Rằm tháng Tám Trung thu đã qua hơn hai tuần, mau thật. Đầu tháng Chín (Âm lịch) mới chiều tối đã thấy ánh trăng thượng huyền treo trên ngọn hàng cây sau vườn, chợt nhớ câu thơ
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
( Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ ảo
Nửa như móc câu bạc, nửa như cánh cung)
Hai câu thơ này thầy Trần Trọng San có ghi lại trong quyển Đường Thi về một truyền thuyết khá lãng mạn có liên quan đến bài thơ Đường nổi tiếng Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.
Truyền thuyết kể rằng vào một đêm sư cụ trụ trì chùa Hàn San, nhìn vầng trăng thượng tuần chợt cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:
“Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung”
Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra hai câu tiếp. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu mà chú mới nghĩ ra:
“Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ để bán phù không”
nhưng cũng không làm tiếp được và xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật. Vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu ăn khớp với 2 câu của sư cụ, thành bài tứ tuyệt mà Trần Trọng San đã dịch như sau:
Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ đêm hôm đó trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề...” Tự nhiên chuông chùa Hàn San đổ đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài Phong kiều dạ bạc “...Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền...”
Chùa Hàn San là một ngôi chùa hẻo lánh ngoài thành Ngô Huyện thuộc tỉnh Giang Tô. Xung quanh bát ngát rừng mai, phía sau dòng sông xanh ngắt lững lờ uốn khúc, giữa hai dãy núi sừng sững vươn mình trong làn mây trắng xoá. Chùa ở bên cầu có cây phong nên gọi là Phong Kiều. Trên sông đêm có ánh lửa chài. Bài thơ của Tần Thục đời Tống có câu: “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự” (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) và thơ Khang Hữu Vi đời Thanh, có câu “Lãnh tận Hàn San cố tự phong” (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) đều nói rõ chùa Hàn San bên cầu có cây phong.”
Trương Kế, một nhà thơ thời Trung Đường đã viết bài Phong Kiều dạ bạc (Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều) vào năm 756 cách nay gần 7 thế kỷ
Bài thơ như sau:
Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Dịch nghĩa
Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời.
Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ, vẻ buồn sầu.
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,
Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.
Tản Đà dịch thơ
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Cái câu “Dạ bán chung thanh” (Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa) đã gây tranh cãi trong thơ vì có chùa nào lại gióng chuông lúc nửa đêm để nhà thi sĩ thao thức trong thuyền nghe chuông khuya mà cảm tác thành thi. Thế nên mới có truyền thuyết “Sơ tam, sơ tứ…”
Ôi! , nguyệt lạc ô đề, trăng tà tiếng quạ… náo động hồn ta trong đêm sơ nguyệt
Lại liên ý đến Tô Đông Pha
“ Khuyết nguyệt quải sơ đồng,
Lậu tận nhân sơ tĩnh.
Thuỳ kiến u nhân độc vãng lai,
Phiêu diểu cô hồng ảnh.
(Trăng sơ huyền treo trên ngọn ngô đồng thưa lá.
Trời khuya, người bắt đầu vắng, chỉ nghe tiếng tí tách của đồng hồ
canh chừng giờ đêm
Chỉ thấy ẩn sĩ một mình đi lui đi tới
Thấp thoáng như bóng chim hồng lẻ loi)
Trăng khuyết vương nhánh ngô đồng
Trời khuya người vắng đêm dần dần vơi
Một mình ẩn sĩ tới lui
Như chim hồng bóng lẻ loi in mờ
mnc
Trăng sơ huyền, khuyết nguyệt, nguyệt lạc ô đề đến nguyệt ca … là hết một đêm lang thang trong thơ nhạc
“Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ “
mnc
3/10
.
3/10
No comments:
Post a Comment