Sunday, November 3, 2024

CÂU CHUYỆN NHỮNG DÒNG SÔNG

 Khi tôi tìm lại những chiến công của tiền nhân trong lịch sử nước nhà dọc các miền đất nước, những núi những sông những tên đất, tên người  … đã góp phận tạo nên cẩm tú sơn hà. Từ Bắc vào Nam, từ Ải Nam Quan Chi Lăng đến mũi Cà Mau. Ba con sông lớn, Hồng Hà nơi máu giặc phương Bắc còn đỏ sắc sông, Cửu Long chín cửa rồng bay những sông Tiền, sông Hậu những chi lưu  Nhật Tảo Rạch Gầm Xoài Mút vang dậy chiến công Nam Bắc thì dòng Hương Giang êm đềm lờ lững uốn quanh Hoàng thành nhà Nguyễn một thời, tượng trưng cho non nước miền Trung không dậy sóng như Lô Giang, Nhật Lệ không đớn đau chia cắt như sông Gianh, Bến Hải. Con sông Hương chỉ dậy mùi thơm trong các bài thơ là tâm điểm của thi ca nhạc họa của những tâm hồn nghệ sĩ. Sông Hương tự cổ chí kim thế nào! Sông Hương chừ răng: 

“Rằng thưa phố Huế bây giờ, Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (BG) 

Người thơ điên cũng nhận ra sông Hương như rứa thê! 

Người nghệ sĩ lãng du với cây đàn đi từ Bắc vào Nam lắng nghe tiếng những con sông ba miền, khi ngang qua  đất thần kinh “Quê hương em nghèo lắm ai ơi,:mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn…:  đã nghe 

“Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than. 

Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.

Hỡi hò, hỡi hò. 

….

Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi! … khiến đau thương thấm tràn, lấp Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi. (Phạm Đình Chương)


Nhớ lại năm xưa, có lần tôi ra xứ Huế. Bởi vì nghe Huế đẹp Huế thơ. Có dòng Hương Giang nước chảy lững lờ… 

Buổi sớm qua sông Hương không nhìn thấy dòng sông như  danh sĩ nổi loạn Cao Bá  Quát 

“Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền

Trường giang như kiếm lập thanh thiên 

( Muôn dãy non xanh ngát cánh đồng

Sông dài như kiếm dựng trời xanh.) 

Nhìn sông Hương như kiếm dựng thì chỉ có mỗi Cao Chu Thần mới thấy mà thôi. Không hề có một chiến công nào trên dòng Hương Giang vòng quanh Hoàng thành Huế thời vua chúa và ngược thời gian một chút khi Huế còn là Phú Xuân, kinh đô của nhà Nguyễn Tây Sơn ngắn ngủi trong lịch sử, sông Hương thoáng qua trong ngòi bút của danh sĩ Ngô Thì Nhậm 


Ức tích minh hương hội nhất đường,

Hương giang ngự tất hổ tiên đường.

Hoàng hoa tuế khiền truyền Kim mã.

Duệ táo thời bao phụng bảo chương.


Vua sáng tôi hiền xưa một đình

Hương giang ngự giá lối xe tiên

Xưa qua Kim Mã đường đi sứ,

Dâng tấm ngự chương bút ngợi khen


Về sau Nguyễn Du khi từ giã quê nhà Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào Kinh mười năm lận đận quan trường, khi mùa thu đến ông viết bài thơ từ dòng Hương Giang nhớ về sông Lam quê cũ 


Thu chí 

Hương Giang nhất phiến nguyệt,

Kim cổ hứa đa sầu.

Vãng sự bi thanh trủng,

Tân thu đáo bạch đầu.

Hữu hình đồ dịch dịch

Vô bệnh cố câu câu.

Hồi thủ Lam Giang phố,

Nhàn tâm tạ bạch âu.

Nguyễn Du 

 

Mùa thu đến 

Một mảnh trăng sông Hương

Gợi nhớ bao sầu thương 

Chạnh lòng bên mộ cũ 

Tóc bạc đầu thu sương

Hữu thân nên hữu khổ 

Không bệnh mà còng lưng 

Sông Lam ngoảnh nhìn lại 

Như cánh bằng thung dung 

( mnc phỏng dịch)


Một bài thơ cổ nữa về dòng Hương qua thơ của vua 

Đệ thập nhất cảnh - Hương giang hiểu phiếm

Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành

Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh.

Ba bình xuân thuỷ lung yên sắc

Chu trục thần phong động lỗ thanh.

Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ,

Sơn hoa do luyến kết vân anh.

Kỷ hồi hà yết Thương lang khúc,

Song khuyết phương thăng thuỵ nhật minh.

 Thiệu Trị 


Một dòng nước biếc bọc kinh thành

Sớm lạnh thuyền theo gợn nước xanh 

Sông nước vào Xuân mờ khói toả 

Mái chèo khua nhẹ vọng âm thanh

Đôi bờ cây cỏ mờ sương phủ 

Đỉnh núi lá hoa quyện gió lành 

Thuyền lướt êm theo dòng bất tận

Vầng dương lên đẹp cảnh như tranh 

mnc 


Lan man chỉ thấy một dòng Hương Giang muôn đời êm ả nên thơ … cho đến mùa Xuân Mậu Thân 1968. 


Mùa thu

3/11/2022

Thursday, October 31, 2024

SINH PHẦN

 

Sinh phần 

Bùi Bích Hà 

Năm tôi lên bảy, Cách Mạng Mùa Thu bùng nổ, Việt Minh cướp chính quyền, đem cờ đỏ sao vàng vào thành phố Huế lúc bấy giờ chưa dứt khoát với Pháp, đang lúng túng với Nhật, có cả bọn lính Tàu phù chân quấn xà cạp bẩn thỉu nghênh ngang đó đây.

Bằng cách nào, trẻ con như tôi ngày ấy không biết, chỉ qua một đêm súng nổ đì đụp, sáng hôm sau thành phố sạch bóng ngoại bang, chỉ còn Việt Minh mặc bất cứ quần áo gì họ có, cánh tay đeo băng đỏ, cầm loa đọc lệnh của chính phủ mới do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Họ chiếm ngụ những ngôi nhà to, rộng của dân làm trụ sở sinh hoạt, trong đó, có phân nửa mặt tiền ngôi nhà số 72 Gia Hội của bố tôi. Chỉ trong vài ngày, để tránh sinh hoạt ồn ào của đám cán bộ Việt Minh, bố tôi vội vã thu dọn đưa cả nhà về khu đất một mẫu tây phần lớn còn bỏ hoang ở Ao Hồ, ngay bên cạnh phủ ông Hoàng Mười, một phía là cái hồ sen bát ngát hương hoa, một phía là cánh đồng trống trải mình tít tắp về mạn Bao Vinh.

Chúng tôi ở tạm trong phần kiến trúc chỉ mới hoàn thành sơ sài gồm ba phòng ngủ bên cánh phải, hai phòng ngủ lớn bên cánh trái có nhà vệ sinh và phòng tắm theo tiêu chuẩn Tây phương, ở giữa là tiền sảnh gồm phòng khách phía trước, phòng ăn phía sau thông xuống nhà ngang thật dài nối vào bếp, chỗ xay giã gạo và lẫm lúa chứa thóc thu hoạch từ đồn điền ở Quảng Bình đưa về.

Bố tôi chuẩn bị sẵn nơi này để nghỉ hưu nên đã đặt tên cho nó là Trúc Hoa Viên, khắc trên tấm bảng đồng nhỏ song chưa kịp gắn ở trụ cổng vào như dự tính. Trong cơ hội bất đắc dĩ này, nó càng không cần được phô ra nếu không là gỡ xuống để chui vào hũ đồng bên cạnh hũ vàng, hũ gạo cứu quốc của “cụ Hồ.”

Tuy còn bé nhưng trí nhớ của tôi còn ghi đậm nét mẹ già tôi vừa khóc, vừa dấm dúi gói ghém vòng, xuyến, hoa tai, nhẫn, dây chuyền, mọi thứ trang sức lỉnh kỉnh bằng vàng thật, thân hành đem ra trụ sở Việt Minh giao nộp.

Ngày ấy, bác sĩ Tây chữa một cơn đau túi mật của bố tôi bằng á phiện nên sau đó, bố tôi nghiện. Nhà có bàn đèn rất đẹp để bố tôi thỉnh thoảng chiêu đãi khách quý, có cả bồi tiêm mặc áo the hầu các cụ đi mây về gió, bàn chuyện thi ca hay quốc sự tùy lúc và tùy hứng.

