan thế 

Mẹ khỏi phải la khỏi phải rầy 


Ai nhớ ai quên ai khơi lại

Chuyện dân kẹp tóc với húi cua

Nhịp bước thời gian ơi mềm mại

Và theo cơn gió đổi thay mùa


Cứ thế ngày qua ngày như thế

Kỷ niệm ngày xưa ngỡ nhạt nhoà

Ai vừa khơi ấm tro mùa cũ

Ngoảnh lại một thời tuổi thơ qua 


Cao Ngọc Cường 




NHỮNG TRÒ CHƠI CỦA NGÀY XƯA : THIÊN ĐÀNG ĐỊA NGỤC

 



 Những trò chơi trẻ con thời của chúng tôi, của chúng ta đã trôi vào quên lãng. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua như là cổ tích ngày xửa ngày xưa ....

Ngồi ghi lại một trò chơi chung cửa cả hai phe, trên cái sân nhà cũ sót lại từ thời tiêu thổ cạnh nhà tôi hay bên xóm đạo Hoà Ninh.

Hai đứa lớn đứng hai bên nắm vòng tay lên cao khỏi đầu như cái cổng cả bọn get line hàng một đi qua, vừa đi vừa hát bài đồng dao 


"Thiên đàng Địa ngục hai bên. 

Ai khôn thì lại ai dại thì khôn

Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha. 

Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn. 

Linh hồn phải giữ linh hồn 

Đến khi gần chết được lên thiên đàng "

 Đứa nào cũng sợ bị cánh cổng thiên đàng hạ xuống khi hát dứt bài mà mình còn ở lại, thế là phải tiếp tục đi  cho tiếp một cuộn nữa cho đến đứa cuối cùng 

Nhưng rốt cuộc, hát mỏi miệng, tất cả bọn đều được lên thiên đàng, chẳng có đứa nào phải sa hỏa ngục .... sướng thì thôi 

Cho đến bây giờ, sớm hay muộn, lũ chúng ta rồi cũng sẽ được " lên thiên đàng " 😊😧

Khơi lại âm vang một thời tuổi nhỏ của chúng ta ! Ai nhớ ai quên trò chơi tuổi nhỏ ngày xưa 



THIÊN ĐÀNG ĐỊA NGỤC HAI BÊN 

Thiên đàng địa ngục hai bên

Ai khôn ai dại... khó quên một thời

Ngây thơ ngày ấy đùa chơi

Một đàn trẻ, những đêm trời sáng trăng 

Chán trò dung dẻ dung giăng 

Đổi qua địa ngục thiên đàng cùng chơi

Một đàn con nít con nôi

Nối đuôi đến  trước cổng Trời hát lên 

"Thiên đàng địa ngục hai bên..."

Ai khôn ai dại cũng lên cửa trời 

Đồng dao có bấy nhiêu lời 

Hát đi hát lại mãi thời khó quên

Thiên đàng địa ngục hai bên 

Biết đâu mà chọn để lên thiên đàng 

Cổng trời đã hạ thanh ngang 

Biết còn đâu chốn thiên đàng mà lên

Thiên đàng địa ngục hai bên

Giờ anh cũng chẳng biết lên bên nào

Nghe lời em nói ngọt ngào

Ngẩn ngơ anh biết làm sao trả lời

Thiên đàng địa ngục hai nơi

Bây giờ anh biết ... thì thôi lỡ làng

Muốn lên rồng rắn xếp hàng

Đi tìm một chốn thiên đàng tuổi thơ 

Trò chơi ngày cũ xa mờ 

Mù trong ký lức thẫn thờ nhớ quên 

Thiên đàng địa ngục hai bên 

Đến giờ cũng chẳng biết lên bên nào 

Giá như mà biết ước  ao

Thì anh xin chọn nơi nào có em

Năm rơi tháng rụng dày thêm 

Những tầng kỷ niệm êm đềm ngày xưa

Thuyền trôi dòng rẽ còn lưa

Còn vang vọng những âm xưa êm đềm 

Thiên đàng địa ngục hai bên

Bây giờ anh biết tìm em nơi nào


10/10/17

EM, MÙA CŨ

 Ngày xưa .... xa quá người ơi! 

Có ai còn nhớ trò chơi 5.....10

Những trò chơi của ngày xưa

( Bây giờ còn nhớ hay không ...?)



EM, MÙA CŨ 


Năm..mười...mười lăm...hai mươi...

Ngày xưa , trốn bắt đùa chơi quanh nhà

Con trăng sáng biếc mặn mà

Hồn nhiên cút bắt - Ú òa, ú tim

Trò chơi đi trốn đi tìm

Năm... mười... một lũ như chim tan bầy

Oẳn tù tì ra cái này,

Anh thua, anh phải bị quay vào tường

Em cười trông thật dễ thương:

-Cái mặt nghi quá dễ thường ăn gian

-Thôi đi, anh rất là ngoan

Năm... mười... đếm đủ một trăm đây này

Úp mặt trong hai bàn tay

Anh che mắt thấy áo bay qua người

Năm...mười...mười lăm...hai mươi...

Hồn nhiên em thả tiếng cười sau lưng

Anh giả đò chạy lung tung

Để nghe thấy tiếng em mừng rỡ la

Năm...mười...mười một...mười ba...

-Lêu lêu! tìm mãi không ra,thua hoài

Năm...mười...mười sáu...hăm hai...

Anh che mắt thấy em ngoài gốc cây

Vờ tìm anh chạy đó đây

Em bên Đông, cứ bên Tây anh tìm

Để nghe rộn rã tiếng chim

- Lêu lêu! Anh cứ ú tim thua hoài

Che tay, giả bộ thở dài

Để nghe khúc khích tiếng ai đang cười

Năm...mười...mười lăm...hai mươi...

Anh che mắt đếm: năm ... mười... mười lăm

"Con trăng sáng suốt đêm rằm

Bay qua một sợi tơ tằm nhớ ai"

Ngây thơ em cứ lêu hoài

Anh tìm em mãi... đông đoài, em ơi

"Năm...mười...mười lăm...hai mươi...

Có người xanh tóc yêu người tóc xanh"

Ú tim, trốn chạy vòng quanh

Mười lăm...mười bảy...

Cũng đành xa nhau

Bao nhiêu lượng nước qua cầu

Con trăng vẫn sáng một mầu xanh xưa

Cuộc đời đã nát gió mưa

Tìm em, tôi vẫn tìm chưa ra người

"Năm, mười, mười lăm, hai mươi..."

Có chàng tóc trắng nhớ người tóc xanh.


Cao Ngọc Cường 

* NƠI CÓ NHỮNG CÂY TÙNG XANH BIẾC



Đây là câu chuyện tình có thật và rất đẹp được thi vị hoá, khi hoàng thân Cường Để  phải sống lưu vong hơn 40 năm tại hải ngoại mưu đồ phục quốc từ tay người Pháp, được thi vị hoá.

Năm 1951, Cường Để từ trần vì bệnh ung thư gan tại Đông Kinh, hưỏng thọ 69 tuổi. Sau nầy, một phần di cốt chôn trong mộ phần Đông du học sinh Trần Đông Phong ở nghĩa trang Zoshigaya bên Nhật. Một phần được hai con Tráng Liệt, Tráng Cử (sau bà vợ đầu Lê Thị Trân sinh cho ông thêm hai người con khác là Tôn Nữ Thị Hảo và Tráng Đinh, ông còn có bà vợ Ando Shigeyuki người Nhật) qua Nhật rước về Tây Ninh rồi đưa ra Huế,ở đấy được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tổ chức đón nhận trọng thể.Lần lượt thờ ở nhà con trưởng Tráng Liệt, chùa Kim Quang, lăng mộ cụ Phan Bội Châu, ngày nay tro cốt được mai táng trên một ngọn đồi ở xã Thủy An.


 NƠI CÓ NHỮNG CÂY TÙNG XANH BIẾC

Ando Chie cúi xuống, nhúng ngón tay vào chậu nước. Nước ấm vừa đủ tắm. Nàng kéo màn che cửa sổ. Ngoài kia, một cây anh đào vừa nở, những nhành hoa rủ xuống trắng hồng. 

- Xin ngài vào tắm kẻo nước nguội. 

Giọng nàng nhỏ nhẹ và lễ phép. 


Ngoài ba mươi tuổi, Chie mạnh khỏe và bầu bĩnh trong bộ kimono giản dị màu lam. Là người giúp việc cho hoàng thân Cường Để, cô đến ở đây đã hai năm theo sự bố trí của đại tá Wanatabe. 

