Thursday, December 31, 2015

NGÀY CUỐI CÙNG CỦA NĂM 2015

Ngày cuối cùng của năm 2015.


Tonight at bedtime...
Breathe in PEACE, GRATITUDE, and LOVE.
Breathe out tension and fear.
Recount your BLESSINGS and REST.


Một năm nhìn lại, bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu hạnh phúc , bao nhiêu nghĩ suy về tình đời, tình bạn. Được hay mất ..Vốn là lẽ đời. Cuộc đời vốn thế. Có vui tất có buồn. Có hợp phải có tan . Chia ly và hội ngộ dường như cũng được sắp sẵn. Cứ an nhiên mà đón nhận . Cứ thong dong mà sống., bằng lòng với những gì mình được. Hạnh phúc đôi khi thật giản dị ...
Cái được là tâm an bình . Và đó là hạnh phúc.


Một năm nhìn lại , được nhiều quá . Được bao nhiêu lần hội ngộ . Được bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc. Được trò chuyện với bao tình thân . Được gặp nhiều người , cùng ăn chung một bữa tiệc . Cùng cười, cùng nói, cùng tâm tình. Chung vui có. Xẻ buồn cũng có. Đó chính là duyên . Hạnh duyên .

Một năm nhìn lại , được bao nhiêu là tình thân từ khắp nơi , xa , gần , thân , sơ...

Một năm nhìn lại, cám ơn gia đình , cám ơn các chị , các em , các cháu cùng chung một niềm vui , niềm âu lo và hạnh phúc gia đình. Ước mong một ngày trở về mái nhà xưa.

Một năm nhìn lại, cám ơn những thân ái của tình bằng hữu, thời Tiểu học , thời Trung học và thời Đại học. Nhưng thương yêu , hạnh phúc và niềm vui sẽ khó có thể quên những giờ phút bên nhau đáng quý đó. Mong ước lại có nhiều hội ngộ nữa.

Một năm nhìn lại, những ưu ái, những yêu thương của học trò xa gần mãi mãi là những kỷ niệm đẹp . Những cô cậu học trò khắp nơi. Những tâm tình, những xẻ chia , những hội ngộ mãi là những kỷ niệm đẹp của người đưa đò.

Tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, xin được gửi đến những người thương yêu của tôi lời chúc an lành, sức khỏe và may mắn trong năm 2016.

COUNT YOUR BLESSINGS BY SMILES , NOT TEARS.
COUNT YOUR AGE BY FRIENDS, NOT YEARS.


Và tôi biết, tôi hạnh phúc.

