Sunday, December 4, 2022

T Ố N G B I Ệ T



T Ố N G   B I Ệ T 
“Đản khứ mạc phục vấn,
Bạch vân vô tận thì! . 
Vương Duy
(Xin đừng hỏi nữa Bạn ơi! 
Đầy trời mây trắng muôn đời vẫn bay) 

Tống biệt là tiễn đưa là chia ly là kẻ ở người đi nhuốm màu buồn thương, tống  biệt  vẫn là đề tài sáng tác của thi nhân muôn thuở. Tống biệt thường nhuốm màu sắc của Đường thi. Chốn giang đầu bằng hữu tiễn biệt nhau, nơi bến sông hay bên cầu bịn rịn phút chia tay đôi lứa đôi nơi
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san. (Kiều) 

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền
Dặm  hồng bụi cuốn chinh yên 
Trông người đã khuất mấy miền dâu xanh. ( Chinh phụ ngâm) 

Tống Biệt của Tản Đà đầu thế kỷ XX nơi chốn Thiên Thai nhuốm màu liêu trai 
“Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi”:
Hình bóng người đi như 
“Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ.
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi..” 
(Tản Đà . Tống Biệt, 1922) 

và Tống Biệt Hành của Thâm Tâm mới là bài hành đưa tiễn khảng khái u trầm của nhiều thế hệ thanh niên thời chiến chúng tôi. Tiễn biệt, chia tay .. lên đường, ra đi … Ừ ! Ra đi …mà biết về đâu nhỉ? Đã nhuốm chinh yên khắp bốn trời … Cứ đi … cứ “Giã nhà đeo bức chiến bào, Thét roi cầu Vị ào ào gió thu” 
Thế mới là 

Tống biệt hành 

Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu cay
Thâm Tâm 

Buổi sáng cuối tuần đọc lại những bài Tống biệt mà cảm khái vô cùng thiên địa mang mang… đến như nhà sư thi nhân Tuệ Sỹ cũng Tống biệt hành 
Tống biệt hành của sư chỉ một bước đường nhưng âm âm khí lạnh bờ sông Dịch của Đường thi
 “Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?” 
“Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thuỷ do hàn” (Lạc Tân Vương. Dịch Thuỷ tống biệt) 
(Người xưa đã khuất bóng mờ 
Nước sông Dịch đến bây giờ lạnh căm)

Tống biệt hành 

Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?

Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi

Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa

Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh

Tuệ Sỹ 
NhaTrang 1977

Rồi mời đọc thêm một bài Tống biệt hành của nữ sĩ Vi Khuê thời hiện đại, khẩu khí thơ nào khác gì nam giới 

Tống biệt hành 

Ta tưởng ngươi
đi về phương đông
Ta rót cho ngươi
chén rượu hồng
Rượu sẽ mềm môi
ngươi sẽ khóc
Ta cười. Ngươi
có hiểu gì không?

Ta tưởng ngươi
đi về phương tây
Ta rót cho ngươi
chén rượu đầy
Rượu sẽ làm cay
đôi mắt ướt
Ta nhìn, lệ rớt
giữa lòng tay...

Ta tưởng ngươi
đi về phương nam
Ta rót cho ngươi
chén rượu tràn
Rượu sẽ làm hoen
thân áo bạc
Ngươi về. Khật
khưỡng dưới vầng trăng.

Ta tưởng ngươi
đi về phương bắc
Ta rót cho ngươi
chén rượu ngọc
Rượu sẽ vì ta
nói với ngươi
Vĩnh biệt. Đừng
quay nhìn ngõ trúc.

Ta tiễn ngươi! Ôi!
Ta tiễn ngươi
Rừng phong không gió
trời không mây
Hoa đâu. Để
ngát thơm vườn Ngự
Ta tiễn ngươi mà
ta tiễn ngươi!

Vi Khuê 
2015
  
Ta tiễn người hay ta tiễn ta 
Đọc Tống biệt hành lại nhớ Hồ trường…

Tống biệt 

Tiễn người nghiêng chén rót về Đông
Rượu như sương tỏa đóa mây hồng
Cả một bình minh trong hơi rượu
Ta tiễn người  đi ! Có buồn không 

Tiễn người nghiêng chén rót về Tây 
Mưa Tây Sơn! nước đã dâng đầy
Khà lên hơi rượu câu tống biệt 
Mà đôi mái tóc ngả mầu mây

Tiễn người nghiêng chén rót về Nam
Trời Nam cuồn cuộn sắc khói lam 
Bốn trời mờ mịt mây cố xứ
Dục phá thành sầu vẫn chưa tan

Tống biệt rượu nghiêng về Bắc phương 
Người đi thêm luống những đoạn trường
Cười lên một trận buồn nghiêng ngả
Lệ phong kín nỗi, lệ như sương 

Đưa người rượu rót khắp tứ phương 
Màu men màu mắt rợn nghìn chương
Tiễn người!  ta tiễn ta !  một thể
Cười lên nghiêng ngửa cõi vô thường

2017 
mai ngọc cường


 

Thursday, November 10, 2022

HOÀI NIỆM MIỀN NAM

 Sáng dậy sớm lục soạn lại tủ sách, tình cờ một tập sách mỏng, nhỏ và cũ kỹ rơi ra. Nhặt lên đọc mới biết đó là tập Bài hát Công dân Lớp sáu của Vũ Thanh Tuyền do Trung Tâm Học Liệu . Bộ Giáo Dục (VNCH) ấn hành lần thứ nhất 10.000 cuốn vào năm 1973 với giá bìa $35 (tiền VNCH). 

Sách in typo, 36 trang kể luôn bìa, gồm 30 bài hát giáo dục Công dân cho lớp 6, đã đem vào Chương trình Phát thanh học đường do  Trung Tâm Học Liệu . Bộ Giáo Dục (VNCH) niên khóa 71-72 và 72-73. 


Tôi cũng không nhớ là có tập bài hát giáo dục này và nó đã nằm trong tủ sách của tôi bao năm nay, nhưng rõ ràng tuổi đời của nó đã 50 năm. 

Nửa thế kỷ đã trôi qua trên nhưng trang giấy vàng ố dấu vết của thời gian. 

Những bài học Công dân lồng trong những dòng nhạc kẻ với nhịp 2/4 dễ hát với những lời cũng dễ thuộc, như bài ca dao để học sinh học thuộc lòng thời xa đó. Như trong Bài 1 Không phùng phí vật phẩm : 

“Thức ăn thức uống hằng ngày. 

Áo quần cùng với dép giày nhỏ to.

Bút sách cha mẹ sắm cho. 

Em đừng hoang phí phải lo giữ gìn” 


Hay, Bài 13 : Nguồn gốc tổ tiên. 

“Ta tự hào là con Rồng cháu Tiên. Dòng Lạc Hồng bốn ngàn năm văn hiến. 

Ngày mồng 10 tháng 3 nhớ chớ quên. 

Người khắp chốn cùng nhớ ơn tổ tiên. ”


Những bài hát đơn giản như những bài ca sinh hoạt thanh thiếu niên Hướng Đạo đầy tính cách giáo dục này, sao tôi chưa có lần nào được nghe qua nhỉ?! 

Những năm mà tập sách này được lưu hành trong học đường miền Nam là những năm tôi sắp trở thành cậu giáo trẻ dạy Trung học. 


Nếu không có 30/4/75 thì cuộc đời cậu giáo đã không đi vào ngã rẽ tối tăm cũng giống như tập sách hay này giấu mình trong bụi mờ trong ngăn tủ thời gian. 

Cho đến hôm nay 

May mà còn có cơ duyên tìm lại được. 

Xin chụp lại từng trang sách cũ, đưa lên đây. Mong rằng có ai tâm huyết nhìn thấy và hy vọng các bài ca giáo dục công dân tốt đẹp này có cơ may trở lại cuộc sống để giúp ích phần nào cho các thế hệ trẻ Việt tương lai.  

Mong lắm thay. 


mnc

5/11


NHỮNG QUYỂN SÁCH CŨ

 


Những quyển sách cũ đã nằm phủ bụi rất lâu trong tủ sách nhà tôi, từ khi e-book và audio book ra đời. Chúng chỉ còn là kỷ niệm không rời của một thời yêu sách, mê sách … bây giờ chữ nghĩa được sờ tận tay như những trang sách giấy chỉ lộ diện trong những lúc rảnh rỗi lau chùi bụi bặm và nhìn ngắm đôi phút trước khi sắp lên kệ như cũ. Thiệt là cảm hoài cho sách vở thời @ 

Nhớ bài học thuộc lòng từng ê a thời tiểu học 

Đọc sách phải quý sách 

Sách vở giữ cho sạch 

Tờ giấy bao công phu

Chúng ta đừng làm rách 

Lớn thêm tý nữa mê đọc sách, nghiến ngấu bao nhiêu pho trong tủ sách nhỏ của gia đình, đến các hằng hà sa số sách còn thơm mùi mực nhà in từ các hiệu sách lớn, bé trong thị xã đìu hiu đến choáng ngợp với bao nhiêu là chữ nghĩa nơi nhà Khai Trí, Lê Phan … nơi đô thành Sài Gòn. Thiệt là trăm hoa đua nở trên thị trường chữ nghĩa của miền Nam một thời. Tôi đã từng mê mẩn mùi mực thơm của những trang sách in từ Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc … đến Ngày Nay, Đại Nam, Trí Đăng, An Tiêm, Lá Bối … của miền Nam một thời chữ nghĩa. Nhất là sách cảo thơm của nhà Lá Bối; chữ to, giấy rơm thơm không xén, đọc đến đâu, rọc đến đấy…sướng từ đầu óc đến ngón tay. 

Ôi! Thời oanh liệt đó còn đâu khi bên thắng cuộc tranh đoạt quyền hành làm cuộc phần thư khói lửa tàn khốc phủ lên nền học thuật văn chương văn hóa miền Nam. Và thay đổi bằng những thứ mà họ đem thế vào đó những thứ chữ nghĩa của họ?! 

