Saturday, June 4, 2022

MỘT BỨC TRANH, MỘT BÀI THƠ VÀ MỘT TRIẾT LÝ GIÁO DỤC



Bức tranh dưới đây có tên “Lại điểm 2” của họa sĩ kiêm nhà sư phạm nổi tiếng người Nga Fyodor Pavlovich Reshiotnikov, vẽ năm 1952, hiện được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Nga, bức tranh còn được đưa vào sách giáo khoa hiện nay của nước này. Một đứa bé bị điểm 2 (điểm kém nhất) về nhà như bị đưa xuống địa ngục phán xét : 

 . Chị của nó, một Đội viên thiếu niên tiền phong quàng khăn đỏ nhìn nó như rủa sả. 

 . Mẹ nó ngồi buồn rầu thất vọng về con. 

 . Em nó nép vào mẹ vô tư cười nhìn nó như một kẻ xa lạ. Nó thì đau buồn tuyệt vọng. 

 . Chỉ có con chó là chồm lên ngực nó vui mừng. 


Bức tranh là lời cảnh báo : Điểm số ở trường chưa nói được đứa trẻ là giỏi hay kém, nhưng thái độ của gia đình đối với điểm số đó có thể đưa em vào hoang tưởng hay đẩy em xuống tuyệt vọng. Và ta hiểu vì sao trẻ con gắn bó với những con chó hơn là người lớn chúng ta gắn bó.


Ở một phương trời khác, hơn 1000 năm trước, thi hào Bạch Cư Dị viết một bài thơ tương tự, nhưng ở tầm “người lớn” :


LẠC ĐỆ

Lạc đệ viễn qui lai,

Thê tử sắc bất hỷ,

Hoàng khuyển độc hữu tình,

Đương môn ngọa dao vỹ

(Bạch Cư Dị)


THI HỎNG

Thi hỏng về đến nơi,

Vợ con mặt không vui,

Chó vàng riêng có tình,

Giữa cửa nằm vẫy đuôi

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)


Thật là thú vị khi thấy hai con người vĩ đại ở vào hai thời đại cách xa nhau cùng mượn con chó để nói về một triết lý giáo dục. Thứ triết lý không thể nói hết bằng lời nên hai ông phải nói bằng một bức tranh và một bài thơ. 


 Nguồn: HOÀNG HẢI VÂN



Câu chuyện ý nghĩa về giáo dục. 

Có điểm nhỏ về bài thơ Lạc Đệ trích trong bài không phải của Bạch Cư Dị. Cụ Ngô Tất Tố trích dẫn bài thơ trong quyển truyện Lều Chõng của cụ cũng không cho tên tác giả. Tôi đi tìm thì bài thơ Lạc Đệ này, (theo Đỗ Chiêu Đức) là của Đường Thanh Thần  唐青臣 trong TÙY VIÊN THI THOẠI 隨園詩話 của Viên Mai 袁枚(17161797đời nhà Thanh khi thi rớt về nhà:

Cụ Ngô Tất Tố có lẽ dịch vội nên chưa chuẩn tứ tuyệt 

Xin dịch lại như sau: 


“Thi rớt trở về quê

Nét mặt vợ ủ ê

Con chó vàng tình nghĩa 

Vẫy đuôi mừng chủ về”


Đọc lại Lều Chõng Ngô Tất Tố 


https://vi.wikisource.org/wiki/Lều_chõng/Chương_18



(Trích)


“Vân Hạc nghe mỗi câu nói của vợ, tưởng như mỗi mũi dao găm đâm vào tìm phổi, mặt chàng đã đỏ bừng bừng. Cô càng trêu thêm: 

- Này mình ạ? Tôi nghe ngày xưa có nàng gì đó, khi chồng thi hỏng, có đưa cho chồng một bài tứ tuyệt hay lắm, tôi đã dịch ra tiếng nôm, thử đọc để mình nghe nhé? 

Rồi không đợi chàng trả lời, cô tiếp: 

- Bài ấy như vầy: 

"Văn quân trích trích hữu kỳ tài, 

"Hà sự niên niên bị phóng hồi? 

"Như kim thiếp diện tu lang diện 

"Quân dục lai thời, đái dạ lai". 

Vân Hạc gượng hỏi: 

- Mình dịch ra sao? 

Cô đáp: 

- Tôi dịch là: 

"Nghe anh chữ nghĩa cũng bề bề. 

"Sao cứ năm năm bị đuổi về? 

"Rầy nghĩ mặt chàng, ghê mặt thiếp: 

"Muốn vào, anh hãy đợi canh khuya". 

Rồi cô nói thêm: 

- Hai chữ "bề bề" tôi lấy ở câu phong dao "Văn chương chữ nghĩa bề bề" đấy mà. "Trích trích hữu kỳ tài" dịch ra "chữ nghĩa bề bề" cũng được chứ gì. Phải không mình? 

Vân Hạc tuy biết là nàng chế mình; nhưng cũng thích rằng nàng có tài dịch thơ, liền đáp: 

- Vâng, thưa bà được... Song tôi không bị ai ám. Mình phải biết thế. 

Chàng ngừng một lát rồi thêm: 

- Nhưng cũng chưa bằng những câu của ông nào đó dịch bài "lạc đệ" của Tầu. 

Và chàng hỏi: 

- Mình đã học đến hay chưa? Bài ấy thế này: 

"Lạc đệ viễn qui lai, 

"Thê tử sắc bất hỷ, 

"Hoàng khuyển độc hữu tình, 

"Đương môn ngọa dao vỹ" 

Rồi chàng tiếp: 

- Không biết người nào đã dịch ra rằng: 

"Thi hỏng về đến nơi, 

"Vợ con mặt không vui, 

"Chó vàng riêng có tình, 

"Giữa cửa nằm vẫy đuôi". 

Cô Ngọc thấy chàng mắng mình bằng cách xa xôi, sợ chàng đâm khùng, liền tươi cười pha trò: 

- Thế ra đối với các ông thi hỏng, vợ con không có tình bằng con chó nhỉ? “ 



 


No comments:

Post a Comment