phương lan HB
11:30 am Dec 31, 2015

Friday, December 25, 2015

ĐÊM RẤT THÁNH, ĐÊM KHÔNG CÙNG

ĐÊM RẤT THÁNH, ĐÊM KHÔNG CÙNG

Hát là cầu nguyện đến hai lần.
(St. Augustine)
Một anh bạn tôi, có cô vợ theo đạo công giáo, nói rằng anh ta chỉ theo vợ đến nhà thờ hai lần trong một năm, vào ngày lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh. “Vậy là anh lấy hết hai ngày lễ lớn nhất của người công giáo rồi còn gì,” tôi nói đùa. “Riêng lễ Giáng Sinh,” anh ta nói, “không chỉ đi lễ nửa đêm, tôi còn hát theo được bài thánh ca.” “Bài gì?” tôi hỏi. Anh trả lời, “Đêm thánh vô cùng.”
Từ “Silent night” đến “Đêm thánh vô cùng”
Bài thánh ca giáng sinh mà anh bạn tôi yêu thích và hát theo được không phải là bài thánh ca của người Việt mà là bài nhạc ngoại quốc được viết lời Việt. Ít ai biết được rằng bài hát ấy là bài thơ được phổ nhạc, có điều không phải phổ thành nhạc mà là phổ vào nhạc.
Chuyện được kể lại như thế này: bài hát được “chào đời” và cất tiếng lần đầu tiên vào ngày 24/12/1818 tại một làng quê hẻo lánh ở Oberndorf, một tỉnh lẻ của nước Áo. Trong làng ấy có ngôi nhà thờ nhỏ St. Nicholas. Trong nhà thờ ấy có một linh mục trẻ yêu thơ, yêu nhạc tên Joseph Mohr (có tài liệu nói ông là thầy phó tế chứ chưa phải linh mục). Lời của bài hát vốn là bài thơ bằng tiếng Đức được cha Mohr sáng tác từ hai năm trước, tên là “Stille Nacht, heilige Nacht” (“Đêm thinh lặng, đêm thánh thiện”).
Vào hôm trước lễ Giáng Sinh cha Mohr tìm đến người bạn mình, một anh thầy giáo làng tên Franz Xaver Gruber, là người chơi đàn organ cho nhà thờ, nhờ gấp rút soạn nhạc và phối âm cho bài thơ ấy để kịp trình diễn với đàn guitar trong thánh lễ nửa đêm (vì lẽ cây đàn organ bị hỏng sao đó). Công việc cũng chẳng khó khăn gì lắm, chỉ mất vài tiếng đồng hồ, vì Gruber đã có sẵn trong tay một bài nhạc thánh ca mà anh từng viết ra trước đó, nay anh chỉ việc bỏ đi lời cũ và thay bằng lời thơ hay ý thơ của bạn mình là xong ngay. Thế rồi trong thánh lễ giáng sinh lúc nửa đêm, hai chàng nghệ sĩ có ngay màn trình diễn một sáng tác mới toanh cho cả nhà thờ thưởng thức trong tiếng đàn đệm guitar, hòa cùng giọng ca đoàn hát chung hai câu cuối của mỗi đoạn thơ. Bài hát kết thúc trong sự tán thưởng nồng nhiệt của đông đảo giáo dân trong làng.
Như vậy, bài hát có hai “đồng tác giả” người Áo là linh mục “nhà thơ” Joseph Mohr và nhạc sĩ “nhà giáo” Franz Gruber mà trước đó chẳng được ai biết đến tên tuổi. Cả hai đồng tác giả này thật khó mà ngờ được rằng bài hát soạn ra vội vã ấy một ngày kia sẽ bay ra khỏi ngôi giáo đường ở làng quê nhỏ bé đó, vượt qua biên giới nước Áo, vượt qua nhiều biên giới của nhiều quốc gia khác và bay đi khắp muôn phương để cứ mỗi mùa giáng sinh là mọi nhà thờ lớn nhỏ trên mặt đất này đều nghe cất lên bài thánh ca ấy trong tiếng chuông ngân rộn rã.
Do bản gốc của bài nhạc bị thất lạc, mãi đến năm 1995 khi một bản thảo chép tay bài “Stille Nacht, heilige Nacht” với thủ bút của linh mục Joseph Mohr được tìm thấy người ta mới biết được tác giả của bài hát là ai. Trước đó bài hát vẫn được xem là truyền khẩu hoặc gán cho tác giả là tên của những nhạc sĩ thiên tài.
Có những version khác nhau cho bài “Stille Nacht, heilige Nacht” nhưng cho đến nay bản viết năm 1818 với nhịp 6/8, cung Ré trưởng, gồm sáu lời nhạc vẫn được xem là bản gốc. Bài hát vượt cả không gian lẫn thời gian, trở thành bất hủ, cứ mỗi mùa giáng sinh lại rộn ràng cất lên trên khắp hành tinh này với giai điệu dìu dặt, ngọt ngào và êm dịu, phảng phất âm hưởng nhạc dân ca truyền thống của miền quê nước Áo. Người dân Áo hoàn toàn có thể hãnh diện khi bài thánh ca của quê hương mình được “nâng cấp”, không còn là riêng của nước Áo nữa mà đã được “quốc tế hóa” để trở thành bài thánh ca giáng sinh của cả nhân loại.
“Stille Nacht, heilige Nacht” được chuyển ngữ sang hầu hết mọi thứ tiếng trên thế giới, và đến nay người ta khó mà biết được chính xác đã có bao nhiêu bản dịch bài thánh ca này (có tài liệu nói bài hát được chuyển dịch đến hơn ba trăm thứ tiếng). Riêng đối với người Việt thì hai ngôn ngữ được yêu chuộng nhất của bài hát là tiếng Anh và… tiếng Việt. “Silent night”, tên bài hát với bản dịch tiếng Anh năm 1859 của giám mục John Freeman Young thuộc giáo phận Florida, Hoa Kỳ, được xem là bản phổ biến rộng rãi nhất, được nhiều người nghe và hát nhất hiện nay.
Đúng như tên gọi “Silent night”, bài hát khe khẽ, chầm chậm cất lên với câu nhạc khởi đầu bằng những nốt nhạc mềm mại tựa những bước chân rón rén, nhè nhẹ trong tâm trạng nao nức, thấp thỏm như đợi chờ điều gì đó thật kỳ diệu sắp sửa xảy ra. Nhạc điệu trầm lắng, dào dạt, khi vút lên cao khi chìm xuống thấp như tiếng gió rì rào lượn quanh những đồi thông.
Nếu nhiều người tỏ lòng biết ơn giám mục John F. Young về bản dịch tiếng Anh ấy thì người Việt mình cũng cần nói lời cám ơn nhạc sĩ Hùng Lân, người đã viết lời Việt cho bản thánh ca bất hủ này từ hơn nửa thế kỷ trước, và đặt tên cho bài hát là “Đêm thánh vô cùng”. Nói “viết lời Việt” vì ông không hề làm công việc dịch lời nhạc từ bản tiếng Đức hay tiếng Anh sang tiếng Việt mà ngoài cái tựa bài và một hai ý trong bài hầu như ông đã tự viết ra lời khác cho bài nhạc. Có thể nói được rằng, bài thánh ca giáng sinh ấy được ông “Việt hóa”, khiến người hát và người nghe cứ tưởng như bài thánh ca của người Việt chứ không phải của nước ngoài.
Nhạc sĩ Hùng Lân
Nguồn ảnh: http://giaosunhacsihunglan.blogspot.com/

