Saturday, August 27, 2022

TƯỞNG TIẾC NGUYỄN MẠNH TRINH

 Mùa Vu Lan năm nay,  vừa qua đây mấy ngày, tình cờ tôi được đọc một bài hồi ức về mẹ thật xúc động của Nguyễn Mạnh Trinh. 



Ông viết: 

“…  năm 1972. Lúc đó, tôi ở Pleiku và quá giang chiếc trực thăng ghé về thăm nhà ở lại một đêm rồi sáng trở lại đơn vị trong cùng một chuyến bay. Khi về nhà, lúc ấy buổi xẫm tối, tôi vội vàng lấy xe để đi chơi thì bất ngờ có một hình ảnh làm tôi khựng lại. Hình ảnh của mẹ tôi ngồi trước bàn thờ Phật với tiếng kinh trầm và mùi hương ngát. Tôi biết mẹ tôi đang cầu nguyện cho đứa con ở xa. Lúc ấy, chiến tranh đang khốc liệt với nhiều chết chóc. Ở xóm tôi, đã có nhiều chiếc xe GMC chở về quan tài phủ cờ của những người lính tử trận là những đứa bạn thuở ấu thời của tôi. Và tự nhiên tôi dắt xe vào nhà, …”

“Góc hiên đôi mắt cuộn tròn

Dong tay nắng cũng hoàng hôn bóng trời, 

Mẹ ngồi chải tóc sợi rời

Đậu  vai áo một nụ cười thêu hoa

Mây rơi rụng xuống mái nhà

Màu lá biếc cũng nhạt nhòa cành vui

Cổng gió cửa đóng ngùi ngùi

Nghe sóng cuộn giữa ghềnh trôi óc thầm

Mẹ ngồi bóng xế trăm năm

Tay lần chuỗi, tiếng kinh trầm trầm bay

Khói sương ở đỉnh núi tây

Nên xa xăm lắm tháng ngày mênh mông

Đi về xuôi ngược bến sông

Chiều như đang rụng xuống lòng phố quên

Mẹ ngồi như tạc nỗi niềm

Tóc phơ phất gọi tịnh yên trong hồn

Kinh đen con nước xuống ròng

Trơ gốc cọc để trống không mặt lầy

Đi về tôi vẫn loay hoay

Chợt nghe lạnh ngọn heo may cuối trời

Mẹ ngồi một thuở ấu thời.”

Từ hình ảnh mẹ ngồi cầu nguyện cho con được bình an nơi chiến trường xa. Nguyễn Mạnh Trinh đã đổi ý không đi chơi nữa và viết bài thơ về Mẹ như trên. 

Ông kể tiếp: 

“Tôi nhớ lại lúc ấy trời mờ mờ tối. Tuy vội vàng vì có hẹn với cô bạn gái, nhưng có điều gì giữ tôi lại. Không phải là tiếng kinh hay mùi nhang khói, cũng không phải là đôi mắt Phật Bà hiền từ trên bàn thờ. Mà, bởi vì cái vóc dáng của mẹ ngồi, trong không gian, thời gian vô cùng tĩnh lặng cầu nguyện cho mình. Thế mà, bỏ đi thì không đành lòng. Tối hôm ấy, tôi trằn trọc trong chỗ nằm của mình, với cảm giác bâng khuâng khó tả. …

Tôi nghĩ mình không phải là một đứa con ngoan ngoãn. Tôi có tuổi nhỏ ngỗ nghịch và ở trong xóm là đứa đầu têu cho những chuyện nghịch phá. Lớn lên, lại không cố gắng học đại học như anh tôi hoặc đứa em tôi mà lại đi lính. Trong khi mẹ tôi thì chủ trương dù nghèo thế nào chăng nữa các con bà cũng phải học cho đến khi không còn cố gắng được nữa dù bà là một người ít học. Năm Mậu Thân cha tôi mất, rồi nhà bị cháy, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng xây dựng lại với một nỗ lực vô biên.” 

Bài hồi ức về mẹ của ông dài lắm, tôi chỉ tóm ý chính như sau: Tháng Tư 75 đến, mẹ ông và gia đình lớn của ông may mắn vượt thoát cùng đoàn người di tản rồi định cư nơi quê hương mới.

Riêng ông bị kẹt lại, đi tù. 

Rồi vượt biên, đoàn tụ với mẹ. 

Rồi mẹ khuyên đi học lại để có một cái nghề. 

Ông kể : 

 “Mỗi buổi sáng sớm mẹ tôi dậy sớm sửa soạn bữa ăn sáng cho tôi và mấy đứa cháu cũng như bới cơm mang đến trường. Trên bàn ăn là một dãy năm cạp lồng cơm để thứ tự và món ăn thay đổi ngon lành. Kết quả là bây giờ, mấy chú cháu, cậu cháu đều tốt nghiệp hậu đại học và đều có công ăn việc làm tốt. Và, như thế mẹ tôi hài lòng lắm.” 

Nhờ mẹ hết lòng vì con cháu, ông ra trường có việc làm rồi lập gia đình. Rồi thời gian trôi đi vòng sinh lão bệnh tử đưa mẹ ông xa rời nhân gian. 

Vu Lan vừa qua ông đến chùa được một cô bé cài lên áo một bông Hồng trắng …

Ông nhớ đến mẹ và viết “hồi ức về mẹ” thật cảm động mà tôi cũng mới vừa đọc xong dạo tháng qua. 

Tôi quý tài thơ, tài văn và nhân cách ông Nguyễn Mạnh Trinh. Một phần vì ông từng là người lính như tôi. … từng trải đời trai thời chiến nơi rừng núi Pleiku. 

Thế mà …. tin ông vừa “giã từ vũ khí” đột ngột lìa đời đã làm tôi hụt hẫng. Có thể mau đến thế sao…

Như ông đã viết trong hồi ức về mẹ …

“Có một lúc nào như khi trong trại cải tạo nghe bài “Lòng mẹ“ tưởng không bao giờ gặp lại khi mẹ tôi đã di tản vào những ngày tháng tư năm 1975. Hay như bây giờ nghe bài “Bông hồng cài áo“ để thấy trong dạ thổn thức. Lúc ở nghĩa trang, nhìn những con chim sáo đen mổ những hạt cơm cúng, tự nhiên tưởng tượng đến những ngã đường nào mù mịt trong cõi âm phần. Ra đi hay trở về, hiện tại không xác định được. Nhưng chỉ mường tượng một điều cuộc sống sẽ còn dài chẳng phải ngày một ngày hai mà chấm dứt…”

Ông đã về bên Mẹ nơi cõi vô cùng. 

Tin mới cho hay:

 Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh đã qua đời lúc 4 giờ sáng thứ Ba, ngày 24 tháng 8, 2021 tại tư gia. Hưởng thọ 73 tuổi. 

Tưởng tiếc Nguyễn Mạnh Trinh


 

   mnc 

 Một ngày cuối tháng 8/2021

No comments:

Post a Comment