Năm ấy hoàng thân đã ngoài năm mươi tuổi, dáng vóc nho nhã nhưng khuôn mặt gầy đượm buồn. Ông chăm chú viết, những chữ Nho chân phương rất đẹp trên giấy trắng. 

Thấy Chie, ông ngẩng lên, vẻ mặt ngần ngừ: 

- Lại tắm. Ta mới tắm hôm kia... 

Chie mỉm cười. Ông hoàng Việt Nam này rất lười tắm gội. Người Nhật vốn rất sạch sẽ. Bao giờ cũng thế, Chie rất cương quyết với ông. 

Chie đến gần, đặt tay lên nút áo ông. Chiếc áo năm thân màu nguyệt bạch với rất nhiều khuy vải. Ở Nhật đã hai mươi năm, ông vẫn mặc áo Việt. Những chiếc áo ông đem theo từ Việt Nam đã cũ nát từ lâu, chiếc áo này là do Chie phỏng theo áo cũ để may cho ông, kiểu áo Việt trên nền lụa Nhật. 


Nhưng hôm nay, ông hoàng dường như trái tính hơn mọi ngày. Ông chùn lại, xua tay, ánh mắt đầy nghi kỵ: 

- Để ta yên! 

Từ lúc Chie mới đến đây, ông vốn đã không tin nàng. Ông không cho nàng sắp xếp thư từ giấy tờ trên bàn ông, dù chúng thường rất lộn xộn. Mỗi lần đau ốm, ông cố giấu không cho nàng săn sóc. 

Chie là người do quân đội Nhật cử đến. Ông nghi kỵ nàng nhưng không thể từ khước nàng. Ông khư khư không cho nàng chạm tới đống thư từ, nhưng lại quá cần nàng thu dọn giường nằm bề bộn, pha cho ấm trà buổi sáng, khâu lại áo xống, cả ánh mắt cương quyết của nàng mỗi lần bắt ông đi tắm... 

Nhưng hôm nay nhìn vẻ mặt ông, Chie lẳng lặng không nài ép gì nữa. Nàng quay ra một lúc rồi trở vào với khay trà. Nàng đã quen, những lúc căng thẳng thế này chỉ có một ấm trà Tàu mới có thể làm ông dịu lại. 

Bước qua ngạch cửa, nàng khựng lại. Kỳ ngoại hầu Cường Để, hoàng đích tôn đời thứ năm của vua Gia Long đang bưng mặt khóc. 

Ando Chie vội vã đặt khay xuống án thư, chạy đến đỡ lấy mái tóc chớm bạc đang rũ rượi gục về phía trước. Tấm thân gầy mỏng của người đàn ông như muốn sụp xuống trong tay nàng. 

- Điện hạ... hoàng tử... 

Chie cứ nghĩ ông sẽ đẩy nàng ra. Nhưng lần này Cường Để chỉ ngẩng lên, mắt nhìn sững vào khoảng không trước mặt. Nàng nhẹ nhàng chặm những giọt nước ứa ra quanh đôi mắt thất thần. "Có chuyện gì...?". 

Cường Để không kiềm chế được, khóc nấc lên: "Bác Phan mất rồi!". 

Tại Tokyo một buổi chiều tháng tư, Cường Để nhận được thư báo. Phan Bội Châu, người đã tìm đến ông khi ông mới hai mươi mốt tuổi, đã tôn ông làm minh chủ của phong trào Đông du chống Pháp. Người đã đón ông sang Nhật để tính chuyện phục quốc lâu dài. Việc Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải đã là một đòn quá mạnh đối với ông. Từ ngày ấy, ông không thôi cảm thấy lạc lõng, hoang mang; cảm giác thối chí thỉnh thoảng lại ám ảnh ông, ông phải hết sức chống lại. 


Bây giờ Phan Bội Châu đã mất. Hơn ba mươi năm lưu vong trên đất Nhật, bao nhiêu ý chí, nghị lực của ông dường như được truyền từ sức mạnh tinh thần của con người này. Vậy mà giờ đây người ấy không còn nữa. Số phận đã bỏ rơi ông giữa một thế giới mênh mông xa lạ, trong cảnh tiến thoái lưỡng nan. 

Không phải là chuyện có thể chia sẻ với Ando Chie, nhưng biết nói cùng ai ở nơi lữ thứ này. Phong trào Đông du đã tan rã, Trần Đông Phong đã tự vẫn, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Siêu đã trốn đi, chỉ còn mình ông trơ trọi giữa trời cùng đất tuyệt. 

Chie cố gắng an ủi ông, dù không biết người chết là ai. Nàng dìu ông vào giường, đắp chăn, buông màn cho ông. 

"Để mặc ta" - Cường Để nói, xua tay, quay mặt vào góc tối. 

Chie gật đầu, nàng ém màn vào dưới nệm, bước lùi mấy bước. 

"Chie, đừng đi!". 

Ông ta bíu lấy tay nàng. Chie cảm thấy tất cả nỗi cô đơn, hoảng loạn của người đàn ông. Nàng cúi xuống, lồng tay vào chăn, ôm lấy ông vỗ về, bất giác nàng cũng rơi nước mắt. 

"Thiếp thương điện hạ lắm". Chie nói, những tiếng rất giản dị, nàng biết rõ Cường Để không giỏi tiếng Nhật, và nàng cũng không biết lời an ủi nào hơn. Nhưng linh cảm dạy cho nàng biết phải làm gì: nàng ghé nằm bên ông và ấp ủ ông bằng thân thể ấm áp của mình. 


*** 

Đêm ấy trời mưa, khi trời sáng Chie cuốn màn, mở hé cửa sổ, nàng nhìn thấy những cành anh đào sũng nước. Nàng đặt chậu nước nóng cạnh giường, nhúng chiếc khăn bông trắng muốt rồi vắt thật ráo. Người đàn ông của nàng đã tỉnh giấc. Nàng cúi xuống, mỉm cười dịu dàng, lau mặt cho ông. 

Kỳ ngoại hầu nắm lấy tay nàng, vẻ mặt ông lộ vẻ biết ơn. Chốc lát, ông quên người đàn bà này là người của quân đội Nhật. Ba mươi năm lưu lạc trên đất nước này, ông đã nhiều lần được chở che. Ông Innukai và Kashiwabara đã bảo bọc ông, thuyền trưởng tàu Yayomaru đã hết lòng che chở ông thoát khỏi sự truy lùng của mật thám Pháp. Đó là chuyện hai mươi, ba mươi năm trước. Lúc đó ông còn trẻ, chí khí còn hăng hái; gần mười năm nay, từ khi Innukai bị ám sát rồi, ông quá chật vật với cuộc sống, cô đơn, mệt mỏi. Phải nhận sự bảo trợ của lục quân Nhật là bất đắc dĩ, ông không thể không dựa vào người Nhật, nhưng ông biết Nhật và Pháp có thể bắt tay với nhau bất kỳ lúc nào. Ando Chie có phải là tai mắt của quân Nhật không? Ai biết đâu được. Dù sao lúc này bên ông chỉ còn có nàng thôi. Giờ phút này nàng đang dịu dàng lau mặt ông. Cảm giác được chăm sóc làm ông bùi ngùi ứa lệ. 

Chie chuyển dần chiếc khăn nóng xuống cổ và ngực ông, nàng nhẹ nhàng mở khuy áo để lau vai và lưng. Bỗng Cường Để buột miệng: 

- Về Việt Nam ! Ước gì ta được về Việt Nam ! 

Chie khựng lại một giây, rồi nàng hiểu, nhẹ vỗ vào lưng ông như dỗ dành: 

- Rồi ngài sẽ về, nhất định có ngày ngài sẽ về mà. 

Ông hoàng lưu vong cảm thấy ấm lòng, ông siết chặt tay nàng như muốn cảm ơn. Trong lúc đó Chie lại thấy lòng âm thầm một nỗi buồn. Ông sẽ đi, sẽ xa nàng, chắc chắn sẽ có ngày ấy... 

Cuối tháng, đại tá Wanatabe gặp Ando Chie ở Bộ Tư lệnh lục quân. Như thường lệ, Chie nói với ông về tất cả những sinh hoạt của Cường Để. Wanatabe hỏi: 

- Cô có thấy ông ta tiếp khách khứa từ xa tới không? 

- Không ạ. 

- Ông ta có nhận thư từ, tin tức gì từ Việt Nam ? 

- Không ạ. 