 Những năm trần ai khoai củ, sau khi ra khỏi trại tù binh, tôi trở về nhà mẹ cuốc cày ”lao động vinh quang” mắt la mày lét muốn làm cái cột điện đổi đời. Hiệu sách Nhân Dân được mọc lên sát bên nhà tôi, kề Cửa hàng Ăn Uống và Quầy Mậu Dịch và Cửa hàng Chất Đốt cũng gần đâu đó. Đôi khi có chút rảnh tôi cũng ghé vào Hiệu sách Nhân Dân đọc cho biết và tiện mua Lê Nin toàn tập in giấy láng, bìa cứng, giá rẻ cho vợ … gói xôi !

Còn những quyển sách văn học in trên giấy hẩm xấu, chữ nhỏ xíu đọc muốn tăng độ cận và đầu ngón tay chai như cuốc đất. Nhưng cũng ráng mua mấy quyển mà đọc chơi cho khỏi nhớ sách.

Những Xervantex, Đôn Kihôtê, Saclo Brônti, Jên Erơ, Vichto Huy gô … Alếch Xănđơ Krôn … ôi! con bà nó ! đọc lên thật hại não. Vậy mà cũng ráng đọc, ráng mua. Một số đọc xong đem vào cầu thế giấy Kiss Me thêm đau trĩ . 

Vài quyển khác khi rời quê hương cách đây hơn 30 năm tôi mang theo vì cứ nghĩ là sẽ không có sách tiếng Việt đề đọc , thôi có còn hơn không.

Nhưng cũng từ đó đến nay tôi đã không bao giờ để mắt đến loại chữ phiên âm này nữa. Cho đến tình cờ…

Hôm nay thanh lọc lại tủ sách cũ. Tôi phải làm gì với mớ giấy bổi này đây ? 


mnc 


Ghi chú theo hình: 


H 1 : Sách vở cũng tang thương 

Hai bộ mặt của những quyền sách cũ : bên trái là sách dịch cũ trước 75 của miền Nam và bên kia là sách dịch (tả)của miền Bắc bán trong các hiệu sách Nhân dân với các tên tác giả phiên âm “chẳng ra sao cả” đọc xong phải ngẫm nghĩ mãi mới hiểu ! Hmmmmmm cũng chưa hiểu!? 


H2 : Sách vở cũng tang thương 

Bên trái là sách dịch sau “đổi mới” như cũ theo miền Nam bên phải. 

Hỡi ôi! “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”

Đi bao nhiêu năm lại về chốn cũ 

Thôi cũng mừng cho sách!

Sunday, October 30, 2022

ẢI CHI LĂNG

 



Nhân đọc lại một ít tài liệu lịch sử và địa lý nước nhà để làm một project sắp tới tình cờ tìm thấy một số báo cũ về Ải Chi Lăng, nơi mà tướng Lê Sát và nghĩa quân Lam Sơn của Bình Định Vương Lê Lợi đã chém bay đầu Liễu Thăng, tướng giặc Nhà Minh tại đây. Về sau quân Tàu kinh khiếp gọi Ải Chi Lăng là Quỉ Môn Quan. 


Nếu truyện kiếm hiệp của Kim Dung có nhắc đến Nhạn Môn Quan bên Trung Hoa, nơi diễn ra trận chiến của Dương gia tướng nhằm ngăn quân Liêu tiến vào Trung Nguyên, thì Việt Nam cũng có một quan ải nổi tiếng là Quỷ Môn Quan, nơi quân Đại Việt đã nhiều lần ngăn vó ngựa xâm lược phương Bắc. Giặc Tàu rất sợ  “Quỷ Môn Quan! Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (Cửa Quỷ ! Cửa Quỷ! Mười người vượt qua, chỉ một tên sống sót trở về. ) 

Đó chính là Ải Chi Lăng lưu danh hùng sử. Ngoài chiến thắng chém tướng  Minh Liễu Thăng ( năm 1427) còn nhiều chiến công khác của cha ông ta với 2 lần chống quân Tống xâm lược (năm 981 và 1077), 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông (năm 1285 và 1287), cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh (năm 1788 - 1789). 

Bình sinh tôi 

Chưa từng thăm viếng Ải Chi Lăng 

Việt Nam hùng sử đã viết rằng 

Quỷ Môn Quan khiếp quân phương Bắc 

Nơi chém bay đầu giặc Liễu Thăng


Nay lật lại trang sử vàng mà lòng chợt cảm khái vô cùng . Lại may được đọc hai bài thơ xưa về chiến công Chi Lăng. Xin chép lại đây một bài của Phạm Sư Mạnh đời Trần và một bài của Nguyễn Du thời nhà Nguyễn. Xin chia sẻ cùng những ai yêu thích cổ thi: 


Chi Lăng động (支陵洞) là bài thơ được Phạm Sư Mạnh, tể tướng nhà Trần, sáng tác từ thế kỷ 14, khi ông dừng chân trước Ải Chi Lăng trên bước đường tuần thú xứ Lạng. Bài thơ ca ngợi cảnh non sông hùng vĩ nơi đây.


支陵洞

千里巡邊殷鼓鼙,

藩城蠻寨一醯雞。

澗南澗北紅旗轉,

軍後軍前青兕啼。

漊瀨谷深於井底,

支陵關險與天齊。

臨風跋馬高回首,

禁闕岧嶢雲氣西


Chi Lăng động 

Thiên lý tuần biên ẩn cổ bề

Phiên thành man trại nhất ê kê

Giản nam giản bắc hồng kỳ chuyển

Quân hậu quân tiền thanh hủy đề

Lâu lại cốc thâm ư tỉnh để

Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề

Lâu phong bạt mã cao hồi thủ

Cấm khuyết thiều nghiêu vân khí tê


Phạm Sư Mạnh 


Nghĩa : Đi nghìn dặm tuần tra biên giới, trống trận vang ầm,

Thành Phiên, trại Mán bé bằng con sâu.

Phía nam, phía bắc dòng suối, cờ hồng lay động,

Đằng trước, đằng sau đội quân, trâu rừng rống vang.

Hang Lâu Lại sâu hơn đáy giếng,

Ải Chi Lăng hiểm bằng lên trời.

Trước gió ghì cương ngựa, lên cao ngoảnh đầu nhìn,

Cửa khuyết cao chót vót ở tầng mây phía tây.


Dịch thơ: 

Động Chi Lăng 

Nghìn dặm biên thuỳ tiếng trống vang 

Mờ xa ẩn hiện trại phiên man 

Cờ hồng phất phới bên nam, bắc 

Trâu rống theo quân khắp đại ngàn 

Sâu thẳm giếng khơi hang Lâu Lại

Đường lên trời hiểm Ải Chi Lăng

Lên cao ghì ngựa nhìn trong gió 

Chót vót từng mây cung khuyết giăng


(mnc dịch)


⚜️


Bài thơ “Quỷ Môn đạo trung” Nguyễn Du trên đường đi sứ sang nhà Thanh, khi qua Chi Lăng đã làm bài thơ này. 

 


鬼門道中

鬼門石徑出雲棍

征客南歸欲斷魂

樹樹東風吹送馬

山山落月夜啼猿

中旬老態逢人懶

一路寒威仗酒温

山塢何家大貪睡

日高猶自掩柴門


 阮攸


Quỷ Môn đạo trung

Quỷ Môn thạch kính xuất vân côn

Chinh khách nam quy dục đoạn hồn

Thụ thụ đông phong xuy tống mã

Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề viên

Trung tuần lão thái phùng nhân lãn

Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn

Sơn ổ hà gia đại tham thụy

Nhật cao do tự yểm sài môn

Nguyễn Du 


Nghĩa: Trên đường qua Quỷ Môn Quan 

Đường đá ở núi Quỷ Môn từ chân mây đi ra,

Lữ khách về nam trông thầy mà kinh hồn.

Gió đông thổi qua hàng cây vào đám ngựa đi tiễn,

Trăng tà lặn sau dãy núi, ban đêm nghe tiếng vượn hú.

Ta đang độ tuổi trung niên mà đã có vẻ già, rất ngại chuyện thù tiếp,

Dọc đường trời lạnh, nhờ hơi rượu mà ấm lòng.

Trong xóm dưới núi kia, nhà ai ham ngủ thế?

Mặt trời lên cao rồi mà cửa tre còn đóng kín.


Dịch thơ: 

Đường qua Quỷ Môn Quan

Đường đá Quỷ Môn thức mây tuôn

Đi về Nam khách phải kinh hồn 

Gió đông quyện lá vào chân ngựa 

Trăng lặn về đêm vượn hú dồn

Tráng khí như ta còn thấy sợ 

Nhờ hơi rượu ấm bớt bồn chồn

Nhà ai dưới núi còn im ỉm 

Trưa trật còn say ngủ giấc nồng 


maingocuong 



Friday, October 28, 2022

NHỚ CỤ TÚ XƯƠNG : Thi hỏng và hỏng thi

 Không ai làm thơ về thi cử và thi hỏng nhiều hơn cụ Tú Trần Tế Xương, một trong những nhà nho cuối cùng của nền Hán học nước ta vào cuối thế kỷ XIX. 

Cuộc đời ông Tú gắn liền với thi cử. Tổng cộng tất cả là tám lần lều chõng thi Hương , đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). 

“Mấy khoa hương thí không đâu cả,

Ba luống vườn hoang bán sạch rồi.” 


Sau 3 lần hỏng thi, mãi đến lần thứ tư của khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là Tú tài thiên thủ, Tú tài đậu vớt, Tú tài cuối bảng lúc đó ông đã 24 tuổi. Vẫn là anh khoá nghèo, ông Tú kiết. Cái gia cảnh túng quẫn trong thơ ông đã diễn tả 

“Gạo cứ lệ ăn đong bữa một,

Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.”

