Friday, February 3, 2023

NGÀY XUÂN UỐNG RƯỢU NHỚ ANH NGUYỄN ĐỨC LẬP


ĐỌC LẠI CHÉN RƯỢU MỪNG XUÂN NHỚ ANH NGUYỄN ĐỨC LẬP 



    Bài thơ CHÉN RƯỢU MỪNG XUÂN của anh Nguyễn Đức Lập (1945-2016), nhà văn, trưởng Hướng đạo với tên rừng Sóc Vui Vẻ của chúng tôi. 

   Đó là bài thơ duy nhất của anh mà tôi còn lưu giữ trong hơn 20 tác phẩm văn xuôi của anh.

   Anh Lập chỉ viết văn khi từ khi tỵ nạn tại Palawaan những năm đầu thập niên 80 và bài Chén rượu mừng Xuân của anh in trong Những Đêm Không Ngủ, tập thơ duy nhất của anh viết trong “Khung rào tỵ nạn..” những năm ấy tại những trại tạm cư ở Phi Luật Tân, nơi  ba năm Nguyễn Đức Lập chôn chân nơi đó, như quãng đời một tráng sĩ bị bó tay trong vòng rào hẹp mà nung nấu tâm can hào khí muốn cứu vãn quê hương đang trong gông cùm giặc nước.


Bài thơ Nguyễn Đức Lập phảng phất phong thái những bài Hành của Thâm Tâm, Nguyễn Bính ... đọc lại vẫn cảm thấy đầy hào khí bi tráng và thê lương như tấc lòng anh nung nấu “muốn làm một cái gì” cho đất nước quê hương nhưng vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện đó cho đến cuối đời. 


CHÉN RƯỢU MỪNG XUÂN là bài hành duy nhất của anh Nguyễn Đức Lập mà tôi được biết, vẫn còn lưu giữ trong Notebook  như một kỷ niệm với anh, tình cờ lại hiện ra trong những ngày Xuân tái đêm qua khi ngồi uống chén rượu đầu năm những người bạn, người em hướng đạo của anh Lập ... chúng tôi đã đọc lại mà nhớ anh - Anh Sóc Vui Vẻ Nguyễn Đức Lập - cũng gần đến ngày giỗ của anh, anh mất vào cuối tháng Hai năm nhuần 2016. 

Mời quý bạn đọc nhân dịp đầu Xuân.

CHÉN RƯỢU MỪNG XUÂN

Chén rượu xoàng đây ta mời ngươi

Cháy gan cháy ruột ngửa nghiêng cười

Người đời xanh mắt thời tao loạn

Tìm kiếm chi cho chán mớ đời?

Hiền sĩ ngày xưa ngồi góc núi 

Pha trà nước suối, ngâm thơ chơi 

Hay say giữa chợ lan man khóc 

Sự nghiệp không đầy bát rượu vơi. 

Hoành kiếm nhơn nhơn nhìn thế cuộc 

Giận thân râu tóc chẳng phùng thời 

Đập bàn hát loạn dăm ba khúc 

Hào khí bay lên vút tận trời.

Ngươi có thấy không, hào kiệt trước 

Nuốt trời, mửa đất há nhường ai?

Cát lầm chẳng để sờn mơ ước 

Cũng đã bao phen sóng dập vùi. 

Thiên hạ khó dung người chí lớn 

Dặm trường ngựa thét muốn mòn hơi 

Mỉa mai cho những cơn thành bại 

Cuồn cuộn sông dài nước chảy xuôi.

Cũng có người xưa, người Đỗ Mục 

Buồn thương nhân sự, tiếc hoa rơi 

Hay như gã Tín Lăng Quân đó

Mộng lớn tàn bên gái tuyệt vời

Họ Khuất trầm mình sông Mịch Thủy

Góp cho nhân thế tiếng than ôi 

Tử Tư đầu bạc băng qua ải 

Để lại thiên thu tiếng thở dài.

Chén rượu xoàng đây, ta mời ngươi 

Khung rào tỵ nạn có chi vui 

Chim hồng xếp cánh khinh trời hẹp 

Nhìn lại thân ta, xót chuyện người.

Nguyễn Đức Lập

(Những Đêm Không Ngủ)


Dậy sớm đọc lại thơ anh và nảy ý họa nguyên vận bài thơ của anh Nguyễn Đức Lập như một nên tâm hương nhân ngày giỗ Anh cuối tháng này: 


Ngày Xuân đọc lại thơ anh Nguyễn Đức Lập 

(Phụng họa nguyên vận)

NGÀY XUÂN UỐNG RƯỢU

Tha phương lữ thứ, ta với ngươi

Bầm gan, tím ruột bậm môi cười 

Xuân đến không mời nhau chén rượu 

Mà làm chi để hết nửa đời 

Quán xá cũng không .... mùa dịch bệnh!

Góc vườn ngồi đốt lửa mà chơi

Ngày Xuân đất khách buồn không nói 

Rượu rót chén đầy lại chén vơi

Cứ gượng mà vui như Lã Vọng 

Buông câu thẳng lưỡi để chờ thời 

Mòn hơi ... mà lão lai tài tận

Ngửa cổ mà tu .... ấy mệnh trời! 

Ngươi cũng như ta nhà quanh xóm 

Mấy chục năm dài chẳng bằng ai 

Nhưng có cái chẳng ai bằng được 

Ăn hòn nói cục chẳng giấu vùi 

Xó núi vẫn thường ra cắm trại 

Ven rừng đốt lửa khói lên hơi 

Buồn tha hương cũng dần phai nhạt 

Nước mắt lần hồi cũng chảy xuôi 

Cứ ngỡ sẽ quên buồn xưa ấy

Ai ngờ chiều chậm cuối năm rơi 

Nâng chén mừng Xuân, Xuân viễn xứ 

Cố hương, cánh hạc vút xa vời 

Xuân này con lại không về được 

Quê nhà xa ngái ! Mẹ quê ôi! 

Phương này Xuân tái mùa Xuân lại 

Phương ấy còn ai tiếng thở dài 

Tha phương viễn xứ ta với ngươi 

Xuân về hoang lạnh giọt buồn vui

Ly rượu đầu năm nghe mằn mặn

Đọc lại thơ xưa lại nhớ người 

Cao Ngọc Cường 

(Mùng Ba Tết Tân Sửu) 

Gửi Cao Bình

mnc


Viết thêm: 

 Trong bài thơ dài thể Hành:  Ngày Xuân Uống Rượu đầy hào khí sầu muộn của Hồ Trường, của Hành Phương Nam thuở trước , ta thấy có vài điển tích cổ như “ người đời xanh mắt…” Đỗ Mục khóc hoa, Tín Lăng Quân tàn cơn mộng lớn, Khuất Nguyên trầm mình nơi sông Mịch La, Ngũ Tử Tư bạc đầu, Chim hồng xếp cánh …

Đọc thơ ông, ta có cảm giác như lạc vào thế giới cổ văn xưa. Chẳng lạ gì vì Nguyễn Đức Lập đã chịu nhiều ảnh hưởng của thân phụ ông là nhà báo Hồng Tiêu và thân mẫu là nữ sĩ Bà Tùng Long một thời trên văn đàn miền Nam. Ông tự nhận mình là ông giáo làng trong tuyển tập Hương Giáo Đề Thơ dày hơn một nghìn trang in thành 4 tập khổ sách 8.5 X 11 inch. được gia đình nhà văn ấn hành khi ông đã ly trần, gồm những bài viết trong 5 năm đăng trên tờ Bách Khoa, sau đó mục Hương Giáo Đề Thơ đăng đều đặn trên tờ Thời Báo. 