Chie trả lời, chắc chắn đến nỗi Wanatabe không hỏi thêm gì nữa. Ông ta nhìn Chie từ đầu đến chân như muốn đánh giá lại quan hệ giữa nàng và người ngoại quốc lưu vong ấy. Chie đỏ mặt, nàng hiểu cái nhìn của đại tá. Chắc chắn là ông ta rất khuyến khích việc nàng lên giường với người đàn ông kia, điều đó rất có lợi cho công việc. Chỉ có điều, ông ta không biết hôm qua nàng đã ủ ấm cho Cường Để, không phải với tư cách một nhân viên của lục quân Nhật, mà với tất cả tấm lòng của một người đàn bà. 

Năm năm sau. 

Chiến tranh khốc liệt trên khắp đất nước hoa anh đào. Những trận bom Mỹ dội xuống. Những ngôi nhà bằng gỗ và giấy cháy phừng phừng trong các góc phố Tokyo . 

Đang mùa lá đỏ nhưng chẳng còn ai nghĩ đến lễ hội mùa thu... Chỉ còn những đoàn người tản cư dắt díu nhau chạy. Ando Chie gói quần áo vào hai chiếc tay nải. Vội vàng, nhưng nàng không quên những chiếc áo lụa năm thân, áo dài the, khăn xếp, và cả bộ bình trà Tàu nhỏ xíu. 

- Ông ơi! 

Chie gọi. Hoàng thân giật mình, quay ra. Hôm nay ông mặc Âu phục chỉnh tề. Trong cảnh chộn rộn của Tokyo , vẻ chỉnh tề của ông trông thật lạc lõng. 

"Mình đi thôi, ông ạ. Mọi người đều tản cư về quê, chiều nay là chuyến chót". 

Hoàng thân hốt hoảng: 

- Nhưng ta còn phải chờ máy bay... Biết đâu ngày mai máy bay sẽ tới. 

Chie nhìn ông, xót xa. Cuối tháng bảy, nội các Suzuki Kantaro đã tổ chức bữa tiệc linh đình đưa ông về nước. Sau ba mươi hai năm xa quê, cái tin được về nước làm ông bàng hoàng. Trong bữa tiệc linh đình tại khách sạn Đế Quốc, ông hân hoan từ giã hết các chính khách đã ủng hộ ông...Mãi đến lúc sắp ra sân bay Haneda, cầm gói thức ăn đi đường từ tay Chie, ông mới nhìn thấy vẻ buồn trong mắt nàng. "Đừng buồn Chie, ta về nước rồi sẽ tính chuyện đón nàng sang". 

Chie mỉm cười. Ở Việt Nam , ông còn có người vợ cả và hai con nay đã lớn. Người vợ mà ông đã xa cách từ năm hai lăm tuổi. Ông sắp về với người đàn bà ấy. Nàng cảm thấy buồn, nhưng nàng mừng cho ông. 

Ngày hôm ấy ông đi, rồi đến tối mịt lại quay về. Ông kể, trên sân bay, nhân viên Bộ Tham mưu lục quân Nhật và ký giả báo chí tề tựu để tiễn chân ông...Nhưng máy bay từ Sài Gòn không đến đón. Ông quay về, ngã vật trên giường, mắt mở trừng trừng nhìn lên cao...Chie tháo giày cho ông, lau mặt cho ông. Nàng nhỏ nhẹ bảo ông: "Ông ạ, đừng buồn, chắc máy bay bị trở ngại gì đó thôi, mai lại đến ấy mà!". 


Từ đó hôm nào nàng cũng quấn sushi cho ông đem theo... Hôm nào ông cũng ra phi trường Haneda, hôm nào ông cũng trở về. Hơn năm hôm sau, nhân viên lục quân lẫn ký giả không còn ai đến nữa, chỉ còn ông ngày ngày một mình ngồi đợi. Lủi thủi tới, rồi lủi thủi về. 

Và hôm nay, ngày cuối tháng bảy, bom B29 của Mỹ đã trút xuống Tokyo , ông vẫn còn nghĩ đến chuyện đến phi trường chờ đợi. Chie bảo ông: 

- Mình phải đi thôi ông ạ! Phải chạy về quê, nếu không là chết. 

- Đúng rồi, nàng cứ đi, ta ở lại, biết đâu... 

Chie nắm lấy tay ông. Bàn tay ông gầy quá. Với mọi người, ông là một hoàng thân, được các cơ quan tiếp đón, các ký giả săn tin, được các nghị sĩ bảo trợ...Còn với nàng, đây là một người đàn ông tha hương, lạc lõng, túng thiếu, cô độc... Lúc này, nàng nhất định phải cứng rắn với ông, như những lúc bắt ông phải đi tắm vậy; nàng khoác tay nải lên vai ông và đẩy ông đi. Cường Để gượng lại, phản đối, nhưng khi bị đẩy đến cửa, dòng người tay xách nách mang chạy loạn đập vào mắt ông, và ông hiểu ngay điều gì đang xảy ra. 


Đêm đó trên chiếc xe bò lắc lư trong dòng xe qua vùng ngoại ô, ông nhìn thấy Tokyo bốc cháy, lửa rực đỏ dưới những lằn máy bay Mỹ vút ngang. Căn nhà mà lục quân Nhật cấp cho ông đã cháy rụi. 

Tháng tám, bom nguyên tử dội xuống Nagasaki và Hiroshima , Nhật Bản đầu hàng. Không còn ai đủ sức nghĩ đến vị hoàng tử lưu vong. Chỉ có một người đàn bà thầm lặng mỗi ngày làm thuê cho một xưởng than ở vùng quê để nuôi một người chồng lớn tuổi. Ando Chie lúc này không còn là nhân viên của lục quân Nhật nữa. Buổi sáng, nàng thức dậy nấu nước nóng cho chồng rồi tất tả đi; nàng vẫn thế, dù làm ở xưởng than nhưng lúc nào về nhà cũng rất sạch sẽ, còn chồng nàng vẫn vậy, rất lười tắm và suốt ngày ngồi chép những trang sách chữ Hán đã cũ nhàu. 

Nhiều người hỏi sao ông chồng nàng chẳng làm việc gì mưu sinh, Chie chỉ cười. Ông ấy là một ông hoàng. Dù rất nghèo và chẳng hề có quyền uy. Ông chẳng làm được gì cho nàng cả, nhưng nàng yêu thương ông với tất cả sự trìu mến xót xa. Trong lúc ông thì đau đáu chỉ muốn về quê hương - nghĩa là rời xa nàng. Nhưng nếu ông không có giấc mơ hoài hương, liệu ông có còn là người đàn ông mà nàng thương yêu không?


*** 

Năm năm sau. Cơ hội về nước lại đến. Ando Chie lại chuẩn bị hành lý cho Cường Để lên đường. 

Nước Nhật đã trở lại thanh bình. Trước ngày Cường Để về nước, bạn bè làm tiệc tiễn đưa. Ký giả Báo Asahi cũng đến dự. Cụng ly mừng, nhà báo ngỏ ý muốn đưa tin chuyến trở về của vị hoàng thân sau gần bốn mươi năm biệt xứ. 

Chuyến đi lần này bằng đường biển, từ cảng Kobe đáp tàu Hải Minh đến Bangkok rồi theo đường bộ qua Campuchia về Tây Ninh. Vì sao phải về nước qua cửa khẩu Tây Ninh? Vì Việt Nam đang thời kỳ chiến tranh Việt Pháp, Pháp vẫn còn đóng quân ở Nam kỳ. Nhưng Tây Ninh nằm trong lãnh địa của Giáo chủ Phạm Công Tắc. Với sự bảo trợ của Phạm Công Tắc, ông có thể lên bờ an toàn. 

Ký giả Asahi dặn dò: 

- Khi ngài tới nơi rồi, xin điện ngay cho tôi biết. 

Cường Để ngẫm nghĩ: 

- Trong nước hiện đang chiến tranh, tin tức khó gửi. Có lẽ cứ tính theo hải trình, đến trung tuần tháng bảy thì bỉ nhân đã đến quê nhà, quý ông có thể đưa tin được rồi. 

Ando Chie đưa ông đến bến cảng. Mùa thu, khí trời se lạnh. Tiếng quạ kêu vang sau những tàn cây lá đỏ. Ông đi rồi, Chie trở lại căn hộ hai phòng ở phố Ogikubo. Con đường bỗng dài hơn bao giờ hết. Ông hứa sẽ có ngày đón nàng sang Việt Nam . Lúc đó nàng chỉ bảo: "Bao lâu cũng được". Đến bây giờ, một mình trên con đường về nhà, nàng mới thấm thía cả khoảng trống chơ vơ trước mặt, rằng có thể nàng sẽ mãi mãi một mình trên đoạn đường còn lại... 