“Tiền bạc phó cho con mụ kiếm” 

Bà Tú cần cù lam lũ “Lặn lội thân cò nơi quãng vắng” 

“Nuôi đủ năm con với một chồng” 

Còn ông Tú Vị Xuyên cứ “vẫn phong lưu suốt cả đời” theo đuổi đèn sách, dùi mài nghiên bút đọc sách làm thơ, kiên trì làm anh khoá ứng thi thêm 4 hương khoa nữa những mong rồng mây gặp hội… nhưng đường khoa hoạn công danh vẫn đen như mõm chó. Ông phải than thân 

“Học đã sôi cơm nhưng chửa chín

Thi không ăn ớt thế mà cay”

“Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”

“ Đau quá đòn hằn

Rát hơn lửa bỏng

Hổ bút, tủi nghiên

Tủi lều, tủi chõng”…

Trong bài Phú Hỏng Thi năm Canh Dần 1900 ông vẫn hoàn thân phận Tú tài lạc đệ và sáu năm kế tiếp tuy cay đắng lều chõng thêm 2 khoa thi nữa chẳng ra sao, hỏng thi lần thứ 8 và khi trở về ông Tú đã đột ngột nhuốm thương hàn và qua đời khi mới 37 tuổi. 


Cả cuộc đời ngắn ngủi chỉ hơn 30 năm đèn sách ông vẫn chỉ là anh học trò già, anh khoá số đen, ông Tú tài lạc đệ không sao vượt vũ môn để đậu tứ trường thành ông cử nhân Hương cống thay cho thân phận Tú tài mong có cơ hội 

“Mở mặt quyết cho vua chúa biết

Đua danh kẻo nữa mẹ cha già”, 

“Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vẻ vang mặt vợ”…

Học tài thi phận, thi biết bao lần hỏng vẫn hoàn hỏng, cho là số còn đen,

nên khoa hương thí  Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phát cáu lên:

“Tế đổi làm cao mà chó thế,

Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!” 

Để rồi cuối đời ông Tú hỏng thi tự an ủi rằng 

“Hẳn có kẻ lo toan việc nước, vua chửa dùng tài;

Hay không ai dạy dỗ đàn con, trời còn bắt hỏng!” 


Xã hội bấy giờ, cái bằng Tú tài ( còn gọi là Sinh đồ) thuộc loại dang dở, dở dang (Tú tài không được thi Hội, phải đậu Hương cống (cử nhân) Các sĩ tử đi thi Hội ở Kinh đô sẽ được gọi là Cống sinh hay Cống sĩ, đậu kỳ thi Hội  mới được bước vào sân Rồng dự thi Đình để vua chọn hiền tài Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa … được “vua biết mặt, chúa biết tên” được vua vời ra làm quan, lo toan việc nước, thi thố tài kinh bang tế thế xứng danh kẻ sĩ “Nhất Sĩ nhì Nông …”: một thời đã qua…

Tú Xương tận tụy một đời với Nho học cũng phải cảm thán 

“Nào có ra gì cái chữ nho 

Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co”



ĐI THI 


Tấp tểnh người đi tớ cũng đi

Cũng lều cũng chõng cũng đi thi

Tiễn chân, cô mất hai đồng chẵn

Sờ bụng, thầy không một chữ gì!

Lộc nước còn mong thêm giải ngạch

Phúc nhà nay được sạch trường quy

Ba kỳ trọn vẹn, thêm kỳ nữa

Ú ớ u ơ ngọn bút chì!


THÂN THÂN 

Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi,

Tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi.

Mấy khoa hương thí không đâu cả,

Ba luống vườn hoang bán sạch rồi.

Gạo cứ lệ ăn đong bữa một,

Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.

Bắc thang lên hỏi ông trời nhẽ:

Trêo ghẹo người ta thế nữa thôi?

Trần Tế Xương 


THI HỎNG

Ngày mai tớ hỏng, tớ đi ngay!

Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày!

Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,

Thi không ăn ớt thế mà cay!

Sách đèn phó mặc đàn con trẻ,

Thưng đấu nhờ tay một mẹ mầy.

“Cống hỉ”, “mét xì” thông mọi tiếng,

Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây.


Trần Tế Xương 


KHUYẾN THI 

( Khuyên học trò đi thi ) 

Nhà nước còn thi hãy cứ thi,

Việc gì mà chẳng rủ nhau đi?

Sử đề theo sách quan Ngô Giáp;

Toán pháp thêm bài hội Trí Tri,

Muốn sống phải chăm mài bút sắt,

Cho mau chớ chậm đổ hòn chì

Đỗ đâu hết cả nhà thông ký,

Phận của nhà nho có một ly.


Tú Xương


mnc 

( cuối tháng mười)



⚜️⚜️⚜️


Viết thêm 

“Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới 

Đá xanh xây cống hòn dưới nống hòn trên” 

Mấy hôm trước nhân buổi trà dư tửu hậu cùng người bạn có đề cập đến chuyện thi cử thời xưa và thời nay. Khi tiến xĩ loạn cào cào trên đất nước nghìn năm, bạn nhớ đơn giản là thi Hương : Tú tài ; thi Hội : Cử nhân; thi Đình: Tiến sĩ. Đó là cái nhớ của bạn nhưng khoa cử ngày xưa không đơn giản như vậy và không như vậy. Nó nhiêu khê hơn nhiều. 

Tóm tắt là như vầy: 

1. Thi hương: đỗ tam trường (ba vòng đầu), đậu Tú tài; đỗ tứ trường: Hương cống (về sau gọi là Cử nhân); đỗ thủ khoa: Giải nguyên.

2. Thi hội: đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi đình; đỗ bảng thứ là thứ  cách, gọi là Phó bảng; đỗ thủ khoa: Hội nguyên.

3. Thi đình: đỗ thi đình gọi chung là Tiến sĩ (ông Nghè); đỗ thủ khoa: đình nguyên. Trong đó ba ngôi vị đầu là Trạng nguyên đậu đầu, kế đó là Bảng nhãn và Thám hoa.


mnc 


Tác giả Vĩnh Đào có viết một bài về Chuyện khoa cử ngày xưa đăng trên Tập San Việt Học rất chi tiết và lý thú.


Theo đường link dẫn sau để đọc bài của anh Vinh Dao

http://viethocjournal.com/2020/05/chuyen-ve-thi-cu-ngay-xua

Saturday, October 15, 2022

TUYẾT VÀ MAI


 “em mang tên một loài hoa 

người con gái hát khúc nhạc buồn 






https://online.fliphtml5.com/uwgth/yvxo/#p=58

Nhớ xưa khi còn học thầy Trần Trọng San dạy bài Tam Hữu (ba người bạn) của mùa đông tuyết giá lạnh rét là Tùng Trúc Mai: “Đình tiền mai thụ khai hoa trúc tùng tịnh mậu” ( Trước sân cây mai đã nở hoa cùng trúc, tùng thảy đểu tươi tốt) cổ thư gọi đó là Tuế Hàn Tam Hữu. 



Trong tuế hàn tam hữu, cổ nhân xếp Mai ở vị trí thứ ba, bởi vì, tùng (bách) và trúc bốn mùa đều xanh tươi, duy nhất chỉ có Mai, chỉ nở hoa vào đúng lúc mùa đông giá rét nhất, báo hiệu mùa Xuân sắp trở về. 

Mai mà cổ nhân thường ngâm vịnh, có ba loại: dương mai, mai vàng và mai. Nói đúng hơn, chỉ có loại thứ ba mới là “Mai” - một trong tuế hàn tam hữu. 

Đó là cánh mai trắng mong manh như tuyết trong thơ “mai hoa sắc bạch tuyết trung minh” ( sắc trắng hoa mai sáng trong tuyết).

Thế nên mai thường đi đôi với tuyết, tuyết vẫn đi đôi với mai.

Từ ngàn năm trước, hoa mai đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân. Hoa mai được nhắc nhở trong thi ca của người xưa, cả ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, thường là loại mai trắng. Đó là loại mai được nhắc đến trong thơ Trương Thuyết đời Đường: 

Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết 

Kim niên Kế Bắc tuyết như mai 

Năm ngoái ở Kinh Nam (nay thuộc Hồ Quảng), hoa mai trắng như tuyết 

Năm nay ở Kế Bắc (nay là Bắc Kinh), tuyết trắng như hoa mai 

Không như hầu hết các giống mai vàng ở phương Nam, loại mai trắng ở Trung Hoa và miền Bắc nước ta có mùi hương dịu dàng, thanh khiết, chẳng hạn như mùi hương của rừng mai nơi cung Dao Trì thuở xưa: 

Dao Trì bất thị tuyết 

Vị tiểu ám hương lai 

(Cổ thi) 

(Nhìn về cung Dao Trì (thấy một mầu trắng nhưng) biết không phải là tuyết 

Vì có phảng phất mùi hương (thơm) 

Lư Mai Pha, một thi nhân đời Tống, đã so sánh mai và tuyết qua hai câu: 

Mai tu tốn tuyết tam phân bạch 

Tuyết khước thâu Mai nhất đoạn hương 

(Mai nên nhường tuyết ba phân trắng 

Tuyết phải thua mai một bậc thơm) 


Ôi một buổi sớm thứ bảy ngày nào cũng rảnh, đọc lại cổ thư mà bỗng muốn làm người Chu Thần Cao Bá Quát xưa nhìn hoa mà ngâm ngợi câu: 

“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”

十載侖交求古劍

一生低首拜梅花

(Mười năm xuôi ngược giao du chỉ cốt tìm thanh cổ kiếm 

Một đời chỉ cúi đầu bái lạy trước hoa mai) 




Mười năm lặn lội tìm gươm  báu

Một đời cung kính bái hoa mai 

Mai này trong tuế hàn tam hữu 

( Kính dâng hương hồn thầy Trần Trọng San, ân sư trong đời )


mnc 

15/10

Thursday, October 13, 2022

V Ô Đ Ề

 Đi xa về thăm vườn cũ 

Hái những bông hoa cuối mùa 

Bỗng dưng xót lòng du tử 

Nhà huyên quạnh quẽ gió lùa 


Ai biết lòng con như tấc cỏ

Làm sao đền đáp ánh ba xuân (*)


Ngọn gió mùa thu nhè nhẹ

Ôi ! giàn thiên lý đã xa 

Nấu bát canh rau nhớ mẹ 

Rưng rưng tóc trắng … nhạt nhòa 

 mai ngọc cường 

12/10



(*)Thoát từ 

Thuỳ ngôn thốn thảo tâm,

Báo đắc tam xuân huy

Mạnh Giao (Du tử ngâm)

TƯỞNG NIỆM THI SĨ CUNG TRÀM TƯỞNG (1932-2022)

 


Tưởng nhớ Cung Trầm Tưởng ( 1932-2022 ) 

“Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như “Mùa Thu Paris,” “Chưa Bao Giờ Buồn Thế,”… vừa qua đời lúc 4 giờ 27 phút, chiều 9 Tháng Mười, tại bệnh viện United Hospital, thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota.” Báo Người-Việt đã cho biết tin trong số báo ra ngày 9 tháng 10 năm 2022.