Bố tôi hút toàn thuốc phiện mua chính thức của nhà đoan, cơ quan độc quyền kiểm soát thuốc và rượu của chính phủ bảo hộ. Thuốc phiện của đoan đựng trong những cái hộp bằng đồng sáng choang, nhiều cỡ lớn nhỏ, tròn và dẹt, trên mặt có in chữ nổi.

Mỗi khi lấy thuốc từ hộp ra, cho vào cóng sứ xong, người bồi tiêm bao giờ cũng dùng một cái mùi-xoa nhỏ, lau trong ngoài hộp thật sạch rồi mới ném hộp vào thùng chứa, trước kia để chờ trao đổi với nhà đoan, thời Việt Minh để đóng góp tuần lễ đồng cứu quốc cho chính quyền cách mạng.

Phần mẹ tôi thì lo hũ gạo cứu quốc. Nói là mỗi nhà mỗi bữa thổi nấu bớt ra một nắm gạo nuôi quân nhưng chẳng nhà nào chỉ bớt một nắm mà bớt hẳn gạo trong lu, khạp để coi sao cho được mắt cán bộ hàng ngày mang bị lớn, bị bé đi thu góp.

Ngày ấy tôi nhớ không có cảnh đổi tiền quy mô như sau này qua biến cố 30 Tháng Tư, 1975, mà mẹ tôi mang tiền Đông Dương đi chợ để nhận thối lại toàn bằng tiền “cụ Hồ” không biết ở đâu ra? Bố tôi căn dặn mẹ tôi mua bán thật dè xẻn để cố giữ lại tiền Đông Dương bởi vì tiền “cụ Hồ” chỉ là giấy lộn, mai kia đi chợ phải “chở tiền bằng xe bò” đấy.

May quá, cờ đỏ sao vàng chỉ chấp chới ít lâu rồi thành phố lại đì đoàng tiếng súng. Bố tôi quyết định cùng gia đình tản cư về làng Phù Lương, cách Huế chừng 20 cây số, để vợ chồng ông quản gia thân tín và mẹ tôi ở lại trông coi nhà cửa.

Mỗi tuần một lần, mẹ tôi đi đường sông suốt đêm về làng, đem gạo trắng và rau quả tươi từ vườn nhà về quê cho mấy bố con tôi và cả gia đình mấy đứa cháu ngoại hờ. Sẩm tối hôm sau, mẹ tôi lại quang gánh xuống đò, ngược sông về Huế. Tôi khóc, đòi theo nhưng mẹ tôi ôm tôi và dỗ dành: “Em ngoan, vâng lời, chị sẽ mang thật nhiều na và thanh trà cho em. Đi theo chị nguy hiểm lắm, đạn rơi lõm bõm bên mạn thuyền, Thầy không cho đâu!” Thậm chí tôi không được theo mẹ ra tới bến sông vì mẹ tôi bảo lượt về một mình, tôi sẽ đi lạc, sẽ bị mẹ mìn bắt cóc phải đi ăn xin, làm tôi sợ và buông vạt áo mẹ.

Thời gian tản cư không lâu, đâu chừng hơn một tháng do tôi tính nhẩm những lần khóc lóc khi mẹ tôi thúng mủng không ra sông đáp thuyền về Đò Cồn. Chúng tôi hồi cư giữa một thành phố hoang tàn, xơ xác, người ăn xin đông hơn kẻ chợ và chính quyền rối beng lãnh đạo. Để tránh tình trạng con cái thất học, bố tôi ghi tên cho tôi đi học trường Tàu. Tôi cắt tóc bum bê, mặc sơ mi tay phồng vải trắng và váy màu xanh dương, có cả cái giỏ mây vuông vức đựng cuốn Tam Tự Kinh, trông hệt như đám Tàu nhi đồng lau hau xung quanh nhưng không nói được tiếng Hoa nên không có bạn.

Khác biệt duy nhất với tôi lúc đó là sự có mặt thường xuyên ở nhà của bố tôi, không biết từ lúc nào mà trong ký ức tôi, tóc bố bạc phơ, râu ba chòm cũng nhuộm màu sương tuyết. Có lẽ do bản chất hoạt động, bây giờ ngồi không, lại thêm thợ thuyền cũ vẫn đến thăm bố tôi, than thở không tìm được việc làm nên bố tôi động lòng.

Bố vừa muốn giúp họ, vừa muốn hoàn chỉnh ngôi nhà theo ý muốn, bèn cho họ cơi gian nhà ngang thành lầu, đứng từ bao lơn, sẽ ngắm được cảnh quan bốn phía xung quanh, hưởng được gió mát thoảng đưa mùi hương sen từ phía phủ ông Hoàng Mười và mùi lúa chín ở cánh đồng phía kia…

Khi kiến trúc mới thêm vào ngôi nhà, cho nó một diện mạo tươi tắn hơn xong rồi, bố tôi lo tiếp hậu sự cho ông bằng cách tự mình vẽ họa đồ và trông nom việc xây cất phần mộ rộng 64 thước vuông trong khuôn viên ngôi chùa Ái Hữu Đồng Châu Bắc Việt do bố tôi sáng lập gần đàn Nam Giao.

Bố tôi mua gỗ hồng tâm từ rừng Bạch Mã, thuê thợ đóng sẵn áo quan và để nó ở một nơi kín đáo trong nhà. Bây giờ nghĩ lại chuyện cũ, tôi nghiệm ra tất cả những việc bố tôi làm lúc cuối đời, ngoài ý nghĩa để ông được yên lòng, còn khiến chúng tôi quen mắt với sự phân ly sẽ đến, cũng bình thường như mọi toan tính khác trong đời.

Bố tôi sinh thời hay làm thơ nhưng ông không làm thơ ngâm ngợi sự phù du của kiếp người. Ông để lại những dòng di cảo sống động, là những mảnh tinh cầu vỡ ra, long lanh, rực rỡ, đẹp cho đến giây phút cuối cùng tan vào hư vô.

Hình ảnh ông trong trí nhớ tôi là những sớm mai mùa Hè ở Huế chan chứa nắng, ông mặc áo dài trắng, râu tóc trắng, cầm ba toong đi những bước dài ra cổng, ngồi vào chiếc xe xích lô sẽ đưa ông đi về nhiều lần giữa hai bờ tử sinh, nhiều năm trước khi mọi người tiễn đưa ông lần cuối trên xe tang, một ngày mùa Đông cả bầu trời nhỏ lệ tiếc thương…

Bây giờ, thế kỷ mới, người ta nói nhiều về cận tử nghiệp, là cách chuẩn bị hành trang cho mọi người trong chuyến đi cuối ra khỏi địa cầu. Càng gọn nhẹ, càng thảnh thơi, càng dễ bay bổng. Càng nuối tiếc, trì kéo, càng đắm đuối, khó rút chân ra.

Hôm qua, nhà thơ Trần Mộng Tú có bài thơ “Hunting House,” mô tả cảnh chị một mình đi tìm mua căn nhà cho nơi cư ngụ mới, thật hay:

…Người bán hàng giới thiệu
chiếc bản đồ của Thành Phố Âm, 

những con đường ngang dọc

này thảm cỏ xanh
hồ n
ước long lanh
vườn hoa đang nở
h
ình ảnh ngôi nhà một phòng
được mang ra
những chiếc nhà bằng gỗ
từ gỗ sồi im lặng
gỗ thông th
ơm hương
gỗ bạch đàn thơ mộng
đến gỗ Mahogany sang trọng
những bức tường bọc lụa
sẵn sàng đón một người vào
những ngôi nhà
làm bằng ván mỏng đơn sơ
m
ình nằm trong đó như chơi trò đi trốn
sẵn sàng ôm choàng lấy lửa
ngọn lửa sẽ reo to
bắt được nhau rồi
cả hai cùng cháy
thành tro
Ng
ười bán hàng lại mang ra
Những chiếc b
ình
bằng đá hoa cương
bằng gỗ trầm hương
dát bạc
mạ vàng
hay chỉ đơn sơ như chiếc bình hoa bằng sứ
để người đem lên núi
ng
ười mang vào rừng
người đưa ra biển
Chiếc b
ình nào rồi cũng thả tàn tro
Ô kìa lại bán cả hoa
chọn mua tr
ước khi dọn vào nhà mới
sắc đỏ hay vàng
bâng khuâng nhớ về dĩ v
ãng
cố nhớ lại ngày x
ưa
bó hoa đầu ai tặng
loài hoa g
ì mà mãi không tàn
Chọn hoa nào cho h
ương không tan? Cúi xuống nhìn thân thể
mảnh hình hài nh
ư có như không
Tôi đi đâu
về đâu
đi đuổi bắt một căn nhà
cho nơi cư ngụ cuối
Có ai muốn đi cùng tôi không
mau lên trời sắp tối.
(TMT, Tháng Bảy, 2018, ngày đi mua sinh phần)