Thay Lời Tựa trong Hương Giáo Đề Thơ (tập I)

anh viết: “Đây là tập thư của vị thầy giáo làng gởi cho đứa học trò (Lê Văn Cui) cả đời không học hết được túi khôn của thánh hiền…”. 

Với kiến thức uyên bác, dựa vào lịch sử, văn học từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim… để dẫn chứng từng mẩu chuyện từ chính sử, huyền sử, giai thoại và từ đó người thầy Hương Giáo trò chuyện với trò Cui (Lê Văn Cui) về nhân tình thế thái để rút ra những bài học cho cuộc sống. Thế nên chẳng lạ gì khi Nguyễn Đức Lập dẫn nhiều điển cố trong bài Ngày Xuân Uống Rượu. Chúng tôi có cơ may gặp và thân thiết với anh trong những năm tháng cuối đời của Nguyễn Đức Lập. 

Nay ngày Xuân  đọc lại thơ anh,  nhân kỷ niệm 7 mùa Xuân anh rời xa nhân thế cuối tháng hai này, lại thể đương nhàn rỗi nên lục trang sách cổ tìm tòi điển cố anh đã nhắc đến trong thơ như một cách nhớ anh Nguyễn Đức Lập.

Vài điển tích trong thơ Nguyễn Đức Lập

- “Người đời xanh mắt thời tao loạn”

Điển tích: Đời Tấn bên Trung Hoa có Nguyễn Tịch là bạn của Lưu Linh, lấy mắt trắng mà nhìn khách mình coi thường, còn bạn tri âm tri kỷ đến thì tiếp bằng đôi mắt xanh.

“Giá khuynh thành nhất tiếu thiên kim,

Mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục.”

(Tản Đà - Đời đáng chán)

“Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ 

Ta với nhà ngươi cả tiếng cười “ 

( Hành phương Nam - Nguyễn Bính) 

- Cũng có người xưa, người Đỗ Mục 

Buồn thương nhân sự, tiếc hoa rơi 

Tích Đỗ Mục thán hoa: 

Đỗ Mục 杜牧 (803-853) tự Mục Chi 牧之, hiệu Phàn Xuyên 樊川, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An, tỉnh Thiểm Tây) nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường. Còn gọi là Tiểu Đỗ để phân biệt với Đỗ Phủ là Lão Đỗ. 

 Có một lần Đỗ Mục đi chơi ở Hồ Châu, gặp một cô bé rất xinh đẹp nhưng mới hơn mười tuổi. Đỗ bèn hẹn với mẹ cô bé rằng: “Đợi tôi mười năm, nếu tôi không về được thì hẵng gả cô bé”. Mười bốn năm sau, Đỗ Mục mới về làm thứ sử Hồ Châu, cô bé đính ước ngày trước đã lấy chồng được ba năm, sinh hai con. Đỗ Mục than tiếc và làm bài thơ này.

Thán hoa

Tự thị tầm xuân khứ hiệu trì,
Bất tu trù trướng oán phương thì.
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc,
Lục diệp thành âm tử mãn chi. 

 Đỗ Mục

Dịch nghĩa 

Từ thuở ấy đi tìm hương xuân, nay tính lại thì đã muộn rồi,
Cũng đừng nên đau xót hờn giận mùa thơm.
Cơn gió dữ thổi rụng hết hoa màu hồng thắm,
Lá biếc trở nên um tùm, trái kết đầy cành.

Dịch thơ: 

Than tiếc hoa . 

Ngày cũ hương Xuân đã muộn màng, 

Cũng đừng đau xót tiếc mùa sang 

Cuồng phong thổi rụng hoa phai thắm 

Cây trái xum xuê đã lỡ làng 

mnc 

 Bài  thơ Đỗ Mục Thán Hoa quả là mượn hoa để ví với người, là một giai tác thở than cho tình yêu không được toại nguyện

- Hay như gã Tín Lăng Quân đó

Mộng lớn tàn bên gái tuyệt vời

Tích Tín Lăng Quân đam mê tửu sắc

Tín Lăng Quân tức Ngụy Vô Kỵ một trong tứ công tử nổi tiếng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa, là con trưởng của Ngụy Vương Chiêu và là anh trai của Ngụy Vương Ngữ.

Ông nổi tiếng là một người khẳng khái, được liệt vào một trong Chiến Quốc tứ công tử lừng danh trong lịch sử. Trong Tứ công tử, Tín Lăng Quân được đánh giá là người khí khái anh hùng nhất trọng hiền tài lập nhiều công trạng lớn. Về sau nước Tần thù địch nước Triệu lập kế ly gián, Nguỵ vương nghe lời gièm pha phế truất Tín Lăng Quân, ông bèn cáo bệnh về về và sa vào tửu sắc, ngày đêm vui chơi. Bốn năm sau, năm 243 TCN, ông mắc bệnh mà qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi.

Tần vương nghe tin ông mất, bèn sai Mông Ngao đánh Ngụy lấy hai mươi thành, sau đó nước Tần dần dần chiếm nuốt trọn nước Nguỵ. 

Lại nhớ chuyện xưa 

Vào khoảng cuối đời Lê có Nguyễn Hoè, một học sinh sắc sảo đi thi hương. Quan chủ khảo năm ấy cũng tên là Hoè, vì thế khi xướng quyển người ta kiêng tên quan phải đọc chệch là Nguyễn Huề. Nguyễn Hoè biết thừa nhưng cố tình không chịu vào. Người xướng quyển xướng đi xướng lại mấy lần, mọi người đã vào hết, riêng Hoè vẫn còn đeo ống quyển đứng yên. Cuối cùng, người xướng quyển chõ loa vào Hoè mà hỏi tên. Hoè liền gào to: "Tôi là thằng Hoè".

Người xướng vặn:

- Sao gọi mãi không vào?

Hoè cứng cỏi đáp: 

        - Chỉ thấy gọi thằng Huề chứ có thấy gọi thằng Hoè đâu?

   Sau người xướng phải xướng to đúng tên Hoè, bấy giờ Hoè mới chịu vào.

Thấy thí sinh bé oắt mà ương ngạnh, quan chủ khảo sai giữ Hoè để hỏi vặn nghĩa lý văn chương. Hỏi đến đâu nhất nhất Hoè đều đối đáp trôi chảy đến đấy, quan liền ra một câu đối:

        “Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như.”

       (Nghĩa là: Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, tên như nhau, thực chất chẳng như nhau.)

        Có ý lên giọng kẻ cả rằng hai đằng cùng tên Hoè, nhưng một đằng quan một đằng học trò, so bì với nhau sao được.

Hoè liền đối lại:

“Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ.”

        (Nghĩa là: Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, mày không sợ thì tao cũng không sợ.)

Thiệt là khí khái 

Thursday, February 2, 2023

NGÀY XUÂN CHUYỆN VÃN HOA MAI (2)

 Ngày Xuân chuyện vãn hoa mai thì miên man biết đâu điểm dừng nhỉ! Nhất là trong tuổi chả lo gì, khi ngày như lá, tháng như mây 



"Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn cũ, hạc là người quen." 

Cụ Nguyễn Du đã bảo vậy thì ta cứ vâng lời 



Gần tới Nguyên Tiêu, vẫn còn xuân thì mai vẫn còn tươi trong cái lạnh âm hàn đang quét qua thành phố, nhiều nơi trời còn thả tuyết giỡn mai nữa cơ 

Bao giờ mai tàn thì xuân cũng hết, có phải vậy chăng?! 

Lại nhớ nhà thơ xứ Trầm Hương, Quách Tấn đã tâm sự: “ …nhân thấy một người hàng xóm vất nhánh mai hết thời nơi xó nhà bếp, tôi ( Quách Tấn) cảm tác được bốn vần:


"Trước Tết Mai là hoa

Sau Tết Mai là củi

Trước bao nhiêu nâng niu

Sau bấy nhiêu hất hủi


Nâng niu Mai chẳng mừng

Hất hủi Mai không tủi

Nghìn trước ngẫm nghìn sau

Khe trong lồng bóng núi."


