“C’est le coeur qui parle et qui soupire
Lorsque la main écrit, c’est le coeur qui se fond.”
A. Musset
Mười hai Tháng Sáu ! Nhớ thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976), một nhà thơ lớn của miền Nam đã viết hai bài tuyệt bút về ngày 12 tháng 6.
Mười hai tháng Sáu, là ngày nàng thơ Tố Vân hay Kiều Thu, Vân Muội là Tố là Mây ....người yêu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương...” lên xe cưới về quê chồng, cách mấy đò ngang cách mấy sông”. Lòng thi sĩ “cuồng điên vì nhớ “ Thi sĩ đau đớn, thi sĩ mê ngất, thi sĩ thù hận ...nhìn “ trăng của nhà ai ... “, thi sĩ mượn rượu “phá thành sầu”
Sầu tình, hận tình ngút ngàn lửa khói và thi sĩ khóc lóc thành hai bài tuyệt thi được thi sĩ viết cách nhau 31 năm (ta đợi em từ ba mươi năm).
Bài đầu là “Mười Hai Tháng Sáu” viết ngày 12/6/1941. Bài sau là bài “ Tố Của Hoàng Ơi” viết ngày 12/6/1972 và giữa hai mốc thời gian đó là “Bài Ca Hoài Tố” viết năm 1942 .
Hôm nay 12/6 lại hai bài thơ về Mười Hai Tháng Sáu của Vũ Hoàng Chương để nhớ Ông và mối tình thủy chung đau đớn của nhà thơ ....
MƯỜI HAI THÁNG SÁU
Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mơ đêm trường
Ờ, đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi! hỡi nhớ thương!
Là thế, là thôi, là thế đó
Mười năm thôi nhé mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước!
Tố của Hoàng ơi! Tố của anh
Tháng sáu mười hai - từ đấy nhé
Chung đôi - từ đấy nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ngày mười hai
Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc
Tố của Hoàng, nay Tố của ai?
Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ bồn ca gõ hát chơi
Kiều Thu hề Tố em ơi!
Ta dương lửa đốt tơi bời Mái Tây
Hàm Ca nhịp gõ khói bay
Hồ xừ xang xế bàn tay điên cuồng
Kiều Thu hề trọn kiếp thương
Sầu cao ngùn ngụt mây đường tơ khô
Xừ xang xế xự xang hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên
Kiều Thu hề Tố hỡi em!
Nghiêng chân rốn bể mà nghe lửa bùng
Xế hồ xang khói mờ rung
Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn
Vũ Hoàng Chương
(12.6.1941)
TỐ CỦA HOÀNG ƠI
Năm mười hai tháng ai không biết
Đã tháng nào không tháng sáu chưa
Tháng có ba mươi ngày để giết
Ngày mười hai vẫn sống như xưa.
Lịch treo trước ngực kêu thành tiếng
Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa
Rả rích từ hôm con én liệng
Vào lồng son, tủi áng mây đưa.
Thời gian từng giọt buông theo máu
Lại trở về, không gọi cũng thưa.
Còn đó mười hai, còn tháng sáu
Ba mươi năm lẻ vẫn chưa vừa!
Còn khóc trong tim này bất tuyệt
Dường như rối loạn cả đường tơ.
Trăng nhà ai vẫn là trăng khuyết
Đứng sững từ đêm ấy đến giờ !
Ngày mai ngày mốt anh nằm xuống
Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp thơ
Đập nát ra cho trời đất uống
Thì em sẽ rụng khỏi đêm mờ.
Phút giây trăng một phương tròn lại
Rồi từ hoà tan rượu đắng mơ
Cùng nhịp tim trôi vào tận cõi
Không ngày, không tháng, không bơ vơ.
Mười hai tháng sáu cung hồ xế
Một mối tình si một mối thù
Giây phút cũng tan thành biển lệ
Trả cho cát bụi nhé Kiều Thu !
Vũ Hoàng Chương
(12/6/1972)
Một giai thoại văn chương : Vũ Hoàng Chương (1916-1976) và nữ sĩ Ngân Giang (1916-2002) , bạn thơ tri kỷ của ông. Hai thi nhân đã nổi danh từ thời Tiền Chiến.
Năm 1954 chia đôi đất nước, VH Chương và gia đình vào Nam, Ngân Giang bị kẹt lại Hà Nội. Giao tòng gián đoạn vì thời cuộc nhưng VHC vẫn nhớ và cố tìm tức bạn thơ sau bức màn tre trong vô vọng.
Năm 1976 nhà thơ bị đi tù và được thả về chờ chết, người em trai của VHC từ Bắc vào thăm anh, cho biết tin nữ sĩ Ngân Giang nơi miền Bắc, mấy mươi năm bị trù dập, sống khổ sống tuyệt vọng đến cùng cực, “chết không được đành phải sống” và không thể sáng tác gì nữa. Tuy rất nghèo nhưng VHC vẫn cố tìm mua 10 mét gấm nhờ em trai gửi biếu cố nhân Bà Ngân Giang nhận được tin và quà của cố nhân thì rất mừng và cảm động, nữ sĩ viết lên tâm trạng khi đó: “Ý anh ấy gởi cho tôi mười mét gấm là để tôi may áo. Mà lại là gấm mầu nâu nữa. Tôi hiểu như là Vũ quân muốn khuyên tôi hãy dẹp bỏ lòng trần, trở về với Phật. Tôi không thể làm theo ý anh được. Bởi lẽ gạo ăn hàng ngày còn thiếu, sao có thể mặc áo gấm! Con cái còn trông cậy cả nơi mình, làm sao mà rảnh rang miền tục lụy! Thế là tôi đành phải bán mười mét gấm đó, mua được 5 yến gạo, và còn đủ tiền may một bộ quần áo thường. Nói ra điều này, tôi thấy tủi cho mình, và cũng tội cho vong linh của Vũ quân lắm!”
Cuối năm 1976, khi tin thi sĩ Vũ Hoàng Chương tạ thế đưa về đến Hà Nội, nữ sĩ Ngân Giang càng thêm xúc động, sau bao nhiêu gác bút, buồn nhớ cố nhân bà viết bài thơ tha thiết khóc bạn thơ tri kỷ đã không còn nữa, trong bài có nhắc lại “12 tháng Sáu lạnh màu tang”
“Ớ Vũ Hoàng ơi! Ớ Vũ Hoàng!
12 tháng 6 lạnh màu tang.
Mây không lãng đãng theo chân ngựa
Say để bâng khuâng ngã giữa đường.
Một áng bạch vân dài nẻo nhớ,
Bài ca dị hỏa khóc người thương.
Mà dòng Dịch thủy trôi trôi mãi
Rẽ lối hoa lê trắng dặm trường. “
Ngân Giang nữ sĩ
No comments:
Post a Comment