Chao ôi! Qua biết bao mất mát, đau thương đến độ, giữa muôn trùng châu lệ thánh thót tiếng ngọc rơi, nhà thơ bỗng thấy cuộc đời chẳng khác gì trò chơi trốn tìm, thương yêu lúc mất lúc còn mà đâu đó, mãi mãi. Dù chẳng còn, cũng không là mất. Người ra đi ở bất cứ tuổi nào cũng trở lại thanh xuân trong đôi mắt khép lại bình an, thảnh thơi trong áo quan chờ lửa để hóa thân. Trong cõi vô thủy vô chung, kết thúc cũng là nơi bắt đầu.

Đi mua một ngôi nhà hay ngôi sinh phần chỉ khác nhau ở ý nghĩa ước lệ trong ngôn ngữ loài người nhưng cả hai cùng là những nốt nhạc vui trong bản hòa âm nhiều giai điệu của đời người, gió có thể làm thoảng bay nhưng không bao giờ dứt tiếng.


Bùi Bích Hà sinh năm 1938 tại Gia Hội, thành phố Huế. 
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế ban Pháp văn. 
Dạy Pháp văn tại Ðà Nẵng rồi Sài Gòn. Vượt biên 1984. 
Ðịnh cư tại Laguna Hill, quận Cam, Cali USA từ 1986.
Xuất hiện trên báo Người Việt từ 1987. Qua đời năm 2021.
Tác phẩm đã xuất bản:
Buổi Sáng Một Mình (tập truyện, Người Việt 1989) 
Bạn Gái To Nhỏ (hỏi đáp tâm lý, Người Việt 1991)

Monday, September 2, 2024

CÁI ĐÊM HÔM ẤY ĐÊM GÌ


Một câu thơ rất hình tượng và khêu gợi, đầy vẻ lãng mạn trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều 

Cái đêm hôm ấy đêm gì 

Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng 

Cái đêm hôm ấy … cái đêm mà người cung nữ xinh đẹp hồi tưởng lại lần được hưởng ơn mưa móc của quân vương sau bao ngày vò võ  phòng không gối chiếc trong cung cấm, thật lãng mạn và đẫm chất dục tình của Cung Oán Ngâm ấy lại được Phùng Gia Lộc đặt làm tiêu đề cho một bài tự sự đau thương oan khuất cuồng nộ ghê gớm về một thảm cảnh của chính gia đình ông, một nhà văn, nhà báo phục vụ cho chế độ mà toàn dân và gia đình ông đang sống dưới sự cai trị của bọn cầm quyền bao lâu nay, mà những thảm họa vô nhân ghê gớm kinh hoàng đè lên hạng thấp cổ bé miệng ở nông thôn tối tăm cùng khổ ấy đến bao giờ! 


Cái đêm hôm ấy đêm gì? không phải là thảm cảnh đau thương xảy ra cho gia đình Chị Dậu vào thời kỳ thực dân phong kiến ở thế kỷ bị trị của dân tộc ta đâu! Cái đêm kinh hoàng mà Ngô Tất Tố kể lại trong “Tức nước vỡ bờ”, lấy bối cảnh một làng quê, căng thẳng, ngột ngạt trong những ngày sưu thuế. Tiếng trống mõ, tù và inh ỏi, tiếng thét lác, đánh đập, tiếng kêu khóc vang lên như trong một cuộc săn người. Gia đình chị Dậu thuộc loại “nhất nhì trong hạng cùng đinh”, (cái hạng người đi tiên phong trong cuộc cách mạng vô sản về sau này) nên mấy hôm chị phải chạy vạy ngược xuôi để có tiền nộp suất sưu cho anh Dậu, chồng chị. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai xông đến đánh trói, lôi ra đình cùm kẹp. Chị đành phải rứt ruột đem cái Tí, đứa con gái đầu lòng 7 tuổi, bán cho lão Nghị Quế bên thôn Đoài để lấy tiền nộp sưu thuế cho chồng, Ngờ đâu chị lại còn buộc phải nộp cả suất sưu của người em chồng đã chết từ năm ngoái! Thật là cùng đường. Giữa đình làng, tiếng kêu uất ức của chị vang lên thảm thiết. Đêm hôm ấy, người ta cõng anh Dậu rũ rượi như một xác chết ở ngoài đình về trả cho chị. Gọi mãi anh không tỉnh chị vô cùng hoảng sợ, đau đớn. May sao, nhờ bà con xung quanh xúm đến cứu giúp, anh Dậu đã từ từ mở mắt. Một bà lão hàng xóm ái ngại cảnh cả nhà chị nhịn đói suốt từ hôm qua, mang đến cho chị bát gạo để nấu cháo...) Nhớ lại những uất ức bi thảm cùng cực của gia đình chị Dậu, lão Hạc, Chí Phèo … của Ngô Tất Tố, của Nam Cao thời tiền chiến tưởng đã vĩnh viễn qua đi trong ánh sáng chói lọi của Đảng trong thời đại Hồ Chí Mình quang vinh hôm nay chứ. Nhưng….

Tôi đọc CÁI ĐÊM HÔM ẤY... ĐÊM GÌ . của Phùng Gia Lộc được phép đăng lên báo lề phải chính thống vào năm 1988 những năm đất nước thống nhất một nhà Nam Bắc đã hơn thập niên và đang quá độ tiến lên chủ nghĩa Xã hội bằng một tâm cảm khó hiểu, đọc mà cứ ngờ mình đang đọc chị Dậu năm xưa.  

CÁI ĐÊM HÔM ẤY... ĐÊM GÌ? 

Phùng Gia Lộc viết năm 1987 kể về sự việc bắt thuế của gia đình ông, trên quê hương Thanh Nghệ Tĩnh, cái nôi của cách mạng, ngọn cờ đầu của giai cấp vô sản. Cái đêm hôm ấy xảy ra tại nhà ông năm 1983. Sự xuất hiện bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì trên báo Văn Nghệ dạo năm 1988 giống như một quả bom bùng nổ thông tin về một sự thật  oan khuất,  kinh hoàng, ghê tởm không còn tính người  ở nông thôn nước ta vốn dĩ vẫn bị bưng bít, che giấu bởi lối tuyên truyền dối trá: sự khốn khổ của con người trong chế độ XHCN sau nửa thế kỷ hy sinh giành độc lập. 

Nhà văn kiêm nhà báo Phùng Gia Lộc sinh năm 1939 tại làng Láng, xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Phùng Gia Lộc có lúc làm thầy giáo. 

Có thời gian ông là hội viên Hội văn nghệ Thanh Hóa, công tác ở phòng văn hóa huyện Thọ Xuân, ông sáng tác rất nhiều: viết văn, làm thơ, viết kịch, cải lương, chèo, trong đó có rất nhiều vở do ông viết và dàn dựng cho các đội văn nghệ cấp xã. Ông mất năm 1992. 


Phùng Gia Lộc kể lại sau Cái đêm kinh hoàng hôm ấy thì mẹ ông ốm nặng. Phần vì tuổi cao, sống trong nghèo đói, cơ hàn, lại bị tổn thương nghiêm trọng từ cái đêm bọn cướp ngày vào nhà cướp thóc từ “cỗ hậu sự của minh” nên chẳng bao lâu sau bà cụ mất. Thương mẹ, giận mình, Phùng Gia Lộc viết đôi câu đối khóc mẹ, treo trên bàn thờ mẹ:

“Sống giữa cơ hàn nghĩa sinh ký tử quy mẹ an bài cùng đất! “

“Chết trong tức tưởi đành thất kỳ bảo dưỡng con chịu tội với trời! “ 

Nhưng bọn sai nha ở quê anh không chịu nổi. Chúng kéo đến nhà Phùng Gia Lộc, trắng trợn yêu cầu ông gỡ hai câu đối xuống. Ông phân tích giảng giải thế nào chúng cũng không nghe. Những cái đầu bã đậu cắm trên những thân xác nô lệ của chúng sao hiểu nổi văn chương, nghệ thuật. Dọa giẫm một hồi rồi chúng rút đi, nhưng hôm khác, chúng lại đến, bảo chế độ ta làm gì có ai phải “sống giữa cơ hàn và phải chết trong tức tưởi”, rằng câu đối đó là một cách tố cáo, lên án chế độ…  Ông phải phản kích, dọa sẽ kiện về hành vi vi phạm quyền tự do công dân, chúng mới chịu.


