Thursday, July 10, 2025

TRÚC NON

Dậy sớm rảnh rỗi ngồi đọc sách rồi hí hoáy tập vẽ thủy mặc tre trúc. Vẽ vẽ xóa xóa nét còn non, không dám khoe.
Dưng không bài Tân trúc hiện ra, với vài ngọn trúc thủy mặc trác tuyệt. Tác giả bài cổ thi Trúc non là Phạm Nhân Khanh, tên nghe khá lạ, lần đầu tiên mới biết đến.
Bèn đi tìm thời được biết:
“Phạm Nhân Khanh hiệu Cổ Sơn, cuối đời nhà Trần.
Chưa rõ ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu, chỉ biết đỗ tiến sĩ vào đời Trần Duệ Tông niên hiệu Long Khánh (1373-1377), từng được nhà Trần cử đi sứ Trung Quốc, lúc về làm chức Giám tu quốc sử, kiêm An phủ sứ lộ Lạng Sơn.
Tác phẩm hiện còn 13 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.”
Ông chỉ là một văn quan khí tiết, ngay thẳng và sống mộc mạc như đã thể hiện trong thơ ông. Quân tử như trúc, tiết trực tâm hư. Lại liên tưởng đến cố Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng đã từng dùng trúc để biểu lộ chí khí hoài bão và tâm huyết của mình qua con dấu bụi trúc trên ấn tín “tiết trực tâm hư” nghĩa là Tiết trực tâm hư”, có nghĩa là khí tiết ngay thẳng, vì dân vì nước; tâm không có nghĩa là lòng thì trống rỗng, không có gì riêng tư cho bản thân ...”
Trúc cũng được xếp vào bộ Tứ Quân Tử : Mai Lan Cúc Trúc theo người xưa
Đọc lại bài thơ:
(Chữ Hán)
新竹
樹得琅玕三兩叢,
只期歲晚伴吟翁。
篩金好看臨秋月,
戛玉纔聽遞曉風。
勁節匪躬能直外,
道心無欲故虛中。
客來莫怪新條短,
會見霜梢拂翠空。
范仁卿
(Âm Hán Việt)
Tân trúc
Thụ đắc lang can (*) tam lưỡng tùng,
Chỉ kỳ tuế vãn bạn ngâm ông.
Si kim hảo khán lâm thu nguyệt,
Kiết ngọc tài thinh đệ hiểu phong.
Kình tiết phỉ cung năng trực ngoại,
Đạo tâm vô dục cố hư trung.
Khách lai mạc quái tân điều đoản,
Hội kiến sương tiêu phất thuý không.
Phạm Nhân Khanh
Dịch nghĩa:
Trúc non
Trồng được vài ba khóm trúc xanh như ngọc lang can, (*)
Chỉ mong chờ đến cuối năm sẽ làm bạn với nhà thơ.
Thích ngắm trăng thu soi xuống tựa như vụn vàng rơi qua tán lá,
Mới nghe gió sớm thổi qua tựa như tiếng ngọc khua.
Khí tiết cứng cỏi không chịu cúi mình lộ ra cả vẻ ngoài ngay thẳng,
Lòng đạo không chứa dục vọng cho nên trong thân trống rỗng.
Khách tới chớ làm lạ những cành mới trồng còn ngắn,
Rồi sẽ thấy được những ngọn trúc pha sương quét trên nền trời xanh biếc.
(*) Lang can” 琅玕:
(1) Ngọc tròn bóng đẹp. Trích dẫn Nguyễn Trãi 阮廌: “Linh lung sắc ánh bích lang can” 玲瓏色映碧琅玕 (Đề thạch trúc oa 題石竹窩) Sắc long lanh ánh lên như ngọc lang can màu xanh biếc.
(2) chỉ trúc đẹp
Thơ phỏng dịch :
Trúc non
Vừa trồng vài khóm trúc lang can
Làm bạn cuối năm hưởng thú nhàn
Dưới ánh trăng thu mong thưởng nguyệt
Dát muôn tiếng ngọc khẽ âm vang
Quên mình tiết trực lòng không đổi
Cố giữ tâm hư đạo vững vàng
Cành ngọn còn non xin chớ lạ
Rồi đây sương tuyết trúc không màng
mnc
10/7/2025

Tuesday, July 8, 2025

T Ử V I H O A

 Tử vi hoa 


Đi chơi xa, về nhà 

Trước ngõ mấy chùm hoa 

Nghiêng cánh trong nắng hạ

Ý như muốn chào ta 


Mỏng manh vài cánh tử vi hoa (crepe mythe) màu hồng nhạt trước nhà, mùa này khắp các miền cao bồi Texas , đồng loạt trổ bông khoe sắc cùng vạn vật. Một mùa hè nóng bỏng cũng dịu mát cùng màu hoa. 

Về lại nhà, khoe hoa trước ngõ lại nhớ Tử Vi Hoa của Bạch Cư Dị. Nhắc đến Bạch Cư Dị lại nhớ Tỳ Bà Hành, nhớ bến Tầm Dương … nhớ Hoa Phi Hoa …

Thôi, cứ hãy đọc lại bài thơ 

Tử vi hoa

紫薇花 


絲綸閣下文章靜,

鐘鼓樓中刻漏長。

獨坐黃昏誰是伴?

紫薇花對紫薇郎。

白居易


Tử vi hoa

Ty Luân các hạ văn chương tĩnh,

Chung cổ lâu trung khắc lậu trường.