Nhìn qua thì an nhiên tự tại, nhưng chíp chắp vẫn thấy chua chát ngậm làm ngon, làm ngọt để giữ lòng được an nhiên tự tại. Tôi nhận thấy người cũng như mình, xưa cũng như nay, nói đến MAI chỉ vì mình mà nói, chớ chưa từng thấy thi nhân nào vịnh Mai vì Mai. Đối với Mai như thế kể cũng phụ phàng quá ! …” (Quách Tấn thi thoại)

 

Mấy vần của thi nhân sao mà thâm trầm ý nhị thiền tông 


“Trước Tết Mai là hoa

Sau Tết Mai là củi …


Nâng niu Mai chẳng mừng

Hất hủi Mai không tủi


Nghìn trước ngẫm nghìn sau

Khe trong lồng bóng núi."


Đọc lại bài kệ của Sư Mãn Giác để cảm một ý thiền ngày Xuân 


Vô đề 

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

          Mãn Giác Thiền Sư 


Vô đề 

Xuân ruổi trăm hoa rụng,

Xuân tới, trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;

Đêm qua, sân trước một nhành mai.

  ( bản dịch của Ngô Tất Tố ) 



31/1 

mnc

NGÀY XUÂN CHUYỆN VÃN HOA MAI (1)


 


Mai là một trong ba người bạn mùa lạnh (Tuế hàn tam hữu): Tùng, Trúc, Mai 

Mai ở đây là Hàn mai ( mai phương Bắc vào mùa tuyết sương) nhưng tôi lại hình tượng thành cây mai hoa vàng, hoàng mai, huỳnh mai, mai xuân nơi miền Nam nắng ấm quê tôi thường chưng trong ba ngày Tết. 

🎶Đồn anh đóng bên rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa 🎶 Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy 

Cho chiến sĩ vui miền xa xôi... ( Đồn vắng chiều Xuân - Trần Thiện Thanh) 

Lại nhớ khi học bài Hán Văn với thầy Trần Trọng San (bài Tam Hữu) tôi mới hiểu tại sao Tùng Trúc Mai là ba người bạn trong mùa tuyết lạnh vẫn tươi tốt trong khi các loài thảo mộc khác đều tàn héo. Tam hữu Tùng Trúc Mai  tượng trưng cho khí tiết người quân tử vậy! 

Các bạn tôi nhớ thầy Trần Trọng San, nếu rảnh thì vào đây đọc lại sách của Thầy nhé 


https://online.fliphtml5.com/uwgth/yvxo/#p=58


Cứ như thầy dạy thì chữ Mai 梅, (bộ mộc 木 + mỗi 毎) xưa cũng viết 槑 là hoa mai vàng ngày Tết, hay cây hoa mơ có hoa trắng năm cạnh (lục ngạc mai) nở mùa đông giữa băng tuyết có quả chua (khô, tươi, dùng ăn và nêm nấu hay làm thuốc). 

Tuy nhiên cây mai vàng ngày Tết ở miền Nam khác họ loại với cây mơ hoa trắng ở miền Bắc. Cây mai tiêu biểu cho miền nam là mai vàng 5 cánh, có danh pháp khoa học là Ochna integerrima (thuộc họ Ochnaceae). Cây mơ còn gọi là mơ ta, mơ Đông Á, mơ mai hay mai hoa trắng)danh pháp khoa học là Prunus mume. 

Mai phương Bắc thường là Hàn mai như trong Tạp Thi của Vương Duy


Quân tự cố hương lai 

Ung tri cố hương sự 

Lai nhật ỷ song tiền 

Hàn mai trước hoa vị 



Người từ quê cũ đến 

Hẳn biết chuyện quê nhà 

Ngày đến bên song cửa 

Có thấy mai nở hoa 

( mnc dịch)


Thơ văn xưa thường ví mai là tiên, vì có vẻ thanh cao không sợ tuyết sương và có sắc đẹp hương thơm. 

Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió,

Hỏi ngày về chỉ độ đào bông 

( Chinh phụ ngâm )

. Cụ Nguyễn Du khi tả vóc dáng thanh tú của chị em Thuý Kiều trong như cây mơ, cây mai trong Đoạn trường tân thanh đã hạ bút:

Mai cốt cách tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”

Nhà thơ chân quê Nguyễn Bính có bài thơ về mai nhưng là mai trắng bên xóm mai vàng : 


Nhà nàng ở gốc cây mai trắng,

Trên xóm mai vàng dưới đế kinh.

Có một buổi chiều qua nơi ấy,

Tôi về dệt mãi mộng ba sinh.


Tôi rót hồn tôi xuống mắt nàng.

Hồn tôi là cả một lời van.

Tôi van nàng đấy ! Van nàng đấy !

Ai đã yêu đương chẳng vội vàng ?


Nàng có bao giờ thương nhớ tôi không

tình tôi tựa tuyết giá mùa đông

Mùa xuân mai nở tôi qua cửa

Nàng đứng nhìn hoa rất lạnh lùng


Một chiều lặng lẽ tôi dạo phố

Qua xóm mai vàng dưới đế kinh

ngỡ ngàng tiếng nàng ru đâu đó

tiếng ru à ơi buồn mông mênh


Cho đến một hôm giữa phố đông

Chợt trông kìa có phải nàng không

Ôm mai trìu mến như hình bóng

Không lẽ hoa mai đã lấy chồng.....


Nguyễn Bính 


Mai vàng phương Nam ngày Tết tràn ngập khắp nơi và cả trong thơ trong nhạc, thấy mai vàng là thấy mùa Xuân 

Anh cho em mùa xuân

Nụ mai vàng mới nở

Chiều đông nào nhung nhớ

Đường lao xao lá đầy

Chân bước mòn hè phố

Mắt buồn vin ngọn cây

Anh cho em mùa xuân

Mùa xuân này tất cả

Lộc non vừa trảy lá

( Kim Tuấn)


Lại nhớ hai câu của danh sĩ Cao Bá Quát cho hoa mai đi đôi cùng gươm báu thành một cặp anh thư anh hùng vừa uy vũ, bạt tụy vừa uyển chuyển thanh cao. Mai của Cao Chu Thần chính là Mai Ngự Sử là Bách Hoa Khôi.

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa 

Cao Bá Quát 

( Mười năm xuôi ngược tìm gươm báu

Một thuở cúi đầu bái hoa mai).



mnc

NGÀY XUÂN ĐỌC CHUYỆN THẦN TIÊN

 


Câu chuyện tình người tiên kẻ tục này đã được cụ Nguyễn Dữ viết kể trong Truyền Kỳ Mạn Lục từ đời xưa ai ai cũng biết. 

Thi sĩ Tản Đà xưa có làm bài thơ Tống Biệt từ câu chuyện Từ Thức lạc Thiên Thai với câu kết có chữ “chơi” tuyệt bút: 


Tống biệt 


Lá đào rơi rắc lối Thiên thai,

Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi.

Nửa năm tiên cảnh,

Một bước trần ai.

Ước cũ, duyên thừa có thế thôị

Đá mòn, rêu nhạt,

Nước chảy, huê trôi,

Cái hạc bay lên vút tận trời!

Trời đất từ nay xa cách mãi.

Cửa động,

Đầu non,

Đường lối cũ,

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Tản Đà 


 Bài thơ ngắn, chỉ hơn 10 câu nhưng đã tài tình kể câu chuyện diễm ảo dài hơn 1000 năm hạ giới giữa chàng Từ Thức lấy vợ Tiên trong cổ tích nước ta ngày xưa. 