Nghe ra mà tưởng chừng sự việc đã xảy trong chế độ cũ thối nát… nhưng không nó chỉ mới xảy ra trong thời tiền đổi mới, một bước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội gần đây mà thôi. 


Đọc lại nhớ lại và xin đừng quên. 

Điều gì đã xảy ra trong quá khứ vẫn có thể sống lại và tái hiện ngày hôm nay 

mnc 

Đầu Tháng Chín 2022


⚜️⚜️⚜️


CÁI ĐÊM HÔM ẤY... ĐÊM GÌ?

Phùng Gia Lộc 

Cuối năm 1983, tôi được ở nhà chờ quyết định về nghỉ chế độ. Chiều chủ nhật, thằng Học con tôi rủ rỉ nói:

- Con bắt được bác Quang ăn bánh cuốn ở hàng anh Minh. Bác đi thồ sắn ở chợ Phúc Địa về. Bác cho mấy bó nhưng con không lấy. Bác dặn con về đừng nói với bố mẹ là đã gặp bác. Nói, hôm nào sang bác đánh chết.


- Hừ! Lại thế nữa...


Tôi buột miệng bảo với con thế, rồi thừ ra. Bạn bè anh em cùng một phòng với nhau mà đi qua không vào. Có điều gì nhỉ?


Sáng thứ hai tôi sang cơ quan ứng mấy cân gạo và định bụng sẽ gặp, trút sấm sét lên đầu anh ấy. Nghe tôi trách, Lê Trung Quang, trưởng phòng tổ chức Ủy ban huyện Thọ Xuân, cười hà hà làm lành thật đôn hậu, dễ yêu:


- Giá có một mình thì tôi vào. Đằng này những bốn binh, khao được, anh cũng liệt. Vả lại, bốn cái xe nặng è, sợ tối.


Là trưởng phòng tổ chức ủy ban huyện, anh cũng để gia đình vợ con đói thiếu. Ra anh còn kém cỏi hơn cả tôi, một kẻ chân chim trần trụi, một tay sắp trở thành "phó thường dân". "Nhà mình cũng bí. Nộp sản đi rồi, lúa đã cạn. Khó mà ăn thấu tết được". Quang lắc đầu bảo thế.


Anh gạn tôi:


- Ông ở đây với tôi đêm nay cho vui. Tôi buồn quá.


Tôi chỉ vào mấy cân gạo đã bó buộc sau xe, bảo anh Quang:


- Phải mang "hàng chiến lược" này về chứ.


Nếu nghe lời Lê Quang Trung nằm lại với anh một đêm, thì tôi đã không thể nào hình dung nổi ở Phú Yên xã tôi Cái đêm hôm ấy là đêm gì...


Có cái "các" quá giang của Lê Trung Quang cho mượn, tôi không phải mất ba đồng tiền đò. Qua sông Chu gió vù vù bên tai, tôi phải kéo vành mũ len, trùm thấp cho đỡ run. Tôi về đến nhà, trời đã sẩm tối, con mực xông ra í a í ẳng vờn chân lên hông. Vợ tôi bế thằng Văn ngủ khì trong lòng, ngồi bên bếp than vỏ cao su um khói. Bên cạnh, thằng cu Thức bốn tuổi đang liến láu. Còn Học - thằng con nhớn đang học bài ở nhà trên.


Thấy tôi về thằng Thức reo lên:


- A bố! Bố về là bố về! Có chi không bố?


- Có cái rét cóng đây này!


Tôi nói rồi dắt xe vào nhà, mở túi gạo, vác xuống bếp khoe:


- Ứng được năm cân gạo.


Bà cụ thân sinh ra tôi mệt đã lâu, thấy tôi về, cũng gượng chống gậy xuống bếp sưởi. Cụ bảo:


- Mẹ Học đi nấu cơm cho bố va ăn!


Tôi hỏi:


- Nhà ăn rồi hả mẹ?


Cái thằng Thức đến là hở miệng, cấm có giấu nó được tí gì. Nó nói:


- Chỉ nấu cơm cho bà với em thôi! Mẹ với anh Học, với con ăn cháo rau má rồi. Bữa nay mẹ luộc rõ nhiều rau cải.


Tôi thấy cay sè trong mắt.


- Thế thì nấu thêm vào. Hết thì tao đi bới đất, nhặt cỏ, van ông vái bà. Làm con người mà miếng cơm chín vào bụng vẫn không đủ thì sống thế nào?


Vợ tôi định cãi câu gì đó, nhưng lại thôi, vội trao thằng Văn cho bà rồi lại mở túi gạo đi vo. Bà cụ nói:


- Rau cải ế nhăn! Đói, chả mấy người mua. Hôm nay mẹ va không đong được gạo. May lấy được đấy, không thì mai gác con lên...


Ngoài cửa gió ào ào, tiếng chó sủa ổng oảng ở đầu ngõ. Có tiếng ai hỏi mua rau cải nhà tôi. Cô Hoa vợ chú Được. Hoa cũng người họ Phùng, gọi tôi bằng bác. Chồng cô ấy là đội trưởng đội sản xuất cũ, nay vừa được rút lên làm trưởng ban định mức, rồi phó chủ nhiệm. Cô vào bếp vừa nói, vừa run:


- Sao năm nay rét sớm thế này? Bác bán cho cháu mấy bó rau cải xào.


Vợ tôi bắc nồi cơm lên bếp, mấy bà cháu phải dồn chỗ cho hai người đàn bà tê cóng này ngồi cạnh bếp hơ tay, ngó chẳng khác những viên đạn bị nén trong cái băng lò xo tròn. Tuy gần bằng tuổi vợ tôi, nhưng là hàng cháu họ, nên Hoa vẫn bác bác, cháu cháu ngon ơ.


- Bác có ngan, gà gì để cho cháu vài cân. Giá mấy cũng được, cháu không quản.


- Còn có vài ba con, phải để hôm sau bà...


Tôi lừ mắt chặn lại câu nói hớ, khiến vợ tôi im bặt. Chả là vì mẹ đẻ ra tôi yếu lắm rồi. Cụ đã bảy mươi lăm tuổi, lại phù nề mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng. Ai cũng bảo khó qua cái đầu mùa Đông này. Vì vậy gia đình tôi đã lo chuẩn bị ngầm, phòng sau khi cụ về cõi. Cái gì vợ tôi cũng bảo dành để hôm sau bà... thành quen miệng. Cau cũng phơi kỹ bỏ be để hôm sau, thậm chí bọt bẹt được đồng rau nào cũng dồn mua ván đóng sẵn áo quan để hôm sau... Ấy nhưng nói đến cái chết, cụ lại giận và làm nau: - Bay trông tao chết à? Tao phải sống để nhìn con cháu được đến lúc sung sướng chứ. Khổ mãi rồi.


Tôi hỏi Hoa để lấp láp câu hớ rồi cho bà cụ khỏi giận:


- Mua đồ nhậu làm gì tối thế này?


- À... mua cho mấy thằng về đội ta thu sản, khuya các hắn đớp. Đội và quản trị thuê khoán cháu nấu.


Vì có chồng ở ban quản trị, cô ấy cũng là loại biết nhiều chuyện "bí mật nội bộ". Hoa thì thò cho vợ tôi biết đêm nay là đêm "đồng khởi" thu sản, tổng vét cả xã. Họ sẽ đổi chéo, công an và dân quân đội này về đội kia, vét bằng hết. Vì đội 12 này là nặng gánh nhất, nên họ sẽ điều về đây những tay cứng cựa. Hoa khuyên:


- Bác có thiếu sản, thì liệu mà xoay đi


- Thế thì tao đét bán rau cho mi nữa.


