Saturday, March 9, 2024

Đọc XUÂN VẪN THA HƯƠNG

 



Đọc lại bài thơ dài trăm câu một vần của Nguyễn Bính từ hôm rằm tháng Giêng đến giờ vẫn “cảm quân triền miên ý”
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu Đem chi xuân lại gợi thêm sầu? . Cứ thế hàng năm mỗi mùa Xuân tha hương tôi lại nặng lòng ly khách. Xưa Nguyễn Bính chỉ mới xa quê xứ Bắc lưu lạc vào Nam, cũng cùng trên một đất nước, mà nỗi buồn tha hương đã thống thiết đến độ trải tâm sự qua hai bài thơ dài Xuân Tha Hương và Xuân Vẫn Tha Hương dằng dặc nỗi niềm.
“Chén rượu tha hương trời: đắng lắm!
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông.” (Nguyễn Bính - Xuân tha hương – Huế 1942)
Ấy là nhà thơ chỉ xa quê hơn 600 cây số đường Nam Bắc. Đâu như chúng ta, tha hương qua nửa vòng trái đất thì nỗi quan hoài mang mể biết bao. Niềm tư hương laị day dứt trong lòng người xa xứ mỗi khi Xuân về Tết đến “Bây giờ cố quận tên là chiêm bao”
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ mà đau đớn lòng
Một sớm ranh rang ngồi đọc lại bài thơ dài Xuân Vẫn Tha Hương của Nguyễn Bính mà cảm hoài liên ý viết nối thêm đôi vần
Mời quý bạn cùng đọc :
XUÂN VẪN THA HƯƠNG
Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió;
Xuân này em chị vẫn tha hương,
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
Son sắt say hoài rượu bốn phương.
Em đi non nước xa khơi quá!
Mỗi độ xuân về bao nhớ thương;
Mỗi độ xuân về em lại thấy,
Buồn như tên lính ở biên cương.
Thời chưa gặp đỏ, nằm xuông mãi;
Xuông cả ân tình rượu cũng xuông.
Trước mặt bút nghiên, sầu tịch mịch,
Quanh mình chăn chiếu rộn tang thương.
Một thân quán trọ sầu phong tỏa.
Đốt ngọn đèn lên, bóng rợn tường.
Đêm ba mươi Tết quê người cũng,
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương.
Chị ạ, em không người nước Sở
Nhớ nhà đâu mượn địch Trương Lương.
Đất khách tình dâng hoà mắt lệ,
Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương!
Từ em lưu lạc ngoài muôn dặm,
Một đoạn đường đi một đoạn trường.
Cửa quan chẳng mở, đầu Viên bạc;
Tri kỷ không ai, mắt Tịch cuồng.
Thôn dã từng quen mùi đạm bạc,
Thị thành thêm chán miếng cao lương.
Vụng tính bỏ rơi đi hạnh phúc,
Xảy ra đánh vỡ mất thiên đường.
Trăm ván cờ cao, trăm ván bại,
Nước người thêm thẹn tiếng mang chuông.
Trò đời cúi mặt xem thiên hạ,
Thực đáng cười thay, thực đáng thương!
Trọc phú ti toe bàn thế sự;
Đĩ già tấp tểnh nói văn chương.
Đã coi đồng bạc như non Thái,
Lại học đòi theo thói Mạnh Thường.
Lẳng lơ đi võng, đi tàn cả;
Gái chính chuyên kia đứng vệ đường.
Đất đổi hoa màu, nhà đổi chủ,
Trâu quên mục tử, ngựa quên chuồng.
Thay đen đổi trắng bao canh bạc;
Vẽ nhọ, đen râu mấy lớp tuồng.
Trói vo hồn lại ba đồng bạc,