Nay nhân ngày Xuân nhàn nhã, xin kể lại vài tình tiết tân thời hay nói văn hoa là thời thượng và có thể cho đó là Truyền Kỳ Mạn Lục Tân biên do cụ Lý vớ vẩn sưu tập chép lại mua vui cho quý vị đôi ngày sau Tết 


Chuyện như vầy: 


Từ Thức là quan huyện Mỗ …thời Nam triều quốc khi nước ta có nạn Nam Bắc phân tranh. Dai dẳng, dữ dội. 

Được mấy năm đầu, thiên hạ thái bình ở miền Nam trù mật hiền hòa. Một hôm, Từ Thức du Xuân, cỡi ngựa xem hoa tình cờ ghé ngang thăm sân chùa nọ. Có cô gái xinh đẹp đến thưởng Xuân, vin hoa vô ý làm gãy cành mẫu đơn đẹp, bị người chủ vườn nắm níu bắt đền. Đôi bên đang giằng co thì Từ Thức động lòng trắc ẩn, cởi ngay áo field jacket đính lông cừu đang mặc mà cứu người con gái ấy. Cô gái từ tạ cảm ơn nghĩa ấy rồi về. 

Mùa Xuân Ất Mão nhiều năm sau đó, Nam triều thất thủ. Từ huyện lệnh bị kết tội ngụy quyền, đày lên mạn ngược, mất gần mươi năm khổ sai mới được tha về nguyên quán. Quan lộc đã hết, gia cảnh cơ hàn, bị chỉ định nơi cư trú nơi vùng rừng sâu núi thẳm. Đang khi leo lên non cao hái củi, hái thuốc sinh nhai độ nhật bỗng một hôm mát trời chàng gặp cô gái đẹp từ đâu hiện ra, cho biết nàng vốn là tiên nữ trên thiên giới vì làm vỡ chén ngọc trong buổi dạ yến Đào nguyên của Thượng Đế nên Vương mẫu nổi giận đày nàng xuống trần gian, lại không may vô ý làm gãy hoa quý,  may nhờ chàng trượng nghĩa, cởi áo khinh cừu cứu nạn dạo ấy. 

Nay Vương mẫu biết chàng bị hạn nên sai thiếp xuống trả ơn đề cùng chàng kết tóc se tơ, hưởng phước trưởng sinh nơi cõi Thiên Thai thượng giới. 

Chàng kíp theo em lên xe mây mau về cõi trời trình diện Vương mẫu tác hợp cho đôi ta. 

Nghe vậy chàng Tử Thức mừng húm như đang cõi chết sống lại , vứt vội đôi quang gánh theo Giáng Hương tiên nữ về trời, trúc động đào nguyên nơi chốn thiên đường hưởng phước ăn queo phe, phút tem. đi xế huê kỳ, ở nhà hao dinh, mê đi ke, mê đi kết … tận tình phục vụ, lại hưởng lạc thú cùng người vợ tiên tuyệt sắc mà không hề lo sợ bọn bò vàng cờ đỏ nào hoạnh hoẹ xét hộ khẩu thường trú tạm trú tạm vắng, quát nạt, hoạnh hoẹ gì sốt. 

Sướng như tiên. Nhưng… 

Nửa năm hương lửa đang nồng 

Trượng phu nay bỗng động lòng bốn phương !

Lại kể, một hôm Giáng Hương tiên nữ phải vâng lịnh vào hầu Vương Mẫu, bèn dặn dò chồng ở nhà yên tâm đi đạo ngắm cảnh Thiên Thai mà làm thơ ngâm vịnh chờ nàng nhưng nhớ đừng ra backyard mà chi kẻo rách việc. Thế nhưng anh chàng Từ Thức quên lời vợ dặn, lại lần mò ra ngõ sau vén mây nhìn xuống cho thoả tính hiếu kỳ. Bỗng đâu một áng mây Tần bay qua làm lộ ra cảnh trần gian đang rộn rịp đón Xuân vui Tết cờ xí đỏ rợp trời, người đi  như nước áo quần như không … (mặc) , thoảng trong gió còn nghe tiếng nhạc xập xình, tiếng loa mời gọi việt kiều về quê ăn Tết giúp đô cho cố hương đắc địa. 

Lại thêm nghi ngút mùi bánh chưng bánh tét bay lên thơm lựng và mùi nước mắm củ kiệu dưa hành bốc lên làm chàng bừng lên nỗi nhớ nhà nhớ quê cồn cào. Ối, mới có nửa năm tiên cảnh mà nhìn về quê xưa cái gì cũng lạ, lạ lại lên, lạ lắm cơ! 


Thế là đêm ấy, chàng chồng tục lụy dại dột ấy cứ một hai làm tình làm tội cô vợ tiên Giáng Hương, nằn nì xin phép vợ cho về Việt Nam thăm quê đôi ngày Tết, chỉ một lần này mà thôi, rồi hứa hẹn sẽ trở lại Thiên Thai chung sống trọn đời cùng nàng mà không dám xin xỏ gì thêm nữa. 

Đến nước này thì nàng Tiên Giáng Hương đã biết sự việc vỡ lỡ không phương cứu vãn bèn buồn bã bảo 

- Chàng ôi, hỏng việc rồi chàng ôi! Chàng đã trái lời thiếp dặn, không ngờ chàng lại nặng lòng trần đến vậy ! 

Ôi thôi ! 

Duyên đôi ta dứt đoạn

Tình một thuở còn vương

Chàng nằng nặc đòi về thăm quê, ôi cũng là định mệnh đã an bài, thiệt là ý trời thua ý đảng, 

Than thở một hồi rồi nàng bèn cấp cho một cỗ xe cẩm vân (via Eva e lai) để chàng cưỡi về. 

Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói:

-Ngày nao chàng nhớ đến thiếp, thì hãy mở phong bao này, mà đừng quên mối tình ngày cũ. Rồi tràn nước mắt mà chia biệt. Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến quê thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những khuôn mặt nghiêm và buồn của những người làm ở  cảng hàng không là vẫn không thay đổi vẫn màu vàng màu đỏ màu xanh lạnh tanh không một nét cười thủa nọ. Lại có thêm hàng chữ đập vào mắt chàng “No Tips No Services” làm Từ Thức càng ngớ ra chẳng hiểu chi chi mô mô … 

Bèn lấy làm buồn phiền, đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả gần đó thì ai cũng lắc, mãi sau mới có ông lão lụ khụ nói:

-Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam tứ ngũ lục thất đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn mấy trăm năm nay chẳng ai còn nhớ, Từ Thức chán quá bấy giờ mới hậm hực bùi ngùi; muốn quay lại lên xe mây để về động Thiên Thai, nhưng xe đã hóa làm một bóng chim loan mà bay mất. Bèn mở thư ra đọc, thấy có câu: 

“Kết duyên phượng trong mây 

Từ đây đà đứt đoạn 

Tóc tơ khôn căn dặn

Tình muôn thuở còn vương 

“ Là một lời tống biệt 

Là bãi bể nương dâu

Duyên năm xưa đã hết, 

Chẳng còn dịp khác đâu!"

Chàng mới hay là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Có hối cũng đã muộn, Nhớ câu sấm trạng xưa Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân … chàng bèn mặc áo khinh cừu đội nón xụp đi vào đèo Ngang tìm đường tính lối… nhưng quang cảnh cũng đã khác xưa! Vũng Áng đã là đặc khu Tung Của, toàn là chữ Ngô chữ Ngọng!? Tìm cái đèo xưa nơi bà Huyện Thanh Quan đi qua đề thơ thì đèo cũng đã đổi tên ! Lạ lắm cơ! 