Vợ tôi toan từ chối, nhưng Hoa nài mãi và có tôi nói vào nên chị chàng mới chịu nghe. Hoa cầm đèn ra vườn soi cho vợ tôi hái. Cô ấy cầm rau, rồi còn đi các nhà bên cạnh hỏi mua gà. Cơm cạn, tôi vần cạnh bếp. Vì không phải ghế độn khoai độn sắn gì nên chín rất mau. Thấy chỉ nấu mình cơm tôi, lòng tôi lại buồn nổi gai. Vợ tôi bế thằng út vào lót cho nó ngủ trong buồng, rồi lấy cho tôi cái bát, đôi đũa. Cuộc chào mời đùn đẩy, nhường nhịn nhau rõ bực.


Tôi lùa hai bát cơm với nước dưa chua, rồi bỏ đấy. Bà cụ nài, rồi tôi dỗ thằng Thức cũng lắc đầu không dám ăn chỗ cơm còn lại. Hắn sợ mẹ. Nhà này, mẹ chúng nó có quyền uy tối thượng. Biết vậy, nhưng tôi cũng sắp trở thành kẻ sống nhờ...


Ngồi ở bếp, tôi hỏi vợ:


- Nhà mình còn thiếu của hợp tác xã bao nhiêu thóc nữa em?


Cô ấy không trả lời tôi mà nói rất vô lễ:


- Có biết thế này, đái tòe tòe vào, chứ tội gì lôi về. Cha đời! Bữa trước thì tuyên bố vớt được nấy ăn nấy, người ta mới hụp lặn xuống nước lụt mà khở (gỡ) từng bông lúa. Nay lại giở trò giảm tỷ lệ!


Tôi vỗ về:


- Thôi! Lụt thì lụt cả làng, em ạ! Em nói xem, so với tổng sản phải nộp, nhà ta thiếu bao nhiêu?


- Một tạ mười hai cân, em đã trình bày với anh Nhà đội trưởng rồi. Thực tế mò được hạt nào đã ăn hết hạt nấy. Mấy lâu nay bán được đồng rau nào mua ăn, không bán được thì nhịn. Đã nói khất rồi. Không cho khất, thì nhà đấy có dỡ được, đến mà dỡ.


- Phải mềm mỏng, em ạ! Khéo bán khéo mua thua người khéo nói! Gia đình mình, con cái mình còn ăn đời ở kiếp nơi đây.


Vợ tôi rền rĩ như sắp khóc:


- Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời...


Ngồi sưởi ở bếp rất lâu, vỏ cao su cháy tàn, đã vạc hai ba đống than, mà chẳng ai muốn nói với ai câu nào nữa. Bà cụ ngồi lâu, mỏi và chán chuyện bỏ đi nằm. Thằng Học làm toán xong, lấy cho bà nồi than, rồi cũng rúc xuống bếp. Hắn đi bốc rơm lót ổ ngay cạnh bếp, lấy ván chắn rồi trải chiếu, ôm chăn ra nằm.


- Ngủ đây mà ấm, bố ạ!


Trong giường thằng Út Văn khóc í óe. Hắn lại đái lạnh đít rồi. Mẹ nó vào quả không sai. Nó được ôm ra bếp sưởi, nằm gọn trong lòng mẹ. Gần một tuổi mà nó còn bắt nhá cơm bón và bú thì hơn con bê non. Lại nhai tòm tọp thế đó! Tôi đùa với con để nó cười sằng sặc cho dịu cơn lo buồn.


Gần mười hai giờ khuya, cả nhà đi nằm. Tôi ngủ với hai thằng oắt trong ổ rơm dưới bếp.


Có điều gì đó bồn chồn và nơm nớp...


Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp xã: từ đội 1 đến đội 15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ đọc bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy về công tác lương thực.


Hoàng Văn Nhân, đội trưởng đội 12, đọc trên loa danh sách những nhà thiếu thóc chưa giao nộp cho hợp tác xã. Đèn đóm soi rừng rực ở các ngã đường. Chó sủa ơi là chó sủa. Cũng cái loa phóng thanh ấy, có tiếng ông chủ tịch xã gọi cán bộ về đội 12 hội ý.


Ông trưởng công an xã Nguyễn Đình Định gào rát cổ trên loa, giọng giật giội gọi lực lượng dân quân, công an tăng cường về chi viện cho đội 12, tạo đà cho đội hoàn thành chỉ tiêu huy động. Tôi rùng mình nghĩ đội tôi là đội trọng điểm, nên cán bộ xã, hợp tác xã, vón cục cả về đây. Họ sẽ gõ cho ra chục tấn thóc còn tồn sổ.


Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc. Tiếng chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹch như bị chọc tiết ở các nhà gần quanh, làm thằng Út Văn khóc thét lên, ôm riết lấy mẹ. Thằng Thức cũng im thin thít, nằm co trong lòng tôi không dám cựa. Bên nhà ông Ái, láng giềng cách vườn nhà tôi một hàng rào, công an và dân quân đang lùng sục. Tiếng ông bà Ái kêu xin và tiếng quát lác, tôi nghe rõ mồn một.


- Cứ bắt lấy cái xe đạp! Phích, xô, bắt ráo!


Ở cổng nhà tôi đã có bước chân rình rịch, con chó mực đang có chửa bị quất, kêu ử ử.


Cạch cạch cạch.


- Chị cò Lộc, mở cửa ra!


Tiếng thằng bé trong buồng khóc thét. Thằng Thức đang ôm tôi, nghe em khóc cũng òa khóc toáng lên. Thằng Học mười hai tuổi đã học lớp tám rồi, mà cũng níu lưng tôi run bắn. Nghe tiếng quát lần thứ hai, từ nhà bếp, tôi chạy lên. Một luồng đèn pin soi giữa mặt làm tôi lóa mắt, phải lấy tay che.


- Có chuyện gì đấy, các bạn trẻ ơi?


- Thu thóc, thu thóc chứ còn gì, ông đừng hỏi vờ.


Vợ tôi đã mở toang cửa, tay ôm thằng bé ngất lịm. Một anh, hai anh... bốn anh bạn trẻ ùa vào nhà. Anh đi đầu cao to, tóc cắt tăng gô, mặc áo bông thùng thình, soi đèn pin rồi đánh diêm châm cái đèn hoa kỳ ở bàn thờ. Có lẽ Tâm "hộ pháp" là người này. Phải, tôi đã thấy anh ta đứng chân hộ vệ giữa, trong một cuộc đá bóng với xã khác. Tay anh cầm cái choòng sắt cỡ ngón tay cái. Vợ tôi mời họ ngồi ghế. Bà cụ đang ốm ở giường bên cũng cố ngóc dậy, run rẩy chào.


Theo danh sách đội báo, chị còn thiếu hơn tạ thóc. Yêu cầu chị đem nộp ngay!


Bà cụ tôi đáp thay con dâu:


- Các bác các anh ơi! Có còn cái gì mà nộp. Các anh và các bác không thấy đàn con hắn đói xanh đói trong đi à? Các bác không thấy tôi cũng phát phù phát nề, vàng cây úa lá đây à?


- Chúng tôi không hỏi mụ nghe chưa?


Cả bốn người cùng soi đèn pin khắp nhà trong, nhà ngoài, dưới bếp, bên chái. Hai người tuông soi cả trong vườn rau. Vợ tôi mếu máo:


- Làm gì có lúa để ngoài ấy. Các anh xéo nát cả rau.


Tôi chạy ra trụ sở đội, định tìm cán bộ trình bày. Chủ tịch Phê, bạn dạy học với tôi ngày trước, đi bộ đội về giải nghệ, vào cấp ủy, đang đứng đấy. Thấy thế tôi mừng quýnh. Lại thấy cả Phùng Gia Miện anh họ tôi, làm bí thư đảng ủy cũng có mặt, tôi càng yên trí. Nhưng thấy tôi họ quay đi lảng tránh.


Anh Miện bảo nhỏ tôi:


- Chú về động viên gia đình thanh toán bằng đủ, nhà mình là cán bộ. Không có thóc thì nộp bằng tiền. Lãnh đạo đã nhất trí cho nộp cả bằng tiền rồi đó.


Tôi đang định nói: "Đã không có thóc thì làm cóc gì có tiền", nhưng anh họ tôi đã dịu giọng:


- Ở đội trên, hắn bắt cả anh Thiện, anh ruột tôi, mà tôi cũng phải điếc đi... "Mất mùa màng, lợi ích thứ ba của người lao động phải hy sinh cho lợi ích của nhà nước". Đồng chí bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị thế, chú biết rồi đó.