Người ta cám ơn nhạc sĩ Hùng Lân không hẳn vì ông là người đầu tiên đặt lời Việt cho bài “Silent night” mà vì những lời thật ý nghĩa ông viết ra cho bài nhạc ấy. Điểm khác biệt giữa nhạc thánh ca giáng sinh và những thánh ca khác, nói như linh mục nhạc sĩ Kim Long (tác giả bài thánh ca “Kinh hòa bình”), là ở lời ca. “Lời phải đi vào mầu nhiệm của giáng sinh,” linh mục nói, “phải diễn tả được mầu nhiệm của con người gặp gỡ Thiên Chúa, của đất với trời gặp gỡ nhau để có được sự giao hòa, nhập thể của con Thiên Chúa trong đêm đầy hồng phúc.”
Bài thánh ca ra đời trong đêm giáng sinh năm 1818 ấy, tính đến nay đã gần tròn hai trăm tuổi, cất lên mỗi mùa giáng sinh về, và cứ được nghe đi nghe lại mãi, tưởng như không bao giờ cũ, không bao giờ nhàm chán.
“Đất với trời xe chữ đồng”
Nhiều người biết nhạc sĩ Hùng Lân là tác giả của “Hè về” (“Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song…”), một ca khúc vui tươi, sôi động trong số rất ít những bài hát phổ biến về mùa hè, nhưng ít ai biết ông là một nhạc sĩ đi tiên phong trong nhiều lãnh vực: là một trong những nhạc sĩ hàng đầu về nhạc hùng của tân nhạc Việt (tác giả những bài quen thuộc như “Rạng đông”, “Khỏe vì nước”, “Tiếng gọi lên đường”, “Mùa hợp tấu”, “Cô gái Việt”, “Việt Nam minh châu trời đông”…); là nhạc sĩ khởi xướng phong trào viết nhạc thánh ca bằng tiếng Việt; là soạn giả đầu tiên cho những sách giáo khoa về âm nhạc trong các trường học phổ thông; là một trong những người thầy sáng lập trường Quốc Gia Âm Nhạc Và Kịch Nghệ, Saigon và cũng là giáo sư âm nhạc tại trường này, tại Viện Đại Học Đà Lạt và nhiều trường học trong Nam ngoài Bắc (trong số ấy có trường Chu Văn An, Hà Nội); là “cha đẻ” của chương trình gọi là “Đố Vui Để Học” được Trung Tâm Học Liệu Saigon phát hình lần đầu tiên năm 1969, và cũng là người đầu tiên mang bài thánh ca nổi tiếng “Silent night” ấy đến với giáo dân và người Việt yêu nhạc.
Nhạc sĩ Hùng Lân không phải là người duy nhất viết lời Việt cho bài “Silent night”, sau ông nhiều nhạc sĩ đã thử viết lại những lời Việt khác với những tựa khác (“Đêm huy hoàng”, “Đêm vui mừng”, “Đêm âm thầm”, “Đêm thanh bình”, “Đêm yên bình”…) nhưng đều là những cố gắng không thành công, hiểu theo nghĩa người Việt yêu nhạc vẫn ở lại với “Đêm thánh vô cùng”. Vì sao vậy? Đâu là chỗ khác nhau giữa các “bản dịch” ấy?
Đầu tiên phải là cái tựa bài. Đêm ở đây là đêm thanh khiết, đêm sâu lắng, đêm im lặng mênh mông đến vô cùng. “Đêm thánh vô cùng” nối liền được cả hai ý: “silent night” và “holy night”. Đêm Chúa giáng sinh không chỉ thuần là đêm tối thinh lặng mà còn là đêm huyền diệu. “Đêm thánh vô cùng”, chỉ có tên gọi ấy mới nói hết được ý nghĩa của bài thơ, bài nhạc. Đêm rất thánh, đêm không cùng.
Nếu câu hát chủ điểm trong bài “Silent night” là “All is calm, all is bright” thì trong “Đêm thánh vô cùng”, câu hát ấy chính là “Đất với trời xe chữ đồng”. Cả bài thánh ca tiếng Việt ấy toát lên một ý chính, gói trọn trong câu sáu chữ này.
Người nhạc sĩ không nói “trời đất giao hòa” mà nói “đất với trời xe chữ đồng”. Có khá nhiều “đồng” ở trong “chữ đồng” ấy: đồng lòng, đồng tình, đồng tâm, đồng cảm, đồng thuận… “Đất” là con người, là tạo vật trên thế gian này; “Trời” là con Thiên Chúa, là đấng tối cao, đấng tạo dựng loài người.
“Đất với trời xe chữ đồng” là thời khắc mà khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người như được kéo gần lại, thời khắc mà tình yêu giữa đấng tối cao và con người, giữa con người và con người như được hợp nhất, hòa quyện vào nhau, khiến con người như gần với Thiên Chúa và gần với nhau hơn bao giờ.
“Đất với trời xe chữ đồng” là thời khắc mà Thiên Chúa mở lòng ra với mọi người và ban phát tình yêu thương bao la, thời khắc mà con người đón nhận tình yêu thương ấy như đón nhận “ơn châu báu không bờ bến”. Con người đồng thời cũng mở lòng ra với đồng loại để cho nhau tình yêu thương giữa người và người.
“Đêm thánh vô cùng” trong ý nghĩa đó là đêm hạnh ngộ, đêm tràn đầy hồng ân và chan chứa những thương yêu.
Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhắp chén phiền, vương phong trần
Từ lâu tôi vẫn thích câu hát này, nghe có chút gì… phong trần, và cảm thấy Thiên Chúa thật gần gũi với con người vì Người cũng bôn ba, cũng lao đao lận đận, cũng…“bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”, nào có khác chi người phàm.
Ai đang sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù…
Bao giờ tôi cũng chờ để nghe giọng ngân ấy vút lên, “trong lạc th… u… ú…”, nghe như tiếng chuông cảnh tỉnh những ai còn đang mải mê ngụp lặn, miệt mài tìm kiếm những hoan lạc của cuộc sống trần tục.
Tôi không chắc có bao nhiêu người thuộc hết được lời bài “Đêm thánh vô cùng”, phần lớn chỉ nhớ được đến lời thứ hai của bài, còn lại là hát theo ca đoàn hoặc hát theo nhau cho đến câu hát cuối, “Bốn bề tuyết sương mịt mù”, trong lúc câu cuối bài “Silent night” được John F. Young viết lời là “Jesus, Lord, at Thy birth”. Điều lý thú là chẳng ai nêu thắc mắc với nhạc sĩ Hùng Lân, vì sao ông không chịu dịch cho sát nghĩa lời của bản gốc mà lại viết ra lời khác; hơn thế nữa, mọi người còn tỏ ra yêu thích lời Việt “cải biên” ấy. Liệu có phải là những lời ấy phù hợp với “tâm tình mùa giáng sinh” của tín hữu người Việt hơn? Cho đến ngày nhạc sĩ Hùng Lân lìa đời ở trong nước (năm 1986) người ta không nghe được nơi ông một lời giải thích nào cả.
Có điều là đến nay hầu như không ai còn có ý định chuyển dịch hoặc đặt lời Việt nào khác cho bài thánh ca giáng sinh ấy. Trong một nghĩa nào đó, kể từ ngày câu hát “Đêm thánh vô cùng! Giây phút tưng bừng!” được cất lên, bài “Silent night” như có một đời sống khác sau khi được “Việt hoá”. Người Việt cùng hát với nhau bài hát ấy trong niềm cảm xúc dạt dào khi mùa giáng sinh về, mà không cảm thấy đấy là bài thánh ca của nước ngoài.
Với ý nghĩa của bài hát, của “đất với trời xe chữ đồng”, “Đêm thánh vô cùng” hầu như thích hợp với hợp ca, đồng ca hơn là đơn ca. Bài hát càng thêm ý nghĩa khi được nhiều người cùng hát với nhau. Trước giờ tôi chưa nghe có giọng hát nào gọi là gắn liền với bài hát này, hoặc bài hát này làm nên tên tuổi của ca sĩ nào. Đến nay, sau nhiều lần nghe đi nghe lại bài thánh ca ấy, những lần gieo vào lòng tôi nhiều cảm xúc nhất vẫn là đến từ những màn hợp xướng của các ca đoàn hơn là từ ca sĩ chuyên nghiệp.
Hát “Đêm thánh vô cùng” là đi tìm sự bình an trong tâm hồn, là đi tìm vẻ đẹp trong sáng, hướng thượng để thanh lọc tâm hồn và để lòng lắng xuống trong giây phút lâng lâng tiếng nhạc.
“Silent night” không chỉ là bài thánh ca giáng sinh mà còn mang ý nghĩa của một thông điệp hòa bình cho nhân loại, một thông điệp mang đến tình yêu thương, lòng bao dung và thứ tha trong một thế giới an hòa. Nhân loại đến nay vẫn chưa thực sự có an bình, vẫn còn những con người đi gieo rắc thù ghét và bạo lực thay vì gieo rắc tình thương yêu đến cho đồng loại. Trong lúc thế giới đang có những biến động từng ngày từng giờ và cảm giác bất trắc, bất an phủ trùm lên đời sống con người hơn bao giờ thì bài thánh ca ấy vang lên trong mùa giáng sinh này như đáp ứng nỗi mong đợi, khát khao của những người “thiện tâm”.
Vào đúng lúc nửa đêm, vào đúng thời khắc Chúa giáng sinh, bài thánh ca có từ hai trăm năm trước ấy được triệu triệu tín hữu trên khắp hành tinh này cùng lúc trỗi giọng cất lên. Bài hát mang đến cho con người chút cảm giác yên bình hiếm hoi và cũng mang đến niềm tin vững vàng về những giá trị của chân, thiện, mỹ. Hát lên bài thánh ca ấy như thắp lên ngọn lửa tin yêu, cho bóng tối bị đẩy lùi, cho cái xấu, cái ác bị xóa sạch và những điều tốt, điều lành trên thế gian này sẽ không bao giờ mất đi.
Khi người ta cùng yêu thích, cùng chia sẻ những cảm xúc về một bài hát; hơn thế nữa, cùng hát chung với nhau một bài hát là có chung với nhau sự đồng cảm, đồng thuận.
“Singing together is praying together”, tôi tin là như vậy. Khi mà người người đồng lòng, “đồng thanh tương ứng” cất cao tiếng hát, khi mà người người đồng tâm hiệp ý nguyện dâng lời khẩn cầu lên đấng tối cao thì đức tin con người cũng mạnh mẽ hơn lên, tin vào mầu nhiệm của Đấng Cứu Thế giáng sinh, mầu nhiệm của con người gặp gỡ Thiên Chúa, mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa đổ tràn xuống con người, và cả tình yêu giữa người và người trong đêm tràn đầy hồng ân.
Đất với trời… xe chữ đồng…
Lê Hữu