“Nhà thơ Cung Trầm Tưởng “tên thật là Cung Thức Cần, sinh ngày 28 Tháng Hai, 1932, tại Hà Nội, sau đó di cư vào Nam và sống tại Sài Gòn. Sau 1975 ông bị tù cộng sản, gia đình mất nhà và về sống với nhà bà nội tại đường Trần Hưng Đạo, Quận 1. Năm 1993 gia đình sang Mỹ theo diện HO, định cư tại thành phố Eagan, tiểu bang Minnesota, với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Cung Tiến.” Bà Hằng Cung, trưởng nữ của nhà thơ đã cho biết như vậy. 

Những tên tuổi lớn của nền thi ca Việt Nam như  Nguyên Sa, Phạm Duy, Cung Tiến, Cung Trầm Tưởng … lần lượt theo thời gian đã về cõi thiên cổ mang mang. 

Những tiếng thơ của Cung Trầm Tưởng ( cũng như Nguyên Sa) qua những bài thơ bốn chữ, năm chữ “ Mùa Thu Paris,” “Chưa Bao Giờ Buồn Thế,” một thời đã mở ra cánh cửa viễn du cho chúng tôi (cũng như hầu hết lớp người trẻ miền Nam ngày ấy) một mơ ước là có một lần được đứng dưới những ngọn đèn vàng của ga Lyon! Ðược thấy sông Seine (qua thơ Nguyên Sa,) hay được đặt chân vào một quán rượu ở Paris. Mơ ước  đến những “người em xóm học” những “ người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ” của nhà thơ … Ôi ! Những mơ ước nghìn trùng tuyệt vời … của một thời tự do tư tưởng của miền Nam Việt Nam. 

Hôm nay, nghe tin nhà thơ đã không còn nữa, xin kính gửi nén hương lòng của một kẻ hậu sinh tưởng tiếc Ông, nhà thơ Cung Trầm Tưởng.

Nhìn gửi lên đây một bài viết của tác giả Vĩnh Đào với những nhận định lý thú về nhà thơ  Cung Trầm Tưởng khi ông còn tại thế: (mnc 10/10/2022) 

⚜️⚜️⚜️

MÙA THU PARIS 

với Cung Trầm Tưởng và Phạm Trọng Cầu

Bài của Vĩnh Đào

Cung Trầm Tưởng đặt chân đến Pháp vào đầu thập niên 1950. Ông ghi tên thi vào trường Kỹ sư Không quân ở Salon en Provence, ở miền Nam nuớc Pháp. Trong thời gian học ở Pháp từ 1952 đến 1957, sinh viên Cung Trầm Tưởng cũng hay về Paris và rất quen thuộc với khu Latin, khu trẻ trung và trí thức, nơi tập trung các cửa hàng sách lớn của Paris, các tiệm café, nơi có công viên Luxembourg, các giảng đường của viện Đại học Sorbonne, và đông đảo sinh viên đủ các nước. Nơi đó Cung Trầm Tưởng có một mối tình với một người bạn gái tóc vàng mắt xanh.

Một ngày đang giữa niên học, nàng nhuốm bệnh phải về quê tịnh dưỡng dài ngày. Chàng sinh viên thi sĩ tiễn nàng ra nhà ga để đáp một chuyến xe lửa về miền Provence.

Lên xe tiễn em đi

chưa bao giờ buồn thế

trời mùa đông Paris

suốt đời làm chia ly

Bài thơ “Chưa bao giờ buồn thế” đã được Phạm Duy phổ nhạc thành một bài hát mang tên “Tiễn em”. Cung Trầm Tưởng cũng nhắc đến mối tình đó khi nhớ lại những lúc bồi hồi chờ người yêu trong công viên Luxembourg dưới làn mưa thu:

Mùa thu Paris

Trời buốt ra đi

Hẹn em quán nhỏ

Rưng rưng rượu đỏ tràn ly

Mùa thu đêm mưa

Phố cũ hè xưa

Công trường lá đổ

Ngóng em kiên khổ phút, giờ

Mùa thu âm thầm

Bên vườn Lục-Xâm

Ngồi quen ghế đá

Không em buốt giá từ tâm

Mùa thu nơi đâu?

Người em mắt nâu

Tóc vàng sợi nhỏ

Mong em chín đỏ trái sầu

Mùa thu Paris

Tràn dâng đôi mi

Người em gác trọ

Sang anh, gót nhỏ thầm thì

Mùa thu không lời

Son nhạt đôi môi

Em buồn trở lại

Hờn quên, hối cải cuộc đời

Mùa thu! mùa thu

Mây trời âm u

Yêu người độ lượng

Trông em tâm tưởng, giam tù

Mùa thu!… Trời ơi! Tình thu!

Bài thơ “Mùa thu Paris” của Cung Trầm Tưởng đã được Phạm Duy phổ nhạc thành một bài hát cùng tên.

Mười năm sau Cung Trầm Tưởng, một sinh viên Việt Nam khác là Phạm Trọng Cầu cũng đặt chân đến Paris để theo học lớp đào tạo của Học viện Cao cấp Âm nhạc. Và ông cũng đã có một mối tình sinh viên giữa khung cảnh của khu Latin. Trong thời gian du học tại Pháp từ 1962 đến 1969, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã sáng tác bài “Mùa thu không trở lại” khi cuộc chia tay xảy ra vào mùa thu. Ông tâm sự: “Thời ấy mình có yêu một cô bạn gái có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn vời vợi. Đối với tôi… là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Nàng về nước để từ đó không bao giờ trở lại Paris nữa. Hôm tiễn đưa nàng đi rồi, mình trở về, bước từng bước như người say rượu, ngang vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi tôi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại…” Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa.”

Em ra đi mùa thu,

Mùa thu không trở lại.

Em ra đi mùa thu,

Sương mờ giăng âm u.

Em ra đi mùa thu,

Mùa thu không còn nữa.

Đếm lá úa mùa thu,

Đo sầu ngập tim tôi.

Ngày em đi,

Nghe chơi vơi não nề,

Qua vườn Luxembourg,

Sương rơi che phố mờ,

Buồn này ai có mua?

Từ chia ly,

Nghe rơi bao lá vàng,

Ngập dòng nước sông Seine,

Mưa rơi trên phím đàn,

Chừng nào cho tôi quên?

Hôm em ra đi mùa thu,

Mùa thu không trở lại,

Lá úa khóc người đi,

Sương mờ dâng lên mi.

Em ra đi mùa thu,

Mùa lá rơi ngập ngừng,

Đếm lá úa sầu lên,

Bao giờ cho tôi quên?

Phạm Trọng Cầu và Cung Trầm Tưởng đều đã có một thời gian du học tại Paris, vào một thời buổi mà ít có người có cơ hội xuất ngoại và du học sinh Việt Nam tại Kinh đô Ánh sáng cũng rất hiếm. Cả hai đều có một bài thơ nói về mùa thu Paris, với khung cảnh rất giống nhau: cũng công viên Luxembourg với lá vàng bay trong gió, cũng sương mù và bầu trời âm u, một bên thì buồn vì nàng đã ra đi, người thì khắc khoải chờ người yêu đến… Tác phẩm của Phạm Trọng Cầu là một bài thơ gồm những câu ngắn 5 chữ; nhà thơ cũng là nhạc sĩ nên đã phổ nhạc thành một bài hát rất được mến chuộng tại miền Nam trong các thập niên 60-70. Bài thơ của Cung Trầm Tưởng gồm những câu ngắn 4 chữ, được Phạm Duy phổ nhạc. Bài hát cũng rất được ưa thích. Trong cả hai bài đều phảng phất bầu không khí thơ mộng, lãng mạn, u buồn của thành phố Paris vào mùa thu với những cơn gió lạnh thổi bay lá vàng giữa cơn mưa lất phất.


Nét giống nhau dừng lại ở chỗ đó, vì Phạm Trọng Cầu và Cung Trầm Tưởng có những định mệnh khác hẳn, vì hai người ở hai bên chiến tuyến, một bên thắng cuộc và một bên thua cuộc.

Phạm Trọng Cầu và Cung Trầm Tưởng, hai người ở hai bên chiến tuyến

Phạm Trọng Cầu sinh năm 1935 tại Phnom Penh, Campuchia, nhưng nguyên quán ở Hà Nội. Năm 1943, gia đình ông trở về Sài Gòn, rồi về miền Tây sống tại quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1948, Phạm Trọng Cầu trở lại Sài Gòn, tham gia phong trào xuống đường đấu tranh của sinh viên học sinh. Một thời gian sau, ông thoát ly và đầu quân vào tiểu đoàn 308, rồi trung đoàn Cửu Long của lực lượng kháng chiến Việt Minh.