Lúc ấy ở trụ sở, công an, dân quân đã khuân về nào xe đạp, bàn ghế, tủ, chum vại, thùng tôn, lợn gà... để ngổn ngang ra tận ngõ. Tên chủ nhà thiếu thóc đề chữ bằng phấn trắng vào các đồ vật: Ông Ất, ông Do Khả, ông Hưng, ông Hồng, ông Khính (mẹ đẻ cô Hoa, mẹ vợ chú Được phó chủ nhiệm)... Mấy con bò bị bắt cột gần đó sợ đèn, sợ đám đông cứ lồng lên, chực bứt mũi. Chúng xoay vòng quanh, mgửa lên mặt kêu "hấp bồ", "hấp bồ"...


Tôi loạng choạng đi về nhà, thấy người ta đang còn soi đèn tìm rất kỹ. Tôi nói:


- Các người anh em soi tìm gì cho mất công. Nhà tôi xin khất đến mai, tìm cái bán chác, nộp tiền bằng đủ.


Anh đầu tốp nháy nháy mắt ra hiệu.


- Đêm nay là đêm nay! Mai chúng tôi mất thưởng ai chịu cho?


- Bắt cái xe đạp ni, bay!


Hai ba anh chạy lại. Tôi từ tốn ngăn họ:


- Các đàn anh ơi! Tôi không làm ruộng sản mà. Đây là xe đạp nhà nước cấp cho tôi để tôi đi công tác. Các vị bắt cái này không được đâu.


- Nếu chúng tôi cứ bắt thì sao?


Tôi loáng nghĩ được một mẹo. Rút cái "thẻ hội viên Hội văn nghệ tỉnh" ra, tôi nói:


- Tôi phản đối! Tôi là "nhà báo"! Tôi sẽ kiện lên tận ông Đồng.


Nước cờ của tôi không ngờ lại có hiệu quả. Họ im lặng. Hẳn họ đã biết tên tôi dưới những bài đăng nào chăng.


Chợt vị "hộ pháp" nhìn chằm chằm vào cỗ quan tài để dưới gầm bàn thờ, rồi đi lại, vừa gõ vừa hỏi:


- Cái gì trong này, chị Lộc?


Im lặng...


- Cái gì trong này, chị nói mau?


Vợ tôi ấp úng. Tôi muốn tắc thở.


- Có cái gì đâu...


Mấy vị hăm hở lại, đạp lật nghiêng một cái. Nắp ván thiên bung ra, lúa chảy rào rào. Cả toán reo lên như một hiệp đào vàng trúng vỉa:


- A! Lúa! A lúa! Lúa! Anh em ơi. Ghê thật! Thế mà giả nghèo giả khổ.


Mẹ tôi chống gậy vái dài:


- Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh! Lúa của tôi. Đó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt.


Thực ra là của hai bà chị trong đó mỗi người có mười cân thôi. Ba mươi chín cân tiêu chuẩn hai tháng vừa qua tôi lấy về, còn lại là hơn bốn mươi cân, vợ tôi đong để dành "hôm sau" cho bà.


Bà cụ nói như rên rẩm:


- Đã bảo xay phứa đi cho con nó ăn không nghe. Cứ bóp mồm bóp miệng, để dành làm chi. Sống chả thấy đâu nữa là!


Một tay râu tóc lồm xồm hỏi:


- Chị có gánh đi hay không thì bảo?


Một tay khác tôi hơi quen mặt, đến trước vợ tôi lạy lia lịa:


- Thôi em xin bà chị. Em đi làm ở đây thế này, nhưng lại có bọn khác đến chỗ em làm ác y hệt. Nhà em cũng thiếu mà. Chị không gánh, để cánh này bê cả hòm ra, chị phải chịu hai chục công là ít, chưa nói phạt tiền.


Họ xúm vào khiêng bàn thờ ra, để lôi hòm lúa. Bất đồ hai thằng Học và Thức từ bếp tuôn lên, ôm lấy tay chân chư vị, van rối rít.


- Cháu van các chú! Các chú đừng lấy lúa này đi. Lâu nay các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!


- Buông ra đi! Ô hay, đồ con nít!


Bà cụ loạng choạng đi lại, giơ gậy cản:


- Các ông không thương trẻ, thì các ông thương lấy thân già, để lấy phúc đức cho con cháu.


Vì họ đá vấp gậy, lại yếu như con căng cắc lột, bà cụ ngã chỏng queo như chiếc ghế đổ.


- Ối Đảng ôi là Đảng ôi! Chính phủ ôi... Trông xuống mà coi...


Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:


- Mẹ! Mẹ không được la như thế! Đây không phải Đảng! Đảng ta không làm thế. Đảng không chủ trương thế này!


Tôi nói vậy và ngoặp hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra. Hai vợ chồng xúc hết lúa ra thúng bì. Dặn thằng Học trông em, ngó bà, tôi cùng vợ hì hục gánh thóc ra trụ sở nộp...


Đoạn cuối này tôi dành cho anh Quang.


Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng thấy cứ phải nói ra.


Chuyện thật của nhà anh đây: lúa vay ăn còn nợ bảy tạ, con Lâm, thằng Sơn phải đi mò hến từng bữa, chị ấy nấu bánh đúc đi các làng đổi lúa. Anh mà nói ra, người ta cho là anh bêu riếu. Việc thật ở nhà tôi đêm 26 tháng 11 năm 1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?"


PHÙNG GIA LỘC 

Cuối năm 1987

Sunday, August 4, 2024

BA NGƯỜI LÍNH





Tượng Ba Người Lính

Chiều hôm qua, tôi có chút việc phải ghé qua vùng Midtown Houston. Tìm một chỗ đậu xe đã khó, lại càng khó hơn vì sau cơn bão Beryl, cây cành gãy đổ còn ngổn ngang bên lề đường.
Phải đậu xe xa hơn vài khúc đường và đi bộ đến nơi cần đến.
Trên đường Dunlavy, tình cờ tôi nhìn thấy tượng ba người lính màu đồng đen, to lớn như người thật trên một bệ cao, sát bên vệ đường nằm trong một khu đất nhỏ, có lẽ của tư nhân, nhuốm vẻ hoang phế, mặt tiền hướng ra đường phố, có hàng rào sắt cũ kỹ bao quanh. Phía sau có một car port mái che bằng tôn đã bị gió lật ngửa trên mặt cỏ dại đầy cành nhánh cây gãy ngổn ngang càng tăng vẻ ảm đạm của cảnh vật.
Từng là một người lính trước đây, đồng cảm nên tôi tò mò dừng lại để quan sát.
Sống ở Houston hơn 30 năm, đây là lần đầu tiên tôi mới được thấy khu tượng đài ba người lính này; nhưng trông rất quen như đã từng gặp đâu đó trong đời.
Tôi tính lách vào bên trong qua cánh cổng sắt long chốt khoá, đủ để ép người chui lọt qua…nhưng nghĩ lại không ổn, nên chỉ chụp hình qua khe cổng hở.
Hàng chữ dưới chân tượng đài tróc sơn gần như không đọc được vì hàng rào và cỏ hoang mọc lởm chởm che khuất tầm nhìn. Tôi chỉ nhìn thoáng qua được dòng đầu “Gen. H. Norman Schwarzkopf …” Tên ông tướng Mỹ này thì tôi biết rất nổi tiếng từng chỉ huy chiến dịch Bão Sa Mạc những năm đầu thập niên 90 trong Chiến Tranh Vùng Vịnh mới đây thôi, và trước 1975, ông có tham chiến ở Việt Nam. Tôi chỉ biết và nhớ đến đấy thôi và vội chụp vài tấm hình,
“Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.”
Nhưng cũng phải vội rời đi đến nơi hẹn vì đã khá trễ. Trong đầu vẫn còn hình bóng ba người lính: Một người lính Mỹ to lớn cùng một người lính Việt Nam nhỏ con hơn, dìu một đồng đội cũng người Việt bị thương khắc trong tượng đài vừa chú mục.
Rồi lẩn quẩn nghĩ tượng đài chắc đứng đó đã lâu, giờ hoang phế điêu tàn
Nơi đây phố xá thị thành
“Mà sao hương khói vắng tanh thế này” ( Kiều)
Xong việc, về đến nhà mới lục lọi tìm tòi lai lịch của tượng đài ba người lính đã thấy lúc ban chiều nhưng tìm mãi vẫn chưa ra tung tích. Chỉ thấy chi tiết và hình ảnh tượng đài hai người lính Mỹ Việt trên đường Bellaire là nhiều nhất.
Lục lạo miết, tôi mới tìm thấy một chi tiết nhỏ trên Flick.com cho biết một bác sĩ người Việt ở Houston đã làm đài tưởng niệm này để vinh danh Tướng N. Schwarzkopf, khi đó là thiếu tá cố vấn một Tiểu đoàn Dù VN đã liều chết cứu được nhiều thương binh Việt Nam trong chiến trận và đã được Chính phủ Hoa Kỳ trao tặng huy chương Ngôi Sao Bạc vì lòng dũng cảm của ông mà hình tượng được khắc họa lại như tôi đã thấy
“Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.”
“Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người đứng đó biết sau thế nào ?”
Tài liệu của Flick không cho biết tên vị bác sĩ Việt Nam nào ở Houston đã có công thực hiện bức tượng trên có lẽ được đặt trên mảnh đất riêng của ông nơi đường Dunlavy và từ đâu dẫn đến cảnh hoang tàn không ai quan tâm chăm sóc đài tưởng niệm này.
Rất mong những vị có trách nhiệm đại diện Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston quan tâm đến Đài Tưởng Niệm này và có thể đặt nó vào một vị trí xứng đáng hơn chẳng hạn nơi khuôn viên trụ sở Cộng Đồng… @
Mong lắm thay!
Trân trọng tri ân
mnc
“There's nothing wrong with being afraid. And true courage is not not being afraid. True courage is being afraid, and going ahead and doing your job anyhow, that's what courage is.”
General H. Norman Schwarzkopf Jr.(1934-2012) Commander, Operation Desert Storm