Nàng tiếp tục khâu những con búp bê vải - những con búp bê đã nuôi sống nàng và ông từ lúc về lại Tokyo . 

Đến tối, chủ nhà, bà Hashimoto gõ cửa hỏi thăm nàng. Bà đem vào cho nàng một gói bánh dẻo. 

"Trông em xanh quá. Tôi pha cho em một chén trà nóng nhé?". 

Chie uống chén trà từ tay bà chủ nhà tốt bụng. Trà nóng làm nàng hồi tỉnh. Nhìn hộp bánh dẻo xinh xắn, nàng nhớ đến chồng. Ông ấy vẫn thích loại bánh này. Nhưng dùng trong khi uống trà Tàu - ông vẫn không quen với trà Nhật. 

Bây giờ ông ấy đi đến đâu rồi nhỉ? Bà Hashimoto vuốt tóc nàng, dẫn nàng sang phòng làm việc của chồng bà, giáo sư Hashimoto Masukichi. Trên vách, giữa những tủ sách đồ sộ là tấm bản đồ châu Á. Bà chỉ cho Chie xem chỗ nào là Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam . Chie chăm chú nhìn. Chồng nàng đang ở trên vùng biển xanh xanh kia, ngoài khơi cái khối màu hồng rất lớn mà bà Hashimoto bảo là nước Trung Hoa. 

"Em đừng buồn, rồi ông ấy sẽ đạt chí nguyện, sẽ trở lại đón em sang, em phải gắng giữ sức khỏe nhé!" - Bà Hashimoto an ủi. 

Chie mỉm cười, nàng cúi đầu thật thấp tỏ lòng cảm ơn bà chủ. Chiều hôm ấy nàng đến chùa Senso, bên chiếc đỉnh lớn nghi ngút khói nhang giữa sân chùa, nàng vớt nhẹ khói hương ủ vào nơi lồng ngực. Lần trong tay áo, nàng lấy ra số tiền nhỏ, đủ cúng dường để xin một lời nguyện cầu. 

Vị sư già hỏi nàng cầu nguyện gì để ghi vào tấm thẻ gỗ trắng ngà. Nàng cúi đầu ngẫm nghĩ. Nàng muốn cầu nguyện những gì, chồng nàng sẽ có quyền uy, sẽ thành lãnh tụ, sẽ giàu sang, sẽ đón nàng về cùng hưởng cuộc sống cao sang? Cầu cho chồng nàng sẽ không quên nàng? Sẽ... Thực lòng nàng muốn gì? 

Chie ngập ngừng một lát rồi se sẽ đọc cho vị sư già chép vào thớ gỗ: 

- Tôi là Ando Chie...Cầu cho chồng tôi là Cường Để vượt sóng gió về đến quê nhà bình yên, sum họp với gia đình. 

Vị sư già ngẩng nhìn nàng. Ông đã viết giúp cho thiện nam tín nữ hàng ngàn lời nguyện. Ông nhìn Ando Chie một lát như muốn hỏi điều gì, nhưng rồi lại thôi, cúi xuống cắm cúi viết.


Khi trở về nhà, nàng thấy giáo sư Hashimoto đang chờ trước cổng. "Ando, có tin mừng cho cô đây". Ông đưa nàng tờ nhật báo Asahi. "Hoàng tử Việt Nam đã về đến quê nhà sau 32 năm ly hương". Chie mừng rơi nước mắt. Chiều hôm đó nàng làm món mì Nhật và sushi cá hồi, mời ông bà Hashimoto để tỏ lòng biết ơn. 


Ông bà về rồi, còn lại một mình Chie trong căn hộ vắng lặng. Một đoạn đời đã chấm dứt, đoạn đời mới bắt đầu, một chặng đường dài hun hút mà nàng sẽ phải đi một mình. 

Nàng giở tờ báo Asahi, đọc lại bài viết, rồi lật dần ra những trang sau: những mục tìm nhà, tìm việc. 

Cuối tháng bảy, bỗng bà Hashimoto đập cửa căn hộ của Ando Chie, hốt hoảng: 

- Ando, người ta vừa điện đến cho ông nhà tôi. Cô phải ra ngay cảng Yokohama ! 

Chie cuống quýt, hai chân run cầm cập, lưỡi líu lại. Nhưng người phụ nữ Nhật dường như được trời phú cho một nghị lực phi thường, nàng kiềm chế thật nhanh cơn hoảng hốt, cầm lấy chiếc ô, chạy ra cửa. 

Bà Hashimoto tốt bụng đã kịp thuê giúp nàng một chiếc xe ngựa. 

Trên cảng Yokohama về chiều, có một ông già ngồi trên chiếc ghế dài, ngẩn ngơ nhìn quanh với đôi mắt vô hồn, mặc kệ bao nhiêu người qua lại. Chie chạy lại gần. Sao mới có một tháng mà chồng nàng đổi thay đến thế, y phục nhàu nát, khuôn mặt gầy tọp rám nắng, mái tóc bạc xỉn đi và bê bết bụi. 

- Ông ơi... 

Chie cầm lấy tay chồng. Bàn tay ông gầy trơ xương, nhưng vẫn là bàn tay của ông, ông đang ở đây, bên nàng. "Ông ơi, sao ông lại về được?". Chie hỏi, nhưng người đàn ông ngẩn ngơ nhìn mông lung, vẻ mặt sững sờ tuyệt vọng, dường như không còn nhận ra gì chung quanh nữa. Ông chỉ không ngớt lẩm bẩm: "Không về được! Không về được nữa! Không về nữa!". 

Với Chie, về là về Nhật Bản, với ông, về là về Việt Nam . 

Hơn một tháng Chie ra sức chăm sóc, Cường Để mới dần dần hồi tỉnh lại. Ông kể với nàng: tàu Hải Minh bị trục trặc bánh lái nên đã ghé Thượng Hải một tuần. Trong khi đó, Báo Asahi đã đưa tin, và mật vụ Pháp biết được rằng chuyến tàu phải cập cảng Bangkok, đã điện cho Bộ Ngoại giao Thái. Vì quan hệ giao thương với Pháp, Chính phủ Thái đã không cho Cường Để nhập cảnh Thái Lan, buộc lòng phải theo tàu quay về Nhật Bản. 


Cường Để không bao giờ còn trở lại như trước kia nữa. Tuyệt vọng, suy sụp, ông đã hoàn toàn là một ông già trái tính trái nết, đau ốm triền miên. Đôi khi, căm hận số phận, ông ném bất cứ cái gì vớ được vào vách. Chie phải cất bộ đồ trà ông đem theo từ Việt Nam thật kỹ, mỗi sáng pha trà xong nàng đứng chờ ông uống xong, đem cất ấm chén rồi mới dám dời mắt. 

Cuối mùa thu có hai người khách ở Việt Nam sang ghé thăm. Họ là hai chính khách đang có thế lực, hứa sẽ tìm cách đưa Cường Để về nước. 

Khách về rồi, Chie dọn tách chén trên bàn, định bưng đi. Chợt ông níu tay nàng: 

- Nàng ơi, nàng có tin ta còn về nước được không? 

Chie đặt khay xuống, quay lại cầm cả hai bàn tay ông, vỗ về: 

- Thiếp tin. 

- Ta cũng tin vậy. Nghe nói chẳng bao lâu nữa người Pháp sẽ rút khỏi Đông Dương... 

Chie lau những giọt mồ hôi đang ứa ra trên trán người đàn ông. Dạo này ông yếu quá, chỉ một cơn xúc động cũng đủ làm mồ hôi toát ra dầm dề. 

Mấy hôm sau ông bồn chồn đến mất ngủ, lúc nào khỏe lại lật giở những thư từ, sách vở đã cất giữ từ bốn mươi năm trước, cả bức Thư huyết lệ của người Việt Nam mà ông viết khi mới ngoài ba mươi tuổi. 

Ba mươi năm đã qua, sứ mệnh cứu nước không còn nằm trong tay thế hệ ông nữa rồi. Nhưng những bức thư cũ này sẽ mãi mãi là kỷ niệm rực rỡ nhất của đời ông. 

- Nàng cất kỹ những giấy tờ này cho ta. Khi ta về nước, đồng bào nhất định sẽ hỏi đến. 