Phương Lan post lúc 6:44 PM
ngày 25 tháng 12 năm 2015

ĐIỆU NHẠC VĂN CAO

ĐIỆU NHẠC VĂN CAO
 
 
 
Dù nhạc sĩ Văn Cao sống ở miền bắc, trước năm 1975, người miền nam không hề xa lạ với ông. Những Bến Xuân, Buồn Tàn Thu, Suối mơ, Trương Chi, Sông Lô…luôn được hát ,được yêu mến. Và chúng tôi càng yêu ông, thương xót cho ông hơn khi biết rằng sau khi đất nước trở thành đôi bờ chiến tuyến, ông không còn sáng tác. Lý do tại sao , tôi không được rõ. Có thể ông bị cấm sáng tác, có thể tự ông muốn biến thành người câm khi biết rằng tâm hồn mình đã trở thành cung đàn lỗi nhịp.
Trong khi ở miền nam, Phạm Duy, người bạn thân của ông, như con bướm bay lượn trong tự do (có khi quá đà), thì tôi có cảm giác Văn Cao như con chim cô đơn, tàn tạ trong chiếc lồng chật chội. Ước gì thời gian đó, ông biết được rằng ở một miền đất nước cách chia có người vẫn nghĩ, vẫn nhớ rất nhiều đến ông, đến một người đã có cái nhìn vô cùng trang trọng với tình yêu đôi lứa.
“Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một lần”
Trong ngôi nhà tình yêu, chỉ vắng nhau một lần, đã trở nên hoang vắng, buồn bã đến thế sao?
Văn Cao sáng tác không nhiều nhưng bài nào cũng hay. Với riêng tôi, tôi vẫn thích nhất Cung Đàn Xưa.
“Hồn cầm phong sương, hình dáng xuân tàn
Ngày dài mờ trôi, sầu lắng cung đàn”
Điệu valse của Cung Đàn Xưa thật lạ kỳ. Nhịp điệu rất sang , rất “Tây” ấy không gợi cho tôi nhớ đến những điệu valse của Strauss mà lại đưa tôi vào không gian man mác buồn của Đường thi.
“Tạ từ Hoàng Hạc người đi
Tháng ba hoa khói xuôi về Giang Châu
Cánh buồm lẻ bóng khuất mau
Dòng trường giang chảy về đâu hỡi người” (*)
Cung Đàn Xưa ấy bao năm trời đành “tắt bao thắm tươi” và chúng ta không còn nữa được nghe tiếng sáo “ai oán khúc ca cầm châu rơi” của chàng “Trương Chi” tội nghiệp. .
“Cung thương lạc phím đàn
Cung Nam lạc phím người”
Thật đau đớn khi người nghệ sĩ phải tự giam cầm trái tim chan chứa yêu thương của mình..
Một sáng tháng giêng năm 2000, ngồi bên một quán nước nhìn ra dòng sông Saigon thấp thoáng sau những rặng trúc bên bờ Thanh Đa, tôi bổng nghe văng vẳng một điệu valse kỳ diệu như một dòng suối ngọt ngào.
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông…”
Người bạn ngồi bên nói cho tôi biết đó là bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao. Bài hát như một tiếng khóc mừng khi đất nước im tiếng súng.
Tại sao ông chỉ thầm vui được thấy một “mùa bình thường” trong khi những người chung quanh ông đang hò reo một “mùa xuân đại thắng”?
Có phải một chút bình thường như tiếng gà gáy trưa, một chút khói bay trên sông, một trưa nắng vui, cũng là điều tâm hồn dịu dàng của ông khao khát trong suốt bao nhiêu năm?
Lòng ngập tràn hy vọng, ông thật thà trong niềm vui đoàn tụ:
“Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người”
Vậy mà theo lời người bạn, không dễ để tiếng lòng chân thực của Văn Cao đến được với mọi người. Được sáng tác năm 1975, phải đến sáu năm sau bài hát mới được phép phổ biến.
Thật dịêu kỳ khi con chim ủ rủ, chết lặng trong lồng hơn  20 năm, bỗng một ngày hồi sinh cất cao tiếng hót lảnh lót, tươi vui đến như vậy. Tôi nghe như có những giọt nước mắt đang lăn xuống trên đôi gò má nhăn nheo của tác giả.
Mùa Xuân  Đầu Tiên được phép hát có lẽ là hạnh phúc cuối đời của ông và ông sớm ra đi sau đó lại là điều may mắn.Bởi nếu còn sống đến giờ này chắc chắn ông lại buồn bã, tuyệt vọng nhìn thấy  “Mùa Bình Thường” của ông  chưa bao giờ là hiện thực.
Sau khi im tiếng súng , người có nhận ra quê người? người có thực sự  yêu thương người?
  .
Đã 20 năm ừ ngày Văn Cao  từ biệt chúng ta nhưng dường như:
“Tơ đàn chùng cùng với tháng năm
Rừng còn nhắc tới người
Trong chiều nào giửa chốn đây
Hồn cầm lắng tiếng đời”.
                (Suối Mơ)
Hà Phan
(*)
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu, 
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu 
Cô phàm viễn ảnh bích không tận. 
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Thơ Lý Bạch
 