Độc toạ hoàng hôn thuỳ thị bạn?

Tử vi hoa đối tử vi lang.

Bạch Cư Dị 


Dịch thơ 


Hoa Tử Vi 

Gác Ty Luân vãn chuyện văn khoa

Chuông điểm canh khuya đã vẳng xa 

Ngồi mãi đến chiều, ai bạn nhỉ ? 

Tử vi đối mặt khách yêu hoa

mai ngọc cường dịch


Tôi cũng có thêm vài chi tiết thú vị: 

“ Hoa tử vi nở liên tục trong vòng ba tháng, kéo dài từ mùa hạ sang mùa thu, nên có tên là bách nhật hồng (百日红), lại có hình thù giống như cái phan báu ( phướn quý) trong mỹ thuật Phật giáo, nên còn được gọi là bảo phan hoa (宝幡花). Người Trung Quốc cũng gọi hoa tử vi (紫薇花) là hoa Phật tướng (佛相花), xem như một loài hoa đem đến sự thịnh vượng, tốt lành, còn người Pháp thì gọi tử vi là “Đinh hương Ấn Độ” (印度丁香 - lilas des Indes)” 


Cây tử vi phát triển bằng cách tự bong lớp vỏ cây bên ngoài mỗi năm một lần. Nếu chúng ta dùng tay chạm nhẹ chúng sẽ không ngừng chuyển động, thậm chí còn phát ra những âm thanh nhỏ như tiếng cười khúc khích của cây, cánh hoa mỏng nên khi ta đưa tay lại gần hoa sẽ rung động, thế nên mới có câu Tử vi lang (chàng yêu hoa tử vi) ngồi (một mình) ngắm tử vi hoa trong thơ Bạch Cư Dị 

mnc 

Sunday July 9


⚜️⚜️⚜️

VÊ HOA TỬ VI 


Hoa tử vi nở không ngớt trong vòng ba tháng, kéo dài từ mùa hạ sang mùa thu, nên có tên là bách nhật hồng (百日红), lại có hình thù giống như cái phan báu trong mỹ thuật Phật giáo, nên còn được gọi là bảo phan hoa (宝幡花). Người Trung Quốc cũng gọi hoa tử vi (紫薇花) là hoa Phật tướng (佛相花), xem như một loài hoa đem đến sự thịnh vượng, tốt lành, còn người Pháp thì gọi tử vi là “đinh hương Ấn Độ” (印度丁香 - lilas des Indes).

Tử vi (Lagerstroemia indica) thuộc họ bằng lăng (Lythraceae), là loài cây bụi, thân gỗ nhỏ, nhẵn. Lá đơn hình bầu dục, mọc đối, dính sát thân cành. Hoa có 6 cánh, hương thơm dịu, gồm các màu hồng, tím, đỏ, trắng, mọc thành từng chùm ở đầu cành, cánh hoa mỏng nhàu, mép lượn sóng. Chỉ nhụy dài cong, điểm phấn vàng rực rỡ. 


Hoa tử vi nở không ngớt trong vòng ba tháng, kéo dài từ mùa hạ sang mùa thu, nên có tên là bách nhật hồng (百日红), lại có hình thù giống như cái phan báu trong mỹ thuật Phật giáo, nên còn được gọi là bảo phan hoa (宝幡花). Người Trung Quốc cũng gọi hoa tử vi (紫薇花) là hoa Phật tướng (佛相花), xem như một loài hoa đem đến sự thịnh vượng, tốt lành, còn người Pháp thì gọi tử vi là “đinh hương Ấn Độ” (印度丁香 - lilas des Indes). 

 

hoa-tu-vi.jpg


Hoa Tử Vi

 

Ở Việt Nam, một số người vẫn còn nhầm lẫn gọi hoa tử vi là hoa tường vi (薔薇花, một loài tầm xuân, thuộc họ hoa hồng), hay còn nhầm sang cả với hoa bằng lăng vì thấy cùng họ. 


Tử vi là một trong những loài kỳ hoa dị thảo, sách “Quần phương phổ” gọi tử vi là phạ dương hoa (怕痒花), sách “Chân Nam bản thảo” thì gọi tử vi là dương dương hoa (痒痒花), bởi tử vi có phản ứng rung lên, như cười khúc khích mỗi khi người ta gãi vào thân cây.


Thiền sư Bassui Nhật Bản nói: “Thân này như ảo ảnh, như bọt nước giữa dòng. Tâm này khi tự nhìn vào, vô hình như hư không, vậy mà ở đâu đó vẫn nghe ra tiếng. Ai đang nghe?”. Chỉ có thể nói đó là sự hòa điệu, giao cảm của vạn vật chúng sinh. 


Nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường đã cảm tác về hoa tử vi như sau:


絲綸閣下文章靜

鐘鼓樓中刻漏長.

獨坐黃昏誰是伴?

紫薇花對紫薇郎.


Phiên âm: 


Ty Luân các hạ văn chương tĩnh, 

Chung cổ lâu trung khắc lậu trường. 

Độc tọa hoàng hôn thuỳ thị bạn ? 

Tử vi hoa đối tử vi lang.


Tạm dịch:


Dưới gác Ty Luân bặt văn chương,

Giữa lầu chuông trống chợt ngân vang.

Hoàng hôn lẻ bóng ai bầu bạn?

Tử vi hoa với tử vi chàng.


Thích Thanh Thắng