Chie đặt chén thuốc xuống bàn rồi đỡ lấy những tờ giấy cũ vàng tên tay ông. 

Bây giờ ông đã tin nàng thật sự, ông giao cho nàng những tờ giấy này, đối với ông nó còn quý hơn cả bạc vàng. 

- Uống thuốc đi mình - Chie nhắc. Cường Để gật đầu, không đợi Chie nài ép dỗ dành như mọi lần, ông bưng chén thuốc đắng ngắt uống cạn. 

Gương mặt đang rạng rỡ của ông bỗng nhăn nhúm lại, một cơn đau đang âm ỉ dưới sườn non chợt nhói lên. 

Chie đỡ cái bát, tay kia vỗ nhẹ lên lưng chồng như muốn xoa dịu phần nào cái buốt nhói trong cơ thể ông. Tuần trước, bác sĩ Bệnh viện Nihon Ika Daigaku đã nói cho nàng biết, Cường Để đã mắc bệnh ung thư gan, ông chỉ còn sống nhiều lắm là ba tháng nữa. 

Chie giữ kín tin dữ không cho ai hay. Nàng biết đây là lúc nàng phải mạnh hơn bao giờ hết.


Cường Để cố uống thuốc cho mau khỏi bệnh. Ông xem đi xem lại bức thư của mấy người Việt vừa ghé thăm tháng tám năm ngoái, bức thư hứa sẽ tìm cách vận động cho ông hồi hương. Mỗi lần đọc thư ông thấy khỏe hẳn lên như vừa uống một thang thuốc bổ. 

Nhưng đến đầu tháng tư, sau nhiều cơn đau hành hạ, Cường Để cũng nhận ra rằng mệnh của mình đã hết. 

Ông cố mở đôi mắt mệt mỏi, gắng nhìn thật kỹ những gì chung quanh: khung cửa sổ nhỏ, những chiếc áo Việt may bằng lụa Nhật treo trên vách, chiếc chậu đồng dưới chân giường, những vật dụng thường ngày của cuộc sống lưu vong tạm bợ, giờ phút này ông nhìn chúng với ánh mắt bịn rịn vô cùng. 

Mắt ông dừng lại nơi khuôn mặt Chie đang nhìn xuống, vẻ thầm lặng và nhẫn nhục đầy yêu thương. Ông quờ quạng nắm lấy tay nàng: Mình ơi, mình có phải là Phật Bà Quan Âm của tôi không? 

Đó là lần đầu tiên ông nói lời tri ân với nàng sau bao nhiêu năm chung sống. Nhưng nàng không hiểu gì cả, vì ông không biết là mình không dùng tiếng Nhật. Như một bản năng, mấy hôm nay ông chỉ nói toàn tiếng Việt. 

Chie vẫn cúi nhìn, vẫn vẻ mặt âu yếm xót xa, nàng áp sát mình xuống thân thể còm cõi của ông, tay nắm lấy cả hai tay ông như muốn bảo: Đừng sợ, có thiếp đây, dù đi đến đâu ngài cũng không cô độc. 

Cường Để dần thiếp đi. 

Lúc ấy là năm giờ 5 phút sáng mồng 6 tháng 4 năm 1951. Một mình Ando Chie úp mặt khóc lặng lẽ trên thi thể ông. 

Ngoài cửa sổ, hoa anh đào đang nở. Hôm ấy là ngày đầu của lễ hội hoa anh đào trên đất Nhật. 


*** 

Cửa mở ra, hai người đàn ông theo Ando Chie bước vào căn hộ. Đập vào mắt họ là những tấm hình của Kỳ ngoại hầu Cường Để trên vách. Vị hoàng thân trẻ măng hai mươi lăm tuổi ngày mới đến Nhật. Hội chủ Hội Đông du Phục Quốc, sinh viên trường Đại học Waseda, hình chụp với Thủ tướng Innukai, hình chụp với ký giả Asahi trong bữa tiệc long trọng tại khách sạn Đế Quốc...Tất cả là những trang đời đẹp nhất của Cường Để. Còn hình ảnh buồn thảm những ngày chờ đợi trên sân bay Haneda, những ngày chạy loạn nghèo túng cơ cực, ngày về tang thương trên cảng Yokohama... Những hình ảnh ấy giờ đây chỉ còn trong ký ức Chie mà thôi. 


Hai tay bưng bình tro, Ando Chie trao di cốt Cường Để cho hai con của ông. Nàng cúi mặt thầm nghĩ: Thế là ngài sắp về nhà, giấc mơ cả đời của ngài giờ đây mới thành tựu. Ngài lên đường bình an, lần này thiếp không phải gói sushi cho ngài mang đi nữa rồi. 


Người con trai cả của Cường Để đỡ lấy bình tro di cốt của cha. Mặt ông đầy nước mắt. Ông ngạc nhiên thấy người đàn bà Nhật này vẫn bình thản, nét mặt trang nghiêm dịu dàng chỉ hơi phảng phất buồn. Nhưng người con trai thứ hai đứng cách đó vài bước thấy rất rõ đôi bàn tay của Chie sau khi trao xong bình tro. Đôi bàn tay ấy bấu chặt vào nhau, những móng tay quắp vào da thịt, rồi chúng run rẩy bấu víu lấy đôi tay áo kimono, và đến lượt thớ vải giằng co như sắp bị xé rách ra. 


Khi hai người đàn ông đi rồi, Chie khép cửa, quỳ xuống sàn. Nàng lấy trong ống tay áo ra một mẩu xương và một nhúm tro nhỏ. Chie đã giữ lại cho mình một phần thân thể của chồng. 

Nàng biết mình không làm trái với ý nguyện ông. Dù chẳng hiểu ông nói gì khi sắp mất nhưng nhìn vào mắt ông nàng biết, ông rất muốn ở lại với nàng. Hình như vào giờ phút ấy ông nhận ra mình sắp đi vào một cõi xa thăm thẳm, ở nơi ấy ông sẽ gọi cả trần gian này là quê nhà. Và ở quê nhà đó, một trong những gì giản dị và thân thương nhất chính là Chie... 


Ando Chie mất bốn mươi năm sau, trước khi mất bà để lại di chúc muốn được chôn cùng với nắm tro tàn của Kỳ ngoại hầu Cường Để. Nhưng cho đến nay lọ hài cốt của bà vẫn còn trong phòng mộ tập thể của nghĩa trang Zoshigaya, nơi có những cây tùng xanh biếc và tiếng quạ kêu man mác buồn trong những buổi sáng mùa xuân.


Trần Thuỳ Mai

Sunday, May 29, 2022

NGƯỜI CON DÂU CỦA NƯỚC MỸ

 Nhân ngày lễ Memorial Day năm nay, xin mời đọc lại một bài viết vô cùng cảm động sau đây của quả phụ một sĩ quan QLVNCH, kể về một mối tình thời chiến tranh Việt Nam giữa chị ruột của tác giả với một người lính Mỹ, đã hy sinh trong cuộc chiến. Hơn ba mươi năm sau, tưởng nhớ công ơn người anh rể đã hy sinh cho quê hương, tác giả ghé thăm bức tường đá đen ghi danh 58,000 tử sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam... Không ngờ, tại đây, bà tình cờ gặp bố mẹ của người anh rể cũng đến viếng thăm con, và qua câu chuyện, tác giả đã giúp ông bà nội người Mỹ tìm thấy người con dâu Việt và đứa cháu nội chưa từng biết mặt...



NGƯỜI CON DÂU CỦA NƯỚC MỸ 


Tháng tư thường cho tôi nhiều nỗi buồn và nhớ. Buồn vì từ đó ta làm thân mất nước không nhà và nhớ vì trước đó có quá nhiều kỷ niệm không bao giờ còn tìm lại được. Giữa lúc lòng tôi đang chơi vơi thì chị bạn rủ theo đoàn nguời về thủ đô Hoa thịnh Đốn để coi hoa Anh Đào nở và nhất là đi thăm bức tường đá đen, ghi lại tên tuổi của hơn năm mươi tám ngàn tử sĩ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, đã bỏ mình để bảo vệ tự do của miền Nam xưa. Với tôi đó là một dịp may đến thật tình cờ.