Bán rẻ đời đi nửa đấu lương.
Chao ôi! Giả dối, ôi mai mỉa!
Sống chật phồn hoa một lũ Mường.
Chị ơi, tất cả là vô nghĩa,
Chả nhiễu điều nào phủ giá gương.
Tay trắng bạn bè đều tránh mặt;
Sa cơ thân thích cũng khinh thường.
Sông lạnh thấy đâu người gọi gió;
Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm.
Áo xanh bạc nửa màu sương gió,
Xót kẻ ăn nằm trong gió sương.
Đầy vơi tâm sự cùng ai tỏ,
Mộng lạnh đêm xưa, chiếu lạnh giường.
Quê nhà gối chiếc, thôi rồi kẻ,
Chia nửa vầng trăng với dặm trường.
Son phấn hững hờ niềm sắt đá,
Sông hồ vò võ nỗi yên cương.
Chị ạ, duyên em mà chẳng đẹp,
Chỉ vì không đọc chuyện Tây Sương.
Người yêu buổi ấy lên xe cưới,
Cũng khóc cho tròn ý nhớ thương.
Khấp như xử nữ vu quy nhật.
Lệ có thành sông, chuyện cũng thường.
Trò đời chẳng hẹn nhau lần gặp;
Đập nát cho rồi nửa mảnh gương.
Duyên mới đẹp lòng người xử nữ;
Đầu sông ai nhớ cuối sông Tương.
Tàn lạnh lòng em từ buổi ấy,
Vơi tình thôi hết cả tơ vương.
Chị ở quê chồng, xuân có đẹp?
Con đò bến cũ có thê lương?
Nêu cao, pháo nổ, trầm thơm ngát.
Hoa bưởi, hoa cam rụng ngập vườn.
Mưa xuân rắc bụi quanh làng mạc,
Gái lịch, trai thanh chật phố phường.
Lá lộc hồ tơ, tay ngọc hái,
Sông hồ vò võ nỗi yên cương.
Nhưng dù Tết đẹp hay xuân đẹp,
Chắc chị chưa hề nguôi nhớ thương.
Người đi buổi ấy tàn hoa phượng,
Cõi Thục xa xôi mấy dặm trường.
Phong ba từ nổi trong đời chị,
Tóc rối xuân xanh, má nhạt hường.
Qua đò mấy độ sầu sông nước,
Dệt mộng bao lần tủi phấn hương.
Tháng hẹn chờ rơi cơn lá úa,
Đêm Tần đợi khuyết cái trăng xuông
Chỉ tổ tài cao, trời đất ghét,
Một thân oan khổ có trăm đường
Cuối thu mưa nát lòng dâu bể,
Ngày muộn, chuông đau chuyện đá vàng.
Em thường cầu nguyện thường van vái,
Một sớm thanh bình mặt đại dương.
Bao giờ em được về quê cũ,
Dâng chị bài thơ xuân cố hương.
NGUYỄN BÍNH
🔥🔥🔥
Bài thơ “trăm câu một vần” của Nguyễn Bính trùng điệp chữ như một trường ca ý thơ cuồn cuộn như nước chảy huê trôi, cảm tình liên ý chạy theo đến hụt hơi đuối sức. Cảm ơn người thơ xưa trong mùa Xuân Ly Hương thứ 44 trong đời.
(mnc họa nguyên vận )
XUÂN VẪN THA HƯƠNG
mnc
Thêm một mùa Xuân nơi đất khách
Mấy chục năm dài biệt cố hương
Tàn đông lòng chợt bâng khuâng quá
Xuân này thêm một Tết tha phương
Tám hướng mịt mờ mây viễn xứ
Quê nhà một góc vẫn hoài thương
Xuân về mỗi độ gây niềm nhớ
Và nỗi buồn như ngựa lỏng cương
Tâm viên ý mã … năm hồ hết
Một mình ngồi rót chén rượu xuông
Trời đã vào Xuân rồi lại Tết
Chập chùng hình bóng cũ nhớ thương
Quê người xuân vẫn tươi màu nắng
Vẫn thấy lạnh sao bốn bức tường
Hoa xuân vẫn nở khoe sắc thắm
Có kẻ phương này nhớ một phương
Phương nào cũng một màu mây trắng
Lòng buồn nên cũng thấy thê lương
