Khi tôi tìm lại những chiến công của tiền nhân trong lịch sử nước nhà dọc các miền đất nước, những núi những sông những tên đất, tên người … đã góp phận tạo nên cẩm tú sơn hà. Từ Bắc vào Nam, từ Ải Nam Quan Chi Lăng đến
mũi Cà Mau. Ba con sông lớn, Hồng Hà nơi máu giặc phương Bắc còn đỏ sắc sông, Cửu Long chín cửa rồng bay những sông Tiền, sông Hậu những chi lưu Nhật Tảo Rạch Gầm Xoài Mút vang dậy chiến công Nam Bắc thì dòng Hương Giang êm đềm lờ lững uốn quanh Hoàng thành nhà Nguyễn một thời, tượng trưng cho non nước miền Trung không dậy sóng như Lô Giang, Nhật Lệ không đớn đau chia cắt như sông Gianh, Bến Hải. Con sông Hương chỉ dậy mùi thơm trong các bài thơ là tâm điểm của thi ca nhạc họa của những tâm hồn nghệ sĩ. Sông Hương tự cổ chí kim thế nào! Sông Hương chừ răng:
“Rằng thưa phố Huế bây giờ, Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (BG)
Người thơ điên cũng nhận ra sông Hương như rứa thê!
Người nghệ sĩ lãng du với cây đàn đi từ Bắc vào Nam lắng nghe tiếng những con sông ba miền, khi ngang qua đất thần kinh “Quê hương em nghèo lắm ai ơi,:mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn…: đã nghe
“Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.
Hỡi hò, hỡi hò.
….
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi! … khiến đau thương thấm tràn, lấp Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi. (Phạm Đình Chương)
Nhớ lại năm xưa, có lần tôi ra xứ Huế. Bởi vì nghe Huế đẹp Huế thơ. Có dòng Hương Giang nước chảy lững lờ…
Buổi sớm qua sông Hương không nhìn thấy dòng sông như danh sĩ nổi loạn Cao Bá Quát
“Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền
Trường giang như kiếm lập thanh thiên
( Muôn dãy non xanh ngát cánh đồng
Sông dài như kiếm dựng trời xanh.)
Nhìn sông Hương như kiếm dựng thì chỉ có mỗi Cao Chu Thần mới thấy mà thôi. Không hề có một chiến công nào trên dòng Hương Giang vòng quanh Hoàng thành Huế thời vua chúa và ngược thời gian một chút khi Huế còn là Phú Xuân, kinh đô của nhà Nguyễn Tây Sơn ngắn ngủi trong lịch sử, sông Hương thoáng qua trong ngòi bút của danh sĩ Ngô Thì Nhậm
Ức tích minh hương hội nhất đường,
Hương giang ngự tất hổ tiên đường.
Hoàng hoa tuế khiền truyền Kim mã.
Duệ táo thời bao phụng bảo chương.
Vua sáng tôi hiền xưa một đình
Hương giang ngự giá lối xe tiên
Xưa qua Kim Mã đường đi sứ,
Dâng tấm ngự chương bút ngợi khen
Về sau Nguyễn Du khi từ giã quê nhà Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào Kinh mười năm lận đận quan trường, khi mùa thu đến ông viết bài thơ từ dòng Hương Giang nhớ về sông Lam quê cũ
Thu chí
Hương Giang nhất phiến nguyệt,
Kim cổ hứa đa sầu.
Vãng sự bi thanh trủng,
Tân thu đáo bạch đầu.
Hữu hình đồ dịch dịch
Vô bệnh cố câu câu.
Hồi thủ Lam Giang phố,
Nhàn tâm tạ bạch âu.
Nguyễn Du
Mùa thu đến
Một mảnh trăng sông Hương
Gợi nhớ bao sầu thương
Chạnh lòng bên mộ cũ
Tóc bạc đầu thu sương
Hữu thân nên hữu khổ
Không bệnh mà còng lưng
Sông Lam ngoảnh nhìn lại
Như cánh bằng thung dung
( mnc phỏng dịch)
Một bài thơ cổ nữa về dòng Hương qua thơ của vua
Đệ thập nhất cảnh - Hương giang hiểu phiếm
Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh.
Ba bình xuân thuỷ lung yên sắc
Chu trục thần phong động lỗ thanh.
Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ,
Sơn hoa do luyến kết vân anh.
Kỷ hồi hà yết Thương lang khúc,
Song khuyết phương thăng thuỵ nhật minh.
Thiệu Trị
Một dòng nước biếc bọc kinh thành
Sớm lạnh thuyền theo gợn nước xanh
Sông nước vào Xuân mờ khói toả
Mái chèo khua nhẹ vọng âm thanh
Đôi bờ cây cỏ mờ sương phủ
Đỉnh núi lá hoa quyện gió lành
Thuyền lướt êm theo dòng bất tận
Vầng dương lên đẹp cảnh như tranh
mnc
Lan man chỉ thấy một dòng Hương Giang muôn đời êm ả nên thơ … cho đến mùa Xuân Mậu Thân 1968.
Mùa thu
3/11/2022
No comments:
Post a Comment