Từ Thức càng chán đời càng nhớ Giáng Hương da diết, bèn ngửa cổ lên trời cuồng ca tiến thoái lưỡng nan đi, về lận đận Ngày xưa lận đận không biết về đâu ! 

Về đâu cuối ngõ ? Về đâu cuối trời ? Ngày nay lận đận không biết về đâu !

Từ đó không ai còn gặp 

Về sau cũng không ai biết! 

“Tương truyền nơi Nga Sơn, Thanh Hóa nơi còn di tích của Từ Thức, người đời nay gọi là Động Từ Thức. Động có 2 phần, phần ngoài giống như một chiếc bát úp khổng lồ trên nền đá phẳng. Nơi đây còn dấu tích đền thờ Từ Thức, phần sau gồm nhiều hang động khác được mệnh danh là các kho: kho tiền có những lớp thạch nhũ xanh hình tròn từng lớp chồng lên nhau, kho vàng là những thỏi đá óng ánh mầu vàng, kho muối là một quần thể thạch nhũ bé, trắng toát, kho gạo có những hòn đá mịn màu nâu bạc kết lại với nhau. Vào trong, một cỗ tam sinh có đủ trâu, dê, lợn, một mâm cỗ giống như mâm ngũ quả bằng đá. Càng vào sâu, lòng động rộng thêm; nơi đây tương truyền còn dấu tích buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức bằng đá với những khối thạch nhũ chảy xuống tạo nên những bông hoa, những quả đào tiên, vầng trăng và có cả những đôi chim, những thanh đá gõ vào phát ra âm thanh như chuông… Sâu hơn nữa có 2 dấu chân người in vào đá từ bao giờ, tương truyền là dấu chân Từ Thức. Một vài nụ đá xinh xắn và một vài đường nét trên một mặt đá phẳng tạo thành bàn cờ tiên. Cuộc tình huyền thoại Từ Thức-Giáng Hương được tưởng tượng bằng ''đôi gò bồng đảo'' bên một vũng nước trong suốt có thể nhìn thấy những hòn đá dưới đáy được cho là giếng tiên; ngày xưa Giáng Hương từng tắm nơi đây. “

 

Có thiệt vậy không ta ?! 


mnc 

Mùng 9 Tết Ta

MÙA XUÂN ĐỌC LẠI VÕ PHIẾN


Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn) 1925-2015, một khuôn mặt lớn của Văn Học Việt Nam ( Miền Nam) từ 1942 đến 2015. Ông quê Phù Mỹ, Bình Định là tác giả của nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tùy bút, tiểu luận phê bình văn hoá văn học  (dưới bút hiệu Tràng Thiên) 

“Ngày Tết, Nói Chuyện Ăn” là một (loạt bài) tuỳ bút của Võ Phiến viết về các món ăn quê hương như bún bò, bánh tráng …như trong bài (sưu tập) dưới đây viết vào tháng 12 năm 1972, cách nay hơn nửa thế kỷ đã được đăng trong các Tập san ở Miền Nam Việt Nam trước đây. Trong bài này ông viết về Bánh tráng Bình Định. Ngày trong phần mở đầu ông đã nhắc đến trống võ Tây Sơn qua cái nhìn của học giả Hồ Hữu Tường ( 1910-1980) cũng đã có thể gây tranh cãi của nhiều nhà “còm sĩ” hiên nay trên Fb 

“Cảo thơm lần giở trước đèn” xin “đốt lò hương cũ” trong ba ngày Xuân. 



⚜️

NGÀY TẾT, NÓI CHUYỆN ĂN 

VÕ PHIẾN 


Ông Hồ Hữu Tường quả có công đối với ông Hồ Thơm. Nhưng riêng cái khoản trống đánh một lượt mười mấy chiếc mà ông bảo là để đốc thúc ba quân dưới vua Quang Trung thì e phải lấy làm ngờ.


Trống mà lớn có nhỏ có, đánh mà nhảy tới nhảy lui, bằng dùi có, bằng cùi chỏ, bằng khuỷu tay có, đánh lên mặt trống có, lên vành trống có, nặng có nhẹ có v.v.., khi nghe lùng tùng khi lại nghe ra lắc cắc lang tang v.v.. như thế thì vui tai vui mắt, nhưng có hùng dũng gì đâu ? Giữa đám binh lính ngựa voi đông đảo ồn ào, tiếng trống ấy sợ không lọt nối vào tai quân sĩ, nói gì đến chuyện kích động tinh thần họ.


Anh Nguyễn Văn Xuân, bằng lời lẽ dè đặt, đã phi bác hoàn toàn câu chuyện nhạc võ Tây sơn với những luận cứ thật xác đáng. Theo anh Nguyễn, không chừng đây chẳng phải nhạc võ nhạc văn gì ráo, mà chỉ là thứ trống Diễu hay trống ông Ninh ông Xá, tức là một thứ trò hề trên sân khấu. Trò hề ấy không riêng ở Bình Định, bởi vậy cũng không dính dấp gì đến vua Quang Trung. (i)


Vài năm trước đây, trong một bữa tiệc ở Hán thành, tôi được trông thấy một cô gái – một cô kỹ sinh trang phục lượt thượt, đánh một giàn trống khá nhiều cái, cũng múa tới múa lui, điệu bộ đẹp để không kém anh bạn Nguyễn Phong của chúng ta ở Bình Định. Hỏi xem bên Đại Hàn ngày xưa có cái tục gái mặc áo rộng rực rỡ đánh trống thúc quân như vậy sao, mấy người bản xứ ngồi bên cạnh ngạc nhiên : Nói gì vậy ? Đâu có chuyện quân lính gì trong đó ? Đây là một một điệu sư vũ mà! 


Bấy giờ bèn chú ý nhìn y phục và chiếc mũ trên đầu : Thì ra cô kỹ sinh hóa trang làm một nhà sư. 


Vậy điệu trống với điệu múa này còn có thể do nguồn gốc tôn giáo chăng ? Nguồn gốc ấy không riêng ở Việt Nam, càng không riêng thuộc Bình Định và vua Quang Trung.


Thành thử, dù là trống diễu hay là sư vũ, dù là chuyện đùa giỡn hay là chuyện trang nghiêm, nhạc nọ đã không còn là nhạc võ « bí truyền”. Chuyện bí truyền, mười phần khó tin đến bảy tám.


oOo


Một mối ngờ vực trót nêu ra, trong lòng không tránh khỏi nỗi bâng khuâng: Bình định ngày nay vẫn lưu truyền từng kỷ niệm về vị anh hùng đất Tây sơn, vẫn quí từng chút liên hệ với vị anh hùng hai trăm năm trước.


Nếu quả Bình Định mất đi một điệu trống, phải được đền lại một cái gì chứ ? Chiếc bánh tráng nhé!


Bánh tráng (hay bánh đa) không riêng của Bình định, nhưng ở Bình định có lối ăn bánh tráng riêng, dường như ít nhiều liên quan đến một khía cạnh sinh hoạt trong quân đội dưới thời vua Quang Trung.


Trước hết hãy lướt qua những cách ăn bánh tráng thường thấy : Bánh tráng nướng, bẻ từng mảnh, nhai cúc cắc cho vui miệng trước khi bắt đầu vào tiệc: ngoài Trung ngoài Bắc, trong trường hợp này bánh tráng có vai trò đại khái như bánh phồng tôm trong Nam.


Trong dăm ba trường hợp khác, cũng thứ bánh tráng nướng, cũng bẻ từng mảnh cúc cắc, nhưng không dùng để mở đầu bữa tiệc, mà lại dùng suốt bữa ăn, từ đầu đến cuối: Chẳng hạn trong bữa thịt cầy, bữa ăn chả cá, chẳng hạn khi dùng bánh tráng xúc xác đậu xào, xúc mỡ gan cá nghéo xào ăn cho khỏi bệnh quáng gà v.v...