Trong một trận đánh với quân đội Pháp, ông bị thương phải cưa chân. Gia đình ông đã tìm cách đưa ông về Sài Gòn cứu chữa. Trong thời gian này ông viết ca khúc đầu tay “Trường làng tôi”.

Năm 1956, Phạm Trọng Cầu nhập học khoá đầu tiên của trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, mới được thành lập dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, ở số 112 đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, năm 1962 ông sang Pháp thi vào Học viện Cao cấp Âm nhạc Paris (Conservatoire National Supérieur de Musique). Tại đây, ông đã viết bản nhạc “Mùa thu không trở lại” được xem như là một trong những bài hát tiêu biểu của “dòng nhạc thính phòng” và được các ca sĩ thượng thặng của Sài Gòn trình diễn.

Năm 1969, Phạm Trọng Cầu về nước giảng dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, tham gia các đoàn văn nghệ như Nguồn Sống, sinh viên Phật tử Vạn Hạnh… và bí mật hoạt động nội thành. Năm 1972, ông bị bắt và giam cho đến năm 1975.

Sau khi được trả tự do tháng 4-1975, Pham Trọng Cầu về công tác ở Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng phát động phong trào ca hát thiếu nhi, thành lập các nhóm hợp ca và sáng tác nhiều ca khúc cho thiếu niên.

Ông mất năm 1998 tại Sài Gòn. Ngày nay ở quận 9, trong một khu dân cư mới có một đường mang tên Pham Trọng Cầu.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng sinh trước Phạm Trọng Cầu ba năm và đặt chân đến Pháp du học đúng 10 năm trước Pham Trọng Cầu.

Cung Trầm Tưởng sinh năm 1932 tại Hà Nội. Năm 1949, gia đình ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, ông học tiếp trung học tại trường Chasseloup-Laubat (sau đổi tên thành Jean-Jacques Rousseau rồi Lê Quí Đôn).

Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp du học, thi vào Trường Kỹ sư Không quân ở Salon-de-Provence, miền Nam nước Pháp. Trường này là một trong 5 trường đại học có qui chế quân sự có uy tín nhất của Pháp, cùng với Trường võ bị Saint-Cyr, Trường Bách khoa (Polytechnique), Trường Sĩ quan Hải quân và Trường Sĩ quan Cảnh binh. Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước phục vụ trong binh chủng không quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong khoảng thời gian này, 6 bài trong tập thơ Tình ca của Cung Trầm Tưởng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc: “Mùa thu Paris”, “Chưa bao giờ buồn thế”, “Bên ni bên nớ”, “Khoác kín”, “Kiếp sau”, “Về đây”.

Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng và lấy bằng tiến sĩ khí tượng học tại viện Đại học Saint-Louis, bang Missouri. Sau đó, ông trở về Sài Gòn tiếp tục phục vụ trong binh chủng Không quân VNCH với cấp bực cuối cùng là Trung tá. Sau biến cố 30-4-1975, ông bị bắt đưa đi cải tạo 10 năm. Sau khi được trả tự do, ông sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1993.

Cung Trầm Tưởng và Phạm Trọng Cầu đều được biết gần như cùng thời gian với những bài hát trở thành bất hủ trong dòng nhạc thính phòng quí phái của miền Nam các thập niên 60-70. Cả hai đều đã một thời gian du học tại Pháp, Cung Trầm Tưởng học trong một trong những trường kỹ sư có uy tín nhất nước Pháp, còn Phạm Trọng Cầu được thụ huấn trong một Học viện Âm nhạc danh tiếng của châu Âu.

Năm 1975 là mốc định mệnh; một người thì ra tù sau ba năm bị giam, người kia thì vào tù cải tạo rồi bị giam giữ 10 năm.

Phạm Trọng Cầu tuy được đào tạo trong một Nhạc viện hàn lâm nhưng tác phẩm để lại rất ít. Tên tuổi của ông được nhớ đến chỉ nhờ có hai bài là “Trường làng tôi” và “Mùa thu không trở lại”, đều được phổ biến trong miền Nam vào những thập niên 60-70. Tuy ông đã tham chiến trong hàng ngũ Việt Minh và mất một chân trong một trận đánh, nhưng ông vẫn được nhận vào học trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn hình như không khó khăn lắm, và sau đó được phép đi du học tại Pháp, vào một thời điểm mà số sinh viên xuất ngoại du học rất ít. Sau khi Phạm Trọng Cầu bị bắt giam vào năm 1972 vì hoạt động gián điệp nội thành, hai bài hát “Trường làng tôi” và “Mùa thu không trở lại” vẫn được hát trên đài phát thanh, đài truyền hình, và được tự do phổ biến. Không có một lệnh cấm nào từ trên đưa xuống.

Chính sách văn hoá của chế độ VNCH vào các thập niên 60-70 tuy không có văn bản nào ghi xuống rõ ràng, nhưng có thể thấy được qua qui tắc làm việc của Giải thưởng Văn Chương Toàn quốc được thiết lập năm 1957. Tạp chí Văn Hữu số 21 do Bộ Văn Hoá miền Nam ấn hành năm 1962 có đăng một bài về “Lược sử Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc thời Đệ Nhất Cộng Hoà” (1954-1963). Tác giả bài viết cho biết là trong việc chọn các tác phẩm trúng giải có một nguyên tắc không thay đổi là không đòi hỏi một điều kiện nào về nội dung hay hình thức của các tác phẩm. Chủ tịch Hội đồng Giải Văn chương Toàn quốc lần thứ ba, học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã nêu lên tiêu chuẩn lựa chọn của Hội đồng là: “Tác phẩm được chọn sẽ là phản ánh của một nền văn hoá tự do, nghĩa là không bị bó buộc trong khuôn khổ của một hệ thống tư tưởng nào, hay phải theo một khuynh hướng văn nghệ hay chính trị nào cả”.

Cũng do một chính sách văn hoá nhân văn và cởi mở như vậy mà các bài hát của Phạm Trọng Cầu còn được nhớ đến, cũng như những thơ văn tiền chiến hay thời kháng chiến chống Pháp của Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Hữu Loan… những ca khúc tình cảm hay chiến đấu của Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Tý, Văn Cao, Lưu Hữu Phước… vẫn được tự do phổ biến và thưởng thức, dù tác giả còn sống hay đã chết, đang sống ở miền Nam hay miền Bắc.

Tưởng cũng nên nhắc nhở đến tính cách hết sức ôn hoà, vô tư và rộng lượng của một chính sách văn hoá áp dụng ngay trong lúc đang diễn ra một cuộc chiến khốc liệt nhất, một chính sách phục vụ cho một nền văn hoá nhân bản đích thực, không để cho hận thù và ý thức hệ chính trị chi phối.

Vĩnh Đào

(Ghi chú về tác giả Vĩnh Đào, Tiến Sĩ Văn Học Pháp, Viện Đại Học Paris IV-Sorbonne)



Tuesday, October 4, 2022

SƠ NGUYỆT

 



Rằm tháng Tám Trung thu đã qua hơn hai tuần, mau thật. Đầu tháng Chín (Âm lịch) mới chiều tối đã thấy ánh trăng thượng huyền treo trên ngọn hàng cây sau vườn, chợt nhớ câu thơ 

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung 

Bán tự ngân câu bán tự cung 

( Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ ảo

Nửa như móc câu bạc, nửa như cánh cung) 


Hai câu thơ này thầy Trần Trọng San có ghi lại trong quyển Đường Thi về một truyền thuyết khá lãng mạn có liên quan đến bài thơ Đường nổi tiếng Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.  

Truyền thuyết kể rằng vào một đêm sư cụ trụ trì chùa Hàn San, nhìn vầng trăng thượng tuần chợt cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung

Bán tự ngân câu bán tự cung”

Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra hai câu tiếp. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu mà chú mới nghĩ ra:

“Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn

Bán trầm thuỷ để bán phù không

nhưng cũng không làm tiếp được và xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật. Vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu ăn khớp với 2 câu của sư cụ, thành bài tứ tuyệt mà Trần Trọng San đã dịch như sau:

Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ

Nửa dường móc bạc nửa như cung trời

Một bình ngọc trắng chia hai

Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không

Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ đêm hôm đó trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề...” Tự nhiên chuông chùa Hàn San đổ đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài Phong kiều dạ bạc “...Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền...”

Chùa Hàn San là một ngôi chùa hẻo lánh ngoài thành Ngô Huyện thuộc tỉnh Giang Tô. Xung quanh bát ngát rừng mai, phía sau dòng sông xanh ngắt lững lờ uốn khúc, giữa hai dãy núi sừng sững vươn mình trong làn mây trắng xoá. Chùa ở bên cầu có cây phong nên gọi là Phong Kiều. Trên sông đêm có ánh lửa chài. Bài thơ của Tần Thục đời Tống có câu: “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự” (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) và thơ Khang Hữu Vi đời Thanh, có câu “Lãnh tận Hàn San cố tự phong” (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) đều nói rõ chùa Hàn San bên cầu có cây phong.” 

Trương Kế, một nhà thơ thời Trung Đường đã viết bài Phong Kiều dạ bạc (Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều) vào năm 756 cách nay gần 7 thế kỷ 

Bài thơ như sau: 

Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hoả đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch nghĩa

Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều

Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời.

Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ, vẻ buồn sầu.

Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,

Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.

Tản Đà dịch thơ 

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Cái câu “Dạ bán chung thanh” (Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa) đã gây tranh cãi trong thơ vì có chùa nào lại gióng chuông lúc nửa đêm để nhà thi sĩ thao thức trong thuyền nghe chuông khuya mà cảm tác thành thi. Thế nên mới có truyền thuyết “Sơ tam, sơ tứ…”

Ôi! , nguyệt lạc ô đề, trăng tà tiếng quạ… náo động hồn ta trong đêm sơ nguyệt 

Lại liên ý đến Tô Đông Pha

“ Khuyết nguyệt quải sơ đồng,

Lậu tận nhân sơ tĩnh.