Tôi vẫn thường nghe nói về vườn hoa Anh Đào mà vương quốc Nhật tặng cho nhân dân Mỹ khi xưa ở thủ đô, đang khoe sắc mỗi độ xuân về. Thật như thỏa tấm lòng vì cả hai, được nhìn những cành hoa mà cả một thời tuổi trẻ ước mơ và đến tận nơi bức tường đá đen để tìm tên một người đã là điều tôi mong muốn từ lâu. Thế nên tôi thu xếp hành trang vôi vã đi ngay. Hơn hai mươi bốn giờ ngồi trên xe theo nhóm người du ngoạn đã đưa tôi từ miền Texas xa xôi về tới thủ đô. Con đường Ohio chạy dọc theo bờ sông Potomac hoa Anh đào đã nở rực rỡ một màu hồng phơn phớt trắng. Hơi lạnh đầy trong không khí của một mùa đông dài còn sót lại, vương qua mùa xuân, đọng trên những cánh hoa dọc theo con đường Constitution dẫn đến bức tường đá đen nằm kia, trầm mặc u buồn.


Tháng Tư, hoa đã nở từ lâu. Xác hoa rơi lả tả làm hồng cả một khỏang không gian quanh những con đường chạy dọc theo công viên. Hoa Anh Đào thật đây rồi, những cánh hoa mà tươi xinh ngày xưa tôi chỉ được nhìn thấy trong phim ảnh rồi thầm cảm mến những kiếm sĩ của xứ Phù tang, cô đơn vung đường gươm, để hoa rơi trong tuyết lạnh, thì hôm nay đang rực rỡ khoe sắc trước mắt tôi đây. Tôi tách ra khỏi nhóm người đi bộ một mình dưới những tàn cây. Tôi vẫn thích đưọc đi một mình để nhớ về những ngày tháng đã dần qua.

Ngày xưa chưa mất miền Nam gia đình tôi đã có một cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Chồng tôi, một người lính trận, mỗi lần về phép thường hay cùng đi với một quân nhân Mỹ, cố vấn trong đơn vị. Hai người cùng làm việc, cùng chung sở thích và ý nguyện nên rất thân nhau. Thuở ấy tôi không biết nhiều về đất Mỹ như bây giờ nhưng qua lời anh diễn tả, cũng đủ hiểu rằng người lính Mỹ ấy đến từ một vùng quê xa xôi miền trung bắc Hoa Kỳ. Ngoài cái vẻ bên ngoài rất tài tử, râu ria xồm xoàm vì những ngày tháng lăn lóc trong chiến trận chưa kịp cắt tiả thì Mike Wright thật nhân hậu và hiền lành. Tôi cũng ngạc nhiên với tấm lòng rộng lượng hồn nhiên của nguời Mỹ. Họ đã mang biết bao nhiêu tài sản, cả sinh mạng khi đến giúp đất nước tôi, hòa nhập vào đời sống người dân bản xứ, tươi vui trong cuộc sống. Bởi thế, anh chàng râu tia xồm xoàm Mike chiếm được cảm tình của gia đình, nhất là bà chị lớn chưa chồng của chúng tôi ngay. Chuyện tình của một người lính viễn chinh từ một đất nước xa xôi với người con gái Việt Nam còn nguyên nền nếp gia phong diễn ra thật êm đềm hạnh phúc với một đám cưới đậm chất phương Đông. Chị tôi khăn đóng, áo dài bên cạnh anh Mike cũng áo dài khăn đóng. Trông họ cũng thật vừa đôi.


Từ đó tôi không còn cô đơn trông ngóng hằng đêm mà có cả chị tôi là kẻ đồng tình, đồng cảnh. Chúng tôi đã có những ngày đợi chờ trong lo lắng, đã có những ngày đoàn viên trong hạnh phúc. Những tháng tươi vui của một thời son trẻ tưởng như không bao giờ dứt cho đến một ngày kia. Tôi không quên được cái ngày người chỉ huy hậu cứ tiểu đoàn đích thân đến báo cho tôi biết là chồng tôi và đơn vị của chàng không về nữa. Cả người cố vấn Mỹ dễ thương đang là anh rể của tôi cũng cùng chung số phận. Một đơn vị oai hùng, thiện chiến, tưởng như là không bao giờ thua trận đã nằm lại đâu đó trên vùng đất Hạ Lào của mùa hè khói lửa. Tôi và người chị, ngày ấy thực sự bị cuốn vào những cơn ác mộng, nhất là khi chị tôi biết được rằng mình vừa khó ở, chưa thông báo cho Mike biết về đứa con vừa thành hình trong bụng chị.



Sau khi miền Nam lọt vào tay phương Bắc là một quãng đời địa ngục trần gian đến với chúng tôi. Nhất là chị với đứa con lai đã hứng chịu trăm đắng ngàn cay bởi vì sự dè bỉu, khinh khi cũng như phân biệt đối xử của người cai trị mới. Chị tôi bị hành hạ, bị lăng nhục, bị đe dọa đưa vào cái trại gọi là phục hồi nhân phẩm mà thực chất là tước đoạt hết nhân phẩm con người. Chịu đựng bao nhiêu đắng cay khổ sở nhưng chị tôi vẫn cắn răng làm việc nuôi dạy con khôn lớn nên nguời. Có một điều làm tôi lạ lùng là tình yêu của chị dành cho anh hơn hẳn những thường tình. Chị luôn nhắc tới anh với những lời yêu thương trang trọng, với sự bùi ngùi thương tiếc của một người góa phụ tưởng nhớ thương chồng. Chị không đòi hỏi gì ở anh cũng như đất nước anh. Khi chương trình tái định cư những người con lai bắt đầu, tôi cũng tưởng chị vui sướng lắm. Nhưng không, chị từ chối ra đi chỉ vì còn nặng lòng với mảnh đất được sinh ra và đứa cháu tôi cũng vui vẻ vâng theo lời mẹ. Tôi không giống và cũng không chịu đựng được như chị. Tôi chọn ra đi để đưa các con tôi về với tự do. Khi con thuyền mong manh đưa chúng tôi ra biển, tôi đã thầm cầu nguyện ơn trên cho chúng tôi vượt sóng đươc bình an. Tôi đã chọn tự do hay là chết và chân thành cầu xin đó là một sự chọn lựa đúng đắn và may mắn nhất trong đời...


Cứ mải suy nghĩ và đi theo con đường hoa, tôi đến trước bức tường đá đen tự bao giờ. Con đường dần xuống thấp để những dòng tên trắng hiện ra. Một cặp vợ chồng người Mỹ trắng đã già lắm, run rẩy dắt tay nhau bước lên bực thang. Mắt người đàn bà còn ướt đỏ. Tôi đoán rằng bà vừa mới khóc. Gặp nhau trên bực thang đầu tiên, tôi vui vẻ chào hai người rồi hỏi lớn:

-Ông bà từ đâu tới. 

-Chúng tôi từ Ohio, còn cô. 

- Thưa ông bà tôi từ Texas. 

Người đàn ông râu dài nhưng cắt tỉa gọn gàng, dáng vẻ hiền từ thân thiện. Ông ta mỉm cưởi hỏi lại.

-Tôi muốn hỏi cô người nước nào. Phi, Tàu, Nhật hay Thái lan. 

-Thưa ông tôi là người Việt Nam.


Bỗng nhiên tôi thấy gương bặt người đàn bà dường như đổi sắc. Hình như một sự giận dữ bất ngờ chợt làm bà ta vùng vằng cố bước lên bậc thang ngắn tiến về phía trước. Tôi ngạc nhiên nhìn ông già chờ đợi một lời giải thích về cử chỉ bất thường của bà. Chắc có một điều gì không ổn vì tôi biết đa số người Mỹ thường lịch sự, ít ai bày tỏ ngay những điều khó chịu trong lòng. Như đóan được ý nghĩ của tôi ông buồn rầu giải thích. 

-Cô đừng buồn với thái độ của vợ tôi. Bà ấy đang buồn rầu. Chúng tôi mất đứa con trai duy nhất ở Việt Nam, nên mỗi khi thấy người Việt Nam vợ tôi lại xúc động, không ngăn được cảm xúc nên có những cử chỉ bất thường.


