Ngày Xuân chuyện vãn hoa mai thì miên man biết đâu điểm dừng nhỉ! Nhất là trong tuổi chả lo gì, khi ngày như lá, tháng như mây
"Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen."
Cụ Nguyễn Du đã bảo vậy thì ta cứ vâng lời
Gần tới Nguyên Tiêu, vẫn còn xuân thì mai vẫn còn tươi trong cái lạnh âm hàn đang quét qua thành phố, nhiều nơi trời còn thả tuyết giỡn mai nữa cơ
Bao giờ mai tàn thì xuân cũng hết, có phải vậy chăng?!
Lại nhớ nhà thơ xứ Trầm Hương, Quách Tấn đã tâm sự: “ …nhân thấy một người hàng xóm vất nhánh mai hết thời nơi xó nhà bếp, tôi ( Quách Tấn) cảm tác được bốn vần:
"Trước Tết Mai là hoa
Sau Tết Mai là củi
Trước bao nhiêu nâng niu
Sau bấy nhiêu hất hủi
Nâng niu Mai chẳng mừng
Hất hủi Mai không tủi
Nghìn trước ngẫm nghìn sau
Khe trong lồng bóng núi."
Nhìn qua thì an nhiên tự tại, nhưng chíp chắp vẫn thấy chua chát ngậm làm ngon, làm ngọt để giữ lòng được an nhiên tự tại. Tôi nhận thấy người cũng như mình, xưa cũng như nay, nói đến MAI chỉ vì mình mà nói, chớ chưa từng thấy thi nhân nào vịnh Mai vì Mai. Đối với Mai như thế kể cũng phụ phàng quá ! …” (Quách Tấn thi thoại)
Mấy vần của thi nhân sao mà thâm trầm ý nhị thiền tông
“Trước Tết Mai là hoa
Sau Tết Mai là củi …
Nâng niu Mai chẳng mừng
Hất hủi Mai không tủi
Nghìn trước ngẫm nghìn sau
Khe trong lồng bóng núi."
Đọc lại bài kệ của Sư Mãn Giác để cảm một ý thiền ngày Xuân
Vô đề
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Mãn Giác Thiền Sư
Vô đề
Xuân ruổi trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;
Đêm qua, sân trước một nhành mai.
( bản dịch của Ngô Tất Tố )
31/1
mnc
No comments:
Post a Comment