Cũng lại bánh tráng nướng nữa, đem giã vụn ra, hoặc dùng làm thính, hoặc trộn với thịt đầu heo, hoặc rắc lên đĩa tiết canh v.v...


Nhưng dùng được vào nhiều việc hơn, có lẽ là thử bánh tráng khô nhúng nước. Có thẻ cắt từng mảnh nhỏ, cuốn một miếng thịt, một con tôm, chiên dầu, làm món chả ram. Có thề cuốn với cua, tôm, thịt, nấm mèo, bún tàu chiên dầu, làm món chả giò. Có thề cuốn nem nướng, cuốn thịt bò nhúng giấm, cuốn. gần như không thể nói hết về cái nội dung nằm trong những cuốn bánh tráng đó. Tùy mùa tùy tiết, tùy sản phẩm địa phương, tùy tầng lớp giàu nghèo, cuốn bánh tráng thay đổi nội dung : có thể là nem là chả, cũng có thể chỉ là mớ giá sống với miếng cá nục trụng, chỉ là mớ xác đậu xào, là ít cộng rau với miếng dừa già v.v...


Bánh tráng đề cuốn có thể dùng khi nó còn ướt. Bánh ướt bên dưới, bánh khô đặt lên trên,cặp đôi với nhau, làm món bánh đập... Bánh ướt xắt ra, làm bánh phở ; xắt rồi phơi khô, dùng nấu canh, dùng trong một vài món xào v.v..


Chúng ta chỉ lướt qua đề có một ý niệm đại khái về cách dùng bánh tráng làm món ăn, chứ không mong tìm hiểu cho hết ngọn ngành. Chắc chắn trong một cuốn tự vị gia chánh dân tộc, cái phần được dành cho bánh tráng cũng dài lắm, quan trọng lắm. Tôi ao ước được học hỏi ở một công trình tổng hợp kiến thức về bánh tráng như thế. Trên mở kiến thức ấy, những ông Thạch Lam, Vũ Bằng sẽ tha hồ suy nghĩ về bánh tráng, đứng trên quan điểm nghệ thuật...


Vậy tìm hiểu cho đủ, tìm hiểu cái hay của những miếng ngon miền Bắc món lạ miền Nam vv.. thì hãy chờ ở những công trình nghiên cứu và nghệ thuật ấy. Còn như đi tìm một lối ăn bánh tráng cho thật dở thì chỉ cần đến Bình Định.


oOo


Thật vậy, cái đặc biệt ở đây chính là tại chỗ dở nhất ấy.


Tất nhiên, nói chung, ở các nơi khác ăn ra sao, thì ở Bình Định cũng như vậy: cũng bánh nướng, bánh khô nhúng nước, cũng bánh ướt, cũng xào, cũng cuốn v.v... Cái món cuốn được ưa thích nhất tại địa phương là bánh tráng cuốn “thịt lụi" (tức thịt bò “lụi” vào que mà nướng, cuốn với chả ram, với rau thơm, chấm với một thứ nước tương đặc chế). Ở chợ, ở các quán ăn, ở những đám tiệc, hội hè, xung quanh các đám hát, các chiếu bạc v.v... đều có hàng bánh tráng thịt lại.


Nhưng cái đặc biệt ở Bình Định là lối ăn bánh tráng cuốn mà không cuốn thứ gì cả, không có nội dung! Tức bánh tráng thuần túy.


Ăn như thế người ta ăn rất nhiều bánh tráng, lấy bánh tráng thay cơm. Nông dân, mỗi sáng trước khi ra đồng, nếu không kịp thôi cơm sớm, có thể dùng mấy cuốn bánh thay bữa cơm sáng. Học trò ở trọ xa nhà, thường mang theo một chồng bánh trắng hàng trăm cái, mỗi sáng nhưng nước vài chiếc, cuốn ăn điểm tâm. Những gia đình có một nghề thủ công riêng, đêm đêm thức khuya dệt vải, đập xơ dừa, chắp trấn dệt chiếu v.v... thường xúm xít tổ chức một bữa ăn khuya : lại vẫn bánh tráng nhúng nước rồi cuốn.


Cuốn như thế, nếu nhà có sẵn rau, sẵn thịt cá v.v... mà cho vào càng tốt ; nếu không sẵn (như trường hợp những cậu học trò ở trọ) thì cũng chẳng sao.


Bánh tráng mà dùng “thuần túy" như vậy có vẻ phi nghệ thuật, khó mê. Vậy mà dân Bình Định đã đâm nghiện món ăn ấy. Đi làm ăn xa, lâu ngày không có dịp ăn bánh tráng, họ nhớ quay nhớ quắt. Tìm mua cho được bánh tráng thích hợp đề ăn như thế lắm khi không dễ: đó không phải là thứ bánh quá mỏng quá mặn, không nên có mè, có tôm, có nước dừa v.v... Ở Sài gòn, những năm trước đây hiếm có nơi nào bán thứ bánh tráng đề ăn & thuần túy, chỉ một số người tìm ra chỗ mua khá hiểm hóc ở đâu vùng Ngã ba Ông Tạ, Ngã tư Bảy Hiền v.v... Họ mua, trữ sẵn trong nhà đề dùng. Thế rồi, thỉnh thoảng một người bạn thân tình đồng hương đến chơi, bắt gặp mở bánh tráng ấy, lấy làm ngạc nhiên, mừng rỡ. Rồi chủ khách tíu ta tíu tít bày tiệc : bánh tráng "thuần túy" chấm với nước cả, hay nước mắm chanh ớt. Chỉ có vậy thôi mà người bạn đồng hương nhất là bạn gái dù đã giàu sang, đã quen ăn Tây ăn Tàu v,v... vẫn lấy làm ngon. Y như người Huế đối với cơm hến, người Quảng Ngãi đổi với gion, người Sóc Trăng Trà Vinh đối với bún nước lèo v.v...


Quen với nếp cũ, có những gia đình người Bình Định, ngày nay lánh nạn về đô thị, không còn tiêu công nghệ nữa, không còn phải thức khuya làm việc nữa, vậy mà đêm đêm đàn bà con gái trong nhà cũng rủ nhau làm một chầu bánh tráng cuốn thường lệ trước khi ngủ!


Những chỗ tương đồng không nói làm gì, riêng điềm dị biệt giữa lối ăn bánh tráng ở Bình Định và ở các nơi khác có thể phát sinh một thắc mắc : Tại sao nơi dùng nhiều bánh tráng nhất, nơi sở trường về bánh tráng, lại bằng lòng với một món ăn xoàng như vậy, dở như vậy ?


Thật ra cái khác biệt căn bản là: ở các nơi, bánh tráng dùng đề chế biến ra món ăn; ở Bình Định, nó được dùng thay cơm gạo. Bữa bánh tráng tại đây có những trường hợp thay thể cho bữa cơm, bữa cháo !


Và chính vì thế mà có thể ngờ rằng lối ăn ấy đính líu đến vua Quang Trung. Nó bắt nguồn từ một sáng kiến trong quân đội Tây Sơn chăng ? Nó là thứ lương khô, là món đồ hộp của thế kỷ trước, trong một quân đội nổi tiếng di hành cấp tốc chăng ?


