Friday, February 23, 2024

Đ Ấ T L Ề Q U Ê T H Ó I

Truyện ngắn HÀ THÚC SINH



“- Ông nói to quá ông Thanh ơi!. Ông cứ làm như chúng tôi đều điếc  cả ấy!”.

 Bà Thảo nói, trong khi ông Thanh ngả người ra sofa cười lớn: 

“- Tôi xin lỗi bà chị, đánh tôi què, chém tôi cụt, OK tuốt, nhưng bắt tôi thủ thỉ, thủ thì, thì tôi chịu, nó có vẻ xúc phạm đến tổ tiên nhà tôi quá!”

Bà Thảo giấu nỗi ngạc nhiên nói: “- Ôi! chỉ có chuyện nói to nói nhỏ mà sao trầm trọng đến thế!”, “ - Ồ! mọi sự trên đời đều có nguyên uỷ cả, bà chị à. Thế bà có biết tại sao gia đình bà, ai cũng ăn nói nhỏ nhẹ, khẽ khàng, nhà gần như không nghe tiếng guốc lớn, tiếng nói to không?”

Bà Thảo cười như giảng hòa: “- Ô ! tôi có để ý chuyện đó đâu.”  Rồi bà gật gù:”- Mà quả thế thật. Nhưng tại sao vậy nhỉ.”

“- Ồ! Dễ hiểu mà. Gia đình bà họ Trần lại sinh quán Hải Phòng thế nào chả dính líu đến nhà Trần, đến dòng dõi con vua cháu chúa?. Chị à, tôi quen vài gia đình họ Trần có thân nhân điên loạn do ảnh hưởng chế độ nội hôn của nhà Trần đấy.” Bà Thảo cười: “ Nhưng nó dính líu gì đến chuyện ăn to nói lớn và nhu mì thỏ thẻ?”.

Ông Thanh giơ cao hai cánh tay: “- Ồ! có chứ, hỏi sống trong cung đình ai dám ăn to nói lớn? Chẳng may có âm mưu gì đó, nó lộ ra, ối cha mẹ ơi, có mà bay đầu cả đám. Cho nên lâu ngày chầy tháng, tất cả thành thói , con cháu họ Trần trở thành nhỏ nhẹ, chừng mực. Bù lại,  nhiều người học giỏi, vì họ lặng lẽ và có vẻ sống với nội tâm nhiều.”

Bà Thảo đứng lên lấy cho ông Thanh một tách nước. Bà hỏi: “- Còn dân Thanh Hoá điển hình gia đình ông, sao tôi thấy cứ hai ba người sáp lại bàn chuyện gì đó là như y như rằng sắp có động đất hay tsunami?”

Ông Thanh cũng biết cái khuyết điểm của mình là tật nói lớn, nhưng khéo léo biện bạch: “- Bà Thảo à! bà có biết chúng tôi gốc gác là dân biển Ba Làng, Thanh Hoá  không? Gia tộc tôi mấy đời sống bằng nghề đánh cá, mãi đến đời ông cố nội tôi mới dọn về thị xã, con cháu bỏ dần nghề cũ, nhưng thói quen nói to của dân chài thì không bỏ được.” 

“- Nhưng tại sao các ông nói to mà như hét vậy?. 

“- Vì bà ơi, trôi nổi ngoài biển khơi với giông bão mà nói như ngậm hột thị ấy thì bố ai nghe ra cho được?” 

Bà Thảo im lặng không nói gì thêm. Có lẽ bà đã bị thuyết phục.

                      ***

Bà Thảo với ông Thành có cái tình lối xóm ở thành phố này đã mấy chục năm. Bà hơn ông đâu bốn năm tuổi. Họ quen nhau phải nói là từ dạo còn trẻ. Vâng, hồi mới sang Mỹ bà quãng năm mươi, ông chừng bốn mươi. Họ còn làm chung trong một thời gian dài ở một hãng đóng thịt bò hộp. Qua bao nhiêu thăng trầm, thay đổi, giờ họ đã già. Hồi ấy ông bà đều còn con cháu vây quanh, giờ chúng tản mác hết. Lúc về hưu, dòng đời đưa đẩy, hai người lại sống trong cùng một khu phố. Bà Thảo thì tiếp tục sống trong căn nhà phố mà con bà vẫn giữ lại cho bà dùng, dù năm nay bà đã ngoài tám mươi. Ông Thanh sớm bị lòa nên sống trong một khu dành cho người khuyết tật. 

Như thói quen, nấu được món gì ngon, bà Thảo luôn để dành một phần trong tủ lạnh, cuối tuần đi xe bus ghé đưa cho ông Thanh ăn. Nhiều lần ông Thanh nói với bà Thảo: “- Chị Thảo ơi! thôi chị đừng nấu nướng gì cho em nữa. Thấy chị vất vả em áy náy lắm.”. Bà bảo: “- Tôi nằm chèo queo cả tuần buồn lắm. Mỗi tuần có cớ ghé thăm chú, chị em trò chuyện không vui sao? Hi hi, từ tôi đi xe bus xuống chú mà xa xôi gì? Như Hải Phòng đi tí đường biển là xuống  tới Thanh Hoá ấy mà. Gần xịt?”