Tuesday, June 11, 2024

ĐƯỜNG THI - LÝ THIỆP



Dẫn: 

Lý Thiệp 李涉 năm sinh mất và tự không rõ, tự hiệu Thanh Khê Tử 清溪子, sống khoảng trước sau năm 806, người Lạc Dương. Ông thuở nhỏ làm khách ở Lương Viên, sau gặp loạn tránh xuống phương nam, cùng em là Lý Bột 李渤 cùng ẩn cư ở ngọn dưới Hương Lô, dãy Lư Sơn, sau ra làm quan. Đời Hiến Tông, ông làm Thái tử thông sự xá nhân, không lâu sau bị biếm làm Giáp Châu tư thương tham quân, ở đó 10 năm thì được tha về Lạc Dương, ở ẩn trong nhà nhỏ. Đời vua Văn Tông, ông làm Quốc tử bác sĩ, người đời gọi là Lý bác sĩ.


ĐĂNG SƠN 

Chung nhật hôn hôn tuý mộng gian,
Hốt văn xuân tận cưỡng đăng san.
Nhân qua Trúc viện phùng tăng thoại,
Hựu đắc phù sinh bán nhật nhàn

Lý Thiệp 



 

昏昏


 

李涉

 


Đăng sơn


Lên núi 


Suốt ngày say tỉnh vẫn mê man
Lên núi chơi xuân kẻo sắp tàn
Lại được chuyện cùng sư viện Trúc
Cõi đời tạm được nửa ngày nhàn


Cao Nguyên mnc 


Lên núi 

Tỉnh say cõi mộng suốt ngày,
Vội lên núi, sợ rồi đây xuân tàn.
Gặp sư viện Trúc chuyện bàn,
Cõi đời tạm được chút nhàn một hôm.


mnc 




送妻入道


人無回意似波瀾,

琴有離聲為一彈。

縱使空門再相見,

還如秋月水中看。


李涉


Tống thê nhập đạo


Nhân vô hồi ý tự ba lan ,

Cầm hữu ly thanh vị nhất đàn .

Túng sử không môn tái tương kiến ,

Hoàn như thu nguyệt thủy trung khan .


Lý Thiệp

Quyển 477_50 


  Tiễn vợ đi tu


Người không về như sóng trôi đi,

Đàn vẳng lên từng tiếng biệt li.

Giả sử cửa thiền mà gặp lại,

Trăng thu bóng nước đẹp làn mi.


Cao Nguyên mnc 

Tuesday, May 7, 2024

PHÂY BÚC TỰ TRÀO



Lên "phây" khoe cháu lại khoe con

Khoe tấm dung nhan vẫn chửa mòn

Khoe những buồn vui cùng thế sự

Ngứa tay nguệch ngoạc mấy câu "còm"

Ẩn sau những tấm tình bằng hữu

Là cả tấc lòng với nước non 

Thỉnh thoảng lại còn ăn bánh vẽ 

Tuy là bánh ảo vẫn ăn ngon 

mnc

May 6 . 2015





Saturday, March 9, 2024

Đọc XUÂN VẪN THA HƯƠNG

 



