Monday, October 16, 2023

GIANG THƯỢNG SỔ PHONG THANH



Tương linh cầm sắt (Tương giang thần nữ gảy đàn) 

Cầm sắt là hai loại đàn cổ: đàn cầm, đàn sắt của người Trung Hoa xưa. "Sắt cầm hòa hợp" tượng trưng cho sự chung thủy, nghĩa vua tôi, tình chồng vợ, tình yêu, tình bè bạn. 

Cầm đài, ngày xưa là tên gọi chỉ chỗ Bá Nha thời Xuân Thu đánh đàn cho Chung Tử Kỳ nghe khúc Cao Sơn Lưu Thủy, và cũng là để chỉ nơi Tư Mã Tương Như thời Hán đàn cho Trác Văn Quân nghe khúc Phượng cầu Hoàng. 

Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du cũng là một kỳ nữ giỏi về thơ nhạc, thiện nghệ loại cổ cầm này: 

Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như nước suối mới xa nửa vời

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa



“Tương linh cầm sắt“ là một điển cố thần thoại trong văn học Trung Hoa về tích Tương giang thần nữ gảy đàn thường được giới quan trường thời xưa dùng làm đề tài thi cho sĩ tử như “Tiêu Tương bát cảnh“ trong văn học cổ Trung Hoa. 


Giai thoại kể rằng: Một đêm, Tiền Khởi thời Trung Đường dự kỳ thi Hương, ngụ tại quán khách, trong mơ hồ nghe có tiếng ngâm câu thơ: 

“Khúc chung nhân bất kiến, 

Giang thượng sổ phong thanh.” 

 (Khúc nhạc đã dứt, người không thấy, 

Trên sông hiện ra mấy ngọn núi xanh) 

 Mấy lần mở cửa ra xem,nhưng không trông thấy ai cả. 

Hôm đi thi, làm bài thơ có đầu đề là Tương linh cổ sắt (Thần sông Tương gẩy đàn sắt), ông không làm nổi câu kết, liền đem ngay các câu trên đặt vào. 

Quan chủ khảo Lý Vĩ rất tán thưởng cho là có thần giúp, bèn lấy ông đậu tiến sĩ 

Bài thơ như sau 


 Tương linh cổ sắt


Thiện cổ vân hòa sắt, 

Thường văn đế tử linh.

Bằng Di không tự vũ, 

Sở khách bất kham thinh.

Khổ điều thê kim thạch, 

Thanh âm nhập yểu minh.

Thương Ngô lai oán mộ, 

Bạch chỉ động phương hinh.

Lưu thủy truyền tiêu phổ, 

Bi phong quá Động Đình.

Khúc chung nhân bất kiến, 

Giang thượng số phong thanh.

Tiền Khởi 


Tạm dịch:

Tương giang thần nữ gảy đàn sắt


Cổ cầm mây hòa nhịp,

Thường nghe hồn Thuấn linh.   

Trên không Bằng Di múa,             

Khách Sở bước lặng thinh.

Khổ sầu trùm kim thạch,

Thanh âm lạc thiên minh 

Tới Thương Ngô oán mộ,

Cỏ bạch chỉ lung linh

Nước xuôi dòng Tiêu phổ,

Gió buồn lay Động Đình.

Nhạc ngừng người đâu thấy,

Trên sông ngọn núi xanh.


(Chú thích: Thuấn là vua Thuấn, Thương Ngô là nơi vua Thuấn đột tử và được an táng ở đây. Bằng Di là tên vị thần sông)



 

曲終人不見,

江上數峰青。

“Khúc chung nhân bất kiến, 

Giang thượng sổ phong thanh.” 

( Khúc nhạc dứt, người vắng tanh 

Trên sông mấy ngọn núi xanh cao vời) 

Được cho là hai câu thơ thần do thần linh ứng khẩu làm ra

Nhiều nhà thơ như Trương Tịch, Trần Quý, Ngụy Thôi, Tần Quán, Trang Nhược Nột và Vương Ung đã sáng tác những bài thơ cùng tên, được đưa vào cuốn sách “Văn uyển anh hoa”, thành những bài thơ được các thế hệ sau khen ngợi. 


Mao Trạch Đông khi say mê nàng diễn viên Lam Bình và lấy làm vợ, đã dùng hai chữ đầu của câu thơ “Giang thượng sổ phong thanh.” đặt tên mới cho đệ tam sủng ái phu nhân là Giang Thanh. Về sau là một trong “tứ nhân bang” khuynh loát chính thể Trung cộng một thời. Như một trùng hợp định mệnh người đẹp tài sắc khuynh thành ấy lại có một số phận không khác nào Dương Quý Phi của ông vua tài hoa Đường Minh Hoàng ngày xưa, thời nhà thơ Tiền Khởi đi thi tiến sĩ với bài “Tương linh cầm sắt” 


mnc

(thứ sáu 13)

No comments:

Post a Comment