Mây Tần kia ơi cho ta nhắn
Gửi nhớ thương về chốn cố hương
Rượu rót trầm ngâm không muốn nhắp
Vì nghe đã lạnh khúc hồ trường
Nghìn dặm quê nhà xa lăng lắc
Lòng chợt hoang mang đến phát cuồng
Đồng thiếp trong mơ về cố xứ
Gối chăn gác lạnh đến thê lương
Quá nửa đời người thân lưu lạc
Còn mong chi nữa cuối con đường
Khắp trời mờ mịt mây viễn xứ
Chùa đâu hoang lạnh một tiếng chuông
Chim Việt cành Nam sầu ly khách
Khắc khoải canh dài tiếng bi thương
Đêm trường chích bóng hồn du mục
Hóa thân theo bước Hạ Tri Chương
Hoang mang linh lạc về cố quận
Đất lẫn người nay rất lạ thường
Lưu Nguyễn ngày xưa chừng cũng vậy
Lạ mắt lạ tai đứng hỏi đường
Nửa thế kỷ dài người đông đúc
Nhìn ra rối mắt mắt lũ lộn chuồng
Đất chẳng sinh sôi nên đất hiếm
Người đông kẻ trọc đóng vai tuồng
Nghĩ buồn quay gót chân Từ Thức
Ngẫm đời như một giấc hoàng lương
Cố kinh chìm dưới màu mây xám
Dáo dác lao xao rặt mán mường
Một bước trần ai thôi đủ ngán
Đối bóng bạch đầu đứng trước gương
Lại nhớ Đặng Dung ôm quốc hận
Khúc Thuật hoài nghe quá dị thường
Thù nước chưa xong đầu đã bạc.
Dưới trăng mấy độ vẫn mài gươm
Nhớ lại biết bao người thuở trước
Một thời từng gối súng nằm sương
Sa cơ cũng lắm Trần Bình Trọng
Nam nhi há chết một góc giường
Kẻ sống không bằng người đã chết
Xương máu còn in hận chiến trường
Cơ đồ một sớm tan tành mộng
Ngựa hồng mỏi vó chốn biên cương
Thất thế mới ra thân ly khách
Khắc khoải đêm dài cuốc kêu sương
Đỗ vũ hoang mang hồn Thục Đế
Nghe ra tận tuyệt nỗi đau thương
Chim Việt ngựa Hồ càng cám cảnh
Buồn nỗi ly hương cũng khác thường
Ngoảnh về đất cũ bao năm nữa
Đêm dài lịch sử vẫn mờ gương
Quyền thần vẫn muôn năm trường trị
Lòng người hồ cũng nát như tương
Quan lại thời này như hổ báo
Lên voi thời tranh bá đồ vương
Xuống chó xin làm người tử tế
Khác nào gái đĩ phải hoàn lương
Xuân vẫn tha hương nơi đất khách
Tìm vui sân trước với sau vườn
Rượu bao lăm chén làm thơ nát
Sấp ngửa bàn tay cũng một phường
Ngô Việt một nhà ôn việc cũ
Thế nên mới có Việt Vô Cương
Loay loay Tề Sở không nên chuyện
Mất nước đến giở cũng đáng thương
Tết đến một mình khôn đọc sách
Cổ thư toàn những chuyện chiến trường
Người lính già bỗng dưng hoài cảm
Bâng khuâng lòng tiếc lục phai hưởng
Ừ nhỉ ! Xuân về! Xuân về thực,
Xuân tha hương Xuân vẫn tha hương
Buồn tìm trong ý thơ người trước
Nối vận là duyên họa thơ xuông
Thơ vụng nên ghép vần cũng vụng
Chén tỉnh chén say tưởng cuối đường
Thơ nát bên hồ trường đã cạn
Chiều nghiêng nghiêng xuống chiều đã vàng
Ngày xuân vọng tưởng về quê mẹ
Cách một phương trời cách đại dương
Chẳng biết sẽ còn bao lâu nữa
Hẹn một ngày về quy cố hương
mnc
Cuối tháng Giêng ta
-

No comments:

Post a Comment