 Và những câu chuyện giữa hai người thường xoay quanh những món ăn ngày xưa nơi quê nhà. Ông Thanh nhớ được món nào là kể cho bà Thảo nghe. Về  nhà bà loay hoay trong bếp nấu cho bằng được.

Ông Thanh thú thật : “- Em ra Hải Phòng ở được một năm thì di cư vào miền Nam nên chẳng biết gì nhiều về món ngon Hải Phòng. Bà bảo: “- Tôi thì cả thời con gái trầm mình trong cái thành phố Cảng đầy món ngon ấy: Nào là chả cá An Thọ, chả chìa Hạ Lũng, nộm sứa, nem cua bể hay món bánh đa cua bể Hải Phòng. Bát bánh hội tụ đủ màu sắc và hương vị:  Màu nâu đỏ từ bánh đa hoà trong nước dùng sánh và cùng vị ngọt tự nhiên, Chất béo của tóp mỡ, hành phi giòn rụm làm nên món ăn thật là…quên chết!”

Thỉnh thoảng máu địa phương nổi lên họ cũng tranh luận dữ lắm. Có lần chẳng rõ bắt nguồn từ đâu, bà Thảo buột miệng hỏi: “- Phụ nữ Việt Nam ba miền, chú thích phụ nữ miền nào?. Ông Thanh cười bảo:”- Em thích phụ nữ miền Nam, họ thật thà, chân chất, có gì thì nói huỵch tẹt ra, không để bụng.”.  “- Thế con gái miền Bắc?”.  “- Nanh nỏ lắm! “. “-Thế là chú chê tôi đấy à?”

 Ông cười: ”- Đâu dám!”

“- Thế còn con gái miền Trung, điển hình gái Huế?”. Ông Thanh bảo: Nguyễn Tuân có đưa một nhận xét ngẫm nghĩ cũng hay: “Không xuống Huế thì thôi mà xuống Huế thì ồ! Huế nhiều chuyện lắm! “ Ông cười tiếp mà có lẽ thế thật, chưa đâu tuổi tác phân chia hai phong cách phụ nữ rõ ràng như ở Huế, hay tụt xuống phía nam một chút là Quảng Nam. Gái Huế thì kín đáo, e ấp. Phụ nữ cao tuổi thì bộc tuệch. Hút thuốc thì phải thụt vào lè ra như khoe lưỡi cho đến khi thiếu điếu thuốc vấn ướt mềm, hoặc là nhổ toẹt, hoặc là đem gắn đuôi thuốc trên vách. Có lần ông Thanh lại đưa nhận xét về giọng nói. Ông bảo giọng Hà Nội quả là sang, hay lắm, nhưng cách mạng vào dân tình xô giạt về thủ đô một cách hổ lốn, cộng với chính sách điền thổ đất đai, chia nhà chia cửa, chia nơi cư trú đúng phong cách Nga Xô 1917. Giờ lắm người Hà Nội cũng “nàm nụng  thì vất vả, ăn thì bữa đói bữa lo” và cái ông thần ngọng này ông ấy lại ngừng xe ngay trước nhà ông bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ mới là thú vị chứ!” Rõ là đất ngàn năm văn vật đã biến thành ngàn năm thánh vật!

Nhưng qua các món ăn bà Thảo ân  cần đem lại cho ông Thanh thưởng thức, gần như là câu chuyện tranh cãi bất tận đã có phần giảm. Ông Thanh lép vé và trong bụng đã nghĩ mình thua.

                    ***

Một hôm, con ông gọi vào khu khuyết tật báo tin: “- Bố ơi! Bố biết gì chưa?”. “-  Gì thế?”.  Anh con bác Thảo vừa gọi phone báo tin cho con biết bác Thảo ốm nặng lắm. Bác rất muốn gặp bố. Vậy bố thay quần áo đi. Con đưa bố vào bệnh viện”. Người con lớn của bà Thảo thấy ông Thanh thì mừng lắm. Anh nói: “- Cháu cảm ơn chú đã đến. Hình như mẹ cháu có ý chờ chú. Xin chú đi theo cháu”. Một lát sau ông Thanh đã đứng nơi đầu giường bà Thảo với mấy người con cháu của bà. Ông Thanh nắm lấy tay bà sẽ gọi: “- Chị Thảo, chị Thảo ơi!”. Thình lình bà Thảo hé mở mắt và mặt bà như rạng rỡ hơn lên. Bà ra dấu cho ông Thanh ghé thấp xuống rồi thều thào nói: “- Chú nói đúng, mắm tép ở đâu cũng ngon, dù mắm tép Hải Phòng hay mắm tép Ba Làng, Thanh Hoá “. Giọng bà thấp hơn như gần thầm thì : “- Chú Thanh ơi! Có cách nào cho tôi một thìa mắm tép không? Tôi thèm lắm…”

 


Rồi bà Thảo rơi vào im lặng hoàn toàn.

 Bà đã ra đi và có lẽ giờ này đang lặn lội trên con đường trở về quê cũ Hải Phòng. 


Hà Thúc Sinh

( Mùng Một Tết con Rồng 2024) 

No comments:

Post a Comment