Thuỳ kiến u nhân độc vãng lai,

Phiêu diểu cô hồng ảnh. 

(Trăng sơ huyền treo trên ngọn ngô đồng thưa lá.

Trời khuya, người bắt đầu vắng, chỉ nghe tiếng tí tách của đồng hồ

canh chừng giờ đêm

Chỉ thấy ẩn sĩ một mình đi lui đi tới

Thấp thoáng như bóng chim hồng lẻ loi) 


Trăng khuyết vương nhánh ngô đồng 

Trời khuya người vắng đêm dần dần vơi 

Một mình ẩn sĩ  tới lui 

Như chim hồng bóng lẻ loi in mờ 

mnc 

Trăng sơ huyền, khuyết nguyệt, nguyệt lạc ô đề đến nguyệt ca … là hết một đêm lang thang trong thơ nhạc 

“Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca 

Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ “

mnc 

3/10  









.




3/10

Tuesday, September 27, 2022

NGẪM THẬP MỤC NGƯU ĐỒ



 Mười bức tranh thiền 


“Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Nhìn xem bóng nguyệt giòng sông,

Ai hay không có có không là vầy”.

Từ Đạo Hạnh

(Huyền Quang dịch) 



1.  Lang thang vạch cỏ tìm trâu

2.  Lần theo, thấy dấu thâm sâu núi rừng 

3.  Dần dà đã thấy cặp sừng

4.  Bắt được trâu đã là mừng rồi đây 

     Dắt trâu xỏ mũi dòng dây 

5.  Chăn trâu thuần dưỡng cũng dầy công lao

     Thời gian trôi chảy bao lâu 

6.  Thong dong ta hãy cỡi trâu về nhà

7.   Rồi quên trâu, chỉ còn ta 

8.  Đến khi quên cả trâu và chính ta

9.  Trở về nguồn cội đây mà

10.Thõng tay vào chợ ấy là tuỳ duyên 


mnc

29 tháng Chạp



Tranh Chăn Trâu Đại Thừa và Thiền Tông 
Thích Tuệ Sỹ 


MỤC NGƯU ĐỔ là tranh chăn trâu. Tranh ra đời tự triều đại nào, dưới ngọn bút lông nào, khó mà tra cứu cho đích xác được. Điều chắc chắn là tranh có từ xa xưa lắm, ban đầu chỉ có sáu bức, sau thất lạc luôn. Mãi đến từ đời nhà Tống, thế kỷ XII, nhiều bộ tranh mới bắt đầu xuất hiện từ các tòng lâm, thiền viện, phản ảnh nhiều khuynh hướng khác nhau trong sự tu tập. Như vậy là không phải chỉ có một bộ, mà nhiều bộ “mục ngưu đồ” khác nhau, tất cả đều đượm nhuần tinh thần Phật giáo Bắc Tông. Trong số ấy hiện nay được truyền tụng nhất là tranh của hai họa sĩ áo nâu THANH CƯ và QUÁCH AM.

Tuy có nhiều bộ tranh, nhưng bộ nào cũng như bộ nào, đều có 10 bức, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ tứ tuyệt, và một bài chú giải bằng văn xuôi. Đó là về hình thức. Còn về tinh thần thì tranh tuy có nhiều, nhưng có thể xếp thành hai loại : loại tranh theo khuynh hướng Đại Thừa, và loại tranh theo khuynh hướng Thiền Tông. Trong hai loại, tranh vẽ sai khác nhau hết, nhưng bài tụng và chú riêng cho mỗi loại vẫn không thay đổi.


A. TRANH ĐẠI THỪA 


I. TRANH



Tranh Đại Thừa vẽ con trâu đen. Lần lượt qua từng bước họa, trâu đen trổ trắng lần lần, trắng từ trên đỉnh đầu, lan dần xuống mình, rồi chót đuôi.

Đó là tượng trưng cho phép tu TIỆM. Theo phép tu tiệm thì phải rất nhiều công phu mới tiến lên được từng nấc thang giác ngộ ; nhờ công phu, cái tâm vọng lần hồi gạn lọc được trần cấu mà sáng lần lên, cũng như nhờ được dìu dắt mà con trâu hoang lâu ngày chầy tháng thuần thục lần, và trắng lần lớp da đen dơ dáy :

Nhật cửu công thâm thỉ chuyển đầu
Điên cuồng tâm lực TIỆM điều nhu
(Công phu chầy tháng mới quay đầu
Tâm loạn lần hồi chịu thuận nhu)

Còn về thứ lớp thì bộ tranh Đại Thừa nào cũng mở đầu bằng bức họa vi mục (chưa chăn) vẽ con trâu hoang, và khép lại bằng bức họa song dẫn, vẽ một vòng tròn tượng trưng cho Viên Giác. “Song dẫn” là dứt hết cả hai : trâu và mục đồng, tâm và cảnh, dứt được hết là hiển hiện ánh Chơn Như lung linh trong màu cỏ nội hoa ngàn:

 Nhân ngưu bất kiến yểu vô tung
Minh nguyệt quang hàn vạn tượng không
Nhược vấn kỳ trung đoan đích ý
Dã hoa phương thảo tự tùng tùng

nghĩa :

 Người trâu chẳng thấy biệt mù tăm
Trăng sáng soi trùm muôn tượng không
Ví hỏi vì sao đoan đích ấy
Um tùm cỏ nội với hoa đồng

Chúng ta có thể thưởng thức vài bộ tranh chăn trâu loại Đại Thừa nầy trong cuốn Judo International của Liên Đoàn Nhu Đạo Pháp quốc, do Jagarin sao lục lại và có dịch luôn các bài tụng và chú; trong Phật Học Tinh Hoa của giáo sư Nguyễn Duy Cần (phần phụ lục) ; trong pho sách cổ “Mục ngưu đồ” bằng chữ Hán tại thư viện chùa Xá Lợi ; trong tập “Học làm Phật” của thầy Trường Lạc (chùa Linh Chưởng ấn hành, 1964) trong ấy có đủ mười bài thơ chăn trâu Đại Thừa, vừa nguyên tác vừa bản dịch của Tuệ Nhuận.

II. NỘI DUNG

Đề tài chung của các loại tranh chăn trâu là đường lối tu tập. Đường lối tuy nhiều, song không ngoài việc bắt tâm. Nên thập mục ngưu đồ có thể coi như là lời giải đáp cho câu hỏi trong kinh Kim Cương :

 “Vân hà hàng phục kì tâm ?”
(Làm sao làm chủ được cái tâm?)

Tâm ở đây là con trâu. Vì có trâu nên có mục đồng. Vì có tâm nên có cảnh. Tất cả cố gắng của Đại Thừa đều nhắm vào sự “cột” trâu, tức là “điều tâm” vậy. Tâm là con trâu hoang. Muốn trị nó phải dùng những biện pháp mạnh, như đánh bằng roi, xỏ mũi bằng giây lòi tói v.v… Cũng vậy, muốn trị tâm, cần quy ygiữ giới cấm, phát tâm bồ đề v.v… Lâu ngày chầy tháng, trâu trở nên thuần thục, tâm trở nên điều hòa. Đó là bước đầudiễn tả bằng năm bức họa đầu : “vị mục, sơ điều, thọ chế, hồi thủ và tuần phục”. Đó là giai đoạn của GIỚI vậy, mở đường cho ĐỊNH phát sanh trong giai đoạn kế.

Trong giai đoạn nầy, tâm đã tuần phục, khỏi phải chăn giữ. Tâm đã định, không gặp gì chướng ngại.

Tâm định là ngã chấp hết, song vẫn còn pháp chấp.

Đó là bước tu chứng của hàng tiểu thừa (thanh văn và duyên giácdiễn đạt bằng hai bức họa “vô ngại” và “nhiệm vận”.

 Cần đi thêm bước nữa, khai thác HUỆ giác đến chỗ TÂM vô TÂM :
“Nhân vô tâm, ngưu diệc vô tâm”.

Đến đây mới phá được pháp chấp : pháp cũng không, mà ngã cũng không, trâu cũng mất mà người cũng mất, cảnh cũng quên mà tâm cũng quên. Trước hết trâu mất còn người. Rồi người cũng mất luôn. Đó là cảnh giới của Bồ tátdiễn tả bằng hai bức họa “tương vong” và “độc chiếu” :
“Tâm cảnh song vong nãi thị chân pháp”.

Từ đó, đi thêm bước nữa vào cảnh giới Như Lai, không nói được nên lời, mà chỉ có thể hình dung bằng một vòng tròn : Viên Giác. Đó là ý nghĩa của bức tranhchót (song dẫn) khép lại quá trình tu chứng theo TIỆM GIÁO, đi từ giới đến định và huệ, từ thanh vănduyên giác đến bồ tát, Phật, từ hữu tâm đến tâm và vô tâm, từ chỗ tất cả đều có đến chân pháp đều không v.v… Đó là vô dư Niết Bàn.