Tôi nhìn bà già đã ngồi xuống chiếc ghế đá bên lối đi, đang run rẩy cố chống hai tay lên đùi, mắt vô hồn nhìn vào quãng không gian phía trước. Nếu tôi mất con cho một cái xứ sở xa lạ nào chắc gì tôi còn giữ được bình tĩnh như bà. Lòng tôi rạt rào niềm thương xót để nói với ông rằng tôi thông cảm tâm tình của những bà mẹ mất con cho một dân tộc họ không hề mảy may biết tới. Trong lúc xúc động tôi cũng nói với ông là chính tôi và gia đình tôi cũng mất mát rất nhiều trong cuộc chiến chống cộng sản xâm lăng đó. Và đau đớn hơn thế nữa, chúng tôi đã mất cả quê hương, tổ quốc. Ông già Mỹ luôn luôn lập đi lập lại rằng tôi biết, chúng tôi biết, rồi xin phép tôi chạy đến săn sóc cho bà đã ngồi xuồng ghế đá cách đó không xa lắm. Ông nói lớn, chào từ giã khi tôi đi lần xuống phía dưới để dò tìm những hàng chữ mang tên người anh rể ngoại chủng năm xưa đã nằm xuống ở Việt Nam.


Tôi biết vần W sẽ nằm ở hàng cuối cùng nhưng cũng mất một lúc lâu mới tìm thấy cái tên Mikes Wright, tên người anh rể tôi năm kia, khiêm nhường giữa tên của bao nhiêu người. Nhỏ bé và đơn giản trong một không gian bao la, nhưng thật hào hùng độ lượng như cuộc đời anh và đất nước đang cưu mang chúng tôi đây. Tôi lặng chìm trong những giấc mơ xưa về một gia đình hạnh phúc mà nhớ đến chồng tôi. Tên của Mikes người ta còn nhớ chứ tên của chồng tôi kẻ thù đã xóa đi. Ngay cả miếng đất nhỏ bé mà chồng tôi an nghỉ người ta cũng đang toan tính cướp mất của anh. Tôi nhớ đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Nhớ đến giây phút vật vã khóc lóc nhìn thi hài anh được gắn lon giữa hai hàng nến. Nhớ đến những khuôn mặt lầm lỳ, chai sạn vì gió bụi của những nguời lính bồng súng chào chồng tôi lần cuối khi đưa chàng về với đất mẹ năm xưa.


Giữa lúc lặng yên tưởng nhớ thì mấy bà bạn tôi xuất hiện. Các bà gọi la tên tôi ơi ới, trách tôi xé lẻ tìm vui một mình. Cả bọn trầm trồ, chỉ trỏ reo vui với những cái tên lạ, nói cười vui vẻ như không cần biết gì về những niềm đau. Ôi nhân thế thường mau quên để sống, chỉ có mình tôi hay đi ngược thời gian về những dòng sông cũ. Chúng tôi lại rủ nhau đi thăm viện bảo tàng không gian gần đó. Một đoàn người vừa đi vừa cười, vừa hỏi thăm đường rộn vui lên góc phố. Ở đây người ta quen mắt với những cái lố lăng của du khách từ khắp mọi miền trên thế giới nên chẳng thấy phiền hà.


Đến trưa lúc sắp ra về tôi lại gặp cặp vợ chồng người Mỹ ban sáng. Lạ một điều là tôi thấy ông già có nét gì rất quen. Lần này bà có vẻ vui hơn, mỉm cười khi tôi chào gặp lại. Chắc ông đã giải thích cho bà biết rằng ai cũng có những nỗi buồn, những mất mát khác nhau chứ không phải riêng bà. Chúng tôi đứng ngoài hành lang nói chuyện. Ông bà cho tôi biết sẽ về lại Ohio chiều mai, một nông trại xa xôi nằm sát biên giới tiểu bang Indiana. Ông nói thế nhưng tôi chẳng hình dung được gì ngoài những con số mà tôi đoán rằng đất đai chắc là rộng lớn. Tôi cũng cho ông biết chúng tôi còn ở đây thêm vài ngày, đi thăm một vài nơi nữa rồi chào từ giã theo dòng người thăm viếng.

Buổi sáng hôm sau tôi có thói quen thức dậy thật sớm trong lúc mọi người còn say trong giấc ngủ. Tôi mở cửa bước ra ngoài, đi bộ theo con đường Ohio dọc theo bờ sông, rồi tình cờ bước dần về phía bức tường đá đen. Trời còn sớm quá nhưng tôi thấy dưới chân bức tường thấp thoáng bóng ngươi. Bước tới gần hơn tôi bất ngờ nhận ra ông bà già Mỹ hôm qua đang ở đó tự bao giờ. Bà ngồi hẳn xuống đưa tay sờ lên những hàng tên như vuốt ve một vật gì quý giá. 

Gặp lại nhau tôi lên tiếng:

-Chào ông bà. Ông bà ra đây sớm quá. Tôi cứ tưởng chỉ mình tôi đi bộ trong khu này.. 

Ông ôn tồn giải thích:

-Chiều nay chúng tôi trở về lại Ohio rồi nên thu xếp thời gian thăm lại nơi đây lần nữa. 

Bà vẫn không nói, đưa tay sờ lên phiến đá. Tôi chắc bà thương yêu người con và đau đớn lắm khi nhìn lên hàng chữ có tên con mình. Mắt tôi tò mò nhìn theo và ngạc nhiên thấy tay bà đang đặt trên hàng chữ của vần W. Như có một linh tính báo trước chuyện lạ lùng tôi buột miệng hỏi ông:

- Con trai của ông bà tên là gì nhỉ. Anh ấy mất ở Việt nam năm nào? 

- Con trai tôi tên là Mikes Wright, Tử trận ở Việt năm năm 1972. Tên nó đây, ngay đây này...


Vừa nói ông vừa chỉ về phía tay bà đang xoa xoa che khuất cái tên mà trước đây tôi đã đặt tay vào. Chính đó là tên anh rể của tôi. Cha của đứa cháu mồ côi mà chị tôi yêu quý như báu vật của cuộc đời mình. Tôi đứng lặng người nhìn ông rồi lại nhìn bà. Sao cuộc đời lại có sự tình cờ kỳ diệu đến thế này. Để chắc chắn mình không nằm mơ tôi hỏi lại những chi tiết rất chung chung mà tôi còn nhớ về anh.  

- Anh Mikes của ông bà rất nhiều râu và vui tính lắm phải không. 

- Cô nói gì tôi không hiểu. Dĩ nhiên ngày ấy Mikes còn trẻ lắm nên râu ria mọc là thường. 

Tôi nhìn lại ông và mơ hồ thấy nét quen thuộc mà tôi chợt khám phá ra hôm qua, là ông trông rất giống Mike ở cái cằm vuông vức và bộ râu rậm dài. Ông già bùi ngùi nói tiếp:

- Vợ tôi buồn một điều là đáng lẽ ra Mikes đã hết hạn phục vụ ở Việt nam trở về Mỹ nhưng vì yêu thương một người con gái bản xứ nên tình nguyện phục vụ thêm một thời hạn nữa và cái thời hạn đó không bao giờ chấm dứt...

- Thế ông bà có biết tin tức gì về người con gái ấy không. 

- Mikes có gởi cho chúng tôi một tấm hình, thông báo là đã thành hôn. Lâu quá rồi nhưng chúng tôi còn giữ tấm hình ấy trong tập ảnh gia đình ở Ohio. Chỉ có thế mà thôi. 

Tôi muốn nói với ông chính tôi là em người con gái Việt Nam ấy nhưng sợ rằng mình nhận lầm, vì biết đâu có một anh Mike nào khác nữa nên chỉ nói với ông:

- Hơn ba mươi năm trước đây tôi cũng có một người anh rể tên là Mike Wright, quê quán ở miền trung bắc Mỹ. Tôi chỉ biết thế không biết có phải là anh Mikes con của ông bà không. Tôi từ Texas lên đây chơi nhưng chính là để nhìn thấy tên anh Mikes Wright một lần trên tấm bia đá này.


Ông mở mắt nhìn tôi kinh ngạc rồi kéo bà lên, nói với bà tin tức quan trọng đó. Ông luống cuống, mời tôi ngồi xuống tấm ghế đá trong khi bà cứ há miệng ra thẫn thờ chờ đợi. Rồi ông dồn dập hỏi. 

- Tôi chắc là đúng rồi. Đấy cô coi có cái tên Mikes Wright nào khác đâu. Thế chị cô bây giờ ở đâu. Tôi muốn hỏi thăm tin tức về Mikes trong những ngày cuối cùng. 

- Thưa ông bà, chị tôi vẫn còn ở Việt Nam. Chắc rằng chị tôi cũng chẳng biết gì hơn ông bà.  

Như chính tôi đây chẳng biết gì hơn tin tức cuối cùng của chồng tôi và Mikes. Đầu tiên người ta chỉ thông báo cho chúng tôi là hai người đã mất tích sau một đợt tấn công của địch và cả tuần lễ sau mới tìm thấy xác mang về.  