(Người viết dịch.)
 
Thu Thủy chuyển qua email
 
 
On Sunday, July 12, 2015 8:39 AM, Ngoc Quynh Dang wrote:

Các bạn quý mến,
Sao hòa bình mà không có hạnh phúc, tự do, danh dự, an bình?
NQ đã khóc một giòng sông cứ mỗi lần nghe bài "Mùa Xuân Đầu Tiên" của Văn Cao!  Buồn da diết, uất nghẹn...
Con tạo oái oăm hay tại lòng người bất chính mà ra nông nỗi này?
Giàu sang giả tạo, phù phiếm, của xã hội đỏ dễ làm che mắt những kẻ hời hợt, nhẹ dạ rằng quê hương mình phồn thịnh, ấm no!!!
Thực tế thì tài năng không được phát triển, sống trong phập phồng lo sợ;  Người người cùng nhau giả dối che dấu cảm nghĩ thực để được toàn mạng, nhịn nhục qua thời.  Đa số cam sống nhục để lờ đi thực tế mất đất, mất biển, mất quyền lợi, danh dự.  
Đất nước như bãi rác khổng lồ để bọn người nước lạ thao túng, vứt bỏ rác rưởi vào cùng lúc chúng dùng thủ đoạn thu mua để phá hoại nền kinh tế, cũng như khả năng sản xuất nông sản, thực phẩm của dân tộc!  
Người người cam tâm hứng chịu sự bắt nạt, bảo nhau NHẪN NHỤC để sống qua ngày!
Hầu như toàn dân chỉ là những kẻ làm công, làm thợ mà chú nhận là người nước lạ, bọn lãnh tụ đỏ, hay người nước ngoài khác.  Những con thiêu thân, không còn lối thoát nào hơn là đắm chìm vào rượu chè, hút sách, đàn nhạc thác loạn, vô văn hóa.
Thảm cảnh không cần nhắc cũng vẫn cứ sáng chói lói làm choáng cả mặt mày, ngượng cứng tâm can.

Thật não lòng!!!

ẤM ÁP ĐÊM GIÁNG SINH.

ẤM ÁP ĐÊM GIÁNG SINH. 

Chiều 23 tan sở về nhà với quà Noel và một tấm chi phiếu của nơi làm việc. Một niềm vui trong ngày. Thấy khó chịu, ho khù khụ, khoác chiếc áo ấm đi bộ ra đầu đường mua một chai thuốc ho ở CVS Pharmacy. Nhận được thiệp Giáng sinh của cô giáo trường Trưng Vương, thiệp Noel của một cô bạn TV dễ mến . Nhận được lời chúc của cô bạn thân từ nước Đức xa xôi . Thêm một niềm vui. Một bát cháo trắng với đậu kho sao mà ngon lạ. 

Sáng 24 , trời se se lạnh, đi một vòng ngắm thiên hạ mua sắm.Nơi nào cũng đông, không thể tìm được một chỗ đậu xe. Vào chợ 99 cents, thấy hoa hồng tươi thắm , rinh một chậu be bé về đặt bên bờ vai yêu thương. Ấm áp!

 Lên net, bao nhiêu yêu thương của bạn bè, học trò khắp nơi. Hạnh phúc ngày Noel. Hồi đáp những yêu thương bằng niềm vui. Cuộc đời thật đẹp.
Nhận được tin nhắn của cô bạn thân từ miền Bắc Cali

-" Thương chúc Lan một ngày lễ vui vẻ, năm mới tràn đầy sức khỏe , an lành"
Kể lể với bạn đang bị ho, đang nấu gà với nấm cho tối Noel. Bạn nhắn nhủ:
-"Ho uống nước chanh với mật ong, nước gừng là mau hết. Mong bạn già mau hết bệnh nhé. Thương mày.
Bỗng dưng muốn khóc. Tìm trong tủ lạnh, không còn miếng gừng nào, chợt nhớ gói kẹo gừng , quà tặng của cô bạn thời ĐHSP gửi từ quê nhà. Ngâm vài miếng thấy êm êm. Miệng thấy nhạt, ăn vài miếng ô mai của cô bạn Trưng Vương tặng. Cám ơn tình bằng hữu. Bà chị từ miền Bắc thăm hỏi.
 
