Friday, October 28, 2022

NHỚ CỤ TÚ XƯƠNG : Thi hỏng và hỏng thi

 Không ai làm thơ về thi cử và thi hỏng nhiều hơn cụ Tú Trần Tế Xương, một trong những nhà nho cuối cùng của nền Hán học nước ta vào cuối thế kỷ XIX. 

Cuộc đời ông Tú gắn liền với thi cử. Tổng cộng tất cả là tám lần lều chõng thi Hương , đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). 

“Mấy khoa hương thí không đâu cả,

Ba luống vườn hoang bán sạch rồi.” 


Sau 3 lần hỏng thi, mãi đến lần thứ tư của khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là Tú tài thiên thủ, Tú tài đậu vớt, Tú tài cuối bảng lúc đó ông đã 24 tuổi. Vẫn là anh khoá nghèo, ông Tú kiết. Cái gia cảnh túng quẫn trong thơ ông đã diễn tả 

“Gạo cứ lệ ăn đong bữa một,

Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.”

“Tiền bạc phó cho con mụ kiếm” 

Bà Tú cần cù lam lũ “Lặn lội thân cò nơi quãng vắng” 

“Nuôi đủ năm con với một chồng” 

Còn ông Tú Vị Xuyên cứ “vẫn phong lưu suốt cả đời” theo đuổi đèn sách, dùi mài nghiên bút đọc sách làm thơ, kiên trì làm anh khoá ứng thi thêm 4 hương khoa nữa những mong rồng mây gặp hội… nhưng đường khoa hoạn công danh vẫn đen như mõm chó. Ông phải than thân 

“Học đã sôi cơm nhưng chửa chín

Thi không ăn ớt thế mà cay”

“Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”

“ Đau quá đòn hằn

Rát hơn lửa bỏng

Hổ bút, tủi nghiên

Tủi lều, tủi chõng”…

Trong bài Phú Hỏng Thi năm Canh Dần 1900 ông vẫn hoàn thân phận Tú tài lạc đệ và sáu năm kế tiếp tuy cay đắng lều chõng thêm 2 khoa thi nữa chẳng ra sao, hỏng thi lần thứ 8 và khi trở về ông Tú đã đột ngột nhuốm thương hàn và qua đời khi mới 37 tuổi. 


Cả cuộc đời ngắn ngủi chỉ hơn 30 năm đèn sách ông vẫn chỉ là anh học trò già, anh khoá số đen, ông Tú tài lạc đệ không sao vượt vũ môn để đậu tứ trường thành ông cử nhân Hương cống thay cho thân phận Tú tài mong có cơ hội 

“Mở mặt quyết cho vua chúa biết

Đua danh kẻo nữa mẹ cha già”, 

“Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vẻ vang mặt vợ”…

Học tài thi phận, thi biết bao lần hỏng vẫn hoàn hỏng, cho là số còn đen,

nên khoa hương thí  Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phát cáu lên:

“Tế đổi làm cao mà chó thế,

Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!” 

Để rồi cuối đời ông Tú hỏng thi tự an ủi rằng 

“Hẳn có kẻ lo toan việc nước, vua chửa dùng tài;

Hay không ai dạy dỗ đàn con, trời còn bắt hỏng!” 


Xã hội bấy giờ, cái bằng Tú tài ( còn gọi là Sinh đồ) thuộc loại dang dở, dở dang (Tú tài không được thi Hội, phải đậu Hương cống (cử nhân) Các sĩ tử đi thi Hội ở Kinh đô sẽ được gọi là Cống sinh hay Cống sĩ, đậu kỳ thi Hội  mới được bước vào sân Rồng dự thi Đình để vua chọn hiền tài Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa … được “vua biết mặt, chúa biết tên” được vua vời ra làm quan, lo toan việc nước, thi thố tài kinh bang tế thế xứng danh kẻ sĩ “Nhất Sĩ nhì Nông …”: một thời đã qua…

Tú Xương tận tụy một đời với Nho học cũng phải cảm thán 

“Nào có ra gì cái chữ nho 

Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co”



ĐI THI 


Tấp tểnh người đi tớ cũng đi

Cũng lều cũng chõng cũng đi thi

Tiễn chân, cô mất hai đồng chẵn

Sờ bụng, thầy không một chữ gì!

Lộc nước còn mong thêm giải ngạch

Phúc nhà nay được sạch trường quy

Ba kỳ trọn vẹn, thêm kỳ nữa

Ú ớ u ơ ngọn bút chì!


THÂN THÂN 

Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi,

Tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi.

Mấy khoa hương thí không đâu cả,

Ba luống vườn hoang bán sạch rồi.

Gạo cứ lệ ăn đong bữa một,

Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.

Bắc thang lên hỏi ông trời nhẽ:

Trêo ghẹo người ta thế nữa thôi?

Trần Tế Xương 


THI HỎNG

Ngày mai tớ hỏng, tớ đi ngay!

Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày!

Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,

Thi không ăn ớt thế mà cay!

Sách đèn phó mặc đàn con trẻ,

Thưng đấu nhờ tay một mẹ mầy.

“Cống hỉ”, “mét xì” thông mọi tiếng,

Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây.


Trần Tế Xương 


KHUYẾN THI 

( Khuyên học trò đi thi ) 

Nhà nước còn thi hãy cứ thi,

Việc gì mà chẳng rủ nhau đi?

Sử đề theo sách quan Ngô Giáp;

Toán pháp thêm bài hội Trí Tri,

Muốn sống phải chăm mài bút sắt,

Cho mau chớ chậm đổ hòn chì

Đỗ đâu hết cả nhà thông ký,

Phận của nhà nho có một ly.


Tú Xương


mnc 

( cuối tháng mười)



⚜️⚜️⚜️


Viết thêm 

“Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới 

Đá xanh xây cống hòn dưới nống hòn trên” 

Mấy hôm trước nhân buổi trà dư tửu hậu cùng người bạn có đề cập đến chuyện thi cử thời xưa và thời nay. Khi tiến xĩ loạn cào cào trên đất nước nghìn năm, bạn nhớ đơn giản là thi Hương : Tú tài ; thi Hội : Cử nhân; thi Đình: Tiến sĩ. Đó là cái nhớ của bạn nhưng khoa cử ngày xưa không đơn giản như vậy và không như vậy. Nó nhiêu khê hơn nhiều. 

Tóm tắt là như vầy: 

1. Thi hương: đỗ tam trường (ba vòng đầu), đậu Tú tài; đỗ tứ trường: Hương cống (về sau gọi là Cử nhân); đỗ thủ khoa: Giải nguyên.

2. Thi hội: đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi đình; đỗ bảng thứ là thứ  cách, gọi là Phó bảng; đỗ thủ khoa: Hội nguyên.

3. Thi đình: đỗ thi đình gọi chung là Tiến sĩ (ông Nghè); đỗ thủ khoa: đình nguyên. Trong đó ba ngôi vị đầu là Trạng nguyên đậu đầu, kế đó là Bảng nhãn và Thám hoa.


mnc 


Tác giả Vĩnh Đào có viết một bài về Chuyện khoa cử ngày xưa đăng trên Tập San Việt Học rất chi tiết và lý thú.


Theo đường link dẫn sau để đọc bài của anh Vinh Dao

http://viethocjournal.com/2020/05/chuyen-ve-thi-cu-ngay-xua

No comments:

Post a Comment