Binh sĩ hàng vạn mà nấu cơm nấu đồ ăn cho xong một bữa thì dình dàng khá lâu. Đàng này, gặp lúc cần kíp, chỉ cần nhúng bánh tráng vào nước, cuốn lại, là rồi. Trong những trường hợp ấy, quân địch nấu nướng, quân Tây Sơn không phải nấu ; quân địch ăn ngồi, quân Tây Sơn ăn đi ăn chạy. Bánh tráng đã có phần đóng góp của nó vào chiến thuật hành quân của vua Quang Trung chăng ? đã cống hiến cho Người một lợi thể quý báu đề tranh thủ thời gian với địch chăng ? Như vậy, trong những cuộc hành quân thần tốc từ Nghệ An ra, đánh rốc Ngọc Hồi, Hà Hồi, đánh thẳng tới Thăng Long, mà quân Thanh không kịp trở tay, có phải bánh tráng cũng góp một vai trò cứu quốc chăng ? Trong lịch sử dân tộc, trong lịch sử chống Bắc xâm nên dành một chương cho bánh tráng chăng?


Vua Quang Trung sở trường về đối đánh chớp nhoáng. Sử sách dường như có nhắc đâu đó cái sáng kiến dùng một chiếc võng cho ba người lính : một kẻ nằm hai người khiêng chạy lúp xúp, luân phiên thay đổi nhau, ngày đêm có thể di chuyên không cần ngừng nghỉ. Sử không nhắc đến bánh tráng. Bởi vậy, những suy đoán của kẻ hậu sinh lúc này thật phiêu lưu. 


Dù sao một món lương khô thịnh hành ở chỗ quê hương của vua Quang Trung: đó cũng là đề tài đán suy nghĩ, khả dĩ đưa đến một vài giả thuyết.


oOo


– «Dù sau, không nên suy nghĩ về cái giả thuyết vua Quang Trung phát minh ra bánh tráng, Vua Quang Trung là một thiên tài lớn, nhưng chúng ta đừng tham lam dồn quá nhiều thứ lỉnh kỉnh vào cái thiên tài ấy.


Hãy tưởng tượng: Nếu ngày nay, trong một quân đội nào đó, chúng ta bắt gặp một món đồ hộp vừa gọn nhẹ vừa bổ dưỡng, nghĩa là tiện dụng hơn những món thông thường ở các quân đội khác, bất quá ta chú ý đến nhà thầu cung cấp, đến kỹ thuật của một xưởng chế tạo thực phẩm, hay đến ông giám đốc quân nhu, thế thôi.


Lẽ nào bốc thơm đến cả vị tổng tư lệnh chỉ vì chút chuyện ấy? Ngày xưa, vua Quang Trung cũng không hơi đâu mà lo..


– Nói thế có lý, nhưng e không đúng ý các nhà quân sự của chúng ta xưa kia...


– Ơ ! Xưa kia, các tay to như Tôn Vũ, như Khương Thượng v.v... đâu có ý kiến gì về những chuyện nhỏ nhặt ấy ?


– Phải. Trong những cuốn binh pháp của Tôn Vũ, của Ngô Khởi, trong Lục thao, Tam lược của Khương Thượng, của Hoàng thạch Công v.v... toàn luận về thiên thời địa lợi, về phép điều binh khiển tướng, về những chuyện trên trời dưới đất, cao xa thâm thúy, chứ không thấy có chuyện cái ăn cái uống của lính tráng. Nhưng các vị ấy không phải là chúng ta”, là người Việt Nam.


Trái lại, trong cuốn Binh Thư Yếu Lược của đức Trần Hưng Đạo có hẳn một chương về quân nhu. Vị tướng này xác định : "Lương thực là nhu cầu tối thượng của nhân dân, là sinh mạng của binh sĩ,.." và Người đã nghiên cứu chỉ dẫn tỉ mỉ những cách thức nấu ăn cho được nhanh chóng, những món lương khô gọn nhẹ v.v... Người dạy cho kỵ binh phép nấu cơm trên lưng ngựa: tay cầm ống tre đựng gạo nước, vừa cưỡi ngựa vừa đun cơm bằng đuốc ; như thế lính có «cơm ăn ngon lành, tinh thần thêm hăng hái, gặp địch đánh ngay, không ai địch nồi.» Người lại có những toa thuốc bổ, tán nhỏ, viên thành hoàn, mỗi lần uống một viên cả ngày không đói. Người còn mách những món lương khô như bánh nai (?), như cơm số (?) v.v... Người bày ra cách lấy đậu nấu chín tán nhuyễn, trộn với muối, vắt thành hột táo, phơi khô, mỗi khi ăn lấy ra hòa với nước thay tương, có thể dùng trong năm mươi ngày v.v...


Sự chu tất ấy không thấy ở các nhà quân sự Trung Hoa.


Tất nhiên, không thể đi đến một nhận định khái quát rằng đó là một đặc điểm dân tộc, nhưng tại sao chúng ta không thể nghĩ vua Quang Trung cũng có những mối quan tâm lo lắng như đức Trần Hưng Đạo ?


– Dù vậy cũng không chắc vua Quang Trung phát minh ra bánh tráng.


– Đúng thế. Và chúng ta không mong tìm ra được kẻ “phát minh” ấy. Về phần vua Quang Trung, có thể Người chỉ có công chú ý, phát huy món bánh tráng ăn thay cơm mà thôi. Như thế đủ rồi : chúng ta chỉ muốn nói đến “một khía cạnh sinh hoạt trong quân đội dưới thời thời vua Quang Trung”, đến một chút liên hệ với vị anh hùng...


Quả thực không có một bằng chứng rõ rệt đưa đến một xác quyết.


oOo


Bánh tráng dân tộc, trải hàng nghìn năm nó không nhích được sang Tàu, nhưng bây giờ thì nó có cơ hội tiến xa: Đầu năm ngoái, do một thỏa ước kinh tế giữa Việt Nam Cộng Hòa và Hoa kỳ, hai trăm tấn bánh tráng được phép vượt Thái Bình Dương bay sang Mỹ. Thế là thỏa chí tang bồng.


Xuất ngoại sang Tây phương, có lẽ hầu hết chúng sẽ biến thành chả giò, món hâm mộ của anh lính đồng minh sang Việt Nam. Còn như cái lối ăn bánh tráng thuần túy, thì chắc chắn là chẳng bao giờ nó ai Mỹ đi Tây được. Bất quá nó theo chân người dân Bình Định mà vào đen Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Quốc...! những nơi có nhiều ngư dân gốc Bình Định vào sinh cơ lập nghiệp, 


Nghĩ cho cùng, nó không xuất ngoại cũng là cái hay ; bí truyền mà.


VÕ PHIẾN

12-72


(1) Nguyễn văn Xuân – Tiếng trống -nhạc võ và tiếng trống phê bình : Bách Khoa số 277, ra ngày 15-7-1968

NGÀY XUÂN LẠM BÀN CHỮ NGHĨA [2] : MÃO hay MẸO

  Mão hay Mẹo 

Trong 12 con giáp của niên lịch đông phương, mỗi con giáp có tên tương ứng với một con thú đại diện chẳng hạn Tý là Chuột, Sửu là Trâu, Dần là Cọp …chỉ riêng con giáp thứ tư hơi phức tạp vì nó có đến 2 tên gọi Mão hay Mẹo  tương ứng với con Mèo ở Việt Nam và con Thỏ ở các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vì thế ngay trong những ngày Tết vui vẻ năm nay Quý Mão đã gây tranh cãi về cách gọi Mão hay Mẹo sôi động đến độ gay gắt giữa hai phe Nam Bắc om sòm trên Fb. Có anh quá khích bảo Mẹo mới đúng còn Mão là chữ Việt Cộng chữ của phe Phỏng Giái 

Vậy Mão hay Mẹo chữ nào đúng đây ?! 

Tra Hán Việt Từ Điển cho thấy 卯 ( bộ tiết 卩, đốt tre ) âm Hán Việt là Mão hay Mẹo và giải nghĩa là: 

1. (Danh) Chi “Mão”, chi thứ tư trong mười hai “địa chi” 地支.