Tóm lại, “Thập mục ngưu đồ” vẽ lại quá trình công phu của người học đạo, trước hết tự thắng bản năng mình, sau đến tự tri, cuối cùng chỉ để tự tại thôi (être simplement). Cái vòng tròn cuối cùng (tranh 10 : song dẫn) tượng trưng sự đoạn tuyệt với tất cả những nếp suy tư của chúng ta, cắt đứt hẳn một trạng thái ý thứcvà hiện hữu mà thường chúng ta không được biết”.
(J. L. Jagarin : Le Judo International)



B. TRANH THIỀN TÔNG 

I. TRANH 




Tranh Thiền Tông có loại vẽ con trâu đen, có loại vẽ con trâu trắng. Trâu trắng là ý nói “bạch ngưu xa”, xe trâu trắng, tức là Phật thừa. Đạo Phật có ba thừa – ba cỗ xe – là xe dê, xe nai và xe trâu (thường) chở các hàng thanh văn, duyên giác và bồ tát ra khỏi nhà lửa mà thành đạo. Tuy nhiên, ba thừa chỉ là phương tiện giả lập lên, những hóa thành, những pháp môn tiếp dẫn dùng cho người kém khí lực. Đối với hạng thượng căn thì chỉ một thừa thôi – Phật thừa - trực tiếp đưa người vào cảnh giác. Phật thừa là “bạch ngưu xa”. Bạch ngưu xa, chính là cái tâm đại giác viên mãn của Phật. Thiền Tông chủ trương trực tiếp thành Phật là vậy.

Tuy nhiên, lý thuyết là lý thuyết, loại tranh vẽ trâu trắng vẫn hiếm hoi, ít thưởng thức bằng loại tranh vẽ trâu đen, rắn rỏi, mộc mạc, gần cuộc sống hơn.

Dầu trắng hay đen, con trâu Thiền đều giữ nguyên vẹn một màu lông qua các giai đoạn biến chuyển. Đó là phép tu ĐỐN. Đốn giáo dạy rằng người ta thành Phật là thành ở nội tâm, “hoát nhiên” mà thành, không phải thành lần hồi, theo cấp bực ; xưa nay chưa hề có Phật cấp bực bao giờ (Bổn lai vô thứ đệ Phật – Hy Vận), nên người ta hoặc là Phật, hoặc không là Phật, chớ không thể suýt thành Phật, Phật chút chút, lai rai được.

Còn về thứ lớp thì tranh Thiền Tông nào cũng mở đầu bằng bức họa tầm ngưu, vẽ một chú mục đồng đi tìm trâu (trâu không có trong hình) và khép lại bằng bức họa nhập triền thùy thủ (buông tay vào chợ) vẽ một nhà sư trộn lẫn cùng thế tục.

Riêng về cái vòng tròn Viên Giác nằm ở bức họa thứ 10 của Đại Thừa, qua bên Thiền Tông lại thụt lùi về hàng thứ 8, mà đề là nhân ngưu câu vong, nghĩa là trâu và người đều quên. Bảng đối chiếu sau đây cho ta thấy sự sai khác nhau giữa hai loại tranh, về hình thức cũng như về nội dung :

TRANH ĐẠI THỪA TRANH THIỀN TÔNG

1. Vị mục : chưa chăn 1. Tầm ngưu : tìm trâu
2. Sơ điều : mới chăn 2. Kiến tích : thấy dấu
3. Thọ chế : chịu phép 3. Kiến ngưu : thấy trâu
4. Hồi thủ : quày đầu 4. Đắc ngưu : được trâu
5. Tuần phục : vâng chịu 5. Mục ngưu : chăn trâu
6. Vô ngại : không ngại 6. Kỵ ngưu qui gia : cỡi trâu về nhà
7. Nhiệm vận : tha hồ 7. Vong ngưu tồn nhân : quên trâu còn người
8. Tương vong : cùng quên 8. Nhân ngưu câu vong : người trâu đều quên
(vẽ vòng tròn)
9. Độc chiếu : soi riêng 9. Phản bổn hoàn nguyên : trở về nguồn cội
10. Song dẫn : dứt cả hai 10. Nhập triều thùy thủ : thõng tay vào chợ
(vẽ vòng tròn)

Chúng ta có thể thưởng thức loại tranh này tại chùa Tam Tông Miếu, đường Cao Thắng Sài Gòn ; tranh vẽ lớn trên tường bằng sơn dầu, tại chánh điện ; tuy nét bút thiếu cổ kính, tranh cũng phản ảnh phần nào cái thiền phong ngày trước.

Ngoài ra, chúng ta có thể tìm xem nhiều loại khác trong các tác phẩm sau đây của hội Phật học Luân Đôn, do giáo sư Thiền học Suzuki biên soạn :

 - The Ten Oxherding Pictures,
 Manual of Zen Buddhism,
 Essays in Zen Buddhism, First Series.

Còn một loại tranh khác, rất cổ kính, in bằng mộc bản, do Paul Reps sưu tập trong tác phẩm Zenflesh Zen bones (Thiền cốt Thiền nhục), xuất bản tại Nhật (Ed. Charles E. Tuttle Co – Rutland Vermont – Tokyo Japan – 1957). Chính từ tác phẩm này chúng tôi trích in lại mười bức họa sau đây.

II. NỘI DUNG

Cũng như ở hầu hết các pháp môn khác, vấn đề đặt ra cho Thiền vẫn là sự “hàng phục kỳ tâm”. Tâm của Đại Thừa là ngã tướng. Đến Thiền thì cái ngã được thâu hẹp thành cái niệm. “Tôi tư duy, tức có tôi”. Niệm là ý nghĩ, là tư duy, là intellect, được coi là phần tử cốt cán của cái “tôi”. Nên Thiền dạy vô niệm, dạy cắt đứt suy tư, bất cứ suy tư gì :

 vô niệm : niệm tức chánh
 hữu niệm : niệm thành tà
(Pháp bửu đàn kinh)

Do đó Thiền kỵ hý luận, không giảng dạy, thường chỉ ngậm miệng quên lời, thảng hoặc có nói thì thường chỉ nói bằng lối phi lý luận. Trong quá trình phân phái của đạo Phật, Thiền quả là nhát búa cuối cùng của Đại Thừa đập vào óc thông minh ưa lý luận mà loài người chúng ta hằng tự phụ.

***

Trong hệ thống các pháp môn, Thiền là đốn giáo, chủ trương thấy được tánh là tức khắc thành Phật, tại đây và ngay ở phút giây này.

Tuy nhiên, pháp môn nào cũng có tu và có chứng. Chứng là một biến cố đột ngột, ngoài thời gian. Đó là một sự thật quá ư thật, như tiểu sử nhiều thiền tổ đã chứng rõ. Tuy nhiên, cũng vẫn những tiểu sử ấy còn cho ta thấy trước khi được đốn ngộ, hầu hết các tổ, và trước hết là Phật Tổ, đều trải qua nhiều đoạn đường dọ dẫm rất gay go. Như vậy là sự tu tập vẫn phải đặt trong chiều thời gian mà đi đến lần hồi vậy, hay nói một cách khác : tu thì tiệm mà chứng thì đốn. 

***

THẬP MỤC NGƯU ĐỔ của Thiền Tông cũng ghi lại bước tiến từng bực ấy trong thời gian và không gian.

Chúng tôi xin trình bày bước tiến ấy theo ba đoạn đường : sai tâm bắt tâm – tâm vô tâm – bình thường tâm.

1. SAI TÂM BẮT TÂM

Chú mục đồng đi tìm trâu (tranh 1). Tìm ở đâu ? Đâu cũng là hoang vu, là rừng rậm, là nẻo dọc đường ngang , chỉ có tiếng ve kêu rộn rã đầu cành.

Rồi chú thấy dấu chân trâu (tranh 2), thấy thân trâu (tranh 3). Thì ra trâu có mất đi đâu, tại chú không thấy đó thôi. Trâu vẫn đứng đó một mình, tự thuở nào, đôi sừng lẫm liệt, mũi đụng mây xanh.

Rồi chú chụp lấy trâu (tranh 4), rồi xỏ mũi, cột cổ, đập đánh, canh chừng không rời mắt, quyết dõng mãnh để mà chiến thắng. Lần lần trâu thuần tánh ngoan ngoãn theo chú như bóng theo hình (tranh 5). Rồi chú cỡi trâu về nhà, miệng thổi sáo, hát líu lo, lòng vui không nói được (tranh 6 : kỵ ngưu quy gia).

 Cỡi trâu về nhà là cỡi tâm về chỗ ban sơ.

Người ta đi tìm trâu vì trong đôi giây phút khác thường nào đó, người ta đâm ngờ bản thân mình, cũng như ngờ những điều mắt thấy tai nghe. Có nghi mới có tìm. Có tìm ắt gặp dấu. Gặp dấu trong kinh sách, và nhất là trong những phút trống trải, cảnh vắng, đêm tàn, trí óc nhẹ suy tư, con người bỗng dưng như đối diện với chính mình trong một niềm đau thương và kỳ thú khó nói.

Thế là bắt được dấu, con người phăn mối đi tìm trâu. Đó là giai đoạn ngoại cầu. Ngoại cầu là “khiến Phật đi tìm Phật, sai tâm đi bắt tâm” (Hy Vận). Tâm ở đâu mà bắt ? Thử coi : lần lượt qua sáu bức họa, ta thấy khoảng cách giữa trâu và người chăn trâu cứ thâu ngắn lại mãi cho đến rốt cuộc người chăn trâungồi hẳn trên lưng trâu, trâu với người nhập làm một. Vậy nên hỏi rằng tâm ở đâu chẳng khác nào hỏi trâu ở đâu trong khi chính ta đang cỡi trên lưng trâu. Ta đã đuổi bắt tâm khắp đó đây, rốt cuộc mới nhận ra rằng tâm ở nơi ta ; ta chỉ cần dừng bước lại là nó hiện liền trước mắt, và sự vật hiện nguyên hình trong ánh sáng mới lạ.

Dừng bước lại : ai ngờ đâu cái việc làm hết sức là vô vi ấy lại có một thần lực nhiệm mầu có thể thay đổi cả cuộc diện của một kiếp người, cả một lớp người. Nếu thỉnh thoảng loài người chúng ta biết dừng chân lại vài phút, ngồi im một chỗ vài phút – vài phút thôi – thì khuôn mặt của thế gian nầy chắc không đến đỗi quá nhăn nhíu như ngày nay.