Một bát gà nấu nấm, một mẩu bánh mì, một chút rượu trái cây trong ấm áp của tinh thân đã là một bữa ăn tối đêm Noel ngon và nhiều ý nghĩa.

Hồi âm cho cô bạn nơi quê nhà, khoe vài tấm hình mới chụp...Vào giường chùm chăn xem TV. Điện thoại reng... Bạn tôi gọi từ nửa vòng trái đất. Có phải thần giao cách cảm hay không mà khi chúng tôi nghĩ đến nhau và được trò chuyện cùng nhau. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện đời , ôn lại kỷ niệm ngày nào. Cứ thế hết chuyện này đến chuyện khác , hai đúa tôi say sưa nói, mê mải nói quên mất cả ho. Ấm áp đêm Noel.

 Ngoài kia tiếng pháo bông reo vui, trăng tròn quá. Cuộc đời đẹp biết bao!. Tình bạn dễ thương làm sao. Và tôi biết tôi hạnh phúc. Cám ơn đời...
PHƯƠNG LAN hb
Dec 25, 2015

SƠN TRUNG QUẢ PHỤ - ĐỖ TUÂN HẠC

ĐỖ TUÂN HẠC 

Đỗ Tuân Hạc 杜荀鶴 (846-904), thi nhân đời Vãn Đường, tự Ngạn Chi 彥之, hiệu Cửu Hoa sơn nhân 九華山人, người Thạch Đại 石埭, Trì Châu 池州 (nay thuộc Thạch Đài 石台, An Huy 安徽, Trung Quốc).


SƠN TRUNG QUẢ PHỤ ( nhất tác " Thời thế hành " ) 


Phu nhân binh tử thủ bồng mao , 

Ma trữ y sam mấn phát tiêu . 
Tang chá phế lai do nạp thuế , 
Điền viên hoang hậu thượng chinh miêu . 
Thời khiêu dã thái hòa căn chử , 
Toàn chước sinh sài đới diệp thiêu . 
Nhậm thị thâm sơn cánh thâm xứ , 
Dã ưng vô kế tị chinh diêu . 

Đỗ Tuân Hạc 


Chú thích: 

Chá 柘 : cây chá , giống như cây dâu dùng để nuôi tằm . 
Chinh 征 , cũng đọc là trưng 徵 : thu , lấy . 
Chinh phú 征賦 : lấy thuế , chinh thuế 征稅 : thu thuế . 
Hoặc : 
Trưng phú 徵賦 : thu thuế 

NGUYÊN TÁC


山中寡婦(一作時世行)

夫因兵死守蓬茅,
麻苧衣衫鬢髮焦。
桑柘廢來猶納稅,
田園荒後尚征苗。
時挑野菜和根煮,
旋斫生柴帶葉燒。
任是深山更深處,
也應無計避征徭。

杜荀鶴 



BÀ GÓA TRONG NÚI 

Nhà nghèo, chồng chết trận lâu rồi, 
Mái tóc hoa râm tấm áo sồi . 
Canh cửi, sưu cao đành bỏ phế, 
Ruộng vườn, thuế nặng để hoang thôi . 
Tìm rau cỏ dại làm canh húp, 
Mót rác rơm tươi chụm đáy nồi. 
Chui rúc trong hang cùng, hóc núi, 
Vẫn không tránh khỏi thuế sưu đòi . 

Cao Ngọc Cường

Thursday, December 24, 2015

LẠI HỘI NGỘ " HOA SEN".

LẠI HỘI NGỘ " HOA SEN".


" Những ngày tháng còn lại của cô sẽ là một chuỗi những hội ngộ", một cậu học trò của tôi đã viết như vậy.
Sao em giỏi thế hả Bảo Trịnh? Những cuộc hội ngộ với bạn hữu, với học trò sẽ là một chuỗi của niềm vui và hạnh phúc.

 Và hôm nay , trưa chủ nhật , một buổi trưa thật ấm áp , nắng vàng rực rỡ, nhóm bạn Đại học Sư Phạm vùng quận Cam lại tề tưu tai nhà hàng chay Hoa sen để chào đón  Mai , cô bạn có đôi mắt nâu màu hạt dẻ từ Canada, xứ lạnh tình nồng . Chào mừng Mai lại đến Cali nắng ấm. 
Hẹn nhau 12:00AM, 10 phút nhau chúng tôi đã có mặt đầy đủ . Anh Nam, Thu Thủy, Mai , Xuyến, Oanh, Minh Hải và tôi. Vợ chồng Châu Hà bận việc không đến được.Vợ chồng Tuy bận việc cũng không tham dự. Bù vào lại có hai nàng thiếu nữ dễ thương, Yến Tuyết, chị của Thu Thủy và Thương Thương, cô bạn từ thuở nhỏ của Yến Tuyết. Thêm người, thêm tiếng nói, thêm tiếng cười, thêm niềm vui và được ăn thêm nhiều món ngon. Cám ơn bác phó nhòm Nam luôn ghi lại những kỷ niệm thật đẹp cho chúng tôi. Xem hình, dẫu không có anh Nam , nhưng anh luôn hiện diện trong từng tấm ảnh, vì chúng tôi đều phải nhìn anh và theo lệnh của anh ..1, 2, 2... Cám ơn anh thật nhiều. Chúng tôi bên nhau thật gần , thật ấm áp, tràn đầy tình thân ái của một tình bạn hơn 40 năm mà không phải ai cũng có được.
        Những nàng thiếu nữ 3 lần tuổi đôi mươi vẫn tươi trẻ bên nhau.
                        Hàng đứng từ T->P:Xuyến,Oanh,PLan,Minh Hải
           Hàng ngồi từ T->P:Mai,Thu THủy,Thương Thương,Yến Tuyết