2. (Danh) Từ năm giờ sáng đến bảy giờ sáng là giờ “Mão”.

3. (Danh) Lệ các quan làm việc từ gìờ “Mão”, cho nên điểm tên gọi là “điểm mão” 點卯, xưng đến tên dạ lên gọi là “ứng mão” 應卯, sổ sách gọi là “mão bạ” 卯簿, lập ra kì hẹn để thu tiền lương và so sánh nhiều ít gọi là “tỉ mão” 比卯. Tây du kí 西遊記: “Mỗi niên hiến cống, tứ thì điểm mão” 每年獻貢, 四時點卯 (Đệ tam hồi) Mỗi năm cống hiến, bốn mùa điểm danh.

4. (Danh) “Mão nhãn” 卯眼 lỗ mộng, ngàm. § Cũng gọi là “duẩn nhãn” 筍眼, “chuẩn nhãn” 榫眼.

Vậy chi Mão không phải là “từ Việt cộng” mà là từ Hán Việt. Cả miền Nam đều dùng chỉ những năm con Mèo và in rõ ràng trên các báo Xuân VNCH như các tấm hình xưa còn lưu lại trên mạng Internet 

Vậy tại sao lại gọi MÃO là MẸO. Mẹo là âm tiếng Hán Việt xưa của Mão, 卯 và cũng có thể là do cách biến âm ao ~ eo trong tiếng Việt. Thí dụ như Con BÁO = con BEO , Nước LÀO = Nước LÈO , TRẠO phu : Phu CHÈO thuyền …

Nên Tuổi Mẹo cũng có thể gọi Tuổi Mão, năm Kỷ Mẹo = Kỷ Mão cũng không hề sai, Ngoài Bắc thường dùng chữ Mẹo nhưng trong Nam hay dùng chữ Mão 

Về chữ mẹo là Mão cũng cần nói thêm là trong giới thợ mộc ta bây giờ vẫn dùng hai chữ “mộng mẹo” có nghĩa là làm mộng và lỗ mộng hay “mẹo mực” trong nghề mộc của mình, trong khi Tiếng Hán có thành ngữ duẫn đầu mão nhãn, có nghĩa là mộng và lỗ mộng. 

Ông bạn Fb của tôi viết một hồi ức rất hay nhân mùa Xuân Quý Mão 2023 để nhớ lại chuyện cũ 48 năm trước cũng bị mấy ông thần còm biểu nên sửa sai Quý Mão thành Quí Mẹo thì hay hơn !? Hehehe 

Vậy nhé! Mão và Mẹo ! Úm ba la hai ta đều đúng! 

Năm con Mèo thiệt đúng là lắm chiện 

mnc 








(Xin xem hình minh họa về Mẹo hay Mão )


NGÀY XUÂN LẠM BÀN CHỮ NGHĨA : AN & YÊN

 Ngày Xuân lạm bàn chữ nghĩa 

Mấy ngày Tết vừa qua, tôi có nhận được những lời chúc Xuân từ các em, các cháu và các bạn trong nước gửi đến với nhiều cách khác nhau.

Những lời chúc tốt đẹp đầu năm quả là một điều đáng mừng trong năm mới Quý Mão này. Tôi rất trân trọng cảm ơn tất cả mọi người. 

Nhưng lẫn trong những từ ngữ chúc Tết chúc Xuân quen thuộc như an khang, thịnh vượng, hạnh phúc, như ý … có lời chúc lại dùng hai chữ “an yên”  thành một cặp chữ đi liền với nhau. Hơi lạ đây vì tôi chưa từng gặp, từng đọc thấy trong văn viết cũng như văn nói hai cặp chữ AN YÊN liền nhau này. 

Khá ngạc nhiên và có lẽ mình xa quê đã lâu nên mình lạc hậu quá chăng 

Bèn hỏi thử bác google xem sao, bác í liền cho ra khoảng 127.000.000 kết quả nhưng không bảo an yên là gì. Nhà Wikikienthuc thì giải thích như sau: 


“An yên là gì – đây là câu hỏi của rất nhiều người khi gặp từ an yên. Thì để giải thích thì An Yên là một từ hán việt mới nổi lên dạo gần đây. Tuy nhiên, các bạn trẻ lại rất sính dùng từ này và hay nhắc đến cuộc sống an yên tự tại. Từ an yên được tách nghĩa như sau:

An: Chỉ sự an toàn, an lành

Yên: Chỉ sự bình yên, yên ả

Khi ghép 2 từ này lại thì ý nghĩa của từ An Yên chính là sự bình yên, tự do tự tại, vô lo vô nghĩ.” (https://wikikienthuc.com/an-yen/)

Nhà cậu Babla.cơm.vn cắt nghĩa thêm như ri 

“an yên (also: an tâm, không lo lắng, not worried {adj.}

an yên (also: an hảo, an tịnh, bình yên, bình an, bằng yên, bất bạo động, bình lặng, êm ấm, êm đẹp, thanh bình, peaceful {adj.}”

Sau khi truy tầm AN YÊN trên mạng xong, tui thiệt tá hỏa tam tinh lục phủ ngũ tạng vì cái sáng chế chữ nghĩa kiểu các bạn trẻ trong nước. Thiệt là khâm phục quá xá! Cỡ Khổng tử sống lại đời nay cũng la lớn:-  Ô hô ai tai! Hậu sinh khả uý ! Kính nhi viễn chi.. 

⚜️

 AN và YÊN là cách viết khác nhau trong Việt ngữ, có gốc từ nguyên cùng  1 chữ Hán  安. 

Chữ 安 này âm Hán Việt đọc là An hay Yên. 

Chiết tự chữ Hán thì Chữ An=Yên=安 gồm hai phần và là chữ tượng ý

Phần trên là bộ Miên = 宀 có nghĩa là “lợp, trùm, nóc nhà” chỉ cái mái nhà lợp trùm lên trên cái nhà.

Phần dưới là chữ Nữ=女 (bộ Nữ) là người con gái.

Ý chữ AN ( YÊN) gồm bộ miên che chở bên trên chữ NỮ. Có ý nghĩa người con gái được che chở thì AN (hay YÊN) 


Hai từ chữ Hán  An=Yên=安 trên là cùng một chữ gốc và cùng một nghĩa như nhau, mà khi đã dùng từ này thì không dùng từ kia và tuỳ ngữ cảnh mà dùng. Tỷ như : An cư lạc nghiệp 安居樂業 yên ở vui với việc làm. bình an, bình yên 平安, trị an, trị yên 治安, v.v…, 

- Việc nhân nghĩa cốt ở yên (an) dân, Quân điếu phạt chỉ vì trừ bạo ( Bình Ngô Đại Cáo) 

- Chúng ta sống yên ổn hay sống an ổn đều cùng nghĩa 

- Mong cầu bình an ( hay bình yên) trong cuộc sống.


Hà cớ gì các bạn trẻ trong nước lại dùng hai chữ AN YÊN ngây ngô, trùng lặp nghĩa lại phản ngôn ngữ học như là một sáng tạo chữ nghĩa rất vô bổ nhỉ. 


Cần biết thêm là, không  chỉ các bạn trẻ trong nước, mà ngay các bạn đồng trang lứa với tôi từng tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa và Sư Phạm Việt Hán đào tạo từ nền Giáo Dục VNCH trước đây cũng dùng AN YÊN này chúc Tết đến tôi. Các bạn nghĩ gì mà ăn theo chữ nghĩa ngây ngô này nhỉ?! 

Chúng ta đã từng có chữ AN NHIÊN rất chính xác và đúng ý nghĩa để dùng 

Ngày Xuân Ngày Tết chúc nhau một cuộc sống AN NHIÊN TỰ TẠI không hay hơn AN YÊN sao ? Thưa quý bạn ta.