2. TÂM VÔ TÂM

Tuy nhiên, còn tâm là còn cảnh. Còn cảnh thì còn “xúc cảnh sanh tình”. “Tình sanh thì trí cách”. Tâm, cảnh, tình kết dính vào nhau trong cái thế liên hoàn, cái vòng nhơn duyên gây ray rứt, mâu thuẫn.

Đạo không có mâu thuẫn. Thiền là “bất nhị pháp môn”, không hai mà cũng không một.

Mâu thuẫn là do tâm, do niệm.

Ta niệm vì ta tưởng rằng mình thiếu một cái gì, nên đi tìm ở ngoài mình để đắp vào. Thiền dạy rằng ta không thiếu gì hết, tự đời thuở nào ta vốn là tròn đầy, ngàn trước, ngàn sau. Ta không thiếu. Trái lại ta có dư : cái hại là ở đó. Ta dư đủ thứ do niệm đặt bày ra, do suy tư vẽ vời thêm, đủ thứ. Những cái dư ấy, gọi chung là vô minh. Vô minh vốn không thật, nên không ai hoài công mà trừ nó bao giờ, mà chỉ cần tự tri tự giác thôi. Tự biết được “con người thật” của mình thì vô minh tan mất, như bóng tối tan trước vừng dương. Phật dạy trong kinh Viên Giác :

 tri huyễn tức li
 li huyễn tức giác là vậy.

Cũng vậy, khi sư Huệ Khả ra mắt tổ Đạt Ma xin pháp an tâm, Tổ dạy : Người đem “tâm” lại đây ta “an” cho. Sư lính quýnh hồi lâu, sau đành thú thiệt : Con tìm mãi mà không thấy được tâm. Tổ dạy : Thầy đã “an” rồi cái “tâm” của con đó.

Như vậy, cái việc mà ta quen gọi là phá vọng không còn là một việc làm nữa – nếu không nói là một việc làm VÔ VI – mà xét cùng ra chỉ là một sự nhận thức thôi, một prise de conscience – nhận thức tánh Phật bổn lai ở trong ta.

Vậy, sau giai đoạn ngoại cầu, tiếp theo là giai đoạn tự tri tự giác. Tự tri không phải bằng suy niệm mà bằng dứt niệm; dứt niệm bằng những phép tu tập rất vô vi, như tịnh quán chẳng hạn. Bằng tịnh quán, con người thấy, – xin nói rõ là thấy, là kiến, là tri kiến, chớ không phải là học, là nghĩ, hay nghe nói, (tất cả bí quyết của sự chứng ngộ đều nằm ở chữ thấy đó) – thấy tâm không thật, thấy người không thật.

Thấy tâm không thật thì tâm dứt : trâu quên (tranh 7 : vong ngưu tồn nhân).
Thấy người không thật thì người quên nốt (tranh 8 : nhân ngưu câu vong).

Người và trâu đều quên, thì tự lòng đất dõng mãnh vọt lên mặt trời huệ, tượng trưng bằng cái vòng tròn Viên Giác (tranh 8). Đó là Tâm vô Tâm. “Biết cái tâm là không tâm, ấy là hiểu suốt đạo Phật”.

Sau đây, chúng tôi xin mượn lời giáo sư Thiền học Suzuki đóng lại đoạn nầy :

 ”Đứng về mặt tâm lý, giác là vượt ra ngoài vòng ràng buộc của bản ngã”.
“Về mặt lý luận, giác là viên dung có và không”.
“Về mặt siêu hình, giác là trực ngộ được cái lẽ tự tại là luân hồi, luân hồi là tự tại”.

3. BÌNH THƯỜNG TÂM

Thiền cho rằng vô tâm chưa phải là đạo, mà còn phải qua một quan ải nữa:

 Mạc vị vô tâm vân thị đạo
Vô tâm do cách nhất trùng quan.
(Trần Thái Tôn)

Thật vậy, trong đêm cuối cùng, khi đức Phật ngồi ở cột bồ đề, Ngài lần lượt xuất gia và nhập ba từng cảnh giới tâm linh (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) tức là Ngài đang chứng được cái tâm vô tâm. Song Ngài còn phải thức tỉnh dậy nữa, nhờ ánh sao mai, để mà trở về ý thức bình thường. Từ trạng thái“nhân cảnh câu đoạt”. Ngài phải trở về trạng thái “nhân cảnh câu bất đoạn” (Cảnh và người đều giữ nguyên.Chữ của Thiền Lâm Tế trong pháp “tứ liệu giản”) để trả lại tất cả cho cuộc sống thường nhiên.

Trở về là trở về với trời đất, với muôn sinh, với nguồn sống vô tận ở trong ta và ở ngoài ta, trở về để, như mọi người, “thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”.

Trở về với trời đất – Trở về với trời đất, với Pháp giới : đó là ý nghĩa của bức họa số 9, đề “Phản bổn hoàn nguyên”, và vẽ cảnh lá rụng về cội, nước chảy về nguồn. 

Tự đời thuở nào, con người vốn là thanh tịnh, vốn là không, nên Thiền dạy khỏi phải làm hết, chỉ cần thấy tánh là được trở về để mà nhập cuộc.

Nhập cuộc là nhập vào cái trật tự tự nhiên, không thỉ không chung của trời đất. 

Trong trật tự ấy, chúng sanh là một pháp vô tâm nên vô sự. Viên sỏi bên đường là một pháp vô sự nên vô vi. Muôn pháp đều vô vi mà bình đẳng nhau trong pháp giới vô ngại : nước chảy, hoa trôi, trăng lên, gió mát. Muôn vật đều vô ngại nên tự tại, không phải tự tại ở Niết Bàn, không phải tự tại trong phiền nãomà tự tại trong KHÔNG : Niết Bàn và phiền não chỉ là trò ảo thuật của tâm. Trong trạng thái KHÔNG ấy, những danh từ thánh phàm phải trái, tỉnh mê, đều mất nghĩa, tất cả đều là đại đồng, ứng hóa từ một giác tánh, nên :

Nhất thiết không Niết Bàn
Không có Niết Bàn Phật
Không có Phật Niết Bàn
(Lăng Già)


TẤT CẢ là MỘT. MỘT là TẤT CẢ

Một hột bụi chứ đủ ba ngàn thế giới. Bà ngàn thế giới là một hột bụi: đều là KHÔNG.

 “Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Nhìn xem bóng nguyệt giòng sông,
Ai hay không có có không là vầy”.
(Huyền Quang tôn giả) 

Đó là cái thấy của hàng bồ tát “quán tự tại”, nghĩa là quán đến chỗ cùng tột và tuyệt đối của sự vật.

Trở về với thế tục - Dưới lớp áo của thế tục, đạo sĩ trộn lẫn vào cát bụi của tình đời. Vả, cát bụi cũng không thấy là bợn dơ nữa, mà chỉ còn là một diệu dụng, như hằng sa diệu dụng khác, của Giác TánhBồ Đề. Đạo sĩ không phải là Phật, là Bồ Tát, mà chỉ là một người thường, rất thường, một người vô tâmvô sự, vô tích sự, một người không là gì hết, một “vô vị chân nhân”.

“vào rừng không khua lá
vào nước không quậy sóng”
(nhập lâm bất động thảo
nhập thủy bất lập ba)

Trở về với thế tục là trở về với cái tâm bình thường. Thiền dạy : “Bình thường tâm thị đạo”.

Quốc sư Phù Vân đời nhà Trần nói :

 “Lấy cái muốn của thiên hạ làm cái muốn của mình.
Lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình”.

Cái muốn ấy chính là cái muốn mà đức Khổng Tử phải chờ đến bảy mươi tuổi mới dám muốn, sau khi chứng lý “vô ngã” :

 “Thất thập tòng tâm chi sở dục”.

Chứng được đạo lý ấy thì làm gì cũng hiệp đạo, “không theo không lìa, không dừng không dính, tung hoành tự tại, đâu phải là đạo tràng” pháp nào là Phật pháp, đi đứng nằm ngồi cũng là Phật pháp, chém rắn giết mèo cũng là Phật pháp, đói ăn khát uống cũng là Phật pháp.

Cho nên Tổ Huệ Trung Trần Quốc Tảng, mới ung dung ngồi ăn thịt cá, khiến bà em là hoàng hậu Khâm Từ lấy làm lạ hỏi :

 - Anh đi tu mà lại ăn cá thịt sao thành Phật được?

 Ngài cười đáp :

 - Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm ra Phật, cũng như Phật chẳng cần làm ra anh. Hoàng hậu chẳng nghe Cổ Đức nói “Văn Thù là Văn Thù, mà giải thoát là giải thoát” đó ư ?

Cho nên vị sư trong THẬP MỤC NGƯU ĐỔ thõng tay đi vào chợ, tay ôm bầu nước, tay chống gậy tre, đánh bạn với bợm nhậu và phường thọc huyết heo – “tụi nó và thầy đều là Phật cả mà” (tranh 10). Đó là vô trụ Niết Bàn.


KẾT LUẬN

Để gom hết yếu lý chung của mười bức tranh chăn trâu, chúng tôi xin chép lại bài kệ sau đây thay lời kết luận :

 Tầm ngưu tu phóng tích
Học đạo quí vô tâm
Tích tại, ngưu hoàn tại
Vô tâm đạo dị tầm

Nghĩa :

 Tìm trâu cần phăn dấu
Học đạo cốt vô tâm
Dấu đâu thì trâu đó
Vô tâm đạo dễ tâm

 Phước Châu Đại An hỏi :

 - Tôi khao khát hiểu pháp Phật, đó như cái gì ? Bách Trượng đáp : Hệt như cỡi trâu tìm trâu.

Hỏi : Hiểu rồi thì như thế nào ?
Đáp : Như người cỡi trâu về nhà.

Hỏi : Rồi làm sao giữ cho trước sau khế hợp ?
Đáp : Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình đừng phạm đến lúa mạ của người.

______________

.

TUỆ SỸ soạn tập