Mai là một trong ba người bạn mùa lạnh (Tuế hàn tam hữu): Tùng, Trúc, Mai
Mai ở đây là Hàn mai ( mai phương Bắc vào mùa tuyết sương) nhưng tôi lại hình tượng thành cây mai hoa vàng, hoàng mai, huỳnh mai, mai xuân nơi miền Nam nắng ấm quê tôi thường chưng trong ba ngày Tết.
🎶Đồn anh đóng bên rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa 🎶 Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi... ( Đồn vắng chiều Xuân - Trần Thiện Thanh)
Lại nhớ khi học bài Hán Văn với thầy Trần Trọng San (bài Tam Hữu) tôi mới hiểu tại sao Tùng Trúc Mai là ba người bạn trong mùa tuyết lạnh vẫn tươi tốt trong khi các loài thảo mộc khác đều tàn héo. Tam hữu Tùng Trúc Mai tượng trưng cho khí tiết người quân tử vậy!
Các bạn tôi nhớ thầy Trần Trọng San, nếu rảnh thì vào đây đọc lại sách của Thầy nhé
https://online.fliphtml5.com/uwgth/yvxo/#p=58
Cứ như thầy dạy thì chữ Mai 梅, (bộ mộc 木 + mỗi 毎) xưa cũng viết 槑 là hoa mai vàng ngày Tết, hay cây hoa mơ có hoa trắng năm cạnh (lục ngạc mai) nở mùa đông giữa băng tuyết có quả chua (khô, tươi, dùng ăn và nêm nấu hay làm thuốc).
Tuy nhiên cây mai vàng ngày Tết ở miền Nam khác họ loại với cây mơ hoa trắng ở miền Bắc. Cây mai tiêu biểu cho miền nam là mai vàng 5 cánh, có danh pháp khoa học là Ochna integerrima (thuộc họ Ochnaceae). Cây mơ còn gọi là mơ ta, mơ Đông Á, mơ mai hay mai hoa trắng)danh pháp khoa học là Prunus mume.
Mai phương Bắc thường là Hàn mai như trong Tạp Thi của Vương Duy
Quân tự cố hương lai
Ung tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị
Người từ quê cũ đến
Hẳn biết chuyện quê nhà
Ngày đến bên song cửa
Có thấy mai nở hoa
( mnc dịch)
Thơ văn xưa thường ví mai là tiên, vì có vẻ thanh cao không sợ tuyết sương và có sắc đẹp hương thơm.
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
( Chinh phụ ngâm )
. Cụ Nguyễn Du khi tả vóc dáng thanh tú của chị em Thuý Kiều trong như cây mơ, cây mai trong Đoạn trường tân thanh đã hạ bút:
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Nhà thơ chân quê Nguyễn Bính có bài thơ về mai nhưng là mai trắng bên xóm mai vàng :
Nhà nàng ở gốc cây mai trắng,
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh.
Có một buổi chiều qua nơi ấy,
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh.
Tôi rót hồn tôi xuống mắt nàng.
Hồn tôi là cả một lời van.
Tôi van nàng đấy ! Van nàng đấy !
Ai đã yêu đương chẳng vội vàng ?
Nàng có bao giờ thương nhớ tôi không
tình tôi tựa tuyết giá mùa đông
Mùa xuân mai nở tôi qua cửa
Nàng đứng nhìn hoa rất lạnh lùng
Một chiều lặng lẽ tôi dạo phố
Qua xóm mai vàng dưới đế kinh
ngỡ ngàng tiếng nàng ru đâu đó
tiếng ru à ơi buồn mông mênh
Cho đến một hôm giữa phố đông
Chợt trông kìa có phải nàng không
Ôm mai trìu mến như hình bóng
Không lẽ hoa mai đã lấy chồng.....
Nguyễn Bính
Mai vàng phương Nam ngày Tết tràn ngập khắp nơi và cả trong thơ trong nhạc, thấy mai vàng là thấy mùa Xuân
Anh cho em mùa xuân
Nụ mai vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trảy lá
( Kim Tuấn)
Lại nhớ hai câu của danh sĩ Cao Bá Quát cho hoa mai đi đôi cùng gươm báu thành một cặp anh thư anh hùng vừa uy vũ, bạt tụy vừa uyển chuyển thanh cao. Mai của Cao Chu Thần chính là Mai Ngự Sử là Bách Hoa Khôi.
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Cao Bá Quát
( Mười năm xuôi ngược tìm gươm báu
Một thuở cúi đầu bái hoa mai).
mnc
No comments:
Post a Comment