Chúng tôi cùng đi chợ và một lát sau bao nhiêu thức ăn đã được dọn đầy bàn thật hấp dẫn. Yummy, yummy...Giờ ăn đến rồi, mời anh xơi , mời các bạn xơi...
                                           Canh chua và cá kho tộ

Lại nhớ đến cháu của Tản Đà ở xứ cao bồi nhắn nhủ trong lần Hoa sen hội ngộ hôm tháng 8:
"Bạn hiền
Mình nhớ ngày trước thi sĩ Tản Đà luận về ăn như thế này 
Đồ ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon/ người ngồi ăn không ngon/ không ngon!
 Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon/ người ngồi ăn không ngon/ không ngon! Đồ ăn ngon/ người ngồi ăn ngon/ chỗ ngồi ăn không ngon/ không ngon!…” 
tựu trung là 1. Món ăn phải ngon 2. Chỗ ngồi ăn cũng phải ...ngon 3 . Cái này mới quan trọng : người ngồi ăn với ta cũng phải ...ngon ...lành... thời ăn mới ngon vậy 
Nay các bạn ngồi ăn giữa hoa sen, với bao khuôn mặt rất thân quen. Ăn toàn những món ngon trai tịnh. Cháu của Tản Đà cũng phát ghen. với các bạn ta đấy ..
Heheeh !"
 
 
Và bạn Cường Cao ơi, bạn lại phát ghen với chúng tôi lần nữa đấy.  Nem nướng, cơm trắng, cá kho tộ , canh chua, hủ tíu xào dòn, cơm đập, bún sáo măng, bún chả giò, gỏi tiến vua,gỏi gà và cơm tấm...Trời ạ, món chay thanh tịnh sao mà ngon thế không biết.Hi..hi..hi...Chúng tôi say sưa ăn, say sưa nói. Góc này Yến Tuyết đang giải thích về Medicare . Góc kia khoe nhau thời trang..Ai nói, ai nghe mặc ai, đằng kia bác Nam phó nhòm đang tận tình thưởng thức những món ngon. Không ai khôn bằng bác .Chúng tôi không ai hỏi thăm nhau về sức khỏe như thông lệ của những người Mỹ , chúng tôi còn bận rộn với những trái ổi xanh xanh, vàng vàng hấp dẫn của hai bạn Thủy Nam. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây...cho nên chúng tôi bèn cám ơn người trồng...
Mỗi lần món ăn được dọn ra là tên tôi lại được gọi í ới dể chụp hình, để khoe khoang và quảng cáo không công cho nhà hàng.
 
                                                     Gỏi tiến vua
 
                                           
Gỏi gà và bún sáo măng
 
Và theo thi sỹ Tản Đà thì chúng tôi ăn rất ngon. Ngon vì thức ăn, ngon vì tình bạn. Tình bạn vẫn được giữ lại qua những tấm hình...Không hẹn mà hai đứa chúng tôi đều mặc áo trắng . Thế cơ chứ!


Mới đó mà đã gần 2 giờ rồi, lại lưu luyến chia tay . Lại bịn rịn trong những tấm hình của phút chia tay , lại ấm áp bên nhau . Với những cặp kính mát , chúng tôi dường như trẻ hơn.
 
 
Bác phó nhòm Nam vẫn kiên nhẫn với niềm vui thích chụp hình của chúng tôi. Nắng lên cao hơn , ấm áp hơn và bộ ba chúng tôi lại có được một kỷ niệm đẹp. Cám ơn anh Nam nhiều thiệt nhiều . Vẫn không quên cám ơn nhau cho tình bạn của chúng mình.
 
 
 Bài tường trình về buổi hội ngộ của những người bạn cùng chung mái trường Đại học Sư phạm xin được kết thúc ở đây với nhân vật chính của buổi tiệc và hai cận vệ áo trắng. Cám ơn Mai . Cám ơn chúng ta đã có nhau trong buổi họp mặt của buổi trưa ngày chủ nhật 20 tháng 9 năm 2015.
 
 PHƯƠNG LAN hb 
9:09 PM 09/20/2015

TIẾNG RAO HÀNG RONG

TIẾNG RAO HÀNG RONG

Không cần phải nhìn đồng hồ, hễ nghe tiếng rao nào , là biết ngay khoảng mấy giờ ! Như khoảng 2 giờ trưa thì có thể nghe "Ai chè đậu nước dừa đường cát trắng hong .....???" là cô hàng bán chè đậu có nước dừa và đường cát trắng, rao sao bán vậy , đơn giản, dễ hiểu
Nhưng không phải lúc nào cũng vậy , có những tiếng rao một đường, mà bán một nẻo như bà bán cháo đậu: "Ai ché đậu ché xanh hong ...." Rõ ràng là chữ ché với dấu sắc, chữ không phải chữ cháo, và bà thì bán hai thứ cháo: cháo đạu đỏ để ăn với thịt kho cũ , cá kho cũ , và cháo đậu xanh để ăn chung với đường phèn , đường cục !
        
Đến khoảng 3 giờ chiều là tiếng rao "Ai bánh tráng kẹo hong .....?" dài thườn thượt. Kẹo ở đây là kẹo mạch nha, thứ kẹo được nấu bằng lúa non, vừa ngọt thanh, vừa dẻo quánh, ăn vào là dính răng , đường mạch nha dây vào tay chân, quần áo , ....
Nội cái nhìn ngắm 2 bàn tay của người bán hàng cũng là như xem biểu diễn nghệ thuật . Lấy một cái bánh tráng phồng lớn thiệt lớn ra để lên mâm, rồi hai tay của người bán hàng cứ như xoè ra như cánh bướm để trét mạch nha vào bánh phồng . Cánh bướm phía trên thì lớn, càng xuống dưới thì càng nhỏ dần , sau cùng người bán bẻ cái cụp , và ụp 2 mảnh của tấm bánh tráng lại với nhau để cầm cho khỏi dính tay ...