Đọc lại bài thơ dài trăm câu một vần của Nguyễn Bính từ hôm rằm tháng Giêng đến giờ vẫn “cảm quân triền miên ý”
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu Đem chi xuân lại gợi thêm sầu? . Cứ thế hàng năm mỗi mùa Xuân tha hương tôi lại nặng lòng ly khách. Xưa Nguyễn Bính chỉ mới xa quê xứ Bắc lưu lạc vào Nam, cũng cùng trên một đất nước, mà nỗi buồn tha hương đã thống thiết đến độ trải tâm sự qua hai bài thơ dài Xuân Tha Hương và Xuân Vẫn Tha Hương dằng dặc nỗi niềm.
“Chén rượu tha hương trời: đắng lắm!
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông.” (Nguyễn Bính - Xuân tha hương – Huế 1942)
Ấy là nhà thơ chỉ xa quê hơn 600 cây số đường Nam Bắc. Đâu như chúng ta, tha hương qua nửa vòng trái đất thì nỗi quan hoài mang mể biết bao. Niềm tư hương laị day dứt trong lòng người xa xứ mỗi khi Xuân về Tết đến “Bây giờ cố quận tên là chiêm bao”
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ mà đau đớn lòng
Một sớm ranh rang ngồi đọc lại bài thơ dài Xuân Vẫn Tha Hương của Nguyễn Bính mà cảm hoài liên ý viết nối thêm đôi vần
Mời quý bạn cùng đọc :
XUÂN VẪN THA HƯƠNG
Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió;
Xuân này em chị vẫn tha hương,
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
Son sắt say hoài rượu bốn phương.
Em đi non nước xa khơi quá!
Mỗi độ xuân về bao nhớ thương;
Mỗi độ xuân về em lại thấy,
Buồn như tên lính ở biên cương.
Thời chưa gặp đỏ, nằm xuông mãi;
Xuông cả ân tình rượu cũng xuông.
Trước mặt bút nghiên, sầu tịch mịch,
Quanh mình chăn chiếu rộn tang thương.
Một thân quán trọ sầu phong tỏa.
Đốt ngọn đèn lên, bóng rợn tường.
Đêm ba mươi Tết quê người cũng,
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương.
Chị ạ, em không người nước Sở
Nhớ nhà đâu mượn địch Trương Lương.
Đất khách tình dâng hoà mắt lệ,
Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương!
Từ em lưu lạc ngoài muôn dặm,
Một đoạn đường đi một đoạn trường.
Cửa quan chẳng mở, đầu Viên bạc;
Tri kỷ không ai, mắt Tịch cuồng.
Thôn dã từng quen mùi đạm bạc,
Thị thành thêm chán miếng cao lương.
Vụng tính bỏ rơi đi hạnh phúc,
Xảy ra đánh vỡ mất thiên đường.
Trăm ván cờ cao, trăm ván bại,
Nước người thêm thẹn tiếng mang chuông.
Trò đời cúi mặt xem thiên hạ,
Thực đáng cười thay, thực đáng thương!
Trọc phú ti toe bàn thế sự;
Đĩ già tấp tểnh nói văn chương.
Đã coi đồng bạc như non Thái,
Lại học đòi theo thói Mạnh Thường.
Lẳng lơ đi võng, đi tàn cả;
Gái chính chuyên kia đứng vệ đường.
Đất đổi hoa màu, nhà đổi chủ,
Trâu quên mục tử, ngựa quên chuồng.
Thay đen đổi trắng bao canh bạc;
Vẽ nhọ, đen râu mấy lớp tuồng.
Trói vo hồn lại ba đồng bạc,
Bán rẻ đời đi nửa đấu lương.
Chao ôi! Giả dối, ôi mai mỉa!
Sống chật phồn hoa một lũ Mường.
Chị ơi, tất cả là vô nghĩa,
Chả nhiễu điều nào phủ giá gương.
Tay trắng bạn bè đều tránh mặt;
Sa cơ thân thích cũng khinh thường.
Sông lạnh thấy đâu người gọi gió;
Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm.
Áo xanh bạc nửa màu sương gió,
Xót kẻ ăn nằm trong gió sương.
Đầy vơi tâm sự cùng ai tỏ,
Mộng lạnh đêm xưa, chiếu lạnh giường.
Quê nhà gối chiếc, thôi rồi kẻ,
Chia nửa vầng trăng với dặm trường.
Son phấn hững hờ niềm sắt đá,
Sông hồ vò võ nỗi yên cương.
Chị ạ, duyên em mà chẳng đẹp,
Chỉ vì không đọc chuyện Tây Sương.
Người yêu buổi ấy lên xe cưới,
Cũng khóc cho tròn ý nhớ thương.
Khấp như xử nữ vu quy nhật.
Lệ có thành sông, chuyện cũng thường.
Trò đời chẳng hẹn nhau lần gặp;
Đập nát cho rồi nửa mảnh gương.
Duyên mới đẹp lòng người xử nữ;
Đầu sông ai nhớ cuối sông Tương.
Tàn lạnh lòng em từ buổi ấy,
Vơi tình thôi hết cả tơ vương.
Chị ở quê chồng, xuân có đẹp?
Con đò bến cũ có thê lương?
Nêu cao, pháo nổ, trầm thơm ngát.
Hoa bưởi, hoa cam rụng ngập vườn.
Mưa xuân rắc bụi quanh làng mạc,
Gái lịch, trai thanh chật phố phường.
Lá lộc hồ tơ, tay ngọc hái,
Sông hồ vò võ nỗi yên cương.
Nhưng dù Tết đẹp hay xuân đẹp,
Chắc chị chưa hề nguôi nhớ thương.
Người đi buổi ấy tàn hoa phượng,
Cõi Thục xa xôi mấy dặm trường.
Phong ba từ nổi trong đời chị,
Tóc rối xuân xanh, má nhạt hường.
Qua đò mấy độ sầu sông nước,
Dệt mộng bao lần tủi phấn hương.
Tháng hẹn chờ rơi cơn lá úa,
Đêm Tần đợi khuyết cái trăng xuông
Chỉ tổ tài cao, trời đất ghét,
Một thân oan khổ có trăm đường
Cuối thu mưa nát lòng dâu bể,
Ngày muộn, chuông đau chuyện đá vàng.
Em thường cầu nguyện thường van vái,
Một sớm thanh bình mặt đại dương.
Bao giờ em được về quê cũ,
Dâng chị bài thơ xuân cố hương.
NGUYỄN BÍNH
🔥🔥🔥
Bài thơ “trăm câu một vần” của Nguyễn Bính trùng điệp chữ như một trường ca ý thơ cuồn cuộn như nước chảy huê trôi, cảm tình liên ý chạy theo đến hụt hơi đuối sức. Cảm ơn người thơ xưa trong mùa Xuân Ly Hương thứ 44 trong đời.
(mnc họa nguyên vận )
XUÂN VẪN THA HƯƠNG
mnc
Thêm một mùa Xuân nơi đất khách
Mấy chục năm dài biệt cố hương
Tàn đông lòng chợt bâng khuâng quá
Xuân này thêm một Tết tha phương
Tám hướng mịt mờ mây viễn xứ
Quê nhà một góc vẫn hoài thương
Xuân về mỗi độ gây niềm nhớ
Và nỗi buồn như ngựa lỏng cương
Tâm viên ý mã … năm hồ hết
Một mình ngồi rót chén rượu xuông
Trời đã vào Xuân rồi lại Tết
Chập chùng hình bóng cũ nhớ thương
Quê người xuân vẫn tươi màu nắng
Vẫn thấy lạnh sao bốn bức tường
Hoa xuân vẫn nở khoe sắc thắm
Có kẻ phương này nhớ một phương
Phương nào cũng một màu mây trắng
Lòng buồn nên cũng thấy thê lương
Mây Tần kia ơi cho ta nhắn
Gửi nhớ thương về chốn cố hương
Rượu rót trầm ngâm không muốn nhắp
Vì nghe đã lạnh khúc hồ trường
Nghìn dặm quê nhà xa lăng lắc
Lòng chợt hoang mang đến phát cuồng
Đồng thiếp trong mơ về cố xứ
Gối chăn gác lạnh đến thê lương
Quá nửa đời người thân lưu lạc
Còn mong chi nữa cuối con đường
Khắp trời mờ mịt mây viễn xứ
Chùa đâu hoang lạnh một tiếng chuông
Chim Việt cành Nam sầu ly khách
Khắc khoải canh dài tiếng bi thương
Đêm trường chích bóng hồn du mục
Hóa thân theo bước Hạ Tri Chương
Hoang mang linh lạc về cố quận
Đất lẫn người nay rất lạ thường
Lưu Nguyễn ngày xưa chừng cũng vậy
Lạ mắt lạ tai đứng hỏi đường
Nửa thế kỷ dài người đông đúc
Nhìn ra rối mắt mắt lũ lộn chuồng
Đất chẳng sinh sôi nên đất hiếm
Người đông kẻ trọc đóng vai tuồng
Nghĩ buồn quay gót chân Từ Thức
Ngẫm đời như một giấc hoàng lương
Cố kinh chìm dưới màu mây xám
Dáo dác lao xao rặt mán mường
Một bước trần ai thôi đủ ngán
Đối bóng bạch đầu đứng trước gương
Lại nhớ Đặng Dung ôm quốc hận
Khúc Thuật hoài nghe quá dị thường
Thù nước chưa xong đầu đã bạc.
Dưới trăng mấy độ vẫn mài gươm
Nhớ lại biết bao người thuở trước
Một thời từng gối súng nằm sương
Sa cơ cũng lắm Trần Bình Trọng
Nam nhi há chết một góc giường
Kẻ sống không bằng người đã chết
Xương máu còn in hận chiến trường
Cơ đồ một sớm tan tành mộng
Ngựa hồng mỏi vó chốn biên cương
Thất thế mới ra thân ly khách
Khắc khoải đêm dài cuốc kêu sương
Đỗ vũ hoang mang hồn Thục Đế
Nghe ra tận tuyệt nỗi đau thương
Chim Việt ngựa Hồ càng cám cảnh
Buồn nỗi ly hương cũng khác thường
Ngoảnh về đất cũ bao năm nữa
Đêm dài lịch sử vẫn mờ gương
Quyền thần vẫn muôn năm trường trị
Lòng người hồ cũng nát như tương
Quan lại thời này như hổ báo
Lên voi thời tranh bá đồ vương
Xuống chó xin làm người tử tế
Khác nào gái đĩ phải hoàn lương
Xuân vẫn tha hương nơi đất khách
Tìm vui sân trước với sau vườn
Rượu bao lăm chén làm thơ nát
Sấp ngửa bàn tay cũng một phường
Ngô Việt một nhà ôn việc cũ
Thế nên mới có Việt Vô Cương
Loay loay Tề Sở không nên chuyện
Mất nước đến giở cũng đáng thương
Tết đến một mình khôn đọc sách
Cổ thư toàn những chuyện chiến trường
Người lính già bỗng dưng hoài cảm
Bâng khuâng lòng tiếc lục phai hưởng
Ừ nhỉ ! Xuân về! Xuân về thực,
Xuân tha hương Xuân vẫn tha hương
Buồn tìm trong ý thơ người trước
Nối vận là duyên họa thơ xuông
Thơ vụng nên ghép vần cũng vụng
Chén tỉnh chén say tưởng cuối đường
Thơ nát bên hồ trường đã cạn
Chiều nghiêng nghiêng xuống chiều đã vàng
Ngày xuân vọng tưởng về quê mẹ
Cách một phương trời cách đại dương
Chẳng biết sẽ còn bao lâu nữa
Hẹn một ngày về quy cố hương
mnc
Cuối tháng Giêng ta
-