- Thế thì đúng như cô nói, chắc đúng là Mikes rồi. Khi chúng tôi đến nhận xác Mikes thì đã không mở ra được nữa vì những điều kiện vệ sinh. 

- Nhưng tôi có một tin quan trọng về anh Mikes, không biết ông bà có muốn nghe không?

- Tin gì vậy, thưa cô. Chúng tôi không còn gì trên đời này ngoài hình ảnh của Mikes và những gì liên quan đến đứa con yêu thương của chúng tôi. 

- Chị tôi có một người con với anh Mikes. Chính anh Mikes cũng không biết vì lúc vừa mới có thai, chưa kịp thông báo thì anh Mikes và chồng tôi đã không về nữa. 

Ông bà liên tục kêu lên những lời thống thiết, không rõ là lời đau khổ hay mừng vui.

- Chúa ơi, thật thế sao! Chúa ơi! Chúa ơi!

- Thật thế thưa ông bà. Cháu giống Mikes lắm. Nếu ông bà thấy cháu là nhận ra ngay thôi.

- Thế bây giờ cháu ở đâu thưa cô. 

-Cháu vẫn còn ở Việt nam. Vì thương mẹ nên cháu không về Mỹ theo chính sách trở về quê cha của những đứa con lai.


Tôi và ông bà Wright cùng bước đi như trong cơn mơ vì sự gặp gỡ bất ngờ. Tôi cho ông bà địa chỉ, số điện thoại của tôi và nhận lại địa chỉ số điện thoại của ông bà ở Ohio để tiện bề liên lạc. Những thông tin ban đầu mặc dù đã chính xác, nhưng tôi muốn biết chắc tấm ảnh ngày xưa có phải là của chị tôi hay không. Chiều hôm đó ông bà Wright về lại Ohio. Tôi đoán ông bà vui vẻ lắm. Mất một đứa con cho cái xứ Việt Nam xa xôi nhưng ông bà sẽ được nhận lại một đứa cháu ngoan ngoãn và đứa con dâu còn giữ đúng truyền thống Việt Nam. Tôi biết chị tôi là một người đàn bà Việt Nam hiền thục. Tôi đã đoán không sai vì ba hôm sau khi tôi còn ở khách sạn thì tiếng điện thoại lại reo. Lần này ông bà Wright theo xe trở lên, mang cả gia đình đứa con gái gồm con rể và hai đứa cháu. Họ lái một chiếc xe van lớn mang theo cả tấm ảnh ngày xưa.

Gặp nhau tại công viên ông bà đưa tôi tấm ảnh và giải thích:

- Vội quá nên chúng tôi không book được vé máy bay. Vả lại Nathalie, em gái của Mikes và chồng con nó ở gần đó cũng muốn đi nên chúng tôi lái xe cho tiện. 

Tấm ảnh chụp cách đây hơn ba mươi năm giờ đã ố vàng. Màu sắc phai theo thời gian nhưng vẫn còn sắc nét. Tôi cầm tấm ảnh như đưa tay chạm vào một phần quá khứ xa xăm. Trong ảnh, chị tôi người con dâu đất Mỹ, e ấp đứng bên người chồng râu tia xồm xoàm, đang đưa cánh tay khỏe mạnh ôm vòng lấy người con gái như ôm ấp chính cuộc đời cô. 

- Đúng là chị tôi rồi....

Ông bà Wright mừng vui như mở hội. Bà như trẻ trung hẳn lên. Bao nhiêu bệnh tật gần như tan biến. Mấy người đi theo cũng lộ nét mừng vui hớn hở. Bà hỏi tôi những chuyến bay về Việt Nam với những dự định đi thăm viếng đứa cháu, con của người con tưởng như đã mất, bỗng dưng còn để lại trong cuộc đời này cả một phần huyết nhục. Tôi thưa với ông bà rằng tôi đã nói chuyện với chị tôi qua điện thoại. Chi cũng rất vui mừng về sự gặp gỡ này. Chị sẵn sàng cho cháu về quê nội cũng như chính chị sẵn sàng về làm dâu ông bà, chăm sóc cho ông bà trong lúc tuổi già đúng như truyền thống của người Việt nam. Tôi đã biết tình yêu của chị dành cho Mikes nên không ngạc nhiên với quyết định này. Ông bà chăm chú nghe tôi giải thích phong tục Việt Nam là người vợ phải làm dâu phụng dưỡng cha mẹ chồng. Ông kêu Chúa ôi liên tục sau mỗi câu nói làm tôi có cảm tưởng như đang kể cho ông bà nghe về chuyện phong thần, nhưng tôi biết bây giờ đối với ông bà, đất trời là cả một mùa xuân.


Sau đó một thời gian dài, tôi lại bận bịu vì phải lo lắng dẫn ông bà Wright về lại Việt Nam. Bận bịu nhưng lòng tôi sung sướng. Tôi không giấu được xúc động khi nhìn thấy ông bà lần đầu tiên gặp lại đứa cháu nội sau hơn ba mươi năm thương nhớ người con đã khuất. Ông bà cứ kêu lên những lời vui mừng vang một góc sân và làm ngạc nhiên những người hàng xóm Việt Nam vốn không thiếu sự tò mò.

  

-Oh my God! He just looks like his father! Oh my God!


Bây giờ chị tôi, một người con gái Việt nam về làm dâu muộn màng trên đất Mỹ, đang thay cha mẹ chồng cai quản một nông trại trồng bắp ở Ohio với đứa con duy nhất của một cuộc tình nở vội trong cuộc chiến Việt Nam.


THU SẦU

Từ mấy thu rồi xa cách nhau

Lòng ta mang nặng nỗi u sầu

Gom lá mùa thu ôn kỷ niệm

Dệt thơ giữ lại đến ngày sau. 

*

Gió cuốn về đâu những lá vàng

Ðường chiều vương vấn một màu tang

Tìm đâu dư ảnh ngày xưa ấy

Hay vẫn trong ta những lỡ làng.

Nhìn bóng thời gian lặng lẽ trôi

Sao người vẫn cứ mãi xa xôi

Ðể cho ngày tháng trôi trôi mãi 

Âm thầm một kiếp sống đơn côi.

Lặng lẽ đêm thu tiếng thở dài

Lòng nghe nức nở nhớ thương ai

Bao mùa xa cách dù xa cách 

Kỷ niệm còn đây với tháng ngày.


Lưu Hồng Phúc

CẢO THƠM LẦN GIỞ …

 Bùi Giáng viết về thơ Tuệ Sỹ



Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.... Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:


Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi


Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:

Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ

Trí Hải đa tàm trúc loạn ty


Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.


Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ "Không đề" của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:


Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn






Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Tôi hoảng vía đề nghị : Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho, Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.

Ông đáp : - Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng.

Đôi mắt ướt tuổi vàng

Khung trời

Hội cũ

Xin xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì? - Cung trời hội cũ.

Một hội đạp thanh ? Một hội nao nức ? - "Giờ nao nức của một thời trẻ dại ?".

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ...

Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh.... Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.






Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn. Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi người đều "phải nói" với mọi người "muốn nghe" với riêng mình "không thiết chi chuyện nói".

Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói tất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe. Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng phi giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả (par manque de justice interne).


Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo.

Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du : "Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam kẻ Bắc. Ai có tài thì trẫm trọng dụng (...). Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế?".

Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm. Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch!

Vua đã ban cho chan hòa mưa móc, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế, cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn chưa cứ thả mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác.

Đáp: Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu.

Đôi mắt ướt tuổi vàng

Khung trời hội cũ





Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh?

Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ.

Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ. Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?

“Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang"

Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?


Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào. Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn tới chùa viếng ông đem quà cho ông một đôi dép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây.

Đôi mắt ướt tuổi vàng

Khung trời hội cũ

Áo màu xanh

Không xanh mãi

Trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ.

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ?

Mình là thân Bồ tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ? Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?

Phải có nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Ta tưởng như nghe ra "cao cách điệu" bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzche.





Thy nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?

Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuyết nguyệt phiêu du:

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Một tiếng "buồn chăng" lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tâm thanh đoạn trường:

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi :

Đếm tóc bạc

Tuổi đời

Chưa

Đủ

Bụi đường dài

Gót

Mỏi

Đi

Quanh

Tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi "đá" sớm từ giã mọi yêu thương?

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối nguồn xa

Ngược nước

Xuôi ngàn

Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ ngục tù.

Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.


Bùi Giáng 

(Trích từ 'Đi vào cõi thơ')