Càng về chiều , càng nhiều tiếng rao , nào là "Ai ăn hột vịt lộn , hột gà vữa hong ....?" Thường chữ cuối câu là chữ "hong" , được kéo dài lòng thòng lê thê ra để lôi kéo khách hàng , nhưng cũng có người tiết kiệm lời , chỉ rao duy nhất một chữ sắc gọn , cụt lủn: "Chiếu !" của ông bán chiếu ! Phải chi ông chơi một đoạn trong "Tình anh bán chiếu" thì không chừng ông bán được nhiều hơn:
"Chiếu Cà Mau đượm màu tươi tắn,
Công anh cực khổ mưa nắng dãi dầu,
Chiếu này anh chẳng bán đâu,
Tìm em không gặp ........ hò ơi ...................
..... tìm em không gặp , anh gối đầu mỗi đêm"

Có loại tiếng rao, mà chẳng dùng lời , là tiếng rao của những người bán mì gõ, còn được kêu là mì xực tắc , vì thường được rao bằng cách đập 2 ống tre vào nhau tạo ra âm thanh như chữ "xực tắc" ! Loại mì này được bán với giá vô cùng bình dân , mà được phục vụ dến tận nhà , không cần bước chân ra đường , chỉ cần ngoắc tay kêu em nhỏ đang gõ lại , là chừng 5 phút sau có một tô mì nóng hổi , khói bay thơm phức đem đến tận nhà !
Càng về đêm, càng có những món ngon , vật lạ . Nào là "chí mà phủ" , tức là chè mè đen, "mía hấp" , tức là mía nhưng được hấp nóng hổi , vừa thổi vừa ăn, rất hợp với đêm khuya trời hay lạnh , hoặc "cháo huyết" , "cháo lòng", chỉ là tô cháo bình thường , nhưng được ăn vào ban đêm , thì thấy ấm lòng và ngon hơn nhiều !
Còn nhiều , nhiều nữa , tạm thời chỉ nhớ bao nhiêu ...... ! 
HenryLe
Phương Lan 09/25/2015
               
                                       

NẤU XÔI BẮP BẰNG MICROWAVE

NẤU XÔI BẮP BẰNG MICROWAVE

Nấu xôi bắp bằng microwave chỉ có 9 phút , thêm nhiều phút để hầm bắp, nấu đậu xanh và phi hành.
Những ngày xa xưa trước năm 1975 , những ai yêu xôi bắp không thể nào quên được gánh xôi bắp ở một gốc cây đường Tạ Thu Thâu. Chỉ là một gánh xôi đơn sơ , giản dị nhưng biết bao nhiêu là khách đứng chờ.
Chỉ nhìn vào gánh xôi của bà thì đã cầm lòng không đậu. Tay bà thoăn thoắt , nhanh gọn, lấy một miếng báo, lót ít lá chuối rồi múc bắp, đậu xanh,
cho thêm ít hành phi. chan một ít dầu trong bát hành, một chút đường..rồi bà gói lại giao cho khách mua. Người mua hớn hở cầm gói xôi với niềm vui hiện trên nét mặt.
Tối qua , nấu xong xôi bắp, ăn thử thấy cũng không tệ. Từ nay sẽ khỏi phải mất công đi đâu xa, cứ ở nhà là có xôi bắp để ăn.
Và rồi hình ảnh của Mẹ tôi ngày nào lại hiện ra với nhiều kỷ niệm. Nhớ mẹ tôi dặn dò khi tôi đi mua xôi , nhớ nhé, ít bắp , nhiều đậu, nhiều hành, không lấy đường....Mẹ thân yêu ơi, bây giờ con biết nấu xôi rồi, lại không còn Mẹ nữa rồi...

Công thức nấu xôi bắp đây Bạch Tuyết Hồ và Nguyen Luu Phong Lam ơi., Công thức căn bản ở trong bài nấu xôi vò bằng microwave . 1 cup nếp ngâm qua đêm, 1 cup đậu xanh nấu cho mềm, xay ra hoặc nắm thành từng nắm nhỏ ( như nấu xôi vò) . 1 lon bắp nấu cho nhừ , nêm chút muối vào nếp hay bắp cho đậm đà.
Nấu gạo nếp trong 3 phút, sau đó trộn đều với bắp đã nấu mềm trong 3 phút nữa. Trộn nửa phần đậu xanh vào , nấu trong 3 phút nữa. Sau đó đem ra , đơm ra đĩa , cho phần đậu xanh còn lại, cho hành phi , một chút dầu, một chút đường rồi nhăm nhăm...Thử làm đi nhé các bạn và học trò của tôi ơi. Cảm giác tự nấu rồi tự thưởng thức thích thú lắm.

PHƯƠNG LAN hb
10"15 PM 10/01/2015
                               
                                              

AI MUAỔI XÁ LỊ KHÔNG?

AI MUA ỔI XÁ LỊ KHÔNG...?


 Chiều nay lại ghé thăm bạn tôi, Hồng Lưu, nhà có hoa tường vy, có cây nhãn, có cây đu đủ ...Cùng nhau ăn cơm , trò chuyện..rồi rủ nhau ra hái ổi...Những trái ổi to ở tuốt trên cao , cây sào khều không tới....Một cái thang được khiêng ra, bạn tôi vịn, tôi trèo lên , vin cành và hái...Cảm giác tay chạm vào quả ổi chín cây , xoay nó vài vòng , rồi quả ổi nằm gọn trong bàn tay mình mới thú vị làm sao ! Mèn ơi, sao nhiều trái to , chín thế không biết. Cứ hái , cứ hái nhiều quá...mà mình lại không thích ăn ổi. Xui thiệt. có một quả ổi be bé, vàng vàng...cắt ăn thử...mềm mềm, ngòn ngọt, thơm thơm..rất hạp với tuổi cao niên của hai đứa chúng tôi.Và rồi ..có một bà lão ngồi rao hàng..ai mua ổi xá lị không?
Cám ơn bạn tôi . Một buổi chiều thật vui, thật ấm áp. Lại có nhiều hoa ngọc lan mang về . Thích thật'
Phương Lan HB
11:34PM 10/10/2015